Tượng Komoku-Ten, vị Hộ pháp trấn phía Nam, nằm bên trong Đại Phật điện. Pho tượng cầm trong tay một chiếc bút lông và một cuộn giấy, thể hiện tượng trưng của một bản sao kinh Phật
Tượng gỗ Hộ pháp Nio (Thần sét hộ pháp) đứng hai bên của Nandaimon (Nam Đại môn). Mỗi tượng có chiều cao gần 8 mét, tuổi thọ trên 800 năm, được tạc khắc bởi người thợ chạm gỗ bậc thầy Unkei. [Chiếc lưới thép phía trước là để ngăn chim và dơi]. Tượng được ghép bởi 3.115 mảnh gỗ.
Tượng Phật niết tịnh bằng gỗ.
Theo truyền thuyết, có đến 420.000 người cúng tiền và 2.180.000 người tham gia xây dựng chùa. Bản thân bức tượng Đại Phật là do một nghệ sĩ đến từ vương quốc Baekje, Triều Tiên, thiết kế. Con số người tham gia xây chùa tương đương gần một nửa dân số Nhật Bản thời kỳ đó, có lẽ là đã quá phóng đại. Theo những tính tóan ngày nay, quá trình xây dựng Todai-ji cần đến 1.665.000 ngày công, vẫn là một số hết sức khổng lồ.
Bức tượng Daibutsu (Đại Phật) – bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng lớn nhất thế giới – nằm trong một công trình làm hòan tòan bằng gỗ – Daibutsu-den (Đại Phật Điện). Trong khuôn viên chùa, trải dài 1 cây số theo suốt trục Bắc-Nam và Đông-Tây tính từ Đại Phật điện là hàng lọat công trình khác, gồm các điện và kho báu, trong đó có bảy công trình là Di sản Quốc gia. Là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất Nhật Bản, Todaiji cũng sở hữu vô số báu vật văn hóa với hơn 20 pho tượng Phật và tác phẩm nghệ thuật được xếp lọai Di sản Quốc gia. Quần thể nguyên gốc bao gồm cả hai ngôi tháp bảy tầng cao 100 m, có lẽ là ngôi tháp cao nhất thế giới thời kỳ đó. Những ngôi tháp này ngày nay đều đã bị động đất phá hủy hoàn toàn.
Tượng Đại Phật được đúc vào năm 749 và hoàn thành năm 751, tiêu thụ hết tòan bộ sản lượng đồng của nước Nhật sản xuất ra trong suốt nhiều năm trời và khiến nền kinh tế đất nước gần như sụp đổ. Một đại lễ được tổ chức vào năm sau đó, khi những con ngươi mắt được vẽ lên pho tượng Đại Phật. Pho tượng sau đó được sửa chữa và đúc lại nhiều lần do nhiều nguyên nhân khác nhau như động đất làm hư hại, hay do chùa phải xây lại sau khi bị hai lần hỏa họan do khói lửa chiến tranh vào những năm 1180 và 1567; thậm chí đã có lần đầu tượng bị gãy rời xuống đất. Chiếc bệ tượng còn lại ngày nay có niên đại từ thế kỷ thứ 8, trong khi các phần phía trên, bao gồm cả chiếc đầu, thực ra phần lớn đã được đúc lại vào nửa sau của thế kỷ 12. Tai họa cũng đã từng giáng xuống ngôi điện lớn, nhất là do khói lửa của chiến tranh. Sau lần ngôi điện bị cháy vào nửa sau của thế kỷ 16, tượng Đại Phật đã phải đứng ngòai trời trong suốt một thế kỷ cho tới năm 1692, khi ngôi điện Đại Phật như ta thấy ngày nay được xây.