Chương chín
Tăng-già với xã hội
Sau bảy tuần an hưởng hạnh phúc Niết-bàn tĩnh mịch, đức Phật đã quyết định đem đạo cả truyền cho đời. Bên cội Bồ đề, đức Phật thuyết giảng cho hai thương gia Ballika và Trapusha. Về sau, Ballika đã tìm đến đức Phật để thọ đại giới, gia nhập Giáo đoàn và đắc A-la-hán. Trapusha thì trọn đời gữ cuộc sống hiền thiện của một cư sĩ tại gia. Sự việc này xác định ý nghĩa cơ bản của mối liên hệ của Tăng- già (của người thiết lập, lãnh đạo, đại diện tối cao là đức Phật) với xã hội: đem Chánh pháp đến với xã hội để kêu gọi người đến với Tăng-già, hoặc để mọi người theo đúng Chánh pháp mà sống an lạc. Ðức Phật đã từ chối không nhập lại Niết-bàn ngay sau khi chứng đạo mà trở lại thế gian là do lòng đại từ bi muốn cứu vớt chúng sinh thoát khỏi luân hồi nghiệp chướng. Vậy sự liên hệ của Tăng-già với xã hội là do lòng từ bi ấy. Nhưng đối với một vị Tỳ-kheo thành viên của Tăng-già, ngoài lòng từ bi còn có nghĩa vụ của một con người thọ nhận Pháp từ bậc Ðạo Sư mà đem truyền pháp ấy cho người khác theo nguyên lý thọ nhận và trao truyền, tức nguyên lý vận hành của Chánh pháp.
Hình ảnh của một Tỳ-kheo đi khất thực, nhận các thứ cúng dường, thuyết pháp cho mọi người; hình ảnh những con người bình thường cúng dường vị Tỳ-kheo, nghe vị ấy giảng pháp, khởi lòng tin mà sống theo pháp, rõ ràng đã làm nổi bật sự liên hệ giữa Tăng-già và xã hội về hai ý nghĩa vật chất và tinh thần.
Tưởng cũng cần bàn qua về ý kiến của một số người chưa quen với Phật giáo, cho rằng khất thực là một hình thức phi lao động, lười biếng, rằng sự phi sản xuất của Tăng-già là một gánh nặng cho xã hội. Một quan điểm như vậy quả thực là thiếu biện chứng, không đứng đắn, hời hợt.
Trước hết, chúng ta phải xét đến hoàn cảnh sinh hoạt vật chất và tinh thần của cái xã hội đang có sự khất thực của vị tu sĩ và hoàn cảnh cá nhân của vị ấy. Như đã biết, những đoàn Sa-môn, du sĩ khất thực đã xuất hiện tại Ấn độ từ lâu, trước thời đức Phật và sự việc này còn kéo dài mãi về sau cho đến cả bây giờ tại nhiều nơi trên thế giới. Các cư sĩ tại gia vẫn tiếp tục cúng dường cho các tu sĩ, điều ấy chứng tỏ rằng việc mong mỏi được nghe pháp, được cúng dường cho các bậc thầy là một yêu cầu thực tế của xã hội. Hàng ngày người ta vẫn thường nhịn bớt một số tiền, một ít giải trí để thỏa mãn những nhu cầu tinh thần như đọc sách, xem chiếu bóng, văn nghệ, thể thao… hoặc những nhu cầu khác ít thực tế hơn, ít lợi lạc hơn. Nhu cầu được nghe giảng dạy, khuyên bảo, được tỏ bày vị tha, lòng từ, sự kính mộ, nhất là nhu cầu được giải thoát, quả thực là cao quý và rất thực tế. Hơn nữa, nếu xã hội dành một khoản tài vật để cúng dường các tu sĩ để đáp lại một sự đáp ứng nhu cầu cao quý của tinh thần thì quả là một sự đền đáp “công bằng”.
Mặt khác, Tăng già đến với xã hội, như đã nói, là do động cơ của lòng từ bi, nghĩa vụ thiêng liêng. Các vị đã bỏ tất cả tư hữu, chỉ sống nghèo nàn, trong sạch, tinh tấn tu hành “vì lợi ích chúng sanh”, các vị không mong dư thừa, không biết đến lợi nhuận riêng tư. Hơn nữa, hãy xem trong Tăng-già thời đức Phật, rất nhiều Tỳ-kheo là vua chúa, vương tôn, quan chức, đại thương gia, đại phú hộ; các vị thừa phương tiện để có thể dùng tiền đã có để nuôi sống mình và nhiều Tỳ-kheo khác, nhưng các vị đã bỏ tất cả, đã thực hiện vô ngã để nhằm mục đích tối hậu: tự giải thoát và giải thoát chúng sinh. Ðấy là một sự hy sinh cao quý, và đứng về mặt xã hội, cần phải có sự đền đáp xứng đáng.
Nói cho cùng, nếu một xã hội nghèo khổ đến độ không ai thực hiện được bố thí cúng dường, nếu việc cúng dường cho Tăng-già thực sự gây trở ngại cho các thí chủ thì khất thực có thể biến dạng hình thức, chỉ mang tính chất tượng trưng, và chính các tu sĩ phải tự sản xuất lấy, tự nuôi sống bằng lao động của mình như một số nơi, một vài thời đã có xuất hiện những tu viện xa xôi, tại đấy các tu sĩ tự trồng trọt, lượm hái mà lo cho bữa ăn hằng ngày của mình. Và trong trường hợp này, lòng kính mộ, tín thành, bố thí của người cư sĩ khó có dịp thể hiện hơn, yêu cầu tinh thần như đã nói trên khó được đáp ứng hơn.
Kinh Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy) có ghi lời Phật dạy: “Có ba hạng người xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho Trời và cho Người.”
Ðức Phật giải thích rằng ba hạng người ấy là Như Lai, các đệ tử A-la-hán của Ngài, và các vị Tỳ-kheo hữu học. Tóm lại, Tăng-già xuất hiện trong lòng xã hội là vì nhằm lợi ích cho đời.
Việc thuyết pháp tạo sự an ổn, hạnh phúc tâm linh cho con người trong xã hội là một ý nghĩa thù thắng, nhưng đồng thời Tăng-già cũng vạch ra cho xã hội một lối sống, một sinh hoạt cụ thể, có khi mang tính cách vật chất cho mọi người để giảm thiểu những trở ngại, những khổ đau trong xã hội.
Tăng-già đi vào lòng xã hội để truyền bá Chánh pháp. Xã hội còn lắm đau khổ, nghiệp chướng mê mờ, nên việc hoằng hóa bao gồm cả việc tạo dựng một xã hội tốt đẹp, gồm những con người đạo đức, với những giao tiếp thuận hiền giữa người và người, với nếp sống lành mạnh, an ổn về vật chất và tinh thần.
Trước hết, Tăng-già chủ trương xây dựng một xã hội vững vàng về mặt đạo đức luân lý đúng theo tinh thần từ, bi, hỷ, xả, hòa bình, bất bạo động, không thù hận, không ghen ghét, không lừa đảo… Ðấy là quan điểm đạo đức đã được nhân loại chấp nhận từ xưa đến nay nhưng đã không thực hiện đúng đắn vì tâm chưa được tụ tập, chưa được điều ngự.
Cá Tỳ-kheo đi đến từng nhà, từng đám đông để thuyết giảng giáo lý của đức Phật, nêu lên những bài học luân lý đạo đức có thể vốn đã rất phổ biến nhưng do cốt cách từ bi, hiền hòa, lời nói của các vị dễ đi vào trong lòng người, dễ gây sự tuân phục.
Nhưng trở ngại cơ bản cho đời sống của xã hội Ấn Ðộ lúc bấy giờ sự phân chia đẳng cấp, là tinh thần bạo động, là sự thể hiện nhưng sai trái của người lãnh đạo… Thực ra cũng là những trở ngại của bất cứ xã hội nào, ở mọi thời đại. Ðức Phật và các đệ tử của Ngài đã bày tỏ một quan điểm rõ ràng, đúng đắn về những sai lầm ấy.
Thành phần của Tăng-già gồm đủ mọi hạng người, mọi đẳng cấp chứng tỏ tinh thần bình đẳng, dung hòa của Phật giáo, khác hẳn mọi “kỳ thị” trong cuộc sống bấy giờ và khá phổ biến cho đến ngày nay qua sự phân biệt đẳng cấp, màu da, thành phần chức vụ, gia cảnh, dòng họ…
“Không phải do sinh ra mà thành Bà-la-môn,
Không phải do sinh ra mà thành tiên nhân.
Trở thành một tiện nhân là do hành vi của mình,
Trở thành một Bà-la-môn là do hành vi của mình”. (Kinh Tập, 136)
Một thanh niên Bà-la-môn thông tuệ được các Bà-la-môn khác cử đến vấn nạn đức Phật về chủ trương bình đẳng của đức Phật. Bằng cách vặn hỏi, đức Phật đã đưa đến kết luận tất cả mọi đẳng cấp xã hội đều bình đẳng về mọi phương diện:
– “… Lại nữa, nếu một người là kẻ sát nhân, trộm cướp, ngoại tình, hoặc can phạm những trọng tội khác, thì khi chết đi, người ấy sẽ đọa sinh nếu như người ấy là Sát-đế-lợi, là Tỳ-xá-đa, là Thủ-đà-la (*); nhưng nếu người ấy là Bà-la-môn thì không bị như thế?
-” Bạch đức Cồ-đàm, không! Trong những trường hợp như thế, dù người ta thuộc đẳng cấp gì đi nữa, số phận dành cho mỗi người đều như nhau.
-” Còn nếu người ấy tránh được các trọng tội thì người ấy sẽ tái sinh ở cõi trời nếu như người ấy là một Bà-la-môn; chứ nếu người ấy thuộc đẳng cấy thấp hơn thì sẽ không được như thế?
-” Bạch đức Cồ-đàm, không! Dù thuộc đẳng cấp gì đi nữa thì trong những trường hợp như thế, mọi người đều hưởng thiện quả.
-” Và có phải một Bà-la-môn tuyên bố rằng họ có thể phát triển lòng từ ái, không sân hận, không ác độc, còn những người thuộc đẳng cấp khác thì không được như thế ?
-” Bạch đức Cồ-đàm, không! Cả bốn đẳng cấp đều có thể được như thế .
-” Có phải chỉ người Bà-la-môn mới có thể xuống sông mà tẩy rửa được những bụi bặm dơ bẩn còn những người thuộc các đẳng cấp khác thì không thể như thế được ?
-” Bạch đức Cồ-đàm, không! Cả bốn đẳng cấp đều làm được như thế.
– “Lại nữa, ví dụ một ông vua tập họp một số người gồm các đẳng cấp khác nhau và ra lệnh cho những người Bà-la-môn, Sát-đế-lợi nhóm lửa bằng gỗ sài, gỗ thông, sen hay trầm, và những người thuộc đẳng cấp khác cũng nhóm lửa bằng những thứ ấy. Ông nghĩ rằng điều gì sẽ xảy ra? Lửa do những người sinh ra với đẳng cấp cao sẽ cháy sáng, còn lửa do những người sinh ra với đẳng cấp thấp sẽ không cháy sáng?
– “Bạch đức Cồ-đàm, không! Dù người nhóm lửa có đẳng cấp cao thấp thế nào, lửa cũng cháy sáng như nhau.
– “Ví dụ có hai anh em Bà-la-môn trẻ tuổi, một người có học thức và một người không có học thức. Người nào sẽ được chọn để làm cúng lễ hay được mời làm khách tham dự?
– “Dĩ nhiên là người có học thức được chọn mời, vì chọn mời người không có học thức thì lợi lạc gì đâu!
– “Nhưng, giả như người có học thức lại xấu xa ác độc, trong khi người không có học thức tốt lành, đức độ thì thế nào?
– “Thế thì trước tiên phải chọn mời người không có học thức ấy, vì chọn người xấu xa ác độc thì có lợi lạc gì đâu!
– “Này Assalàyana, ban đầu ông dựa vào dòng giống với đẳng cấp, rồi ông từ bỏ dòng giống đẳng cấp mà chọn lấy kiến thức và cuối cùng ông lại quay sang cách suy nghĩ của Ta mà cho rằng cả bốn đẳng cấp đều thanh tịnh như nhau!” (Trung Bộ)
Ghi chú: (*) Xã hội Ấn Ðộ thời đó có 4 giai cấp: Giáo sĩ (Bà La Môn), Vương tướng (Sát Ðế Lợi), Buôn bán (Tỳ Xá Đa), và Nông dân (Thủ Ðà La), cao nhất là Bà-la-môn, thấp nhất là Thủ-đà-la.
Tôn giả Kaccayàna cũng cực lực phê phán sự phân chia đẳng cấp trong xã hội, đã nhắc lại các ý kiến của đức Phật khi thuyết giảng cho vua Madhuraràja.
Từ bi, bất bạo động vốn được đề cao trong nhiều tôn giáo, nhưng có lẽ thể hiện rõ nét nhất là trong Phật giáo. Rất nhiều kinh điển Phật giáo nhắc đến từ bi, bất bạo động. Tính chất này đã được nói đến ở chương IV, ở đây xin nhắc thêm hai lời dạy của đức Phật về lòng Từ:
“Lòng từ, mở rộng ra đến phương thứ nhất, cũng đến phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư, phương trên, phương dưới, rải khắp lòng từ vô lượng, không giận, không ghét, bao trùm khắp thế gian lòng thương vô hạn” (Trung bộ I, Tăng Chi II, III).
“Trong loài hữu tình, nếu tu từ tâm thì phước ấy vô biên, huống chi trong khắp mọi nơi” (Kinh Bổn Sự, quyển 2).