Sinh ra ta đã được cuộc sống, ông bà tổ tiên, truyền thống bày dạy cho mình nhiều nếp nghĩ, nhiều cách sống, như một thứ quy chuẩn để sống và làm người, sao cho tốt đẹp, hạnh phúc. Trong nếp làm người ấy, ba mẹ, ông bà và truyền thống dạy mình biết tích cóp tiền của, để dành khi đau ốm, già yếu, khi bất trắc xảy tới…
Lúc khỏe, ráng làm để dành dụm lúc ngặt nghèo khó khăn ngỡ như là “lo xa” nhưng kỳ thực đó lại là tư duy tích cực, được rút ra từ muôn thuở của hàng triệu năm tiến hóa. Bởi, con người ngộ được quy luật sanh-trụ-dị-diệt của cuộc sống nên thừa hiểu sẽ tới lúc ta già cỗi, héo mòn, tật bệnh… thì cần phải có của để dành mà dùng.
Của để dành cho đời này là một chút ít tài sản tích lũy, tùy theo khả năng làm việc và tiết kiệm của từng người. Tích lũy tài sản trong ý niệm này không phải là một sự ky bo, cất giữ trong tham muốn mà là một dự liệu cần thiết, nhất là đối với những ai thấm rõ vô thường. Bệnh tật và những biến chuyển của cuộc sống, ngoại cảnh, bên trong cơ thể (tứ đại) không điều hòa thì có cái để nương tựa…
Tất nhiên, có những người tích cóp rồi không đủ dùng lúc “trái gió trở trời”, song cũng có người chẳng dùng tới, vì may mắn không lâm vào cảnh bệnh tật trầm kha hoặc khi vô thường tới bất ngờ, liền tan hoại tứ đại (chết) chứ không phải tốn kém thuốc thang, chạy chữa, nằm tiêu tốn tiền bạc… Nhưng, dù sao, có một chút ít để dành vẫn hơn, và luôn cần thiết như đã nói ban đầu.
Để dành theo cách nhà Phật
Đức Phật hơn ai hết, thấu rõ quy luật tử sanh vốn dĩ của con người, cũng như chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi, nên Ngài dạy về Bát chánh đạo (con đường thoát khỏi khổ đau), trong đó có chánh nghiệp. Ở đây được hiểu là chọn nghề hay, hành nghề thích hợp (tương thích ứng khả năng, sở thích) cũng như không tổn hại đến người khác, loài khác trong chánh tư duy (tư duy đúng, thiện hiền).
Chánh nghiệp hiểu thêm còn là cách tiêu tiền, sao cho đừng hoang phí. Bởi, mình không phải là chủ thể duy nhất và đơn lẻ tạo ra tài sản, vật chất mà phải nằm trong giềng mối quan hệ với xã hội, trong tất cả chúng sinh, vạn loại. Do vậy, nếu mình chủ quan nghĩ rằng tôi có khả năng, tôi làm ra nhiều thì tôi thụ hưởng tới bến, và cái tôi làm ra không vơi cạn thì đồng nghĩa với mình đã nghĩ không đúng trong tư duy nhân-quả, phước báo cũng như lòng từ bi, thương tưởng tới chúng sinh.
Ở đây, ta nhắc điều này để nghĩ tới tương duyên nhân quả trùng trùng (quá-hiện-vị lai), từ đó nhận diện tài năng hay sự may mắn là nhân-duyên lành mình tạo; nếu mình không biết khiêm hạ (mà tạo nhân xấu từ niệm tự cao, ngã mạn) thì mình sẽ bị tổn đức, giảm phước. Cũng như trong quán sát nhân duyên biểu hiện thì mình không thể tách ra khỏi cộng đồng để giàu lên, để thể hiện tài năng, trí tuệ… nên mình phải biết ơn cuộc sống, có những con người khác cần mình để mình có cơ hội sáng tạo, phục vụ. Thậm chí, ngay cả khi đi làm từ thiện thì Đức Phật cũng dạy mình lòng biết ơn những con người thiếu phước, chúng sinh còn đang đọa đày khổ sở kia đã cho mình cơ hội để tạo tác nhân lành.
Tất nhiên, như thế không có nghĩa là ta sẽ mong cầu phước báo bằng cách ước ao người ta khổ đau mãi để mình “ra tay cứu giúp” mãi! Cũng vậy, trong giềng mối ứng xử giữa những “bất công” bởi biểu hiện tất yếu giàu-nghèo, bệnh tật-khỏe mạnh trong sự công bằng của luật Nhân quả thì ta cũng không được phép “vung tay quá trán” trước sự nghèo khó, khổ đau của người khác, loài khác. Có nghĩa là, khi xung quanh mình, ai cũng đói khát mà mình xa xỉ, vênh váo, phô trương nghĩa là mình đang rất thiếu từ bi và đó cũng là biểu hiện của việc mình không hiểu nhơn quả trùng trùng.
Có một dạo, ở một làng quê thật nghèo của Hà Tĩnh, có một “công tử” và một “tiểu thư” đã rầm rầm rộ rộ tổ chức đám cưới triệu đô, gây choáng váng dư luận. Nhiều người mặc nhiên bảo “có phước thì hưởng” nhưng không ít người có một chút suy nghĩ cũng đã lên tiếng (đương nhiên không phải như dư luận nghĩ là ghen ăn tức ở) rằng “như thế thì hơi quá, hơi vô tâm, hơi ơ thờ trước những mảnh đời khó khăn quanh mình, ngay ở địa phương, quê hương, đất nước này chứ không đâu xa”.
Do vậy, việc làm ra tiền bạc, của cải nhiều hay ít là lẽ may nhờ phước đức (lắm khi là nhờ gian manh, bạo quyền tước đoạt, luồn lách…) nhưng cái cách tiêu tiền cho thấy cái đức hạnh, cái tâm con người là tới đâu, cái trí con người có rộng dài hay chỉ bó hẹp ở chỗ cá nhân, ích kỷ cho riêng mình, và chỉ cần biết phục vụ cho mình mà thôi. Qua đó, cũng cho thấy người ấy có biết “để dành” (theo lời Phật dạy là tu phước, tu huệ) hay không.
Đời người, theo Phật dạy, ngắn ngủn, trong hơi thở, chứ không phải một trăm năm hay bao nhiêu tháng-ngày như mình vẫn đếm tuổi hàng năm, viết cáo phó mỗi khi có ai qua đời. Do vậy, để tích cóp chút gì đó cho lộ trình sanh tử luân hồi mình cần phải tỉnh táo, để nhận diện rõ cái gì là huyễn hóa, giả tạm, cái gì là còn ghi lại, lưu lại để đi theo mình hết cuộc hành trình kiếp này đến kiếp khác.
Để dành theo nhà Phật là cách làm thiện, lánh ác – Ảnh minh họa
Dành dụm phước đức
Tôi tâm đắc một câu nói, đại ý là, những gì mình tạo ra người khác sử dụng, những gì mình sử dụng thì nó sẽ hết và những gì mình cho đi (tặng) thì sẽ còn khi mình rời bỏ thế gian, xả báo thân này.
Cái cho đi đó, nhà Phật nhìn dưới dạng những ý niệm lành tốt (ý nghiệp), những lời nói dễ thương (ái ngữ – khẩu nghiệp) cùng những hành động tạo tác cao thượng (thân nghiệp). Hay nói gọn là ba nghiệp. Nếu ba nghiệp này thanh tịnh, được tạo tác bởi chất liệu “hiểu và thương” theo lời Phật dạy (nhân quả, vô thường, bát chánh…) thì ta sẽ có rất nhiều vốn liếng mang theo.
Vốn liếng ấy có thể được chuyển hóa và tồn tại dưới dạng một hạnh nguyện lành như thế này: “Con nguyện nghĩ-nói-và làm những điều thiện, nguyện hồi hướng phước lành ấy về con đường giải thoát, cho con sanh ra nơi nào cũng gặp Phật-Pháp-Tăng để con nương tựa học tu và tu học, cứu độ chính mình và cứu độ tất thảy chúng sinh”.
Lời nguyện-niềm tin-công hạnh lành tốt ấy dắt dẫn mình đi thong dong trên con đường giải thoát, đúng theo tinh thần lời Phật dạy. Bộ ba tín-hạnh-nguyện đi kèm với ý-khẩu-thân thanh tịnh sẽ giúp mình đoạn-diệt phiền não (tam độc tham-sân-si). Đó giống như một “công thức” học Phật, hành Phật để mình đi trên đường xoắn ốc, vượt qua những đoạn đường tử sanh để đi tới bến bờ giải thoát. Đi tới đâu, đi nhanh hay chậm là do mình có tinh tiến, có đủ vững chãi để đi, để vượt qua những cám dỗ của ngũ dục thế gian cũng như những nạn tai, chướng ngại trên bước đường vượt biển sanh tử hay không.
Dành dụm phước đức không phải để hưởng, để dùng vào những lúc khổ đau (như cách để dành tài sản ở trên đã nói) mà là để mình không phải đi bên lề hoặc “trật đường rầy” – khỏi con đường giác ngộ, giải thoát. Do vậy, khi mình có phước lớn, đức độ, người ta có hô hào, tán thán, khâm phục… thì mình cũng không vì thế mà “tê tê say say” với cái danh, cái sắc, cái tài… vốn chỉ là “phước hữu lậu” (có rồi không trong dòng đời sanh diệt, hội đủ nhơn duyên mà hiện hữu này).
Có vị thầy nói với tôi như một chia sẻ, như một lời nhắc để cảnh báo rằng, đằng sau những thành công đạt được luôn có bóng ma tự mãn, tự hào. Bóng ma ấy rù rí vào tai, vào tâm mình hết ngày này tới ngày khác, có thể bằng những lý lẽ như thế này: ông/ bạn/ anh/ chị… đúng là tài giỏi, tại sao mình tài giỏi vậy, sắc đẹp vậy mà lại lép vế, lại để cho kẻ khác “ngồi trên trốc” mình; mình xứng đáng hưởng cái này, cái kia… Và, thường thì “mật ngọt chết ruồi”, những lời có cánh, những “đặc ân” được hưởng từ chính danh-sắc-tài (do làm điều thiện lành mà sanh) dễ dàng thuyết phục mình sung sướng, hả hê với cơn say phước báo trổ ra. Chính vì thế mà luân hồi, mà sanh tử.
Cho chất liệu tình thương luôn có mặt – Ảnh minh họa
Đến đây, tôi chợt nhớ tới câu chuyện của Ngài Ngộ Đạt Quốc sư. Vốn là bậc tu hành nghiêm mật nên sanh ra phước báo, trí tuệ…, và trong một lần bất cẩn Ngài đã tự hào với món quà vua ban nên liền bị ký sinh mụt mặt người. Thực chất, đó chính là một cuộc truy đuổi oán thù mười đời trước, khi tiền kiếp Ngài từng tác tạo nhân lấy mạng một người bên kia chiến tuyến.
Mối hận thù ấy đã theo Ngài mười đời nhưng không thể báo được vì Ngài giữ hạnh tu quá giỏi, một phút lỏng lơi đủ để kết tạo oan khiên, cho nhân bất thiện trổ hoa, kết trái. Nhắc để mình biết sợ, biết lo mà gìn giữ, mà đừng phóng túng, đừng nghĩ là mình có phước mà cứ hưởng bằng cách xài hoang phí, bằng cách coi thường người thiếu phước…
Ta có tài năng bao nhiêu, có giàu có bao nhiêu… thì ta cũng vẫn nghèo nàn trong cái nhìn của một bậc Thánh, trong sự giải thoát giác ngộ, lìa khỏi tử sanh của người tu đạo. Do vậy, nương Tam bảo để bỏ dần ham muốn ngũ dục, để “ít muốn, biết đủ” bằng cách sống giản dị hàng ngày, và bằng cách hàng ngày thực tập bố thí, cúng dường, khiêm hạ, thủy chung… Đó thực ra cũng là một cách sống tử tế với mình vậy!
Lưu Đình Long (GNO)