Tăng-già thời Đức Phật – Chương IV

Tăng Chi Bộ Kinh III có dẫn lý do đức Phật chế Bát kỉnh pháp:

Này Ananda, cũng như một người vì nghĩ dến tương lai mà lo xây đập ngăn hồ nước lớn không cho nước chảy qua, cũng vậy, này Ananda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành “Bát kỉnh pháp” này cho các Tỳ-kheo Ni để họ trọn đời không được vượt qua“.

Về giới luật, Tỳ-kheo Ni cũng thọ nhiều hơn Tỳ-kheo Tăng và cũng như một số hình thức ràng buộc khác, vấn đề hoàn toàn không ở chỗ phân biệt giá trị, phẩm chất giữa hai bộ chúng đệ tử phật mà chỉ nhằm vào giải quyết một số hoàn cảnh, điều kiện của người phụ nữ xuất gia liên hệ đến toàn bộ của một khối cá nhân, tâm lý, tư tưởng, thể chất, xã hội, v.v… của chính người nữ tu sĩ.

Thỉnh thoảng đức Phật, các ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… cũng thâu nhận các nữ đệ tử giao qua Ni đoàn, dưới sự lãnh đạo của bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề và các Trưởng lão Ni khác để làm thủ tục thọ giới, tu tập…

Trường hợp ngoại đạo muốn xin quy y, thọ giới, gia nhập giáo đoàn thì thủ tục có khó khăn hơn. Trung A-hàm 32 có kể trường hợp Upàli, thuộc phái Ni-kiền-tử (Niganttha) đến với phật để xin quy y, thọ giới làm Tỳ-kheo đệ tử Phật, nhưng Phật bảo ông cần dành thì giờ để suy nghĩ cho thật chín chắn đã, để tránh một số khó khăn về sau. Quả thật, chính Upàli đa phải giải quyết bao nhiêu khó khăn phiền phức do những tín đồ Ni-kiền-tử gây ra vì Upàli là người có vai vế lớn trong giáo đoàn Ni-kiền-tử. Trường A-hàm 6 kể việc hai Bà-la-môn thuộc dòng Phả-la (Phallas) xuất gia theo Phật giáo, đức Phật chấp thuận với điều kiện phải thử sống chung bốn tháng với Tăng đoàn. Cũng vậy, hai vị này đã gặp rất nhiều khó khăn do gia đình, do địa vị xã hội, do tôn giáo cũ gây ra… Kinh còn kể rất nhiều trường hợp ngoại đạo gia nhập đoàn Tỳ-kheo để phá rối… Do đó, việc thâu nhận ngoại đạo vào giáo đoàn có phần kỹ càng, thủ tục có rườm rà hơn. Ví dụ: người ngoại đạo phải có thời gian sống chung với các Tỳ-kheo, phải tách biệt với môi trường cũ, lễ thọ giới cho người ngoại đạo có nội dung khác hơn đôi chỗ…

Qua một số sơ phác trên, ta thấy được phần nào hình ảnh, phẩm chất của một Tỳ-kheo, hiền hòa, trang nghiêm, nhẫn nhục, nghèo nàn… luôn luôn ràng buộc với tập thể Tăng-già, sinh hoạt với Tăng-già là nét nổi bật của một Tỳ-kheo đệ tử Phật. Khi vi phạm giới luật dù nặng hay nhẹ, đương sự đều bị xử lý bằng cách tách rời khỏi Tăng-già trong một thời gian. Sở dĩ phải xử lý như thế là nhằm mục đích làm cho Tăng chúng được thanh tịnh. Việc xử lý nặng hay nhẹ đều có tính chất tiêu cực, điều chủ yếu là giữ mình, biết phân biệt sai, đúng, biết ăn năn sám hối… Giới luật đặt ra đều là nhân có duyên khởi liên hệ, nhằm để tránh sự sai phạm tái hiện, gây trở ngại cho tập thể.

Ví dụ về bốn tội khí (Parajika – Ba-la-di) là cái lỗi lầm nghiêm trọng nhất, làm mất bản chất tịnh hạnh của một Tỳ-kheo, được đặt thành luật sau khi sự sai phạm đã gây trở ngại cho cá nhân người phạm và cho tập thể Tăng-già, ít ra là trên phương diện tai tiếng đối với người đời.

Trưởng lão Tu-đề-na (suddina) theo đòi hỏi của gia đình, đã trở về nhà giao hoan với người vợ cũ để mong có con nối dõi, một Tỳ-kheo khác cũng làm như thế. Một Tỳ-kheo khác sống trong rừng, bị dục tình ức chế, đã hành dâm với loài vượn. Trưởng lão Ðạt-ni-ca lấy gỗ của vua Tần-bà-sa-la để cất lều cho mình, một Tỳ-kheo trộm áo của một người giặt bên bờ suối. Một số Tỳ-kheo quán thân bất tịnh đã ghê tởm thân mình đến phải tự tử, một số Tỳ-kheo khác do theo lời thỉnh cầu của các Tỳ-kheo bị bệnh nặng tự ý, đã giết người bệnh vì nghĩ rằng làm thế là chấm dứt khổ đau cho người bệnh; hoặc các bộ luật thường kể đến chuyện Migalandika (Lộc Trượng), mặc áo Sa-môn, sống chung với Giáo đoàn đã giết rất nhiều Tỳ-kheo. Một số Tỳ-kheo sống ở vùng hẻo lánh tưởng mình đã chứng đắc, hoặc giả như đã chứng đắc thật, đã tuyên bố thành công của mình để có nhiều đệ tử, được cúng dường… Những trường hợp trên đã được phát hiện, được báo cáo với đức Phật. Ngài đã nghiêm khắc quở trách các đương sự phạm tội và từ đó, chế ra các tội khí Ba-la-di là các trường hợp vi phạm nặng nề nhất, bị tẩn xuất ra khỏi Giáo đoàn.

Một Tỳ-kheo được thọ Cụ túc giới, phải nghĩ rằng mình thực sự là người của giáo đoàn, vì giáo đoàn và vì lợi ích của chính mình mà phải thể hiện và thực nghiệm ngôi Tam Bảo. Và, một trong những ý nghĩa nổi bật là vị ấy là một người thanh tịnh, đã chứng đạt hoặc chuẩn bị để chứng đạt thánh quả.

3. Ðạo đức của một Tỳ-kheo

Một Tỳ-kheo, trước hết là một Sa-môn như bao nhiêu Sa-môn của các Giáo đoàn khác, sống nghèo nàn, thanh tịnh, sống đời không nhà, lang thang, khất thực nhằm mục đích tối hậu là giải thoát. Ý nghĩa giải thoát có thể quan niệm khác nhau tùy theo từng giáo phái. Mục đích của người tu sĩ Phật giáo là các Thánh quả, là Niết-bàn tối hậu. Các quả vị tu chứng sẽ được bàn ở phần khác của cuốn sách này, ở đây chỉ là sơ phác một số nét cơ bản về hình ảnh, đạo đức của một vị Tỳ-kheo, một thành viên của Tăng-già thời đức Phật. Hình ảnh của con người đạo đức ấy trước tiên được thực hiện ở chính đức Phật và ở các Tỳ-kheo đệ tử đã học tập theo Ngài. Phẩm chất đạo đức đặc trưng của Giáo đoàn Phật giáo, theo E. Conze (Buddhism, Its Essence and Development) là sự bần hàn, độc thân và bất bạo động. Những đặc trưng này, ta có thể dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các Giáo đoàn khác không phải Phật giáo. Ðiều cần nói là, đặc trưng này biểu hiện một đặc trưng lớn xuyên suốt giáo lý của đức phật. Ðó là Ba Pháp ấn: Khổ, Vô thường, Vô ngã.

Vì hiểu rằng đời là Khổ, lá vô thường, không có một bản ngã bất biến, thường hằng nào nên người tu sĩ Phật giáo nỗ lực diệt khổ, không tạo cơ hội, hoàn cảnh cho cái khổ phát triển, người tu sĩ xả bỏ, quên mình, thanh bần, từ, bi, hỷ, xả, hiền hòa, bất hại hay bất bạo động.

Rải rác trong các phần trước, ta đã thấy được phẩm chất của vị Tỳ-kheo, phẩm chất ấy được tóm gọn trong đoạn kinh sao đây của Dìgha Nikàya 1-4 (Trường Bộ) nói về đại đức của đực Phật qua nhận xét của ngoại đạo:

Sa-môn Cồ-đàm đã dứt bỏ việc gây hại cho đời, đã mất hẳn cái khuynh hướng gây hại ấy, Ngài đã mất hẳn cái khuynh hướng gây hại ấy, Ngài đã gạt bỏ gậy gộc và gươm giáo. Ngài sống một cách khiêm hòa, tràn đầy khoan lượng bằng từ bi, mong muốn hạnh phúc cho chúng mình.

“Ngài đã dứt bỏ việc lấy của mà người khác không cho mình, đã mất hẳn cái khuynh hướng lấy của mà người khác không cho mình. Ngài nhận những gì trao cho Ngài và sẵn sàng đem cho những thứ ấy, và Ngài sống bằng tấm lòng chân thực, thuần khiết…”

“Ngài đã dứt bỏ sự nói dối, đã mất hẳn cái khuynh hướng vu khống ấy. Khi Ngài nghe điều gì tại một nơi nào, Ngài sẽ không nhắc lại ở một nơi khác, gây bất hòa… mà Ngài nối kết những kẻ bất hòa lại với nhau và khích lệ những người đang là bạn bè với nhau. Niềm vui của Ngài là hòa ái và thích thú trong hòa ái, và khi nói, Ngài nói những lời hòa ái.”

“Ngài đã dứt bỏ việc nói lời cay nghiệt, đã mất hẳn cái khuynh hướng nói lời cay nghiệt. Ngài chỉ nói những lời hiền hòa, dễ nghe, gây cảm xúc, giáo dục, khiến mọi người thích thú, được mọi người thích thú…”

“Ngài dứt bỏ việc nói lời phù phiếm, đã mất hẳn cái khuynh hướng nói lời phù phiếm. Ngài nói đúng lúc, thích hợp với các sự việc, bằng những lời đầy ý nghĩa. Lời nói của Ngài dễ nhớ, hợp lúc, rất rõ ràng, đúng đắn và cụ thể.”

“Ngài không làm hại hạt giống và cây cỏ. Mỗi ngày Ngài chỉ dùng một bữa, không ăn ban đêm hoặc không đúng lúc. Ngài không xem ca múa hoặc tham dự hội hè có đàn ca múa hát. Ngài không mang đồ trang sức bằng tràng hoa, dầu thơm, son phấn. Ngài không dùng giường cao rộng. Ngài không nhận vàng bạc, hạt giống hay thịt tươi. Ngài không nhận phụ nhân, nam hay nữ nô lệ, cừu hay dê, gà vịt hay heo cá, voi hay trâu bò, ngựa đực hay ngựa cái. Ngài không hành động như người môi giới, không đưa tin. Ngài không mua hay bán, không lừa gạt về cân lường, đo đếm. Ngài không bao giờ quanh co, không bao giờ mua chuộc, gian lận hay lừa đảo. Ngài không bao nhiêu nguyền rủa, giết chóc, trói buộc trộm cắp hay gây bạo lực.” (*)

(*) Ghi chú: theo bản Anh ngữ của Pàli Text Society. Trích “Sources of Indian Tradition” (Chapt. VI, Theravada, Buddhism A. L. Basham), Colombia Uni. Press, New York, 1958.

Trên đây là vài nét phấm chất đạo đức của đức Phật, gương mẫu cho toàn thể Tăng-già. Ðấy là những nét cơ bản cho nội dung bộ Giới bổn Tỳ-kheo (Patimokkha), cụ thể là trong mười giới của Sa-di. Phẩm chất ấy được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của người tu sĩ Phật giáo. Hình ảnh hiền hòa, thanh bần của các vị đã trở thành quen thuộc đối với mọi người. Ðấy là kết quả của việc tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ, được thể hiện trong việc thực hành Bát Thánh đạo (Ariya-Atthanjikammagga): Chánh kiến, Chánh tư duy (hai chi phần thuộc về Tuệ), Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng (ba chi phần thuộc về Giới), Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định (ba chi phần thuộc về Ðịnh). Do thực hành Bát Thánh đạo, Giới, Ðịnh, Tuệ thăng tiến, phẩm chất đạo đức thăng tiến, có thể đạt đến độ như đức Phật, hình tướng bên ngoài có sức cuốn hút sự kính mộ, tôn sùng của mọi người, kể cả muôn thú. Nhiều chuyện kể và kinh có chép, đức Phật hàng phục voi dữ, rồng, … thú rừng đến với các Tỳ-kheo tại các rừng sâu…

Một nét đặc biệt của người Tỳ-kheo là tinh thần Tứ Vô lượng tâm (đại từ, bi, hỷ, xả) vốn là phương pháp tu tập cảm xúc để xóa bỏ cái chấp ngả mà một Tỳ-kheo muốn tiến sâu vào Ðịnh phải thực hiện cho được. Từ là lòng muốn điều tốt cho kẻ khác, Bi là lòng thương chúng sinh đau khổ, Hỷ là lòng vui khi thấy người khác được sung sướng, và Xả là lòng buông bỏ mọi sự ràng buộc. Ở đây ta chỉ bàn đến khía cạnh đạo đức của Tứ Vô lượng tâm, đây là khía cạnh quên mình, thể hiện vô ngã trong cuộc đời, hệ luận của nhân sinh quan hàm chứa trong ba pháp ấn (khổ, vô thường, vô ngã). Bốn chi phần của Tứ Vô lượng tâm đều nhằm thể hiện vô ngã, cho nên trong một chi phần đều bao hàm ba chi phần kia.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.