Tăng-già thời Đức Phật – Chương IV

Từ Kinh (Mettà Sutta) hay Kinh Tập (Sutta Nipàta) đều có bài kệ nói về lòng từ vô lượng của người đệ tử đức Phật:

“Mong sao tất cả chúng sinh đều thấy an lạc!
Mong sao tất cả chúng đều đạt được niềm vui tự nội!
Tất cả chúng sinh, dù là chúng sinh nào đi nữa,
Không kể mạnh hay yếu,
Ở cõi thấp, cao, cõi trung, thô hay tế,
Vô tình hay hữu tình,
Ở gần hay ở xa,
Ðã sinh ra hay chưa sinh ra,
Mong sao tất cả chúng sinh đều đạt được niềm vui tự nội.
Mong sao không có kẻ nào lừa gạt kẻ khác,
Cũng không hề chút nào lừa gạt kẻ khác,
Không vì ác tâm, thù hận,
Mà muốn kẻ khác sầu khổ.
Như một người mẹ suốt đời chăm sóc đứa con
Ðức con độc nhất,
Ðối với mọi chúng sinh cũng thế,
Tâm mình phải quảng đại,
Lòng từ đới với toàn cõi thế gian,
Quảng đại, khởi lên từ tâm mình,
Bên trên, bên dưới và xuyên suốt,
Không ngăn ngại, không vì thù hận và ác tâm.
Ði, đứng, ngồi hay nằm,
Hay trong giấc ngủ,
Vẫn giữ chặt chánh niệm này,
Vì đây là thể cách cao thượng…
Tránh mọi tà kiến,
Ðức hạnh tràn đầy trí tuệ,
Thắng vượt mọi tham dục khổ đau
Và sẽ chẳng bao giờ tái sinh!”

Pháp Cú Kinh, 3-5, nêu bài kệ về sự xả bỏ, sự thanh tịnh, hiền hòa, lòng yêu hòa bình, tinh thần bất hại:

“Kẻ ấy sỉ nhục ta, đánh đập ta,
Kẻ ấy đánh bại ta, kẻ ấy cướp bóc ta!”
Kẻ nào nuôi dưỡng những ý nghĩ như thế
Không bao giờ được anh tịnh trong thù hận…
Còn kẻ nào không nuôi dưỡng những ý nghĩ ấy,
Ðược nhanh chóng an tịnh,

Không bao giờ trong đời,
Hận thù được lắng dịu bằng hận thù,
Chỉ có tình thương mới làm lắng dịu được hận thù.
Ðấy là luật vĩnh cửu”

Tinh thần bất hoại, bất bạo động không phải là sự khiếp sợ mà là biểu hiện của lòng yêu hòa bình, lòng từ bi và sự dũng cảm. Tinh thần này thể hiện trước nhất ở chính đức Phật. Ngàu thường kể lại cho các đệ tử của Ngài gương từ bi dũng cảm của Ngài khi Ngài còn là Bồ-tát trong các tiền kiếp xa xưa mà ta biết được qua bộ Kinh Bổn Sanh (Jataka Nikàya) Ngài đã cảm hóa biết bao hiêu kẻ dữ, Ngài chịu bị tra tấn, bị đánh đập, chặt tay chân, móc mắt… mà vẫn luôn luôn từ ái, khoan hòa.

Trong Tập A-hàm, Trung Bộ Kinh, Trưởng Lão Tăng Kệ đều có kể chuyện Tôn giả Punna (Phú-lau-na), đệ tử lớn của Phật, đại diện cho Tăng-già, đến xứ Sronàparanta (Du-lãn-na) để dạy bảo cho người xứ này. Dù biết rằng người ở đấy chưa được thuần hóa, Ngài cũng quyết xin đức Phật cho phép Ngài đến hoằng hóa:

Ðức Phật dạy: “Người dân ở xứ Sronàparanta nóng nảy, bạo lực, dữ dằn. Họ nói những lời dữ dằn, thô lỗ. Nếu họ nói với ông những lời dữ dằn, thô lỗ, hỗn láo thì ông nghĩ thế nào?”

Punna: “Con sẽ nghĩ rằng người dân ở Sronàparanta quả thực là những người tốt bụng và hiền lành vì họ không đánh con bằng tay, cũng không ném đá vào con.”

Ðức Phật: “Nhưng nếu họ đánh ông bằng tay hay ném đá vào ông thì ông sẽ nghĩ thế nào?”.

Punna: “Con sẽ nghĩ rằng họ là những người hiền hành và tốt bụng vì họ không đánh con bằng gậy, không đâm con bằng gươm.”

Ðức Phật: “Nhưng nếu họ đánh ông bằng gậy hoặc đâu ông bằng gươm thì ông sẽ nghĩ thế nào?

Punna: “Con sẽ nghĩ họ là những người hiền lành và tốt bụng vì không giết chết con.”

Ðức Phật: “Nhưng nếu họ giết ông, này Punna, ông sẽ nghĩ thế nào?

Punna: “Con sẽ nghĩ rằng họ là những người hiền lành và tốt bụng vì họ giải thoát cho con khải cái thân xác thối tha này một cách dễ dàng. Con biết rằng có nhiều tu sĩ đã hổ thẹn vì cái thâm xác của mình, đã bối rối, chán nản và các vị ấy đã tự tử bằng khí giới, đã dùng thuốc độc, đã tự treo cổ bằng dây thừng hay lao mình vào vực sâu.”

Ðức Phật: “Này Punna, ông có thiện tâm, nhẫn nhục cao nhất. Hãy đi và dạy cho họ làm sao để họ được giải thoát như chính ông, ông đã giải thoát!“.

Không cần phải nói, phẩm chất của người Tỳ-kheo quyết định phẩm chất của Tăng-già và sự tồn tại của Tăng-già. Phẩm chất ấy là kết quả của việc thực hiện tu tập của trí tuệ và hành trì thiền định và là điều kiện để thành tựu trí tuệ giải thoát. Giới bổn Tỳ-kheo (Patimokkha) để các Tỳ-kheo giữ mình mà tiếp tục tu học. Ðấy là sự giữ gìn thân, khẩu, ý của mình cho thanh tịnh, khiến toàn thể Tăng-già thanh tịnh.

Ðạo đức học mang ý nghĩa chủ yếu là đánh giá hành động, liên hệ đến tri thức. Ðấy là sự thực hiện cuộc sống xuyên qua hành động đúng theo tri thức. Do đó đạo đức hướng dẫn cuộc sống. Ý nghĩa đạo đức đơn giản, cụ thể nhất trong cuộc sống, trong giao tiếp xã hội là sự làm thiện, tránh ác, là tình thương, sự làm chủ lấy mình… Ý nghĩa đó ta có thể tìm thấy dễ dàng trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) ghi lại những lời dạy của đức Phật, trước hết là cho Giáo đoàn của Ngài và tất nhiên là cho tất cả mọi người. Sau đây là một số đoạn trích trong Kinh Pháp Cú, do đại đức Rahula chọn dịch mà từ đó, chúng tôi rút ra vài phần nhỏ tiêu biểu cho đạo đức của người Tỳ-kheo:

“Người thiện an vui trong cuộc đời này và an vui trong đời sau. Trong cả hai cuộc đời, người ấy đều an vui. Người ấy bằng lòng và vô cùng sung sướng khi trông thấy hành vi thanh tịnh của mình”.

– “Cái tâm thì khó điều ngự và không ổn định, nó muốn đi đâu thì đi. Cần phải điều ngự nó. Cái tâm được điều ngự đảm bảo hạnh phúc”.

– “Hương thơm của đức hạnh cao hơn rất nhiều so với hương thơm của trầm hương, của hoa sen hay của hoa lài”.

– “Người ta có thể thắng phục hằng nhiều ngàn người trong một trận chiến, nhưng kẻ nào thắng phục được mình thì kẻ ấy là kẻ thắng phục cao thượng nhất”.

– “Sống một ngày trong đức hạnh và thiền định có giá trị hơn sống một trăm năm trong thói xấu và sự buông lung”.

– “Kẻ nào khi tìm kiếm hạnh phúc của mình mà không làm hại của chúng sinh vốn mong được hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc trong đời sau”.

– “Nếu mình giữ theo lời mình khuyên kẻ khác thì hãy tự điều khiển mình mới có thể điều khiển kẻ khác. Quả thực, khó mà điều khiển chính mình”.

– “Tránh điều các, vun trồng điều thiện và thanh tịnh cái tâm, đấy là lời chư Phật dạy”.

– “Sầu khổ sinh ra từ dục lạc, sợ hãi sinh ra từ dục lạc. Nếu đã vượt qua dục lạc thì không biết đến sầu khổ, sợ hãi”.

– “Một người bạc đãi các chúng sinh thì không phải là một vị Thánh thiện. Kẻ nào từ bi đối với hết thảy các chúng sinh mới đáng được gọi là vị Thánh thiện”.

– “Cần phải thực hành đức hạnh suốt đời. Cần phải giữ lòng tin vững chắc. Cần phải đạt trí tuệ. Cần phải không làm một điều bất thiện nào”.

“Chính mình là kẻ hộ trì mình, chứ ai đâu khác là kẻ hộ trì mình? Vậy thì hãy tự kiểm soát mình như người thương gia kiểm soát con ngựa hung hăng của ông ta”.

Dù Phật giáo mang tính chất sinh động tươi mát, vẫn không tránh khỏi cái nhìn của nhiều người, thấy hình ảnh một tu sĩ Phật giáo có nét khắc khổ, bị câu thúc bằng hình thức hay không, chứ không phải là do người khác quan niệm về vị ấy. Hơn nữa, nếu ghi nhận có cái thất “tiêu cực” về thái độ thanh thoát nhẹ nhàng cũng ở chính người tu sĩ Phật giáo, ta cũng không thể không nhận định rằng, đạo đức là sự thể hiện của tri thức trong cuộc sống trong thế giới hiện tượng tương đối và giới hạn. Ðạo đức không phải là sự giải thoát mà là sự phò trợ đưa đến giải thoát và là kết quả từng bước tu tập để giải thoát. H. De Glasenapp đã nhận định tính cách tương đối của đạo đức như sau:

“Ðạo đức học Ấn Ðộ có những giới hạn của nó được vạch ra rất rõ rệt. Nó có giá trị đối với những chúng sinh trong vòng luân hồi; những ai đã thoát khỏi luân hồi thì trái lại, không còn bị lệ thuộc vào những quy định của đạo đức nữa.

– “Tất cả những hành vi đạo đức nào (ít ra là đối với nhiều trường phái) cũng chỉ có một giá trị tương đối; cuối cùng, nó dẫn đến một trạng thái mà khi ấy nó không còn quan trọng nữa và khi ấy tâm thức không còn đòi hỏi một thứ đạo đức nào.” (Henri De Glasenapp, “La Philosophie Indienne”, tr. 215, Payot, Paris, 1951).

Thật thế, vấn đề đạo đức chỉ đặt ra cho những kẻ chưa giải thoát trong việc tiến đến mục đích giải thoát tối hậu. Ở các vị đã giải thoát, trong tính chất viên mãn, tuyệt đối, tính chất đạo đức tự phát tiết ra bên ngoài khiến người bình thường, “trong một giới hạn nào đó” cũng nhận ra được đạo đức cao vời của các vị. Sở dĩ bảo rằng “trong một giới hạn nào đó” là vì người bình thường hay phàm phu chỉ nhận ra được những phản ánh của một đạo đức tương đối ở đời mà thôi. Cho nên, trong Trường A-hàm, kinh Phạm Võng, sau khi đức Phật nhắc vào lời tán thán của người đời về Ngài, Ngài còn dạy:

“Này các Tỳ-kheo, còn có những pháp khác, sâu kín, khó thấy, tịch mịch, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của lý luận suông, tế nhị, chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy, những ai tán thán một cách chính xác về đức của Như Lai mới nói đến”.

Ðức của Như Lai nói trên, là đức Trí, đức Vô chấp, đức Vô ngã, đức Giải thoát của một vị đã giác ngộ vậy.

Và, dù đạo đức có tính cách tương đối, đạo đức Phật giáo cho đến nay vẫn không có gì là lỗi thời, và phẩm chất đạo đức của Tăng-già thời Phật hẳn là rất cao vời khiến rất nhiều vị đạt Thánh quả, và phẩm chất đạo đức ấy tiếp tục tồn tại trải qua hơn hai mươi lăm thế kỷ nay.

Thích Chơn Thiện

http://www.budsas.org

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.