Không Còn Sợ Hãi ….

Đừng để sự sợ hãi cản bước chân ta ….

Từ thuở nhỏ, mỗi khi sợ hãi điều gì tôi chỉ biết niệm Phật để cầu cứu nhất là Đức Quan thế Âm Bồ Tát, trong khi chưa hề biết được yếu nghĩa thật sự của Niệm Phật như thế nào.

Tuy vậy gần đây khi học được ý nghĩa của việc niệm Phật trong lòng thì tôi cũng mĩm cười khi nhớ lại và nhủ thầm … NOT BAD !!!

Vì Niệm Phật là đem tấm lòng nhỏ hẹp của mình để neo chặt vào lòng Từ Bi vĩ đại của Đức Thế Tôn và hoà tan vào được trong Ánh Sáng Vô lượng Quang Minh của Ngài để rồi từ đó chúng ta sẽ chuyển hoá theo chiều hướng Giải Thoát và Giác Ngộ ….Ngày nay qua nhiều kinh sách tôi được biết rằng khi gặp các vấn đề khó khăn mà ta phải cầu xin với Đức Phật và tin rằng chỉ có Đức Phật mới giải quyết được thì thật vô ích vì từ lâu Ngài đã vào Niết Bàn, nhưng … Đức Phật đã cho chúng ta các kỷ thuật thực hành để chúng ta có thể giải quyết bất cứ vấn đề nào trong cuộc đời của chúng ta và điều đó phải được hiểu như sau:

– Ngài chỉ ban cho KỶ THUẬT mà không cho bất cứ GIẢI PHÁP nào, nhưng nếu chúng ta thực hành những gì Ngài dạy thì chúng ta sẽ phát triển được trí tuệ và chính trí tuệ này sẽ giải quyết các vấn đề của chúng ta.

– Do vậy tôi đã học được rằng “CHỈ CÓ THỂ LÀ TRÍ TUỆ CỦA CHÚNG TA MỚI GIAI QUYẾT ĐƯỢC CÁC VẤN ĐỀ CỦA TA mà thôi“.

– Bây giờ tôi cũng học được rằng “Điều làm nên sự khác biệt giữa mọi người chỉ là DO BIẾT CÁCH SỬ DỤNG TRÍ NÃO của mình mà thôi“.

Thói thường ta rất sợ mắc phải sai lầm khi làm bất cứ việc gì bởi vì nó chứng tỏ cho ta thấy rằng ta không có được đầy đủ kiến thức và thậm chí sẽ đưa ta đến chỗ không dám cố gắng thử lần thứ hai vì sợ phát sanh sự sợ hãi …

Một khi đã có sự sợ hãi, ta không muốn hành động gì … vì ta không muốn mắc phải sai lầm lần thứ ba, thứ tư… thêm nữa. Và do đó mà có hai định nghĩa về người bi quan và lạc quan như sau :

– Người lạc quan là người luôn nhìn thấy mọi cơ hội trong sự hiểm nguy.

– Và người bi quan là người luôn nhìn thấy mọi sự hiểm nguy trong mọi cơ hội vì luôn luôn sợ hãi sẽ vướng mắc sai lầm.

– Mà nguyên tắc để thành công là TIN TƯỞNG VÀO VIỆC MÌNH LÀM lại chính là một yếu tố cực kỳ quan trọng ….

Điều cũng khá ngộ nghĩnh là: “Hầu hết trong mọi lúc, chủng ta là người chịu trách nhiệm cho các vấn đề của chính chúng ta trong cuộc đời này, nhưng chúng ta không thấy được và luôn phải nhờ nhiều người khác giải quyết giùm, trong khi đó một người được gọi là trưởng thành chỉ khi nào họ biết dùng nụ cười để đối diện với mọi việc“. Và Điều quan trọng để cho ta dần dần lấy lại niềm tin và không sợ hãi nữa, đó là luôn luôn lặp đi lặp lại trong đầu rằng rằng: “KHÔNG CÓ CÁI GÌ LÀ QUAN TRỌNG HẾT và KHÔNG CÓ GÌ PHẢI SỢ HÃI” khi ta chỉ cần rất tỉnh giác, chánh niệm cố gắng không ngừng … đồng thời dùng phương pháp nào để có thể quán niệm sao cho cảm xúc của ta không thể điều khiển cuộc đời ta vì một khi ta không tỉnh giác, các cảm xúc sẽ tràn ngập tâm trí ta và ta sẽ không thể tìm thấy một giải pháp tốt đẹp nào …

Theo lời khuyên của Thiền Sư Sayadaw U. Jotika thì cách hay nhất là:

• Hãy quan sát Tâm của ta và chỉ cần nhìn ra những sai lầm nào mà ta mắc phải và sửa sai nó thì cứ thế dần dần ta sẽ ít sai lầm hơn và nghĩa là ta sẽ không có những vấn đề gì to tát mà toàn là những vấn đề nhỏ.

• Đó là một quyền năng vi diệu của con người và một khi ta phát triển được thì các phẩm chất tốt đẹp trong tâm trí ta sẽ xuất hiện.

• Tuy nhiên cũng có đôi khi vì hoàn cảnh nhiều người phải sống độc cư một mình và họ thường chìm vào những suy nghĩ tiêu cực và người ấy thường khó thoát ra được nó vì người độc cư thường đóng khép tấm lòng mình lại…

Do vậy khi không có khả năng tự giải quyết vấn đề của mình … thì có lời khuyên duy nhất mà những tâm lý gia thường dạy “Đừng giữ âm thầm một mình mà phải nhận thêm, tiếp thu thêm vài ý kiến và sự nhiệt thành giúp đỡ của người khác, … đừng giả vờ sống để che lấp những mối ưu phiền, sự trống rỗng cô đơn, sợ hãi luôn nằm dưới đáy sâu tâm hồn“.

Hãy cùng trôi chảy với tấm lòng của người khác đừng để sự cô lập giống như một ao nước bị tù đọng lâu ngày sẽ bốc mùi hôi thối ..,

Những ngày lễ cuối năm gần đây khi sưu tầm những điều hay trên trang mạng tôi đã tìm thấy được đôi lời tâm sự của một hành giả ở vào tuổi trung niên trình bày vài kinh nghiệm để vượt qua những nỗi buồn vô cớ, tiêu cực và chắc chắn có đôi lúc chứa nhiều nỗi sợ hãi mà không dám thố lộ cùng ai như tôi những ngày chưa học Phật pháp … “Người đến tuổi trung niên, chúng ta cũng đã qua những năm nghe tiếng gió thổi mà ứa lệ, thấy mây bay mà đau đớn cõi lòng.

Tâm tĩnh như nước hồ thu là một loại cảnh giới, nhưng thế giới nội tâm chúng ta cũng có lúc phát tiết, như những con sóng lăn tăn mặt hồ.

Muốn khóc hãy khóc một mình….

Có nỗi đau không thể tỏ cùng ai, trong đêm tĩnh lặng, cứ để nước mắt lặng lẽ rơi. Khi mặt trời ló lên, chúng ta lau nước mắt, lại thản nhiên bước tiếp như thường. Bước vào thế giới phức tạp rối bời, vẫn phải bỏ qua tất cả những được – mất, đúng – sai của thế giới này, và vẫn phải yêu thương trân trọng những người đến và đi trong cuộc đời.

Tuổi trung niên ta nhìn đời bằng con mắt rộng mở hơn, đối nhân xử thế bằng tấm lòng bao dung, chân thành hơn, đối mặt với nghịch cảnh bằng cái tâm dung nhẫn, trầm tĩnh hơn..Sự đời tốt xấu, được mất, khen chê, vinh nhục… cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn.

Theo Cmoney/ Nam Phương biên dịch

Thật tế chúng ta rất cần những lời khuyên và dạy bảo từ các bậc Thầy, nhưng chúng ta cần thực hành từ lời dạy và ĐƯA RA KẾT LUẬN từ việc thực hành ấy. Vì sao vậy? Vì nếu chỉ tin vào lời dạy mà không đem ra thực hành thì sự vượt qua những cản trở chướng ngại rất là hời hợt cũng như ta cũng cần biết thêm và học hỏi về những Phước Đức ta có thể tự tạo được khi sống đúng với 38 pháp hạnh phúc theo lời chỉ dẫn của Đức Thế Tôn với các tiên nhân đến học tập trong kinh Đại Phước Đức (MAHA MANGALA SUTTA)

Sống trong môi trường tốt
Đã tạo tác nhân lành
Được đi trên đường Chánh
Là Phước Đức lớn nhất

Tránh không làm điều ác
Nên xa các tội lỗi
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là Phước Đức lớn nhất

Sống chung đụng nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết an nhiên
Là Phước Đức lớn nhất

Và ngạc nhiên hơn hết … theo kinh diển Pali, Sự sợ hãi cũng phát nguồn từ một tâm Giận một tâm hành bất thiện.

Giờ đây, khi học được Phật pháp nhiều năm, có lúc tôi thấy như Đức Phật đang nhìn tôi như trấn an “Không có gì phải sợ hãi đâu con ơi” và lúc nào khi tôi cảm thấy cô đơn tôi liền mở máy CD player để nghe những Audio về phật giáo … nhiều bản nhạc làm hưng phấn và kích thích niềm tin của mình trở lại chỉ sau vài giờ thôi ….

Như vậy nếu bạn không hiểu Phật Pháp, không thực hành và kinh nghiệm Phật Pháp thì làm sao bạn có thể nhìn thấy một Đức Phật bằng mắt của bạn, điều đó cũng có nghĩa là bạn không thể cầu cứu đến Ngài và từ ngày đến với Phật Pháp tôi đã không còn sợ hãi nữa trong nhiều vấn đề và tôi chỉ thật sự ao ước làm thế nào mình có thể thực hành rốt ráo để kinh nghiệm được những chân lý của những điều Đức Phật dạy trong kinh Đại Phước Đức hầu có thể an nhiên tự tại cũng như không sợ hãi bất cứ điều gì nữa ….

Thân tặng các bạn điều tôi được chiêm nghiệm sau khi nghiên cứu tham khảo các lời dạy từ các bậc Thầy Nam Tông và thực hành trì tụng kinh Đại Phước Đức mỗi ngày như sau:

• Ai có duyên với một bộ kinh nào trong giáo pháp của Như Lại đều sẽ được tỉnh thức và thâm nhập nghĩa lý thâm diệu của Kinh đó, dưới ánh sáng mầu nhiệm của Đạo Pháp.

• Người thọ trì và thực hành theo đúng ý nghĩa kinh này sẽ được thành công và an lạc dù ở bất cứ nơi nào.

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.