Chương bốn
Một thành viên của Tăng-già
1 . Ý nghĩa khái quát
Một thành viên của Tăng-già là một người đã từ bỏ cuộc sống gia đình, xin gia nhập Giáo đoàn, sinh hoạt, tụ tập theo giới luật và giáo lý của đức Phật để cuối cùng chứng đắc giải thoát. Ðấy là sự xuất gia, thọ giới làm Tỳ-kheo. Dù là đệ tử tại gia hay là Tỳ-kheo trong Giáo đoàn đều là đệ tử của đức Phật, nhưng vị Tỳ-kheo là hình ảnh tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất của người Phật tử. Ðời sống tu sĩ thuận lợi hơn nhiều so với đời sống cư sĩ để chứng đắc giải thoát.
Giới luật mà một Tỳ-kheo phải hành trình so với giới luật của một cư sĩ thì phong nhiêu nghiêm khắc hơn nhiều. Về hình thức, đời sống tu sĩ mẫu mực hơn, gò bó hơn, thanh cao hơn đối với tại gia. Giới luật là để hỗ trợ cho việc tu tập, rút ngắn thời gian tu tập để giải thoát cho nên theo đúng giới luật không phải là dễ. Rất nhiều tu sĩ, sau một thời gian nỗ lực tu tập, đã phải hoàn tục. Trong thời đức Phật, ngay cả dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Ngài, cũng có nhiều Tỳ-kheo đã phải hoàn tục. Những khó khăn về cuộc sống vật chất, những giới luật phải tuân theo, cộng với những thói quen cũ trong nếp sống, trong tư tưởng, tình cảm … không dễ gì vứt bỏ được, đưa đến những thối thất hoặc những bất an, xao xuyến, những ẩn ức tâm lý còn có thể trở ngại cho việc tu tập của Tỳ-kheo còn hơn là trường hợp của một cư sĩ tại gia rất nhiều. Do đó,, quyết định xuất gia là một ý nghĩa lớn lao, một sự việc rất quan trọng đối với bản của một người, một sự dấn thân vô cùng can đảm, một sự đặt để thân mạng…
Tăng-già là một khối cộng đồng chặt chẽ của các Tỳ-kheo. Sống chung hòa hợp là một đặc trưng lớn nhất của Tăng-già Phật giáo. Tất cả những tổ chức, sinh hoạt, những cơ sở giới luật, lễ lạc … đều biểu hiện tính sống chung hòa hợp và lấy sự sống chung hòa hợp làm mục tiêu tổ chức. Phẩm chất của Tăng-già tùy thuộc vào phẩm chất của từng thành viên và trong ý nghĩa hữu cơ của Tam Bảo (Triratna), Tăng-già mất phẩm chất thì không thể hiện được Phật Pháp. Tăng-già không còn thì Phật giáo bị mất đi vậy! Từ đó đặt ra vấn đề thận trọng trong việc tiếp nhận thành viên vào Tăng-già, và bổn phận theo dõi, bồi dưỡng, giáo dục, giúp đỡ các thành viên trong tu tập.
Thủ tục thâu nhận các thành viên mới vào Tăng-già, tức việc cho phép họ thọ giới, việc truyền giới (đứng về phía Tăng-già) hay việc xin gia nhập Tăng-già, xin thọ giới (đứng về phía đương sự xin xuất gia) có nghĩa là một sự phát triển Tăng-già, và đứng về mặt cá nhân, quan trọng hơn, là một bước ngoặc mới, và một con đường mới có tác dụng lớn lao về tâm linh của người thọ giới.
Ðược gia nhập Giáo đoàn, vị Tỳ-kheo bấy giờ là một thành viên của Giáo đoàn, sinh hoạt, tụ tập trong một cộng đồng, lệ thuộc vào cộng đồng và có bổn phận nối kết các thành viên khác trong cộng đồng thành một khối thống nhất. Mặc dù việc đạt cứu cánh tối hậu luôn luôn vẫn là nỗ lực tự thân, là kết quả của những bước đi của tâm linh, đơn độc, âm thầm, có khi rất phiêu hốt chơi vơi, nhưng hoàn cảnh của những đơn vị cá nhân đồng bộ cho sự hỗ tương qua lại giữa cái riêng và cái chung luôn luôn được thể hiện đối với từng cá nhân. Người tu sĩ thọ Tam quy (Phật, Pháp, Tăng); ngôi Tam Bảo là nơi nương tựa của mọi Phật tử, là một thực thể tam tính, mỗi chi phần đều bao gồm hai chi phần kia. Người Tỳ-kheo, quy y Tam Bảo, thể hiện Tam Bảo, hiển nhiên phải đầy đủ đặc tính của Tăng Bảo và phải nỗ lực thể hiện đồng nhất với Phật Bảo và Pháp Bảo.
Chúng ta sẽ theo dõi bước đường của một người xin gia nhập Giáo đoàn, sinh hoạt trong Giáo đoàn gồm học hành, tu tập giảng dạy thông qua việc thực hành Giới, Ðịnh, Tuệ.
Phần trình bày dưới đây là tổng hợp một số chi tiết trong các kinh điển, luật tạng … Những chi tiết ấy có thể không được hoàn toàn chính xác vì một số được viết sau thời Phật khá lâu, có thể có những thêm bốt theo thời gian, nơi chốn … phần trình bày chỉ là những sơ phác, giúp ta phần nào hiểu được đặc điểm sinh hoạt Tăng-già thời đức Phật.
2. Gia nhập giáo đoàn
Trong những năm đầu từ khi Giáo đoàn được thành lập, giới luật chưa được đức Phật ban hành, việc gia nhập Tăng đoàn tương đối đơn giản. Ðiều ấy dễ hiểu vì những vị Tỳ-kheo đến với đức Phật vốn đã có căn cơ, trình độ tu tập đã vững vàng, tâm linh đã được chuẩn bị đầy đủ, chỉ nghe đức Phật giảng một lần hay vài lần đã chứng quả được liền, ví dụ nhóm năm Tỳ-kheo Tôn giả Kiều-trần-như, nhóm Da-Xá, anh em Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, v.v… Ðấy là những vị được nhận vào Giáo đoàn bằng lời phán của đức Phật: “Lại đây, này Tỳ-kheo!” được gọi là những “Thiện lai Tỳ-kheo”. Ngoài ra còn có nhiều vị do nhân duyên, gặp đức Phật, sau vài lời đối đáp đã bừng ngộ mà xác nhận ngay: “Ðây là bậc Ðạo Sư của tôi”, như trường hợp của Ma-ha Ca-diếp; hoặc có nhiều do khéo trả lời các câu hỏi của đức Phật, được ngộ lý trong khi được hỏi, liền cầu xin Phật cho phép được gia nhập Giáo đoàn theo lời phán trên đây của đức Phật, đều được gọi là “Thiên lai Tỳ-kheo”.
Về sau, Tăng-già đã có số lượng đông đảo. Việc thu nạp đệ tử mới của các Tỳ-kheo trong Tăng đoàn có phần dễ dãi, thiếu sự chọn lọc, đưa đến sự việc Tăng-già ở vài nơi không được hoà hợp, nhiều Tỳ-kheo thối thất, buông lung thiếu cương kỷ, nhiều người hoàn tục … Từ đó, việc gia nhập Giáo đoàn trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều điều kiện hơn, nhất là khi Giới luật được hình thành càng lúc càng nhiều để đáp ứng yêu cầu thanh tịnh, hòa hợp trong Tăng-già giữa số lượng rất đông các Tỳ-kheo đệ tử đức Phật.
Muốn xin xuất gia, thọ giới, gia nhập đoàn, trước hết đương sự phải có đủ trí khôn để ý thức đứng đắn về quyết định xuất gia của mình, có một số hiểu biết cơ bản để tương đối nắm được giáo lý, nhận rõ được điều hay, những lợi lạc của nơi mà mình nương tựa. Ðương sự phải có đầy đủ sức khỏe để chịu đựng cuộc sống bần hàn của một tu sĩ như mưa nắng, nóng lạnh, thời tiết thất thường, ăn uống đạm bạc, ngủ nghỉ giới hạn … Ðương sự phải có tinh thần vững vàng, kiên trì chịu đựng mọi thử thách. Ðương sự phải không bị ràng buộc bởi hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội …
Luật tạng kể lại nhiều trường hợp một số Tỳ-kheo tuổi cỡ mười bảy, mười tám khóc lóc vì không được ăn bữa tối; nhiều người bị cha mẹ hay người thân đến níu kéo, nhiều người bị ẩn ức vì tình dục đã phải quyết tự tử hoặc hoàn tục…
Các bộ luật (Tứ phần, Ngũ phần) còn quy định rõ ràng đương sự phải không mắc vào mười ba chướng ngại gọi là chướng pháp hay già nạn (Antàrayikadharma). Tác dụng của những chướng pháp này được giải thích theo nhiều cách nhưng tựu trung, chúng làm trở ngại cho việc tu tập của đương sự và của Tăng-già. Mười ba chướng Pháp ấy là:
1. Phạm biên tội: từng xuất gia và đã phạm 4 điều trọng cấm nên bị tẩn xuất.
2. Phá tịnh hạnh của Tỳ-kheo ni: tức trường hợp hành dâm liên hệ Tỳ-kheo ni.
3. Tặc trú: mượn danh nghĩa Tỳ-kheo, giả làm Tỳ-kheo để hưởng lợi.
4. Phá nội ngoại đạo: từng theo ngoại đạo, đến xin làm Tỳ-kheo rồi trở lại tu theo ngoại đạo rồi lại đến xin làm Tỳ-kheo.
5. Giết cha.
6. Giết mẹ.
7. Giết A-la-hán.
8. Phá hòa hợp tăng: tự xưng mình đắc chứng đạt, lôi kéo một số Tỳ-kheo theo mình, gây chia rẽ trong Tăng-già.
9. Cố ý gây thương tích cho Phật
10. Bất năng nam: cấu tạo sinh dục không đầy đủ, từ đó có những tâm lý bệnh hoạn.
11. Phi nhân: không phải người (ý trỏ các chúng sinh ở cõi khác).
12. Súc sinh: loài vật.
13. Nhị hình: vừa có nam căn, vừa có nữ căn.
Ngoài các chướng pháp trên, một số tài liệu còn ghi thêm rằng người thọ giới phải có tướng mạo đàng hoàng, đầy đủ năm căn, không đui, què, câm, điếc, ngọng, không quá cao, quá thấp, không quá đen, không quá trắng. Các căn không đầy đủ có thể gây trở ngại cho việc tu hành, các điều kiện còn lại và kể cả điều kiện còn lại và kể cả điều kiện các căn có lẽ là để tránh sự gièm pha ác ý của một số người xấu hoặc của ngoại đạo, nhất là vào lúc mà Phật giáo đang vươn lên trong bối cảnh có rất nhiều giaó đoàn khác cùng song song tồn tại.