Pháp Thoại “Trăng Từ Bi”

Không có hạnh phúc nào hơn khi đi trong đêm u tối mà có được ánh trăng mát dịu soi đường. Cũng vậy giữa đường đời vô minh, Trăng Từ Bi xuất hiện soi sáng thế nhân. Đó là sự xuất hiện của Đức Phật trên đời.

Đêm 14/08/Đinh Dậu, nhằm ngày 03/10/2017, Thầy Viện chủ đã có một thời pháp thoại cho toàn thể Hội chúng với chủ đề “Trăng Từ Bi”.

Trong pháp thoại, Thầy nói: “Trăng” là chủ đề muôn thuở của không biết bao nhiêu văn hào, thi sĩ, họa sĩ miêu tả vẻ đẹp của ánh trăng. Mỗi người sẽ có những cái nhìn khác nhau về trăng, trăng cho ta nhiều cảm xúc, ý nghĩa, giá trị trên cuộc đời.

Chúng ta có mặt trên đời hai mươi, năm mươi hay một trăm năm rồi cũng phải giả từ cõi đời, nhưng ánh trăng vẫn tự thưở nào không hề thay đổi, vẫn ngắm nhìn dòng đời nhẹ trôi qua bao lớp người:

Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.
Cổ nhân kim nhân nhược lưu thuỷ,
Cộng khan minh nguyệt giai như thử. (Lý Bạch)

Người nay đâu thấy Trăng xưa
Trăng nay soi tỏ Người xưa đã từng
Xưa, nay nước chảy không ngừng
Vầng Trăng cùng ngắm tưng bừng hân hoan

Trong văn đàn Việt Nam thi sĩ tài hoa nhất nói về trăng, chắc khó ai qua Cụ Nguyễn Du. Mỗi nhân vật trong Kiều đều được ông “tặng” một ánh trăng. Cũng một ánh trăng thôi những khi tả người, lúc tả cảnh, lúc tả tâm trạng … Cái tâm trạng của một Thuý Kiều, một đời con gái kín cổng cao tường, cho đến khi bước ra khỏi cửa thì đêm về một mình ngồi ngắm bóng trăng mà lòng như tơ vò, bởi do ám ảnh một thư sinh “tình trong như đã” và một con ma Đạm Tiên. Để rồi:

Một mình lặng ngắm bóng nga
Rộn đường gần với nỗi xa vời bời.

Cũng một con người cả đời kín cổng cao tường, nhưng khi bước ra khỏi cổng thành, nhìn kiếp người mà ngộ ra tứ tướng sinh, lão, bệnh, tử để rồi ánh trăng kia chứng kiến Người nữa đêm vượt thành tìm Đạo, rồi cũng ánh trăng ấy tiếp tục chứng kiến Người suốt 49 ngày đêm thiền quán để chứng Đạo vô thượng.

Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, những rực rỡ của những ánh đèn xanh đỏ ở khắp phố phường làm ta loé mắt. Chúng ta không thấy được ánh trăng muôn thưở để tự mình chiêm nghiệm lại giá trị và ý nghĩa cuộc đời qua ánh trăng. Lý Bạch nhìn trăng nhớ quê nhà:

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Trước giường bàng bạc màu trăng,
Mơ màng lại ngỡ sương giăng la đà.
Ngẩng đầu trăng sáng trời xa,
Cúi đầu, chạnh nhớ cảnh nhà, quê xưa.

Cái quê hương Lý Bạch nhớ là quê hương thế gian. Người đệ tử Phật ngoài quê hương từng sinh ra còn có một quê hương tâm linh. Nơi đó có Phật, Pháp và Tăng. Nơi đó có giáo pháp để mỗi người tự tiến tu giải thoát.

Suy cho cùng, sự tu hành của chúng ta chính là phòng hộ sáu căn. Không làm chủ cảm xúc, không làm chủ được 6 căn thì ta mãi lênh đênh như một lữ khách, không về được quê hương đích thực của mình, như Trần Thái Tông dạy:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường

Chỉ cần dừng lại, lắng yên tâm thức và nhìn vào nội tâm thì ánh trăng từ bi sẽ hiển hiện ngay trong lòng mình.

Không có hạnh phúc nào hơn khi đi trong đêm u tối mà có được ánh trăng mát dịu soi đường. Cũng vậy giữa đường đời vô minh, Trăng Từ Bi xuất hiện soi sáng thế nhân. Đó là sự xuất hiện của Đức Phật trên đời.


Trung Nhã, Trung Pháp

http://tuvienkhanhan.com/index.php/phap-duong-chanh-niem/tin-phap-duong/1144:phap-thoai-trang-tu-bi-trong-dem-trung-thu-tai-tu-vien-khanh-an

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.