Nếu trái đất quá chật chội, con người sẽ đổ xô ra biển hay xuống ở dưới thềm lục địa. Không tưởng ư? Chưa chắc!
* * *
“Cho thuê một khu đất rộng rãi và thoáng đãng, nước, thực phẩm dồi dào, không có nguy cơ động đất, chỉ còn phải giải quyết vấn đề nhỏ về liên lạc với đất liền. Vị trí: cách bờ biển 600m, sâu 52m”. Chưa ai dám đưa ra lời nhắn tin đó. Tuy nhiên, điều này có thể diễn ra sớm hơn là bạn nghĩ: Thay vì xây nhà tại miền nông thôn, các kỹ sư và kiến trúc sư đang đề nghị xây ngoài biển. Và họ rất nghiêm túc. Người nhật, Monaco và Israel nghĩ rằng như thế sẽ giải quyết được phần lớn các vấn đề về nhân mãn ở thành thị.
Khi nói về thị trấn dưới biển, người ta còn nhớ đến các ngôi nhà của Jacques Rougerie, những khối cầu bằng thép mà ở đấy người ta có thể mặc đồ lặn ra vào tự nhiên. Phải thừa nhận rằng, các kiểu nhà như thế khá hiếm: một khách sạn tại Florida, vài phòng dành cho việc nghiên cứu. Nhưng những ý tưởng của kiến trúc sư Pháp đó chỉ là phần nổi của một thách thức hiện đại: sử dụng biển cả cho các hoạt động của con người.
Ở Nhật, nơi mà 20% vịnh Tokyo đã được lấp đầy để mở rộng diện tích thành thị, và một phần thành phố Kobe được đặt trên các hòn đảo nhân tạo, việc xây dựng những thành phố dưới biển không phải là điều không tưởng, mà đã là thực tế. Mô hình “Hành lang biển” ở Osaka là một minh chứng. Người Nhật nghĩ đến một hành lang dài vòng quanh vịnh, cách bờ khoảng 100m. Các đường giao thông và một phần dịch vụ kỹ thuật sẽ nằm ngầm dưới đất; trên mặt là một dãy đảo, thị trấn biển gồm nhà ở, thương cảng, phi trường hay trung tâm giải trí. Vừa trên biển vừa dưới đáy. Vĩ đại nhưng rất điển hình. Cho đến nay, chính nhờ nghĩ đến những hòn đảo nhân tạo, mà đất liền đã lấn ra biển. Israel cũng dự định tạo ra cái mà Ariel Sharon (lúc ấy là Bộ trưởng Hạ tầng kiến trúc) đã trình bày như là các “hòn đảo kho báu” tương lai: 10 hòn đảo nhân tạo đầu tiên với diện tích 1 kilometer vuông, xây dựng ở độ sâu 10m, dọc theo bãi biển đông đúc dân cư.
Nhưng các vấn đề nảy sinh khi xây dựng phi trường Kansai trong vịnh Kobe đã cho thấy những hạn chế của kỹ thuật: phí tổn rất cao, đất đai không ổn định, chịu ảnh hưởng động đất mạnh, rối loạn nghiêm trọng trong hệ sinh thái địa phương… Nhiều dự án mới nghĩ đến việc xây dựng kiến trúc nổi hay nửa nổi. Một trong các đề án táo bạo nhất là của phòng nghiên cứu Nikken Sekkei: một thành phố biển có dạng bán nguyệt, có thể chứa 70.000 dân hoàn toàn độc lập. Nhà hàng, bãi đậu xe, trường học, công viên, sân vận động dưới nước, trung tâm giải quyết chất thải, trang trại ngư nghiệp, tất cả đều được dự trù. Với phí tổn 65 tỷ franc, kiến trúc sẽ gần chạm đến đáy biển, độ ổn định được bảo đảm bởi các hệ thống dằn và neo.
Nhưng không phải chỉ có người Nhật mới quan tâm đến việc mở rộng thành thị. Tại Monaco, nơi diện tích ở cũng chật hẹp, chính quyền đã nhắm ra biển cả. Tạm thời chưa có dự án nào được chấp thuận, nhưng việc mở rộng khu Frontvieille sẽ gồm một hòn đảo nối liền với lục địa. Độ sâu tại vùng biển Monaco và những vấn đề sinh thái xuất hiện trong các cuộc thí nghiệm mở rộng trước đây, với kỹ thuật đổ móng, khiến người ta quay sang giải pháp đặc thù đó.
Kiến trúc sư Jean-Philippe Zoppini quyết định đi sâu vào lĩnh vực này. Zoppini đã vẽ Isula, một hòn đảo nhân tạo đường kính 300m, với bãi biển, bến cảng, hồ bơi, vườn cây và 150.000m2 diện tích ở. Phí tổn từ 30.000 đến 40.000 franc cho mỗi mét vuông.
Theo những người ủng hộ, ưu điểm của các thành phố nổi là rất nhiều: khá vững chãi để chống chịu được giông bão, không bị ảnh hưởng bởi động đất và có thể mở rộng dễ dàng theo nhu cầu. Để đạt được tính độc lập tốt hơn, chúng có thể kết hợp các loại năng lượng của mặt trời, sóng biển, gió, hay sự chênh lệch nhiệt độ ở mặt biển và dưới sâu, đồng thời khai thác những trại hải dương để nuôi cá hay tảo. Vấn đề lại mang tính chất pháp lý: ở gần bờ biển, hải phận là của công và không dễ dàng gì chuyển nhượng. Sự bảo vệ sinh thái cũng cần được nghiên cứu cẩn thận để tránh làm ô nhiễm thêm đại dương.
Theo Thierry Gaudin, còn có lý do khác để chú ý đến các thành phố ngoài biển: “lịch sử đã cho thấy rằng, khi định đặt nơi trú ngụ, con người đã tự đưa ra các thách thức. Họ lên ở trên những mỏm đá chót vót, chẳng hạn như núi Athos, trong giá rét như người Inuit, và nhiều nơi khắc nghiệt khác. Họ xem đó như là sự thể hiện tính tự do, sự chứng tỏ cần thiết về khả năng chiến thắng thiên nhiên”. Trong quyển tiểu thuyết Mermère, tác giả Hugo Verlomme đã mô tả nơi ở của con người tương lai khi đất liền bị ô nhiễm tàn phá: một cái vòm trong suốt chứa đầy không khí được đặt dưới đáy biển, chung quanh là những cánh đồng trồng trọt, trên mặt biển có các ngôi nhà nổi mà người ta sẽ hạ sâu xuống nước khi có giông bão. Nhưng nhà văn đã cho phép mình một điều mà chưa kiến trúc sư nào dám nghĩ đến: những người sống ở đấy đều trải qua một cuộc phẫu thuật nhằm giúp họ thở dưới nước.
Sưu Tầm