Đại đức Ananda, thị giả của Đức Phật, đã phục vụ Đức Phật trong suốt 25 năm. Đã nhiều lần, Đức Phật yêu cầu ngài hãy cố gắng phấn đấu để đạt được sự Giác ngộ.
Họ cương quyết rằng Đại đức Ananda phải đạt được Giác ngộ trước ngày mà hội đồng đã dự kiến cho hội nghị kiết tập Kinh điển là vào tháng thứ ba sau khi Đức Phật nhập Níp – bàn. Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ khưu, hãy hành thiền. Đừng phóng dật. Đừng để cho tâm mình đầy phiền não. Đừng than van, khóc lóc rằng “Cuộc đời này đầy rối rắm, khổ sở, đau khổ và sầu bi”. Tâm không được huấn luyện qua việc thực hành chánh niệm sẽ tạo nên sự căng thẳng, lo lắng và âu lo. Đừng tiếp tục than khóc và lập đi lập lại mãi các sai lầm giống nhau. Các ông không thể chạy trốn thực tại. Cuộc sống không phải là màu hồng. Nó có những thăng trầm và những sự va chạm. Đây là những thực tế mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày.”
Việc thực hành chánh niệm tương tự như thiết bị giảm xóc trong một chiếc ô tô. Nếu thiết bị giảm xóc không tốt, bạn sẽ thấy khó khăn như thế nào khi lái xe. Cỗ xe này của chúng ta – thân và tâm, sự kết hợp này – đầy những khoảnh khắc khó khăn như vậy. Chẳng có nơi nào có thể chạy trốn khỏi chúng. Cho dẫu bạn có lên tới mặt trăng ( chuyện này ngày nay cũng làm được thôi), bạn vẫn phải đem theo cái thân và tâm với đủ loại chướng ngại vẫn đang tồn tại trong tâm. Bạn không thể để chúng lại ở đây và đi tới kia. Bất cứ bạn đi đến đâu, chúng kiên trì bám theo bạn, và chúng làm bạn phiền não, ngày lẫn đêm. Để loại trừ phiền não, hầu hết mọi người đều thử nghiệm với ba giải pháp sau.
Họ nhận thức vấn đề là “ ở đằng kia, tự trong thế giới”. Vì vậy, họ nghĩ rằng bằng cách sửa đổi thế giới, cố gắng giải quyết những căn bệnh của xã hội, họ có thể giải quyết các vấn đề của họ. Họ mong ước làm cho môi trường “ lành mạnh, tốt đẹp” và không có các vấn đề. Chỉ khi đó họ mới có thể sống hạnh phúc. Vì vậy họ cứ hăng say, đôi khi trở nên bị ám ảnh, trong việc cố gắng làm trong sạch xã hội. Dĩ nhiên, mong ước để cải thiện những căn bệnh của xã hội – tự thân nó – đáng được biểu dương. Họ nhận thấy sự đau khổ và khởi lòng bi mẫn và rồi hành động. Toàn bộ thời gian của họ có thể bị công việc cố gắng sửa chữa những căn bệnh của xã hội chiếm hết. Có thể họ nghĩ rằng (làm như vậy là) họ đang tự giữ cho bản mình thoát khỏi mọi rối rắm mà không hề nhận thức được rằng trong thực tế họ đang bỏ quên các rối ren của chính họ. Họ tiếp tục có những nỗi đau và nỗi khổ không được quan tâm của chính họ, chủ yếu là do họ không có thời gian dành cho chính mình. Những người này rất giàu lòng trắc ẩn, hiểu biết, sẵn sàng phụng sự xã hội mà không cần được đền đáp. Chúng ta đã từng đọc nhiều bài tường thuật tuyệt vời về những con người cao thượng như vậy, những người dâng hiến cuộc đời của mình cho xã hội mà không màng đến sự chứng ngộ giải thoát cho chính mình. Những hoạt động hướng ngoại có thể gây trở ngại cho việc giải quyết những vấn đề của chính bản thân.
Mặc dù chúng ta sống trong xã hội cùng với mọi người, nhưng mỗi chúng ta đều có một thế giới nhỏ của riêng mình, có quan điểm riêng, cảm nhận riêng và sự hiểu biết riêng về thế giới. Mỗi người sống theo sự nhận thức, và thế giới quan của chính mình. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng tất cả những vấn đề mà chúng ta trải nghiệm đều đến từ thế giới bên ngoài. Vì vậy, chúng ta hướng năng lượng ra ngoài, tin rằng nếu đặt hết tâm trí của mình vào việc làm một điều gì đó để sửa đổi thế giới sẽ giải quyết những vấn đề của chúng ta.
Cách suy nghĩ thứ hai mà người ta theo đuổi để giải quyết các vấn đề của họ là nghĩ rằng chẳng có vấn đề gì cả. Họ tin rằng mọi sự đều là do tưởng tượng. Họ nghĩ: “ Tự mình tôi hiện hữu, tôi quan trọng nhất, mỗi mình tôi là quan trọng thôi, và chẳng gì khác quan trọng đối với tôi.”
Cách thứ ba để giải quyết những vấn đề cá nhân là trốn chạy nó.
Chúng ta có thể nhận được sự an ủi tạm thời, thoải mái tạm thời khi nghĩ rằng vấn đề hiện hữu ở ngoài kia, ở thế giới bên ngoài, hoặc là nó không hiện hữu, hoặc là hướng sự suy nghĩ của chúng ta đến một việc gì đó, phớt lờ vấn đề hoặc chạy trốn vấn đề.
Giải pháp thực sự không nằm trong những phương cách này. Giải pháp thực sự, theo lời dạy của Đức Phật, là khám phá ra phương thức để làm sạch cái công cụ, cái tác nhân làm cho thế giới hạnh phúc hay bất hạnh, an bình hay khốn khổ, dễ chịu hay khó chịu. Cái công cụ tạo ra những rối rắm và đau khổ cho mọi người. Cái công cụ đó chính là tâm của chúng ta. Thanh lọc cái tâm này là một trong những mục đích của thiền Vipassana.
Như tất cả chúng ta đều biết, mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của ta đều xuất phát từ tâm. Tâm là kẻ dẫn đầu. Tất cả các trạng thái mà ta trải nghiệm đều do tâm tạo. Chúng được tạo ra trong tâm, tâm điều khiển và hướng dẫn chúng: Tâm biến chúng thành hành động. “ Tâm (ý) dẫn đầu mọi hành động: Tâm (Ý) làm chủ, tâm (Ý) là kẻ tạo tác. Hành động hay nói năng với một trạng thái tâm ô nhiễm thì khổ đau sẽ theo sau như bánh xe theo sau chân con bò. Hành động hay nói năng với trạng thái tâm trong sạch, thì hạnh phúc sẽ theo sau giống như bóng liền với hình”. (Pháp Cú 1-2)
Hình ảnh giống hình ảnh con bò kéo xe là thích hợp nhất để minh họa cho các vấn đề của chúng ta. Con bò đang kéo xe đâu có thích thú gì khi phải kéo cái xe. Nó đâu có hạnh phúc gì với gánh nặng này, đó không phải là niềm vui. Con bò đáng thương đang kéo xe này đang trải phải qua quãng thời gian khốn khổ. Cả sức nặng của chiếc xe đè lên vai nó và nó đau đớn. Số phận của con bò lẽ ra đã tốt hơn nếu nó không sinh ra làm bò.
Tình cảnh của con bò được so sánh với sự duyên hợp của vô minh và mê muội – không thấy được sự thật (chân lý) như nó thực là. Một cuộc sống chưa giác ngộ thì chất chứa đầy vô minh và tạo ra đủ loại phiền não. Do đó, người chưa giác ngộ hành động, nói năng, suy nghĩ với tâm ô nhiễm sẽ rất giống với con bò, luôn luôn chịu khổ đau vì phải kéo chiếc xe nặng này. Ngược lại khi chúng ta nói năng hay làm điều gì đó với tâm trong sạch, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, vì không có sự hối tiếc, không đau khổ nào theo sau chúng ta.
Mục đích của chúng ta trong cuộc sống là trau dồi bản thân từng ngày và trở nên hạnh phúc. Chúng ta làm nhiều thứ để có được hạnh phúc. Tuy nhiên, hầu hết những việc mà chúng ta làm để được hạnh phúc thì lại tạo ra bất hạnh, khổ đau và rối ren vì tâm của chúng ta không thanh tịnh. Chính cái tâm thanh tịnh mới tạo ra hạnh phúc, chứ không phải là cái tâm bất tịnh. Vì vậy, mục đích đầu tiên của thiền tập là thanh lọc tâm, việc này tạo ra sự an bình và hạnh phúc.
Mục đích thứ hai của thiền tập là để vượt qua phiền muộn và sầu bi. Khi một hành giả bắt đầu thấy được sự thật (chân lý), vị ấy có thể chịu đựng và chế ngự phiền muộn, sầu bi do vô thường gây ra.
Mục đích thứ ba của thiền tập là để vượt qua khổ đau, thất vọng do tham và sân gây ra.
Mục đích thứ tư của thiền tập là để bước đi trên con đường trí tuệ, con đường chân chánh đưa đến sự thoát khỏi sầu muộn, buồn phiền , thất vọng, khổ đau và sầu bi. Đó là con đường của chánh niệm –con đường duy nhất giải thoát ta khỏi khổ đau.
Mục đích thứ năm của thiền tập là để tự giải thoát chúng ta hoàn toàn khỏi tâm bệnh và phiền não và giải phóng tâm chúng ta khỏi sự trói buộc của tham, sân và si.
Năm mục đích này là năm mục đích rất cao thượng. Tất cả những mục đích khác trong thiền tập có thể không cần được chú ý đến vì chúng không thể tạo ra những kết quả này, giúp cho chúng ta thực sự bình an và hạnh phúc bằng cách loại trừ các vấn đề của chúng ta. Chúng ta không cố gắng phớt lờ hay lãng tránh các vấn đề của chúng ta mà phải đối mặt với chúng một cách chánh niệm, và giải quyết chúng ngay khi chúng vừa sinh khởi trong tâm của chúng ta.
Một số người đơn giản chỉ muốn hành thiền mà không muốn có chút kiến thức cơ bản nào về thiền. Họ nghĩ rằng kiến thức về mặt lý thuyết chỉ gây trở ngại. Thái độ này có thể so sánh với thái độ của người lữ hành muốn đi đến một địa điểm nào đó – chẳng hạn như thủ đô Washington (của Hoa Kỳ). Anh ta rất tự tin nơi khả năng của mình và nghĩ rằng chỉ cần sự tự tin thôi là đủ để đưa anh ta đến đích. Người này có thể có một phương tiện di chuyển – một chiếc ô tô. Và rồi anh ta leo lên xe, ngồi đằng sau tay lái, và bắt đầu lái đi.
Tuy nhiên anh ta chẳng chuẩn bị gì cho cuộc hành trình, chẳng có sự hiểu biết gì về những con đường, tình trạng của chúng hay sự hiểu biết về thời tiết. Anh ta cũng chẳng nghiên cứu bản đồ. Tất cả mọi thứ anh ta có là chiếc xe, sự tự tin và một số kinh nghiệm về việc lái xe. Có thể xe đã có đầy đủ xăng, dầu và những thứ khác, vì vậy, người lữ hành ngồi vào trong xe và bắt đầu lái đi. Anh ta có thể lái xe đi rất xa, tiêu tốn không ít tiền đổ xăng, thời gian và sức lực. Thật vậy, việc lái xe có thể đưa anh ta đến một nơi nào đó, nhưng không nhất thiết đến nơi mà anh ta muốn đến. Một người lái xe khôn ngoan, ngược lại, sẽ nghiên cứu thật kỹ bản đồ, quyết định dùng những con đường vòng để tránh bị tắc đường, và có thể tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm hơn.
Nếu người lái xe này muốn đến thủ đô Washington – và nếu có một nơi được gọi là thủ đô Washington – người lái xe sẽ tìm thấy nó. Tương tự, chúng ta cũng cần có một mục đích trong thiền tập. Chúng ta muốn đạt được mục đích này và biến mục tiêu thành hiện thực. Và như vậy chúng ta cần phải có một số hướng dẫn. Chúng ta không nhất thiết cần thật những triết lý và lý thuyết viễn vông. Nhưng những hướng dẫn là các bảng chỉ đường để đi theo, nhằm giúp chúng ta biết chắc (chứ không phải là đoán) là chúng ta đang đi đúng hướng. Dĩ nhiên sự tự tin, cũng cần thiết, nhưng chỉ thế thôi thì không đủ. Chúng ta cũng cần sự hiểu biết và kiến thức về mặt lý thuyết.
Vậy thì thiền là gì? Chúng ta đạt đến mục tiêu này bằng cách thanh lọc tâm, vượt qua đau buồn và sầu não, vượt qua đau khổ và thất vọng, đi được trên con đường đưa chúng ta đến sự giải thoát khỏi khổ đau và luân hồi – thế giới của sinh tử này – như thế nào?
Có một cách để đạt được điều đó. Khi nói đến”Cách”, nó có thể làm cho nhiều người ngoảnh mặt. Có thể họ nghĩ rằng người nói đang cố gắng bán một món hàng gì đó và đang cố gắng đả phá mọi thứ trên đời, nên họ nói, “Nếu đó là cách duy nhất, chúng tôi không sẵn sàng mua đâu”. Khi bạn muốn đi đến thủ đô Washington, có một số cách để đi đến đó. Ngày nay đi bằng máy bay là nhanh nhất. Thưở trước, người ta thường đi bằng xe ô tô, thuyền hay đi bộ. Bất cứ phương tiện di chuyển nào, chúng ta vẫn phải đi hết quãng đường cụ thể thì mới đến được thủ đô Washington. Điều quan trọng ở đây là chúng ta đến được đó – dầu bằng phương tiện nhanh hay chậm. Do đó, “Cách” đây có nghĩa là “Con đường Chánh niệm” bắc qua một khoảng cách hoặc khu vực nào đó để giúp chúng ta đến được nơi mà chúng ta muốn đến.
Tuy nhiên, ở đây con đường chánh niệm không nằm trong một khu vực hoặc không gian địa lý. Nó ở trong chính tâm của chúng ta. Chúng ta phải làm một số việc. Việc làm đó cũng là “Cách” – con đường để tu dưỡng tâm của chúng ta nhằm hoàn thành cuộc hành trình này. Tu dưỡng tâm có nghĩa là thực hành chánh niệm. Khi chánh niệm vắng mặt, khi chúng ta chẳng lúc nào có chánh niệm, thì chúng ta bị bẫy trong những chuyện đánh lạc hướng chúng ta. Chúng ta bị mắc kẹt trong đủ loại nhầm lẫn. Chúng ta không thể hiểu sự vật như chúng thực là.
Để chúng ta đến được nơi muốn đến, chúng ta cần hiểu rõ mình đang ở đâu. Sự hiểu biết rõ ràng đến từ chánh niệm. Bất kể cách nào khác (với chánh niệm) mà chúng ta làm hay thực hành theo, chúng đều có mục đích và mục tiêu riêng của chúng và chúng ta hiểu rằng những cách này không giúp thanh lọc tâm.
“Chúng tôi canh tác một thửa đất”, chúng ta hiểu điều gì khi chúng ta nói như vậy. Chúng ta biết rằng phải có đất và một số phương tiện để canh tác. Chúng ta phải làm một số công việc, chẳng hạn như đốn cây để giải phóng mặt bằng, diệt cỏ, cày đất tới lui và bón phân. Rồi chúng ta gieo hạt, chăm sóc chúng để phát triển một số cây trồng. Thiền tập cũng tương tự như vậy, chúng ta cần phải tu dưỡng tâm trí. Chúng ta không cần phải ngồi một chỗ, đợi cho một điều gì đó xảy ra. Như vậy chúng ta có thể đợi vô thời hạn, hoặc là đợi rất lâumà chẳng thấy được điều gì xảy ra.
Chúng ta có thể nói rằng mình đã dành nhiều thời gian cho thiền tập. Nhưng ngồi một chỗ không làm gì cả thì không phải là hành thiền. Và cũng vậy, đơn giản lúc nào cũng chỉ theo dõi hơi thở của chúng ta thôi cũng không đủ. Dĩ nhiên, chánh niệm trên hơi thở là một phần quan trọng của thiền tập. Chỉ theo dõi hơi thở mà không có chút chánh niệm nào thì có thể được gọi là thực hành thiền tĩnh lặng ( thiền chỉ) – tuy nhiên – sẽ không có Chánh Định nếu không có chánh niệm. Chúng ta, tuy vậy, cũng bắt đầu với việc theo dõi hơi thở của và phương pháp thiền Phật giáo hoàn toàn khác biệt này (so với thiền tĩnh lặng) được gọi là Vipassana hay thiền Nội quán. Có những hướng dẫn cho việc thực hành thiền Nội quán hay Vipassana. Những hướng dẫn này có thể tìm thấy trong kinh Tứ Niệm Xứ.
Bốn nền tảng chánh niệm là: Chánh niệm trên Thân, Chánh niệm trên Cảm thọ, Chánh niệm trên Tâm và Chánh niệm trên Pháp. Chúng ta sẽ lần lượt giải thích chúng sau đây:
Tôi xin giải thích phần đầu tiên – Chánh niệm trên Thân. Chánh niệm trên Thân được chia làm sáu phần. Đầu tiên là Chánh niệm trên hơi thở. Tại sao hơi thở lại được bao gồm trong chánh niệm trên thân? Vì hơi thở là một phần của thân. Thân này, như chúng ta biết, được tạo thành bởi bốn yếu tố căn bản (tứ đại): yếu tố căng cứng (đất), yếu tố kết dính (nước), yếu tố nóng lạnh (lửa) và yếu tố gió ( đẩy hay chuyển động). Vì vậy, khi chúng ta thực hành chánh niệm trên thân, chúng ta bắt đầu bằng chánh niệm trên hơi thở, và hơi thở là yếu tố gió.
Khi thực hành chánh niệm trên thân, chúng ta không trú trong một miền đất thần tiên tưởng tượng nào đó. Chúng ta không đang cố gắng để tự thôi miên. Chúng ta không cố gắng để khám phá những yếu tố huyền bí còn đang giữ kín trong vũ trụ. Chúng ta không đang cố gắng để hòa nhập với vũ trụ, để trở thành “Một” với vũ trụ. Tất cả chỉ là những từ nghe có vẻ thú vị vậy thôi. Chúng ta đang cố gắng sử dụng ngay chính cá tính này của chúng ta: thân và tâm của chính chúng ta. Chúng ta quán chiếu thân, tâm, và các sinh hoạt của chúng, chúng ta quán sát chúng bởi vì chúng là những thứ mà đi đâu chúng ta cũng mang chúng theo với chúng ta. Thân và tâm này là phòng thí nghiệm của chúng ta. Mọi thứ mà chúng ta cần làm việc với đều ở đó –nguyên liệu, hóa chất, gió, lửa, nước, đất –tất cả đều ở đó. Chính trong thân này, trong cái cá tính đó mà chúng ta tìm thấy tất cả những thứ này.
Phòng thí nghiệm của tôi là là thân và tâm này. Tôi luôn cố gắng quan sát chúng trong tôi. Tôi không thể làm việc trong phòng thí nghiệm của bạn. Các bạn phải làm việc trong phòng thí nghiệm của các bạn. Hấu hết chúng ta bỏ quên chính phòng thí nghiệm của chính mình và cố gắng lẻn vào phòng thí nghiệm của người khác. Chúng ta cố gắng nhìn xem đằng đó đang ăn gì, đang làm gì, đằng đó là ai và đang kết giao với ai, đằng đó đi đâu, đang đọc gì, có bao nhiêu tiền v.v… Chúng ta luôn quên chính phòng thí nghiệm của chúng ta. Có thể chúng ta chẳng bao giờ biết được phòng thí nghiệm trong chính chúng ta thì có những gì. Chúng ta, trong việc thực hành thiền Nội quán, trở nên là những người hay xem xét nội tâm, quan sát một cách chánh niệm và cẩn thận những gì đang xảy ra nơi đây trong thân và tâm này ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Thiền Vipassana là như vậy đó; là sự quán sát có hệ thống vào trong phòng thí nghiệm trong chính mỗi chúng ta.