Thử xét thí dụ:
trên chuyến phi cơ,
xe hơi xe lửa,
xe đò tàu thủy,
chỉ khi gặp nạn,
mới biết người nào,
có phước bao nhiêu.
Người nào phước nhiều,
thoát nạn hiểm nguy,
đường tơ kẻ tóc,
một cách lạ lùng,
hoàn toàn an ổn,
người đời cho là:
phép lạ hiển linh,
thần linh cứu độ,
người đó số hên,
cho nên mạng lớn.
Người nào kém phước,
cũng được người cứu,
chậm hơn một chút,
xây xát ít nhiều,
người đời cho là:
người đó cũng hên,
nên còn cứu kịp.
Người nào vô phước,
rước họa vào thân,
các kẻ ác nhân,
làm việc thất đức,
không chịu tích phước,
chẳng chịu tu nhân,
thân không giữ được,
người đời cho là:
tới số mạng vong,
không ai cứu nổi!
Lúc gặp hiểm nguy,
người cầu Đức Mẹ,
kẻ khấn Quán Âm,
lâm râm cầu nguyện.
Nếu như cả hai,
cùng được thoát hiểm,
vị nào cứu họ?
Còn nếu cả hai,
đều bị thảm tai,
chúng ta thử hỏi:
Hai ngài ở đâu,
chẳng nghe kêu cứu?
Bác ái từ bi,
sao nghe chẳng cứu?
Thực ra đó là:
chẳng có vị nào,
cứu hay không cứu,
các người gặp nạn.
Chúng ta nên biết,
sự thực chính là:
chỉ có phước báu,
do ở thiện tâm,
cứu giúp con người,
khi gặp tai biến,
dù ở nơi đâu,
trên đất trên không,
trên sông trên biển.
Còn phước thì sống,
hết phước mạng vong,
đừng mong cầu khẩn,
hãy mau giác ngộ.
Trong Kinh A Hàm,
Đức Phật có dạy:
Chỉ có phước báo,
mới có thể làm,
giảm thiểu nghiệp báo.
Phước báo là do,
việc làm phước thiện,
chính mình tạo ra,
chứ không phải do,
thượng đế ban cho,
hay do cầu nguyện.
Nếu cầu nguyện được,
tại sao nhiều người,
cùng cầu cùng nguyện,
kẻ chết người sống?
kẻ qua người vướng?
Chúng ta nên biết,
sự thực chính là:
người nào tích phước,
từ trước đến nay,
không cần cầu nguyện,
cuộc đời cũng an,
ít gặp nguy nan,
ít có sóng gió,
ít có trắc trở,
đở bớt phiền muộn,
tai qua nạn khỏi,
chuyện lớn hóa nhỏ,
chuyện nhỏ hóa không,
chuyện khó hoá dễ.
Khi tích phước đức,
dù ít hay nhiều,
đều được hưởng phước,
rước được điều may,
không hay thất bại,
tại thế an vui,
tai qua nạn khỏi,
gặp thầy gặp thuốc,
không chuốc ưu phiền,
người hiền thường gặp,
bệnh tật tiêu trừ,
tưởng như phép lạ.