Chú Thích Bản Văn
Căn Cứ trên Bình Giảng Miệng của Namkhai Norbu
Đầu đề : Đầu đề bản văn này bằng tiếng Tây Tạng là gDod-ma’i rnal-‘byor gyi lam khyer nyin mtshan ‘khor-lo-ma. “Yoga Bổn Nguyên” (gdod-ma’i rnal-‘byor) ám chỉ sự hiểu biết về trạng thái bổn nguyên của cá nhân, cái này được gọi trong tiếng Tây Tạng là rig-pa, “hiện diện thanh tịnh, thuần khiết, tánh giác nội tại”. Yoga Bổn Nguyên là một đồng nghĩa với Atiyoga và Dzogchen. Từ sau thường được dịch là “Đại Toàn Thiện”. Ở đây lời dạy này đưa vào thực hành (lam khyer, “tiến hành theo con đường”). Vì đây không phải chỉ là một thực hành nhập thất, mà là một thực hành theo cách liên tục cả ngày và đêm, nó được nói giống như một bánh xe (‘khor-lo).
I. Kính Lễ
(1) Đầu đề được tiếp theo bởi sự kính lễ các Đạo sư và bởi hai câu cầu nguyện. Ở đây tác giả cầu nguyện Đạo sư Gốc của ngài, Changchub Dorje của Nyala Gar ở Derge, Đông Tây Tạng. Chính vị Thầy này phát lộ cho tác giả nghĩa cốt lõi của Đại Toàn Thiện với kinh nghiệm trực tiếp khác với cái hiểu trí thức thuần túy. Rồi ngài cầu nguyện tên của chú ngài Urgyan Tenzin, vị Thầy đầu tiên, và tên của Dorje Paldron (Ayu Khandro), vị đã ban cho ngài những chỉ dạy Dzogchen Yangti.
(2) Mọi lời dạy được nối kết với sự trao truyền của chúng. Trong trường hợp Dzogchen, những lời dạy này được phát sanh với Phật Bổn Nguyên Saman-tabhadra (Phổ Hiền), ngài là phương diện Pháp thân của Giác Ngộ. Ngài trao truyền chúng theo một cách trực tiếp tâm qua tâm cho Vajrasattva, vị này là phương diện Báo thân của Giác Ngộ. Đến lượt Vajra-sattva trao truyền chúng theo một cách biểu tượng cho vị thầy con người đầu tiên của Đại Toàn Thiện là Prahevajra hay Garab Dorje, phương diện Hóa thân. Garab Dorje khẩu truyền những giáo lý cho Manjusùrimitra và cho các Dakini, họ là những người giữ gìn cho những giáo lý này. Ngài đã giải thích một ít về nghĩa của những chỉ dạy của Dzogchen. Những Dakini giác ngộ phái nữ này có trách nhiệm kết tập những chỉ dạy Dzogchen nhận được từ Garab Dorje thành những bản văn mật truyền gọi là Tantra. Những Tantra này được sắp xếp trong ba bộ bản văn : Semde “Bộ Tâm”, Longde “Bộ Không Gian” và Upadesùa hay Mangade “Bộ Giáo Huấn Bí Mật”.
II. Thực Hành Sơ Bộ
(3) Bắt đầu, những hành giả Đại Toàn Thiện chúng ta cần tịnh hóa dòng tâm thức bằng cách huấn luyện tâm mình với bốn thiền định, chúng sẽ đem lại một thay đổi trong thái độ của chúng ta đối với cuộc đời. Bốn thiền định là : 1. sự khó được một tái sanh làm người, 2. sự vô thường của cuộc đời, 3. tính phổ quát của khổ đau trong sanh tử, và 4. những nguyên nhân và hậu quả của nghiệp.
Về thực hành, điều này nghĩa là bất kể chúng ta đang làm thực hành nào, chúng ta cần nhận thức. Chẳng hạn, nếu chúng ta biết thực hiện thực hành nào đó, như lễ lạy, nhưng nếu chúng ta xao lãng hay lười biếng, chúng ta không làm, chúng ta phải tự hỏi tại sao xảy ra cớ sự này ? Nó xảy ra vì chúng ta không nhận thức, và nhận thức nghĩa là chúng ta không phí mất thời gian. Hơn nữa, nhận thức nghĩa là chúng ta phải biết sự quý báu của giáo lý và cơ hội độc nhất chúng ta đang có trong cuộc sống con người này để thực hành giáo lý. Từ cái biết này sanh khởi hiểu biết về những hậu quả mất cơ hội độc nhất này do cuộc đời con người quý báu đem lại. Tất cả sự việc này gồm trong cái chúng ta gọi là nhận thức.
Thông thường khi nói đến bốn thiền định này, trước hết chúng ta nói đến sự quan trọng có được một tái sanh làm người. Khi chúng ta nghiên cứu những thực hành sơ bộ hay Ngondro, chúng ta học những giải thích mười tám đặc điểm của một đời người quý báu từng cái một trong chi tiết. Nhưng cũng quan trọng bằng như vậy, chúng ta cần nhận thức rằng dù bây giờ chúng ta thấy mình được tái sanh làm người trên hành tinh này, hoàn cảnh này không phải là cái gì thường còn và trường cửu. Trong những kinh điển, có thí dụ một người đi buôn nhờ những hoàn cảnh ngẫu nhiên, thấy mình ở trên một hòn đảo đầy ngọc giữa một đại dương, nhưng trở về tay không vì không có nhận thức. Khi chúng ta chết và thấy mình ở trong trung ấm, trạng thái giữa chết và tái sanh, nếu chúng ta đi qua toàn bộ cuộc đời chúng ta mà không có tỉnh giác, không nhận thức sự quý báu của đời người và sự vô thường của cuộc đời, bấy giờ tình trạng của chúng ta không hơn tình trạng của một con chó. Thường thường, trong những bản văn Phật giáo có phân tích tỉ mỉ về sự vô thường của thế giới và chúng sanh. Nhưng điều quan trọng ở đây không phải là nhớ một số phân tích, mà đơn giản có sự hiện diện của tỉnh giác này về sự vô thường nơi chúng ta trong mọi lúc.
Nhưng dù chúng ta nhận thức sự vô thường của cuộc sống, nếu chúng ta không có hành động tích cực nào đối với sự kiện này của hiện hữu, chúng ta sẽ không tích tập những nguyên nhân của một tái sanh may mắn. Chúng ta không biết nghiệp cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta chỉ tiếp tục tích tập những nguyên nhân tiêu cực, bấy giờ chúng ta chắc chắn sẽ kinh nghiệm những hậu quả tiêu cực trong tương lai. Kết quả của điều này sẽ là chuyển di và khổ đau trong những chỗ tái sanh khác nhau. Khi chúng ta nhận thức về những nguyên nhân và hậu quả của những hành động của mình, và về sự có mặt khắp của khổ trong sanh tử, bấy giờ chúng ta sẽ chắc chắn có động lực để thực hành giáo pháp, nó là con đường chắc chắn và bảo đảm đến giải thoát và giác ngộ.
Trên hết, tự tu tập theo bốn thiền định này có nghĩa là chúng ta cố gắng hiện diện và tỉnh thức với mọi khoảnh khắc trong mọi hoàn cảnh. Điều này không có nghĩa chúng ta chỉ nghiên cứu những cuốn sách Phật giáo hay thả mình trong những phân tích trí thức tỉ mỉ. Chẳng hạn, có người học một bản văn Ngondro bằng tiếng Tây Tạng và rồi thực hành Ngondro thời gian dài. Không có gì sai trong việc đó ; Ngondro là một thực hành cực kỳ quan trọng. Khi họ nghiên cứu bốn thiền định này, trước hết họ học làm sao phân tích cái gì là những điều kiện thuận lợi của một đời người quý báu – đấy là một đời người có đủ những điều kiện cho sự thực hành pháp.
Những điều kiện này là gì ? Trước hết, người ta thoát được tám điều kiện trong đó không có cơ hội hay rỗi rãnh để thực hành Pháp. Đó là những tái sanh ở địa ngục, quỷ đói, tái sanh trong loài thú, giữa những người hoang dã không có kiến thức về Pháp, vào loài trời sống lâu, vào những người mang nặng những quan điểm sai lầm, tái sanh trong một thời đại không có Phật xuất hiện trong thế giới, và tái sanh trong một thân người không đầy đủ quan năng. Những điều kiện này là tám trạng thái bất hạnh và cái đối nghịch lại là tám may mắn. Thứ hai, có mười điều kiện thuận lợi cần thiết, năm cái do người khác và năm cái do chính mình. Năm điều kiện bên ngoài ám chỉ đến sự xuất hiện của một vị Phật trong thế giới : một vị Phật đã xuất hiện trong thế giới, Ngài đã dạy Pháp, sự chỉ dạy của Ngài được thiết lập và trường tồn, người ta đi vào thực hành Pháp, và có những chúng sanh khác trong thế giới như những đối tượng của những hành động bi mẫn cho người ta. Năm điều kiện bên trong là hoàn cảnh của người ta : được sanh làm một con người, được sanh trong một xứ có giáo lý để đi vào, được sanh ra với quan năng đầy đủ, người ta không phải sống nhờ vào những hành vi sai lầm hay đời sống sai trái, có niềm tin vào vị thầy và lời dạy của ngài. Không có cái nào trong những điều kiện này thiếu được.
Cuối cùng, khi những cá nhân này bắt đầu thực hành trong một chốn ẩn cư, họ được thầy dạy cho thiền định về những phân tích và luận chứng này, từng cái một, trong khoảng mười tám ngày. Nhiều hành giả đã làm điều này, và điều này được làm như thế nào, nghĩa là họ thiền định về từng luận chứng lần lượt hết mười tám điều kiện cần thiết cho một đời người quý báu và huấn luyện theo đó.
Nhưng trong giáo lý Đại Toàn Thiện, tỉnh giác không vận hành theo lối này. Chúng ta không phải thiết lập một số luận cứ và rồi công nhận chúng. Những luận cứ và phân tích này được các vị thầy về sau sáng tạo ra. Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói về sự quý báu của một đời người và về sự vô thường của nó, Ngài cho vài thí dụ như một đám mây trong bầu trời mùa thu, một dòng suối trên núi, một màn kịch, một ngọn lửa lập lòe của đom đóm và vân vân. Rút những thí dụ này từ Kinh hay những bài thuyết pháp của đức Phật, những học giả liệt kê và phân tích chúng, và theo cách này, tạo ra một thể thức lý luận về sự kiện vô thường. Nhưng bản thân đức Phật không tạo ra những luận cứ đặt nền trên những thí dụ của Ngài. Điều Ngài làm là đem lại cho những người khác nhau hiểu được những điều kiện của cuộc đời con người nhờ dùng những phương pháp khác nhau. Thế nên nguyên lý ở đây không phải là thiền định về những luận cứ khác nhau được thiết lập để trình bày sự vô thường của mọi sự kể cả cuộc đời chúng ta, mà là có một sự hiện diện của tỉnh giác về vô thường của mọi sự nơi chúng ta trong mọi lúc. Không quan trọng cuộc đời người hiện tại của chúng ta có được mười tám điều kiện thiết yếu này như thế nào – đó không phải là nguyên lý. Đúng hơn, chúng ta chỉ nhận thức vào mọi lúc cơ hội độc nhất của sự tái sanh làm người, để cho chúng ta không phí phạm cơ hội đó. Cuộc đời làm người của chúng ta thì tốt hơn cuộc đời một con mèo hay con chó, vì là người chúng ta biết suy nghĩ và sử dụng, hiểu được ngôn ngữ thế nào. Một con người cũng có khả năng lớn lao nhiều để làm điều xấu trong thế giới này hơn những mèo và chó, chẳng hạn, tạo ra những vũ khí hạt nhân. Nhưng con người cũng có khả năng thực hiện giác ngộ trong đời này, và như vậy khả năng của họ thì cao hơn của các con thú rất nhiều. Đây là ý nghĩa thật sự của đời người – tiềm năng của chúng ta. Nhận thức thật trạng của chúng ta, cả những giới hạn và những khả năng của chúng ta, là cái chúng ta gọi là chánh niệm và tỉnh giác (dran rig).
Nếu chúng ta phải nghiên cứu chi tiết trong những bản văn mọi phân tích này, bấy giờ thể tài trở nên rất phức tạp, không chỉ cho người Đông phương mà thậm chí còn khó hơn với người Tây phương. Theo cách đó thì thật nghĩa thường bị lạc mất. Cần tránh điều này, và bởi thế cần đơn giản hóa những sự việc để nắm được nguyên lý hiện thực bao hàm trong đó. Tỉnh giác không có nghĩa chỉ là bốn thiền định được nói ở đây ; về nguyên lý nó có nghĩa là không xao lãng, phóng dật và cố gắng làm đến mức tốt nhất của mình trong mọi trường hợp. Đây là cách huấn luyện mình luôn luôn nhận thức và hiện diện. Đây là điều có nghĩa là “tu hành tâm thức” (blo sbyong) ; và bốn thiền định ở trên này đem lại một thay đổi cho thái độ của chúng ta, tạo thành sự thực hành sơ bộ bình thường.
Rồi có những thực hành sơ bộ phi thường. Mục đích của những thực hành này là tích tập nghiệp công đức (dge bsags) và tịnh hóa những che chướng (sgrib sbyong). Những thực hành này gồm quy y Tam Bảo, phát Bồ đề tâm, thiền định và trì tụng thần chú Vajrasattva, cúng dường mạn đà la và Guru Yoga hay hợp nhất với tất cả các vị thầy. Cái quan trọng nhất là Guru Yoga.
Những giáo lý như Tantra và Dzogchen liên kết với sự trao truyền. Trao truyền là một phương cách làm cho trạng thái bổn nguyên của cá nhân được hiểu ở cấp độ kinh nghiệm tức thời, trực tiếp, hoặc qua lời nói hay biểu tượng hay trực tiếp tâm qua tâm. Công việc của vị Thầy là đưa hành giả đến sự thấu hiểu, sự chứng ngộ rằng bản tánh của tâm của nó thì giống như tấm gương và những tư tưởng sanh khởi trong đó thì giống như những phản chiếu xuất hiện trong tấm gương đó. Cái hiện diện thanh tịnh, thuần túy hay tỉnh giác nội tại (rig-pa, tánh giác) của chúng ta thì giống như khả năng của tấm gương phản chiếu mọi sự đến trước nó, dù đẹp dù xấu. Những phản chiếu này sanh khởi như là những đặc tính hay phẩm tính (các tướng) của bản thân tấm gương. Nhưng bởi vì bản tánh hay khả năng của tấm gương này không được thấy, chúng ta lầm cho những phản chiếu là cái gì cứng đặc và thật ở bên ngoài. Như vậy chúng ta trở nên bị quy định, bị điều kiện hóa bởi những phản chiếu ấy, và hành động căn cứ trên giả định hư vọng này, chúng ta lại rơi vào vòng chuyển di, lưu chuyển. Chính vị Thầy giới thiệu, dẫn nhập (ngo sprod) cho hành giả vào sự phân biệt này giữa tâm hay những tư tưởng (sems) một mặt và Bản Tánh của Tâm (sems nyid) ở mặt kia. Khi chúng ta bắt đầu hiểu điều này, chúng ta có thể thực sự nói đến một sự trao truyền hiểu biết, hiểu biết không theo nghĩa thông hiểu trí thức, mà là kinh nghiệm hiện thực.
Trong bối cảnh của Đại Toàn Thiện, từ yoga (rnal-‘byor) không chỉ có nghĩa là “hợp nhất” như theo bình thường, mà hơn nữa, nó ám chỉ người sở hữu (’byor-pa) một hiểu biết trạng thái tự nhiên (rnal-ma) của nó, nghĩa là, nó thấy mình trong sự hiện diện của cái hiểu biết này về hiện trạng bổn nguyên của nó, cái này được gọi là Rig-pa hay hiện diện thanh tịnh. Người nhận thức (shes-pa) này về sự hiện diện thanh tịnh bẩm sinh của chính mình hay tánh giác (rig-pa) của chính mình là Đạo Sư Chân Thật (bla-ma) của chúng ta. Cái đối nghịch lại với hiện trạng này là vô minh (ma rig-pa). Chúng ta cần không để cho mình lìa khỏi tỉnh giác này vào bất cứ lúc nào. Bốn thời ám chỉ ăn, đi, ngồi và ngủ. Như chúng ta đã nói, trong Đại Toàn Thiện, điểm chánh yếu là không bị xao lãng và tiếp tục ở trong sự hiện diện của tỉnh giác chánh niệm này (dran-shes). Đây là gốc của sự thực hành (rnal-‘byor rtsa yin).