Sống Trong Tham Thiền Chu Kỳ Ngày Và Đêm – Phần 3

B. Sự Thực Hành Buổi Sáng

(39) Nhưng cũng có một thực hành buổi sáng khi chúng ta thức dậy khỏi giấc ngủ. Chúng ta làm gì ở đây ? Khi thức dậy sáng sớm, một tỉnh giác hay trí huệ (ye-shes) nguyên sơ sanh khởi mà không bị sửa sang bởi tâm và nó hiện diện trong thể trạng của chính nó. Bấy giờ chúng ta thường vào lại sự vận hành của tâm và những giác quan, như một người chết thấy mình tái sanh trong một thân thể mới. Tuy nhiên, nếu ngược lại chúng ta ở lại trong trạng thái tự nhiên này của pháp tánh mà không có xao lãng và không có thiền định được tạo lập nào, bấy giờ chúng ta sẽ thấy mình hiện diện một cách tĩnh lặng trong bản tánh cố hữu của chính mình, không xao lãng bởi bất kỳ tư tưởng lan man nào. Một cá nhân thấy mình trong trạng thái đó thì không thể bị quy định bởi những hình tướng xuất hiện hay tư tưởng lan man nào. Cái này được biết như là trạng thái của Guru Samantabhadra tối thượng. Samanta-bhadra (Phổ Hiền) tiêu biểu trạng thái bổn nguyên chân thật của cá nhân, “Guru Bí Mật” của nó, có thể nói như vậy. Ở đây cũng là một cách để thực hành Guru Yoga căn bản. Chúng ta phải hiểu rằng trạng thái nguyên sơ này của Rigpa là đồng nhất với trạng thái của bản thân Guru hay Đạo sư ; và trạng thái của tánh giác Rigpa này không gì khác hơn là trạng thái bổn nguyên vốn sẵn của chúng ta. Bởi thế, Guru Yoga không phải là một vấn đề hợp nhất hay hòa lẫn hai thực thể tách biệt, Đạo sư và chính mình ; đúng ra từ sơ thủy, cả hai chưa hề tách lìa. Kinh nghiệm nhận biết sự không thể tách lìa của trạng thái của Đạo sư và trạng thái của chính chúng ta là cách thực hành Guru Yoga tối thượng.

(40) Như vậy, khi chúng ta thức dậy, thấy mình trong một trạng thái hiện diện, chúng ta nhìn với chú ý trần trụi vào khuôn mặt của trạng thái nguyên sơ này của hiện diện để thấy cái gì ở đó. Nhưng trong khoảnh khắc này của cái đang hiện diện, chúng ta không tìm thấy chút cái gì để nhận biết được hay xác nhận được. Như vậy, cái tỉnh giác nguyên sơ tự phát minh bạch và trần trụi bày lộ này, nó sanh khởi ngay trên sự thức dậy và không thể tìm thấy cái gì có thể xác nhận được, bèn tự-giải thoát như nó sanh khởi. Do đây, một tỉnh giác hay trí huệ nguyên sơ bất nhị trở thành hiện diện. Đây là điểm rất quan trọng trong thực hành. Dù chúng ta nói ở đây về sự thức dậy vào buổi sáng, thật ra chúng ta cần cố gắng làm thực hành này vào mọi lúc. Lý do cho điều này là dù nếu chúng ta tin rằng chúng ta rất hiện diện trong trạng thái tánh giác Rigpa, vẫn còn một loại hôn trầm hay buồn ngủ tồn tại. Xử lý cái này, chúng ta không cần cầu viện đến loại chiến thuật nào, nghĩ rằng trước hết chúng ta phải làm điều này rồi điều nọ. Đúng hơn, chỉ đơn thuần hiện diện bèn có một thể trạng tiền đề nó hướng chúng ta thẳng đến trạng thái tánh giác Rigpa. Tuy nhiên, thể trạng này không bao hàm cái gì cả, chẳng có công việc nào của tâm, mà chỉ là một cách thấy mình trong một trạng thái của hiện diện trong đó có sự sáng tỏ tăng dần. Đây cũng là một cách để “làm mới lại” sự tham thiền của chúng ta nói chung, và được ám chỉ bởi từ “tánh giác nguyên sơ tự-phát sanh”.

(41) Như vậy, ngay lúc thức dậy vào buổi sáng, một tỉnh giác nguyên sơ bất nhị sanh khởi, và khi nó sanh khởi, nó tự giải thoát bởi chính nó. Vào khoảnh khắc đó, thấy mình vượt khỏi cái nhìn thấy thông thường thuộc nghiệp về một thế giới đối tượng và siêu vượt mọi tư tưởng nhị nguyên, một tỉnh giác nguyên sơ vô niệm trở nên biểu lộ rõ ràng. Như vậy, chúng ta vẫn hiện diện trong tỉnh giác này, tỉnh giác này không cách nào bị những tư tưởng lan man quy định. Bởi vì chúng ta hiện diện trong tỉnh giác theo cách đó, một tỉnh giác hay trí huệ (ye-shes) sáng tỏ, không dơ lấm bởi những tư tưởng lan man trở thành biểu lộ rõ ràng. Và bởi vì chúng ta không ở trong cấp độ nhị nguyên của chủ thể và đối tượng, một tỉnh giác hay trí huệ (ye-shes) nguyên sơ về cảm giác lạc phúc trở nên biểu lộ rõ ràng.

(42) Ngay nơi đó, sanh khởi một tỉnh giác nguyên sơ tối thượng không mảy may sai lầm bởi vì chúng ta đã hiểu rằng tất cả mọi hiện tượng chính là pháp tánh (thực trạng của hiện hữu). Bấy giờ bởi vì một tỉnh giác hay trí huệ nguyên sơ về số lượng (ji snyed ye-shes) hiểu biết mọi sự trong tính cá biệt của chúng trở nên biểu lộ rõ ràng trong toàn bộ của nó, bản tánh bẩm sinh vốn sẵn của Ba Thân, hay ba chiều kích của hiện hữu chúng ta, trở thành biểu lộ một cách tối thượng.

V. Những Lợi Lạc của sự Thực Hành

(43) Khi chúng ta thực hành theo cách này cả ngày và đêm, toàn thể chiều kích của cuộc đời chúng ta đi vào tham thiền. Dần dần cấp độ khả năng của cá nhân khai triển, và nó trở nên quen thuộc với điều này. Do đó, những phiền não của chúng ta sẽ sanh khởi như cái gì ích lợi cho con đường. Và hơn nữa, chúng ta sẽ khai triển một mức độ khả năng nào đó để giúp đỡ những người khác nhờ vào Ba Thân, ba chiều kích của hiện hữu chúng ta.

(44) Cấp độ chúng ta trở nên quen thuộc với sự thực hành có thể được đo bằng mức độ kiểm soát trạng thái mộng của chúng ta, nhận biết những giấc mộng của chúng ta là giấc mộng khi đang ngủ. Qua thực hành, từng ngày chúng ta chiến thắng những bám luyến và những cảm giác lạc và khổ không còn quy định cá nhân. Và chúng ta thấy mình trong một trạng thái hòa nhập không vương mang gì những ý niệm và phán định. Bởi vì tỉnh giác nguyên sơ hiện diện, mọi hình tướng xuất hiện sanh khởi như bạn hữu có thể giúp ta trên con đường. Thật vậy, mọi sự gặp gỡ dọc con đường bây giờ đều có thể là cái gì được dùng để giúp đỡ cho sự khai triển thực hành của chúng ta. Bởi thế, chúng ta có thể cắt đứt sự tương tục của cái nhìn thấy hư vọng và chúng ta thấy mình trong trạng thái của Pháp tánh.

(45) Hành giả thành tựu của Đại Toàn Thiện thấy mình trong trạng thái của pháp tánh và ở trong đó không lìa khỏi nó cả ngày và đêm. “Bất động” nghĩa là an định vững chắc trong trạng thái hiện diện ấy. Như thế, Phật quả có thể được chứng ngộ thậm chí trong khoảnh khắc giữa hai hơi thở.

(46) Những phiền não có thể được dùng khi chúng sanh khởi trên con đường như thế nào ? Không phân chia phạm trù những hiện tượng như tốt hay xấu, chúng ta thấy chúng hiện diện trong trạng thái pháp tánh. Đây là ro-gcig, nghĩa là “một vị”. Bởi vì tất cả những hiện tượng là hiện diện trong tỉnh giác toàn thể mà không có tạo tác ý niệm về chúng, chúng ta nhận biết bản thân phiền não của mê lầm không khác gì với vô niệm. Nói cách khác, khi chúng ta ở trong một trạng thái của tánh giác rigpa, khi phiền não của mê lầm sanh khởi, chúng ta thấy mình trong một trạng thái của vô niệm. Mọi hiện tượng biểu lộ như pháp tánh đúng như chúng là. Tánh không và tự-toàn thiện tự nhiên cả hai đều đồng thời hiện diện trong tỉnh giác nguyên sơ này.

(47) Mọi hiện tượng hiển bày chính chúng như là những đối tượng cho sáu quan năng thì hiện diện trong sự sáng tỏ quang minh và không có tự tánh. Dù không có tự tánh, chúng là hiện diện như pháp tánh. Ngay khoảnh khắc chúng sanh khởi, chúng ta nhận biết phiền não sân giận có đặc tính của sáng tỏ và phiền não này biểu lộ như là tỉnh giác hay trí huệ về sáng tỏ.

(48) Mọi sự xuất hiện bên ngoài, tất cả những cái nhìn thấy thuộc bên ngoài của chúng ta, thì không gì khác hơn là trạng thái của pháp tánh, trong khi ở bên trong, trạng thái hiện diện thanh tịnh (nang rig) bản thân nó là tỉnh giác hay trí huệ nguyên sơ. Tuy nhiên, chúng ta chớ nghĩ rằng hai cái này (Pháp tánh và tánh Giác Rigpa) là phân biệt và tách lìa một cách rốt ráo. Nếu như vậy, hòa nhập thì không thể. Nhưng chúng ta không lưu lại ở cấp độ phân biệt bên ngoài như nghịch lại với bên trong. Chứng ngộ sự bất khả phân của chúng làm khởi lên một biểu lộ của đại lạc Mahasukha, nó là bất nhị trong bản tánh. Và bởi vì nó có bản tánh Năng Lực hay lòng bi, phiền não tham được nhận biết thật ra là diệu dụng của đại lạc. Và như vậy có biểu lộ một tỉnh giác hay trí huệ nguyên sơ về cảm giác đại lạc, nó là tự-toàn thiện tự nhiên không giới hạn bến bờ. Đây là những phiền não có thể được dùng trên con đường như thế nào.

(49) Khả năng làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh được thể hiện bằng cách khai triển ba chiều kích của hiện hữu của mình. Cá nhân có ba cấp độ của hiện hữu theo sự vận dụng của thân, lời và tâm. Khi chúng ta thể hiện trọn vẹn chính mình, có nhiều cách cho sự chứng ngộ này biểu lộ, và điều này biểu thị sự biểu lộ của Ba Thân hay ba chiều kích của hiện hữu chúng ta. Từ Hóa thân để chỉ chiều kích hay thân vật chất của người ta, từ Báo thân để chỉ chiều kích vi tế của năng lực của người ta, và từ Pháp thân để chỉ Chiều Kích của Hiện Hữu và Tánh Giác (hay Trí Huệ) Bổn Nguyên vốn sẵn của nó. Ở đây ba phiền não chất độc không còn gọi là các độc ; mà bởi vì cá nhân đã đạt chứng ngộ, chính những độc này biểu lộ chính chúng hoàn toàn như là Chiều Kích của Hiện Hữu và Tánh Giác (hay Trí Huệ) Bổn Nguyên vốn sẵn của người ta. Và vì thế, bất cứ cái gì sanh khởi từ chúng cũng hiện diện trong toàn bộ Chiều Kích của Hiện Hữu như là Tánh Giác Bổn Nguyên vô tận của nó.

(50) Bởi vì không còn bất kỳ phiền não nào như vậy và bởi vì những nguyên nhân của những phiền não hoàn toàn bị loại trừ, người ta vượt khỏi sự luân chuyển trong sanh tử. Người ta đã đạt đến thể trạng được gọi là Niết Bàn, nó có nghĩa đen là “đã vượt khỏi khổ”. Nhưng dù nó được gán tên là Niết Bàn, như thể người ta đi đến một nơi nào hay đạt được cái gì, thật ra không có sự đi đến hay cái gì đạt được. Đúng ra, chỉ đơn giản là những phẩm tính vốn sẵn của trạng thái của cá nhân đã tự biểu lộ một cách tự phát như là tự-toàn thiện mà không có bất kỳ chỉnh trị hay cải tạo nào do tâm làm ra. Không có cái gì được thay đổi, chỉnh trị hay cải tạo ; mọi sự là toàn thiện như chúng vẫn là : đó là sự biểu lộ tự nhiên của trạng thái bổn nguyên của cá nhân. Đơn giản chỉ là cái gì đã vốn sẵn có từ sơ thủy thì biểu lộ tại đây và bây giờ, như mặt trời xuất hiện trong bầu trời khi mây đã tan. Đây là nghĩa của “sáng tỏ” (gsal-ba).

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.