Sống Trong Tham Thiền Chu Kỳ Ngày Và Đêm – Phần 3

VI. Những Phẩm Tính của Hành Giả

(51) Trong thừa tối thượng Dzogchen Atiyoga, có nói rằng sự thực hành này rất thích hợp cho hành giả có năm khả năng : 1. sẵn sàng tích cực tham gia hay niềm tin ; 2. chuyên cần trong thực hành ; 3. hiện diện hay chánh niệm ; 4. tập trung hay định ; 5. trí huệ. Chúng ta cần tất cả năm khả năng này. Khôn ngoan và hành động theo một cách thông minh, chúng ta cần khởi sự thực hiện những điều kiện hòa hợp để trau dồi khả năng nào khi nó thiếu hay cần có. Như vậy người ta sẽ không mất cơ hội tối thượng để thực hành Đại Toàn Thiện.

VII. Kết Luận

(52) Khi chúng ta làm cái gì theo hệ thống Kinh Đại thừa, ý định vị tha làm lợi lạc cho những người khác phải hiện diện. Hơn nữa, cái hiểu về tánh không và bản chất như huyễn của mọi sự phải không thiếu. Bấy giờ vào lúc kết thúc, phải hồi hướng bất kỳ công đức nào do hành động làm lợi lạc cho những người khác. Ở đây, một chút cam lồ của lời dạy của Đạo sư Garab Dorje đã được trình bày với mong muốn rằng những ai có được tiếp xúc với nó sẽ chứng ngộ cho chính họ trạng thái của Samantabhadra (Phổ Hiền), trạng thái bổn nguyên của cá nhân.


Đôi Nét Tiểu Sử của Tác Giả

Tác giả bản văn thực hành Đại Toàn Thiện này, Namkhai Norbu Rinpoche, sanh ở làng dDe’ug, quận lCong ra của sDe dge miền Đông Tây Tạng, vào ngày mồng tám tháng mười năm Cọp Thổ (1938). Cha ông là Sgrol ma Tshe ring, thuộc một gia đình quý tộc và đôi khi là thành viên của chiùnh phủ của sDe dge, và mẹ ông là Ye shes Chos sgron.

Khi lên hai, ông được cả hai vị dPal yal Karma Yang srid Rinpoche (1898-) và Zhe chen Rab byams Rinpoche (1900-) công nhận là tái hiện thân của Adzom Drugpa (1842-1924). Adzom Drugpa là một trong những vị thầy Đại Toàn Thiện của đầu thế kỷ hai mươi. Ngài là đệ tử của Khyenste Rinpoche đệ nhất, Jamyang Khyentse Wangpo (1829-1892), và cũng là đệ tử của Dza Patrul Rinpoche (1808-1887). Cả hai vị thầy nổi tiếng này là những vị lãnh đạo của phong trào không bộ phái Ris med vào thế kỷ mười chín ở miền đông Tây Tạng. Vào khoảng ba mươi bảy lần, Adzom Drugpa nhận những trao truyền từ vị thầy chánh của mình là Jamyang Khyentse Wangpo và từ Dza Patrul Rinpoche ngài nhận toàn bộ những trao truyền về Longchen Nyingthig và rTsa rlung. Sau đó Adzom Drugpa trở thành một terton, người khám phá những kho tàng bản văn dấu kín, đã nhận những thị kiến trực tiếp từ Jigme Lingpa vô song (1730-1798) khi ở tuổi ba mươi. Dạy ở A’dzom sgar miền đông Tây Tạng trong những cuộc nhập thất mùa hè và mùa đông, Adzom Drugpa là vị thầy của nhiều vị thầy Đại Toàn Thiện đương thời. Trong số đó có chú của Norbu Rinpoche là Togdan Orgyan Tandzin, vị này là vị thầy Đại Toàn Thiện đầu tiên của ông.

Khi lên tám, được ngài Karmapa thứ mười sáu và Situ Rinpoche công nhận là tái sanh tâm (trong thân, lời, tâm) của Padma Karpo (1527-1592) nổi tiếng, người sáng lập nhà nước Bhutan. Cho đến đầu thế kỷ hai mươi, những Zhabs drung Rinpoche là những vua pháp hay những nhà cai trị thế tục và tâm linh của Bhutan.

Khi còn nhỏ từ Khan Rinpoche, từ cậu là Khyentse Yang srid Rinpoche và từ chú là Togdan Orgyan Tandzin, Norbu Rinpoche nhận được giáo huấn trong Dzogchen gsang ba snying thig và sNying thig Yab bzhi. Cũng thời gian đó từ Chog sprul Rin-poche (1902-1952) ông đã nhận những trao truyền rNyingma bka’ma, Long gsal rdo rje snying po và gNam chos của Migyur Dorje. Từ Khan Rinpoche Paldan Tsütrim (1906-) ông nhận những trao truyền từ bộ rGyud Sde kun btus, tuyển tập những thực hành Mật thừa nổi tiếng của Sakyapa. Và thêm vào đó, ông đã nhận nhiều quán đảnh và nghe nhiều giải thích khẩu truyền từ các vị thầy Ris med hay không bộ phái của đông Tây Tạng.

Từ năm lên tám đến mười hai tuổi, ông học trường của tu viện sDe dge dgon chen, ở đó với Khyenrab Choskyi Odzer (1901-) ông nghiên cứu mười ba bản văn căn bản (*) Mười ba bản văn căn bản là : 1. Pratimoksa Sutra 2. Vinaya Sutra của Gunaprabha 3. Abhidharmasamuccaya của Asanga 4. Abhidharmakosa của Vasubandhu 5. Mulamadhyamakakarika của Nagarjuna 6. Madhyamakavatara của Candrakirti 7. Catuhsùataka của Aryadeva 8. Bodhicaryavatara của Santideva 9. Abhisamayalankara của Maitreya/Asanga 10. Mahayanasutralankara của Maitreya/Asanga 11. Madhyantavibhanga của Maitreya/Asanga 12. Dharmadharmatavibhanga của Maitreya/Asanga 13. Uttaratantra của Maitreya/Asanga được dùng như tiêu chuẩn học thức do Khanpo Zhandga quy định. Norbu Rin-poche đặc biệt thông thạo Abhisamayalankara. Cũng với vị thầy này, ông học đại giải thích về Kalachakra Tantra, Guhyagarbha Tantra, Zab mo nang don của Karmapa Rang byung Dorje, những Tantra Y học, chiêm tinh Ấn Độ và Trung Hoa, cũng như nhận từ ngài những quán đảnh và trao truyền Sakya’i sgrub thabs kun btus.

Từ tám đến mười bốn tuổi cũng ở trường trên, từ Rinpoche Brag gyab Blos gros (1913-), ông nhận những giáo huấn về những Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Abhisamayalankara và ba bản văn rDorje Gur, Hevajra Tantra và Samïputa Tantra. Do vì thầy giáo đạo của mình là mChog sprul Rinpoche, ông được dạy năm khoa học thế tục. Cũng trong những năm này ông được học tinh túy của phái Sakya.

Rồi ở trong hang thiền định ở Seng-chen Nam-bzag, ông nhập thất với người chú để thực hành Vajrapani, Simhamukha và Tara Trắng. Vào thời gian đó, người con của Adzom Drugpa là Gyurmed Dorje (1895-) trở về từ miền trung Tây Tạng, ở với họ và dạy cho ông bộ Dorje gro lod, Longchen Nyingthig và bộ Gongs pa zang thal của Rigdzin Godem Phru can.

Năm 1951, mười bốn tuổi, ông nhận những quán đảnh Vajrayogini theo truyền thống Sakya. Rồi thầy giáo đạo của ông khuyên ông tìm một phụ nữ sống ở vùng Kadari là hiện thân của chính Vaira-yogini và nhận quán đảnh từ bà. Vị thầy phụ nữ này, Ayom Khagro Dorje Palsgron (1838-1953), là một đệ tử trực tiếp của Jamyang Khyentse Wangpo và của Nyagbla Padma Duddul, cũng là một sư đệ đồng thời của Adzom Drugpa. Vào thời gian đó bà một trăm mười ba tuổi và đã ở trong một chỗ nhập thất tối khoảng năm mươi sáu năm. Norbu Rinpoche nhận từ bà những trao truyền của Khagro gsang dus, kho tàng tâm của Jamyang Khyentse Wangpo, và Khagro yang thig, trong đó sự thực hành chính yếu là nhập thất trong bóng tối, cũng như Longchen Nyingthig. Bà cũng ban cho Rinpoche những kho tàng tâm của bà, gồm pháp tu Dakini Simhamukha.

Rồi năm 1954, ông được mời viếng thăm Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa như một đại diện của giới trẻ Tây Tạng. Từ 1954 ông là giáo viên Tạng ngữ ở Đại Học Tây Nam ở Chendu, Sichuan, Trung Hoa. Khi sống ở Trung Hoa, ông gặp Gangdkar Rinpoche nổi tiếng. Từ vị thầy này ông nghe nhiều giải thích về Sáu Pháp của Naropa, Đại Ấn, Kon mchog spyi ‘dus cũng như y học Tây Tạng. Trong thời gian này Rinpoche cũng thông thạo tiếng Hoa và Mông Cổ.

Năm mười bảy tuổi, trở lại quê nhà sDe dge sau một thị kiến nhận được trong giấc mộng, ông đến gặp Vị Thầy Gốc của mình, Changchub Dorje (1826-1978) ngài sống trong một thung lũng hẻo lánh ở miền đông sDe dge. Changchub Dorje nguyên từ vùng Nyagrong ở biên giới với Trung Hoa. Ngài là một đệ tử của Adzom Drugpa, của Nyagbla Padama Duddul và của Shardza Rinpoche, vị thầy đạo Bon nổi danh của Dzogchen đã đạt đến Thân Ánh Sáng Cầu Vồng. Là một y sĩ, Changchub Dorje Rinpoche cầm đầu một cộng đồng trong thung lũng hẻo lánh này ; đó là một cộng đồng hoàn toàn tự túc gồm những hành giả cư sĩ, thiền giả nam và nữ. Từ vị thầy này, Norbu Rinpoche nhận sự nhập môn và trao truyền những giáo lý cốt lõi của Dzogchen Semde, Longde và Man ngag gi de. Quan trọng hơn, vị thầy này đã giới thiệu cho ông trực tiếp vào kinh nghiệm của Dzogchen. Ông ở đó gần một năm, thường tham gia việc chữa bệnh của Changchub Dorje và làm người ghi chép và thư ký cho ngài. Ông cũng nhận những trao truyền từ người con của vị thầy này Gyurmed Dorje.

Sau đó, Norbu Rinpoche bắt đầu một cuộc hành hương dài đến Trung Tây tạng, Nepal, Ấn Độ và Bhutan. Trở lại sDe dge quê hương, ông thấy rằng tình hình chính trị xấu đi đã dẫn đến bùng nổ bạo động. Đi qua miền Trung Tây Tạng, cuối cùng ông đến Sikkim. Từ năm 1958 đến 1960 ông sống ở Gangtok, Sikkim, được dùng như một tác giả và người biên tập những cuốn sách Tây Tạng cho Văn Phòng Phát Triển của Chính Phủ Sikkim. Năm 1960, hai mươi hai tuổi, theo lời mời của giáo sư Giuseppe Tucci, ông đến Ý và ở Rome vài năm. Trong thời gian này từ 1960 đến 1964, ông là một hội viên nghiên cứu ở đại học Naples. Nhận một trợ cấp học bổng của Rockerfeller Foundation, ông hợp tác mật thiết với giáo sư Tucci và viết hai phụ lục cho cuốn sách Dân Ca Tây Tạng ở Gyantse và miền tây Tây Tạng (Rome, 1966) cũng như có những khóa giảng về yoga, y học và chiêm tinh học.

Từ 1964 đến nay, Norbu Rinpoche là một giáo sư ở Tistuto Orientale, đại học Naples, nơi ông dạy tiếng Tạng, Mông Cổ và lịch sử văn hóa Tây Tạng. Từ đó ông nghiên cứu sâu vào nguồn gốc lịch sử văn hóa Tây Tạng, tìm tòi những nguồn từ truyền thống đạo Bon ít được biết. Năm 1983, Norbu Rin-poche chủ trì Hội Nghị Quốc Tế lần thứ nhất về Y Học Tây Tạng ở Venice, Ý. Dù vẫn dạy ở đại học, khoảng mười năm gần đây Norbu Rinpoche đã hướng dẫn những lớp nhập thất ở nhiều quốc gia khác nhau, gồm Ý, Pháp, Anh, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và từ 1979, Mỹ. Trong những lần nhập thất này, ông cho những chỉ dạy thực hành Đại Toàn Thiện trong một hình thức không bộ phái, cũng như những phương diện của văn hóa Tây Tạng, đặc biệt là Yan-tra Yoga, y học Tây Tạng và chiêm tinh. Hơn nữa, dưới sự hướng dẫn của ông đã lớn thêm, ban đầu ở Ý và bây giờ ở một số nước khác, kể cả Mỹ, cái được biết như là Cộng Đồng Dzogchen. Đây là một hội không chính thức những cá nhân trong khi vẫn tiếp tục làm công việc của họ trong xã hội, chia xẻ một quan tâm chung trong sự theo đuổi và thực hành những chỉ dạy mà Norbu Rinpoche tiếp tục truyền đạt.


Về Dịch Giả

John Myrdhin Roynolds nghiên cứu Tôn Giáo Tỷ Giảo, Nhân Chủng học, Sanskrit, Tây Tạng và Triết học Phật giáo ở đại học Columbia, Đại học California ở Berkeley và Đại học Washington. Ông làm luận văn về Sanskrit và Triết học Phật giáo với giáo sư Edward Conze. Rồi ông để tám năm ở Ấn Độ và Nepal nghiên cứu và thực hành Tantra Yoga và thiền định với nhiều Lama Tây Tạng và Thiền giả Ấn Độ lỗi lạc. Ông được nhập vào cả hai phái Nyingma và Kagyud của Phật giáo Tây Tạng và sau đó nhận giới làm một thiền giả Phật giáo Mật thừa với pháp danh là Vajranatha. Ông giảng nhiều nơi ở Ấn Độ, châu Âu và Mỹ và dạy Tôn Giáo Tỷ Giảo và Phật giáo ở Shanti Ashram (Nam Ấn Độ), Đại học Massachusetts, U.C. Santa Cruz và mới đây ở College New Rochelle ở New York. Ông đã xuất bản ở Nepal và Tây phương một số sách và bài viết về Tantra, tâm lý học và thiền định Phật giáo và chiêm tinh Tây Tạng, cũng như những bản dịch từ Tạng ngữ. Ông đã cộng tác với giáo sư Namkhai Norbu về một số dự án dịch thuật, và hiện đang sống ở Devon, Anh. Bản dịch của ông với bình giảng rộng cuốn Tự-Giải Thoát qua Thấy Mọi Sự trong sự Trần Trụi của chúng : Một Giới Thiệu vào Bản Tánh của Tâm Mình do Namkhai Norbu viết tựa cũng đã được Station Hill Press xuất bản.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.