Ngoài những điều kiện trên, người xin thọ giới phải tìm một Tỳ-kheo mà mình tin tưởng, cảm phục để xin được làm đệ tử. Ngoài một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo đầu tiên được đức Phật cho gia nhập giáo đoàn, còn rất nhiều vị khác cũng là những “Thiện lai Tỳ-kheo” do chính đức Phật thâu nhận, ít ra cũng khoảng ba năm đầu tiên sau khi Ngài thành đạo, phần lớn các Tỳ-kheo sau này đều do các đại đệ tử thế phát, truyền giới, và trường hợp đức Phật nhận vào thì Ngài cũng giao cho Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Moggllàna và Tôn giả Upàli trực tiếp giáo dục. Chúng ta không thấy kinh miêu tả việc thu nhận đệ tử của các vị Trưởng lão, nhưng Luật tạng thì: đấy là vị Tỳ-kheo giám hộ, vị thầy trực tiếp hướng dẫn việc học đạo, hành đạo của đệ tử, gọi là Hòa thượng hay Ưu-ba-đà-da (Upàdhyàya). Hòa thượng muốn thu nhận đệ tử phải là người có đủ mười lần an cư (mười năm, mười tuổi hạ), thông suốt kinh luật, có trí tuệ, có thể cung cấp vật chất cho đệ tử, được Tăng-già công nhận, cho phép được thu nhận đệ tử và mỗi năm chỉ thâu nhận được một đệ tử mà thôi. Trường hợp Trưởng lão Upasena (Ưu-bà-tiên), em ruột Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), khi mới trải qua hai mùa an cư, đã thâu nhận đệ tử; sau bị Phật quở trách.
Kế đến, vị Hòa thượng thế phát phải lo thủ tục Tăng-già yết-ma (Sangha Kamma) tức là hình thức tác bạch, báo cáo sự việc, để xin tiến hành lễ thâu nhận đệ tử. Mới gia nhập vào Giáo đoàn, người xuất gia phải thọ giới Sa-di. Sa-di (Sramanera) là cấp bậc thấp nhất trong Giáo hội. Tuổi nhỏ nhất có thể được thu nhận là bảy tuổi, thường được giao giữ các việc lặt vặt để tập quen với đời sống tu hành như quét tước, dọn dẹp lều, sân, phòng ốc cho sạch, hầu thầy hay giữ việc đuổi quạ (nhiều vùng ở Ấn Ðộ có rất nhiều quạ, thường gồm từng đàn, gây ồn ào và làm dơ các trú xứ, do đó mới có danh từ “Sa-di đuổi quạ” để chỉ các chú tiểu còn nhỏ). Nếu người tu từ mười bốn tuổi trở lên thì được cho học tập đầy đủ phận sự của người xuất gia.
Từ hai mươi tuổi trở lên, người xuất gia đã được xem là chững chạc, đầy đủ cốt cách của một vị Tỳ-kheo nhưng chưa thọ Cụ túc giới.
Lễ thọ Sa-di giới được cử hành tương đối đơn giản, những chi tiết rườm rà có lẽ được thêm về sau. Trong thời Phật, thủ tục chỉ đòi hỏi vị thầy nhận đệ tử đủ tư cách, được Tăng-già chấp nhận cho thâu đệ tử. Vị Sa-di là người trải qua giai đoạn thử thách đầu tiên, chuẩn bị đời sống tu hành thanh tịnh với mười giới Sa-di như sau:
1. Không sát sanh.
2. Không trộm cắp.
3. Không dâm dục.
4. Không nói dối
5. Không uống rượu.
6. Không dùng các món trang sức.
7. Không ngồi nằm giường, ghế cao sang.
9. Không ăn khi không phải bữa.
10. Không cầm nắm, cất giữ vàng, bạc, tiền, châu báu…
Trong mười giới trên, năm giới đầu là của một người Phật tử tại gia, ba giới kế tiếp cũng được Phật tử tại gia thực hiện trong những ngày trai giới (Bố Tát – Uposatha), Thọ giới Sa-di được năm hay sáu năm, nếu có số tuổi tối thiểu là hai mươi, và trong quá trình làm Sa-di, người xuất gia luôn luôn tỏ ra thanh tịnh, thăng tiến thì vị ấy được cho thọ Cụ túc giới, nghĩa là giới bổn đầy đủ của một Tỳ-kheo, gồm hơn 150 giới như các tài liệu nguyên thủy và về sau (có bổn giới gồm 250 hay 270 giới).
Lễ thọ Cụ túc giới được nhiều bộ luật miêu tả rất phức tạp qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ðại khái, người xin thọ giới được Hòa thượng xét duyệt sau thời gian là Sa-di, có đầy đủ tư cách để có thể làm Tỳ-kheo, liền chuẩn bị cho ba y, bát khất thực và tọa cụ (tấm lót ngồi).
Ba y là: (1) An-đà-hội (Antàravàsa), gọi là y trong hay y dưới; (2) Uất-đà-là-tăng (Uttarasanga): y khoác ngoài, hay y trên; (3) Tăng-già-lê (Sanghàtì) gồm hai lớp, bao kín thân người. Y là loại phấn tảo, che bằng sợi vỏ cây, nhuộm màu vàng đất, tức màu hoại sắc. Y của Tỳ-kheo là thứ rất quan trọng vì tượng trưng cho cả con người tu sĩ. Giới bổn Tỳ-kheo dành rất nhiều điều về y mà một Tỳ-kheo phải tuân theo.
Bát khất thực hay bình bát, hay Bát-đa-la (Pàtra) là đồ dùng để đựng thức ăn uống khi vị Tỳ-kheo thực hiện hạnh khất thực, thường bằng bất, bằng đồng, kích thước không quá lớn, không quá nhỏ, làm sao để vừa đựng thực phẩm đủ cho một bữa ăn (tức là toàn bộ thực phẩm trong một ngày).
Tọa cụ hay Ni-sư-đàn (Nisìdana) là vật để lót ngồi, gồm nhiều lớp vải, cỏ … kích thước được ấn định vừa đủ để dùng làm chỗ ngồi cho vị Tỳ-kheo.
Majjhima Nikàya 140 (Kinh Trung Bộ) có thuật lại một chuyện rất cảm động liên hệ đến y và bát của một vị Tỳ-kheo:
Một hôm đức Phật nghỉ đêm tại một nhà kho của một người thợ làm gốm, Ngài trông thấy nơi đây đã có một thanh niên đã đến trước Ngài. Trông vẻ cô đơn đáng mến của chàng, đức Phật hỏi xem vì sao chàng bỏ nhà ra đi, học đạo với ai, ái mộ học thuyết nào, đấy là những câu hỏi mà các đạo sĩ, hành giả, khất sĩ … vẫn thường hỏi nhau mỗi khi gặp nhau. Chàng thanh niên tên là Pukkusàti bảo rằng chàng theo gương đức Cồ-đàm, ngưỡng mộ lý thuyết của Ngài, Ngài là bậc Ðạo Sư của chàng, chàng chưa bao giờ được gặp mặt nhưng chàng nghe nói Ngài đang hoằng hóa ở phương Bắc, tại thành Sàvatthi, đấy là đấng Giác Ngộ, Bậc A-la-hán. Ðức Phật thuyết giảng cho chàng về chân lý, chàng rất cảm xúc, nhận ra đây chính là bậc Ðạo Sư lý tưởng mà lâu nay chàng vô cùng kính mộ.
Pukkusàti tha thiết xin được gia nhập Giáo đoàn. Ðức Phật hỏi xem chàng đã có y và bát chưa, và khi chàng đáp chưa thì đức Phật dạy rằng chư Phật không từng chấp nhận cho ai vào Giáo đoàn mà không có y, bát. Pukkusàti liền chạy đi kiếm y, bát; nhưng rủi ro thay chàng bị bò húc chết. Ðược tin này, đức Phật tuyên bố rằng Pukkusàti đã ở vào ngưỡng cửa Niết-bàn và sẽ không bao giờ phải tái sinh vào cõi này nữa.
Câu chuyện trên nhằm thuật lại một niềm tin Phật, tin Pháp, tin Tăng của một người và sự giải thoát được do niềm tin mạnh mẽ ấy, và rõ ràng qua câu chuyện, ta cũng thấy được y và bát đối với một Tỳ-kheo, đệ tử Phật thật vô cùng quan trọng, biểu hiện, định hình cho nếp sống của một thành viên Tăng-già.
Khi đã chuẩn bị xong y, bát và tọa cụ cho đệ tử, vì Hòa thượng phải tác bạch trước chúng (Tăng-già yết-ma) để xin phép thọ giới cho đệ tử. Giới tử làm lễ thỉnh Giới sư, Hòa thượng, thỉnh thầy Yết ma A-xa-lê dạy giáo lý, thỉnh Giáo thọ Luật … Thường thường, tại các trú xứ mà Tăng-già chỉ gồm 5, 7 vị thì Hòa thượng bổn sư, A-xà-lê, Giáo thọ là một vị. Trường hợp Tôn giả Rahula (con ruột của Phật) thọ giới, đức Phật giao cho đại Trưởng lão Sàriputta là Hòa thượng, đại trưởng lão Moggallàna làm A-xà-lê, và đại trưởng lão Upàli làm Giáo thọ. Ít nhất trong mười năm đầu kể từ khi Giáo đoàn được thành lập, ba vị đại Trưởng lão trên được đức Phật giao việc giáo dục hướng dẫn các Tỳ-kheo mới thọ giới và có thể cả về sau đó rất lâu nữa. Công lao dạy dỗ, tổ chức, điều giải trong giao đoàn, sau đức Phật, phải kể đến Tôn giả Xá-lợi-phất (Sàriputta).
Kể từ khi các Tỳ-kheo trong Giáo đoàn được phép thâu nhận đệ tử, khi Giáo đoàn đã gia tăng lớn lao về số lượng thì việc thâu nhận Tỳ-kheo mới có phần lơi lỏng, dễ dãi, do đó phát sinh nhiều trường hợp nhiều Tỳ-kheo phạm giới luật, hoàn tục, phá hoà hiệp Tăng … Do đó, đức Phật phải chế thêm nhiều giới luật để giữ cương kỷ. Việc thâu nhận Tỳ-kheo và Giáo đoàn trở nên chặt chẽ hơn, và sau thời Phật nhập diệt, thủ tục lại còn rườm rà, phiền toái hơn.
Các bộ Tăng-già Yết-ma miêu tả tỉ mỉ việc thọ giới Tỳ-kheo. Theo đó, sau khi giới tử cầu xin và được chấp thuận của Hòa thượng, Yết-ma và Giáo thọ trong một Tăng-già Yết-ma, thầy Giáo thọ chỉ dẫn, chuẩn bị cho giới tử đầy đủ các điều phải thưa, phải làm trong buổi lễ. Tăng-già họp, chất vấn giới tử về các điều kiện để gia nhập Giáo đoàn. Sau khi Tăng-già đã thuận, gới tử được truyền pháp tứ khí tức là bốn điều trọng cấm mà nếu vi phạm, một Tỳ-kheo sẽ bị khai trừ ra khỏi Giáo đoàn. Ðây là các pháp Ba-la-di (Pàrajika), Hán dịch là Ðoạ khí hay Tha thắng. Tóm tắt bốn Ba-la-di là:
1. Không được dâm dục.
2. Không được sát sinh hoặc xúi dục sát sinh.
3. Không được cố ý lấy đồ vật mà người ta không cho mình, hoặc xúi dục hành động lấy.
4. Không được nói dối (về các chứng đắc của mình).
Sau phần truyền pháp tứ khí, là phần truyền pháp tứ y, tức bốn điều mà một Tỳ-kheo suốt đời phải nương tựa vào và phải tuân giữ chặt chẽ, qua đó, ta thấy được cuộc sống thanh bần của một vị Tỳ-kheo đệ tử Phật.
Phần sau đây được trích theo cuốn Yết-ma yếu chỉ do Hòa thượng Thích Trí Thủ biên soạn (Quảng Hương Già Lam – PL. 2527).
“Hòa thượng hay Giới Sư nói:
“Này tân Tỳ-kheo, đức Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác đã nói đến bốn pháp sở y, Tỳ-kheo y theo đây mà xuất gia, thọ giới Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo:
“Thứ nhất, Tỳ-kheo phải sống trên y phấn tảo, y theo đó mà xuất gia, mà thọ Cụ túc, thành phẩm chất của Tỳ-kheo. Người phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được phép thọ dụng là do y đàn việt cúng dường, y đã được cắt rọc hay hủy hoại (màu sắc).
“Thứ hai, Tỳ-kheo sống trên sự khất thực, y theo đó mà xuất gia, mà thọ Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Người phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là một căn phòng riêng biệt, một hang đá hay căn phòng có chung một cửa.
“Thứ ba, Tỳ-kheo sống y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ, y theo đó mà xuất gia, mà thọ Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là một căn phòng riêng biệt, một ngôi nhà nóc nhọn, một căn nhà nhỏ, một hang đá hay hai căn phòng có chung một cửa.
“Thứ tư, Tỳ-kheo sống y nơi các loại thuốc hủ lạn (thuốc chữa bịnh hút ra từ thảo mộc), y trên đây mà xuất gia, mà thọ Cụ túc, thành phẩm chất Tỳ-kheo. Ngươi phải trọng đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được thọ dụng là tô, sanh tô (cháo sữa), dầu, đường phèn và mật”.
Sau cùng của lễ thọ giới là lời tuyên bố của thầy Yết-ma về việc buổi lễ hợp lệ, thành tựu, lời khuyên vị tân Tỳ-kheo hãy nỗ lực học tập, tu dưỡng, chứng đắc quả vị, v.v…
Việc quy y, thọ giới của Tỳ-kheo ni cũng tương tự như trên, nhưng các Sa-di-ni, trước khi thọ Cụ túc giới phải được gồm hai mươi vị hay mười vị (tuỳ trú xứ đông đúc hay ít người) trong đó phân nữa là Tăng, phân nữa là Ni, thọ tám pháp ba-la-di (Parajika) và đặc biệt, thọ thêm Bát Kỉnh Pháp là tám pháp tôn kỉnh Tỳ-kheo mà ngay từ khi thành lập Ni đoàn, đức Phật đã chế ra:
1. Tỳ-kheo Ni dù bất cứ bao nhiêu tuổi hạ, đều phải một lòng kính trọng, lễ phép với Tỳ-kheo tăng.
2. Không được nặng lời với Tỳ-kheo Tăng.
3. Không được nêu tội Tỳ-kheo tăng, không được ngăn Tỳ-kheo Tăng xét tội Tỳ-kheo Ni.
4. Phải thỉnh cầu Tỳ-kheo Tăng khi thọ giới Cụ túc.
5. Nếu phạm tội Tăng tàn, phải ở giữa hai bộ Tăng, phải hành pháp ý hỷ trong nửa tháng.
6. Mỗi nửa tháng, phải thỉnh cầu Tỳ-kheo Tăng là Giáo thọ.
7. Không được an cư ở vùng không có Tỳ-kheo Tăng.
8. Sau mùa an cư, phải làm lễ tự tứ trước hai bộ Tăng chúng (Tăng và Ni).