Ðức Phật vì từ bi, chủ trương bất bạo động, hòa bình. Ngài đã trực tiếp đứng ra dàn xếp để ngưng cuộc chiến tranh giữa những người Sakya với Koliya; chính Ngài đã gián tiếp can vua Ajatasattu khi vua chuẩn bị chinh phạt xứ Vajjì; chính Ngài đã đứng ra điều đình để vua Ajatasattu được phóng thích khi vua bị bắt trong trận chiến tranh giữa Magadha với Kosala…
Những người lãnh đạo xã hội, quốc gia ảnh hưởng khá lớn đến hạnh phúc quần chúng nhân dân. Ðức Phật và các đại đệ tử thường đóng vai cố vấn cho các vị vua bấy giờ như Bimbisara (Tần-bà-sa-la), Ajatasattu (A-xà-thế), Pasenadi (Ba-tư-nặc), Suddhodana (Tịnh Phạn), Madhuraràja (Ma-đô-la) về các vấn đề triết học, đạo học, phép trị nước, v.v…
Người lãnh đạo lý tưởng, theo đức Phật, phải như một vị Chuyển luân vương (Cakkavatti), đủ tài năng, đức độ, trị nước đúng theo Chánh pháp, mang lại hạnh phúc cho toàn dân. Ở đây không bàn đến những miêu tả về hạnh phúc của quốc độ lý tưởng do Chuyển luân vương lãnh đạo mà chỉ nhấn mạnh đến sự tôn trọng Phật Pháp, sự bảo hộ hết lòng đối với toàn thể nhân dân của người lãnh đạo. Kinh Chuyển Luân Vương trong Trường Bộ (Dìghà Nikàya, 26-Cakkavattisutta) ghi lời Phật dạy:
“Người phải y theo Chánh pháp, trọng pháp, kính pháp, suy nghĩ về pháp, tôn vinh pháp, ca tụng pháp, dựng phướn pháp, cờ pháp, y vào pháp mà bảo hộ các thể nữ, quần thần, quân nhân, Sát-đế-lợi, cư sĩ, làng xóm, thành thị, Sa-môn, Bà-la-môn, cho đến chim chóc, thú vật…”
Trong Jataka Nikàya (Bổn Sanh) I, II, III, V, đức Phật có nhắc đến mười đức, tức mười bổn phận của một vị vua mà ta thấy có thể áp dụng cho bất cứ một người lãnh đạo nào cho đến ngày nay. Ðại khái các bản Kinh có khác nhau vài tiểu tiết nhưng ý chính có thể tóm tắt mười đức ấy như sau:
1) Quảng đại, từ ái;
2) Giữ giới đức: không giết hại, không bóc lột, không cướp của, không giam dâm, không dối trá, không rượu chè;
3) Vì hạnh phúc của nhân dân, sẵn sàng hy sinh lợi lạc, danh vọng và cuộc đời mình vì nhân dân;
4) Liêm chính, thực thà, thể hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình, không dối trá mọi người;
5) Dịu dàng, hòa ái;
6) Nghiêm chỉnh, đúng đắn, sống giản dị không xa hoa, chế ngự mình;
7) Không thù hận, ganh ghét;
8) Không dùng bạo lực;
9) Kiên nhẫn, vị tha, thông cảm với người;
10) Không khắc nghiệt, phải hòa hợp với nhân dân.
Tăng Nhất A-hàm, quyển 42, ghi mười đức của vị lãnh đạo như sau:
1) Thanh liêm, quảng đại;
2) Nghe lời can gián của người khác;
3) Thi ân cho nhân dân;
4) Thu thuế đúng pháp định;
5) Phòng the phải nghiêm túc;
6) Không say sưa rượu chè;
7) Siêng năng, nghiêm chỉnh;
8) Xét xử nghiêm túc, công bằng;
9) Hòa hợp với quần thần;
10) Giữ gìn sức khỏe của bản thân.
Nhà lãnh đạo tốt, chính quyền tốt sẽ xây dựng xã hội tốt. Nhưng chủ yếu vẫn là nỗ lực xây dựng cuộc sống của quần chúng nhân dân. Một thành viên của xã hội muốn sống hạnh phúc, phải có ý thức xây dựng cuộc sống của riêng mình. Tạp A-hàm IV và Tăng Nhất A-hàm IV ghi lời Phật dạy cho một thanh niên Bà-la-môn tên Byagghapaja (Bạt-xà-ca) rằng muốn được an lạc trong đời sống thì cần có bốn điều kiện:
1) Chuẩn bị đầy đủ kiến thức chuyên môn;
2) Ổn định tài sản;
3) Có thầy, bạn tốt;
4) Sống theo lợi tức mà mình làm được.
Trường Bộ Kinh III kể chuyện đức Phật giảng cho Trưởng giả Anathapindika về bốn thứ hạnh phúc của người Cư sĩ:
1) Có sự ổn định về kinh tế gia đình, có tiền đầy đủ do kiếm được bằng những cách đứng đắn, lương thiện;
2) Chi tiêu cho bản thân, gia đình, cha mẹ và cho việc thiện;
3) Không có nợ nần;
4) Sống ngay thẳng, trong sạch, không phạm điều xấu về thân, khẩu, ý.
Ðức Phật còn dạy rằng trong bốn thứ hạnh phúc ấy, hạnh phúc thứ tư (thuộc tinh thần) là cao quý nhất, trong khi ba hạnh phúc đầu (thuộc vật chất) không bằng 1/16 hạnh phúc thứ tư.
Tứ Nhiếp pháp là phương pháp hoằng hóa của chư Phật, chư Bồ-tát nhưng cũng là phương pháp giao tiếp giữa người với người để thu nhiếp nhân tâm một cách chính đáng, đúng hợp với đạo đức. Ðó là:
1) Bố thí nhiếp (bố thí tài vật khi người ta cần);
2) Ái ngữ nhiếp (lời nói dịu dàng);
3) Lợi hành nhiếp (làm điều lợi cho người);
4) Ðồng sự nhiếp (gần gũi, cùng sinh hoạt với người).
Sự giao tiếp, bổn phận, sự cư xử giữa người với người được phân tích rất đầy đủ trong kinh Singàlovada (Kinh Thiện Sinh). Kinh được sao chép ra nhiều bản, ở nhiều nơi, ghi trong Trường Bộ, A-hàm quyển 11, Trung Bộ 33… một số chi tiết có hơi khác nhau, nhưng nội dung có tính nhất thống. Kinh kể chuyện một thanh niên Bà-la-môn, tên Singala rất giàu có, rất thuần đạo, hiếu nghĩa. Từ khi cha mất, Singala cứ theo lời cha dạy, mỗi sáng sớm ra lễ sáu phương Ðông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới. Ðức Phật nhân vào thành Ràjagaha khất thực, trông thấy chàng đang lễ bái, liền dạy cho chàng một bài luân lý rất quan trọng về những nguy hại trong đời sống, về mối liên hệ đúng đắn giữa người với người, từ đó cần sửa đổi ý nghĩa của việc lễ bái sáu phương.
“Nếu một đệ tử cư sĩ cao thượng loại trừ được bốn ác hại trong hành động, nếu người ấy không phạm vào bốn động cơ hành động xấu, nếu người ấy không dùng sáu cách làm tiêu hao tài sản; nếu người ấy không mắc vào mười bốn điều tệ hại ấy thì khi lễ bái sáu phương, người ấy đã sẵn sàng chinh phục cả hai cuộc đời, sẽ thắng trong đời này và đời sau; và sau khi thân xác tan rã, người ấy sẽ tái sinh vào cõi trời hạnh phúc”
Ðức Phật giải thích tiếp: bốn ác hại trong hành động là sát sinh, trộm cắp, gian dâm, nói ngoa; bốn động cơ hành động xấu là tham dục, sân hận, si muội, sợ hãi; sáu cách làm tiêu hao tài sản là: rượu chè, la cà ngoài đường phố, ham mê ca kỹ, cờ bạc, giao du với kẻ xấu, lười biếng.
Tất cả cộng lại là mười bốn điều tệ hại. Ðức Phật còn phân tích kỹ những tai hại do rượu chè, giảng thêm về nguyên nhân làm phung phí tài sản, về thế nào là người bạn xấu, người bạn tốt.