Thái Cực Quyền phiên âm tiếng Trung Hoa là T’ai Chi Ch’uan hay Taijiquan , thông thường gọi là T’ai Chi, Tai Chi, hay Taiji, là môn võ nội công, nhưng ngày nay được biết đến như là một môn thể dục để tăng cường sức khoẻ , phương pháp dưỡng sinh trị liệu hữu hiệu , thư giản tâm hồn, chống thần kinh căng thẳng ( stress).
Thái Cực Quyền chú trọng 3 điểm : sức khoẻ, thiền định và võ thuật Như tên, Thái Cực Quyền dùng hình thái cực làm biểu tượng cho môn võ thuật nầy .
Thái Cực có nghĩa là nguyên lý nguyên thuỷ của vũ trụ . Theo Kinh Dịch Thái Cực như là một hạt nguyên tử của thời nay . Vào lúc trời đất còn hỗn mang , muôn vật sắp hình thành thì đã có cái nguyên linh lớn ở trung tâm gọi là Thái Cực tức là gốc của vũ trụ . Sau Thái Cực chia thành Lưỡng Nghi ( Âm Dương) tức là hai hướng trái nghịch của vũ trụ . Rồi Lưỡng Nghi hóa thành Tứ Tượng (Thái Dương- Thiếu Âm -Thiếu Dương- Thái Âm) . Rồi Tứ Tượng hóa thành Bát Quái (Càn – Khôn – Cấn – Ðoài – Chấn – Tốn – Khảm – Ly) tượng trưng cho Trời , Ðất , Núi , Ðầm , Sấm, Gió , Nước , Lửa . Ðến giai đoạn này thì vũ trụ hình thành cùng với con người .
Chữ quyền có nghĩa là môn võ xử dụng bằng tay ( không dùng chân).
Thái Cực Quyền xuất hiện từ thế kỷ thứ 13 , theo truyền thuyết thì do Trương Tam Phong nhân thấy một cuộc giao đấu giữa con rắn và con chim ưng . Con rắn với những thế uyển chuyển đã hóa giải được các thế tấn công của chim ưng , từ đó Ông nghĩ ra một môn võ phối hợp với lý thuyết của Ðạo dùng nhu khắc cương và đặt tên môn võ nầy là Thái Cực Quyền . Từ đóThái Cực Quyền được truyền qua nhiều thời đại . Hiện nay có 5 chi phái chánh : Trần Gia, Dương Gia, Ngô Gia, Võ Gia và Tôn Gia . Về phương diện võ thuật mỗi hệ phái có biến cải đôi chút trong phương thế và bộ vị, thay đổi tên gọi và số lượng chiêu thức, nhưng tựu trung vẫn tôn trọng những nguyên lý căn bản là vận dụng nguyên lý phối hợp Âm Dương, các động tác đều chậm rãi, khoan thai, uyển chuyển và có hư có thực, như thế mới phát triển được cái lẽ dùng nhu để thắng cương hay cái lẽ có cương ở trong nhu …
Ba nguyên tắc chính trong khi tập là : hít thở đúng cách, tập trung tư tưởng, và chuyển động nhẹ nhàng.
Theo giáo sư Nguyễn Cao Thanh , giảng dạy môn Thái Cực Quyền ở Đại học Rice ( Houston – Texas ) thì người tập Thái Cực Quyền phải tuân thủ 13 yếu quyết sau :
1) An thư diện mục.
Ðiềm đạm , an bình và thư thái . Có được như vậy thì những sự căng thẳng thần kinh ( stress ) mới được giảm thiểu .
2) Dũ mạn dũ hảo.
Khoan thai chẩm rải . Càng chậm càng tốt . Khi tạo ra chuyển động, tuyệt đối không dùng đến gân cốt và bắp thịt, nghĩa là phải thật nhẹ nhàng. Tay và cơ thể đều xoay chuyển liên tục theo một đường vòng tròn, tưởng tượng như mình đang luân chuyển theo một dòng nước. Ðộng tác chậm rải thì sự hô hấp sẽ sâu và khí trầm xuống đan điền và ảnh hưởng trực tiếp đến làn sóng não, với tần số não phát ra thật thấp từ 8 đến 12 chu kỳ (hertz) khiến tâm hồn được thư giãn và thần kinh không còn bị căng thẳng .
3) Tương liên bất đoạn.
Ðộng tác liên tục . Các động tác trong bài quyền phải được diễn ra liên tục , không ngừng nghỉ . Chiêu thức này tiếp theo chiêu thức kia, vòng đi rồi lại trở về, tuần hoàn bất tận. Kình lực cũ chưa hết thì kình lực mới đã sinh, khiến vòng quyền thức không có chỗ nào sơ hở. Sinh khí triền miên sẽ khiến cho nội tâm an vững, nhịp tim điều hòa, làm gia tăng sức chịu đựng của cơ thể và làm điều hòa mức cholesterol trong cơ thể…
4) Hư linh đỉnh kình.
Khí huyết lưu thông tự nhiên , không gượng ép . Ðầu cổ ngay thẳng so với sống lưng, để tinh thần xuyên suốt từ trên đỉnh, linh hoạt và dễ tập trung, đối phó thích ứng với biến động bên ngoài. Giữ cho cột sống ngay thẳng, không bị lệch nhưng vẫn xoay trở được uyển chuyển phù hợp với khoa chỉnh hình ( chiropractic) . Xương sống bị lệch sẽ đè lên dây thần kinh khiến năng lượng do não bộ phát ra không tới được các lục phủ ngũ tạng và cơ thể có nguy cơ bị bệnh.
5) Chân biệt hư thực.
Phân biệt âm dương , hư thực . Sự phân biệt nầy rất quan trọng . Nếu trọng lượng toàn thân dồn về chân phải, thì chân phải là thực (dương) và chân trái là hư ( âm). Ngược lại, nếu trọng lượng dồn về chân trái, thì chân trái là thực và chân phải là hư. Cũng còn gọi là bán khinh bán trọng và điều cần nhớ là trọng tâm của thân thể cần đặt ở điểm 1/3 trong khoảng cách giữa hai chân về phía chân mang trọng lực “dương”. Nói cách khác, sức nặng toàn thân dồn 2/3 trên chân “ thực” và 1/3 trên chân “hư”. Điều này cũng phù hợp vói nguyên lý của lực học. Có phân biệt hư thực thì sự chuyển động mới vững vàng, nhẹ nhàng và linh hoạt, không phí phạm sức lực. .
6) Hàm hung bạt bối.
Ngực thẳng và hơi thóp vào để khí lắng xuống đan điền. Rất kỵ ngực nhô ra vì như thế hạ bàn nhẹ đi, mất thăng bằng. Khí ẩn sát trong lưng khiến kình lực phát ra rất mạnh, đó là ý nghĩa của câu nói “ bốn lượng đẩy nghìn cân”.
7) Thung dung yêu bối.
Eo lưng buông lỏng, khiến cơ thể xoay chuyển nhẹ nhàng và cân đối trên một hạ bàn vững chắc. Eo lưng nhịp nhàng làm cho cột xương sống uyển chuyển, cải thiện chức năng của lục phủ ngũ tạng.
8) Trầm kiên trụy chẩu.
Hai vai buông thõng tự nhiên khiến khí lắng trầm, toàn thân di động nhẹ nhàng. Hai cùi chỏ không căng thẳng mà hướng xuống, để bảo vệ huyệt trên đường kinh tim ở vị trí nách, nếu bị tấn công sẽ nguy đến tính mạng.
9) Dụng ý bất dụng lực.
Không dùng lực mà chỉ dùng ý . Ý động trước rồi khí động sau, mà khí đến thì lực đến. Hãy tạm ví thân thể người ta như một giải đất có mương rãnh. Nếu mương rãnh không nghẽn thì nước xuôi chảy. Cũng thế, thân thể ta nếu kinh lạc không tắc thì khí thông, khí thông thì máu huyết luân lưu không chướng ngại và cả tâm thân sẽ mạnh khỏe hài hòa.
10) Thượng hạ tương tùy.
Khi luyện tập trên dưới theo nhau, nghĩa là tâm ý, động tác và hơi thở cần phối hợp chặt chẽ . Khi cả ba yếu tố phối hợp thì sẽ vận chuyển được hai mạch nhâm đốc và nhãn thần sẽ theo đó mà động để đạt được nội ngoại tương hợp. Đó là điều rất cần cho công thủ và tiến thoái.
11) Khắc khắc minh tân.
Cuộc sống luôn luôn đổi mới từng giây phút, nên những người tập phải uốn nắn tâm linh và thể xác cho hợp vói sự thay đổi của bên ngoài. Nhờ sự tu luyện, thân tâm sẽ giúp thiền sinh đổi mới cuộc đời của mình theo chiều hướng tốt đẹp.
12) Thân tâm thanh tịnh.
Tâm phải tịnh , có nghĩa không dao động để thân được thư giãn , tránh khỏi những vọng động do lòng tham muốn tầm thường gây nên.
13) Hiện tại an trụ.
Phải tập trung vào tâm ý và động tác, chỉ biết hiện tại là thực, tạm quên quá khứ và tương lai . Tập trung tinh thần vào hiện tại, thì mới thể hiện được tâm Thái Cực và tâm Hư Vô, để kết tụ được âm dương chỉ thị nhất khí.
Thái Cực Quyền chú trọng rất nhiều vào hơi thở khi tập luyện . Trong lúc làm động tác hít thở, tư tưởng phải hoàn toàn ổn định, nghĩa là cố theo dõi hơi thở của mình và tưởng tượng đến luồng khí mà ta hít vào hay thở ra, từ lúc bắt đầu chui vào lỗ mũi, qua ống mũi, xuống khí quản, rồi vào phổi, bị nén xuống, đoạn trở lên trên mũi và ra ngoài. Nếu mở mắt ra mà thấy chia trí thì nên nhắm mắt lại, chỉ theo dõi hơi thở bằng óc mà thôi. Khi hít vào cũng như khi thở ra đều phải làm trong nhịp thật chậm, từ từ hít vào bằng mũi, thót bụng lại ,cho đến khi không còn hít thêm được nữa thì ngưng lại, nén hơi xuống bụng chừng 10 hay 15 giây – giai đoạn nén hơi này rất quan trọng vì khí oxy khi được hít mạnh vào sẽ tràn đầy các tế bào và các mô, kích thích sinh hoạt của các tế bào và các mô, làm giãn nở các mạch máu và bắp thịt – rồi thở ra cũng bằng mũi, thật chậm.
Theo Nguyễn Cao Thanh thì phải hô hấp đủ 16 lần trước khi tập, theo cách thức sau :
– Đứng với hai bàn chân song song, rộng ngang vai, hai đầu gối chùng xuống, miệng ngậm, đầu lưỡi khẽ chạm vào hàm ếch trên, mắt hơi nhắm (Đầu lưỡi đụng hàm ếch trên là tim phổi liên hệ đến hung tuyến (Thymus gland), cũng như đầu ngón tay cái chạm đầu ngón tay giữa là phổi liên hệ đến tâm bào.)
– Giữ lưng thẳng, hai tay xuôi theo hai bắp vế với đầu ngón cái chạm đầu ngón tay giữa, lòng bàn tay hướng ra sau.
– Thở bằng bụng, khi hít vào thì thóp bụng vô và nhón hậu môn lên, khi thở ra thì phình bụng và nhả hậu môn. (Thở bằng bụng là bắt chước theo tiên thiên hô hấp của thai nhi trong bụng mẹ . Khi thở ra, phình bụng và nhả hậu môn là cho khí hậu-thiên ra ngoài, còn khí tiên-thiên thì giữ lại, cho chạy từ hoành cách mô xuống đến đan điền (huyệt nằm chừng một inch dưới rốn), rồi tới vĩ lư là đốt xương cuối cùng của cột sống. Khi hít vào, thót bụng lại và khép hậu môn, là cho khí tiên-thiên đi trở lên hoành cách mô để hợp với khí hậu-thiên, thành khí Thái cực.
Thái Cực Quyền thuộc hệ phái Dương Gia gồm có tất cả 108 chiêu thức (còn gọi là thế hay động tác). Quyền pháp mở rộng mà gọn gàng, thân pháp trung chính, động tác thuận hòa và nhẹ nhàng linh hoạt . Âm dương hư thực phối hợp cân đối và cương nhu rất tương tế, tạo thành một phong cách riêng biệt. Dương thức Thái Cực Quyền được truyền từ đời Dương Lộ Thiên và hậu duệ (1799- 1872) rồi được kiện toàn vào các đời của Dương Trừng Phủ (1838- 1936) và tới thế kỷ thứ 20 thì được đệ tử Trương Mãn Thanh du nhập vào các nước tây phương và Thái Cực Quyền tức Tai Chi từ đó được phát triển mạnh mẽ trên thế giới .
Luyện tập Thái Cực Quyền đúng phương pháp, lâu dài và thường xuyên sẽ giúp trị được rất nhiều tật bệnh, kể cả bệnh mãn tính mà nhiều khi không cần đến thuốc men, cũng như làm giảm những bệnh ngoại cảm thời khí, và đặc biệt làm chậm tiến trình lão hóa nơi những người lớn tuổi. Có thể kể như bệnh phong thấp, bệnh tiểu đường, bệnh đau bao tử, bệnh viêm khớp, viêm cuống phổi, bệnh hen suyễn, bệnh về tim mạch như cao máu, cao cholesterol… và có thể ngay cả những bệnh về tâm thần như bệnh mất ngủ, mất trí nhớ, bệnh trầm cảm( depression) v.v…Áp dụng yếu quyết “dũ mạn dũ hảo” trong lúc tập, các hoạt động của cơ thể đều an hòa và chậm lại, khiến các Stress hormones (ví dụ như Adrenaline của Nang thượng Thận) sẽ không tiết ra quá mức bình thường để trở thành độc tố có hại cho cơ thể . Do đó chúng ta được sẽ khỏe mạnh và mau bình phục nếu có bệnh.
Thái Cực Quyền thực sự là một phương pháp dưỡng sinh tuyệt diệu, vừa giúp cho cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung, vừa giữ hệ thần kinh lúc nào cũng thư thái, lại có thể chữa bệnh một cách hiệu nghiệm . Trên phương diện tâm linh, thái Cực Quyền do luyện tập một lối sống an nhiên tự tại giúp con người biết gần gũi và thương yêu nhau để tạo nên một gia đình và một xã hội hiền hòa, bền vững và hạnh phúc.
Sưu Tầm