Phần tiếp theo của Kinh nhằm nêu lên ý nghĩa của việc lễ bái tứ phương, qua đó, ý nghĩa chủ yếu là bổn phận, là mối liên hệ, cách cư xử giữa cha mẹ, thầy trò, vợ chồng, chủ và người làm công, người xuất gia và người tín đồ:
“Một đệ tử cư sĩ cao thượng lễ bái sáu phương như thế nào? Người ấy cần biết sáu phương ấy như sau: phương Ðông chỉ cha mẹ, phương Nam chỉ các bậc thầy, phương Tây chỉ vợ con (chồng con), phương Bắc chỉ bạn bè, phương Dưới chỉ những người giúp việc, phương Trên chỉ các tu sĩ.
“Một người con phải đối đãi cha mẹ, thuộc phương Ðông theo năm cách: vì được cha mẹ săn sóc từ thuở ấu thơ, người ấy phải săn sóc cha mẹ trong tuổi già của cha mẹ; phải làm tròn những bổn phận mà ngày xưa cha mẹ đã làm tròn; phải giữ truyền thống gia tộc; phải bảo vệ tài sản mà mình thừa hưởng; phải cúng bái tổ tiên (lo đám tang). Ðược con đối đãi như thế, cha mẹ thuộc phương Ðông cũng phải cư xử với con mình theo năm cách: phải ngăn con làm điều xấu; phải khuyên con làm điều tốt; phải dạy cho con một nghề; phải chọn người phối ngẫu xứng đáng cho con; phải cho con thừa hưởng gia sản vào lúc thích hợp. Phương Ðông phải được lễ bái và giữ gìn như thế.
“Một học trò phải đối đãi với thầy dạy học của mình, thuộc phương Nam, theo năm cách: Phải đứng dậy chào thầy khi đến; phải giúp việc cho thầy; phải chú ý nghe thầy giảng, phải săn sóc thầy chu đáo; phải chăm chỉ học tập theo thầy. Ðược học trò đối đãi như thế, người thầy, thuộc phương Nam, phải cư xử với học trò mình theo năm cách: phải dạy học trò điều tốt; phải dạy sao cho học trò ghi nhớ điều mình dạy; phải dạy cho học trò các học nghệ; phải nói tốt về học trò với các bạn bè đồng sự của mình; phải luôn luôn che chở, bảo vệ học trò. Phương Nam cần phải được lễ bái, giữ gìn như thế.
“Một người chồng phải đối đãi với vợ mình thuộc phương Tây, theo năm cách: phải kính trọng, thương yêu vợ; phải trung thành với vợ; phải giao việc nhà cho vợ; không được coi thường vợ, phải sắm đồ nữ trang cho vợ. Ðược người chồng phục vụ như thế, người vợ thuộc phương Tây, phải cư xử với chồng theo năm cách: phải lo tròn việc nhà; phải khéo điều động người giúp việc; phải trinh tháo; phải giữ gìn của cải do chồng mang về; phải khéo léo chuyên cần trong mọi việc. Phương Tây cần phải được lễ bái và giữ gìn như thế.
“Nột người chủ phải đối đãi với những kẻ giúp việc của mình thuộc phương Dưới theo năm cách: phải giao việc đúng với sức lực của họ, phải cung cấp cho họ đủ thực phẩm và tiền lương, phải săn sóc khi họ đau ốm, phải chia xẻ cho họ thức ăn ngon, phải cho họ những ngày nghỉ định kỳ. Ðược chủ đối dãi như thế, những người giúp việc thuộc phương Dưới phải cư xử với chủ theo năm cách: dậy trước chủ, đi ngủ sau chủ, bằng lòng với những thứ chủ cấp, làm việc giỏi và truyền rộng tiếng tốt của chủ. Phương Dưới cần được lễ bái và giữ gìn như thế.
“Một người cao quý cần đối đãi với các ẩn sĩ, Bà-la-môn thuộc phương Trên theo năm cách: cử chỉ dịu dàng, lời nói hiền hòa, ý tứ tế nhị, không đóng cửa khi các vị ấy đến, cúng dười thức ăn. Ðược đối đãi như thế, các ẩn sĩ, Bà-la-môn thuộc phương Trên phải cư xử với người ấy theo sáu cách: ngăn người ấy làm điều xấu, khuyến khích người ấy làm điều tốt, phải có lòng từ cái đối với người ấy, chỉ dạy người ấy những điều mà người ấy chưa nghe được, khích lệ người ấy làm theo những điều đã học và chỉ cho người ấy con đường đến cõi trời. Phương Trên cần được lễ bái và giữ gìn như thế” (Trường Bộ)
Phần cuối của bản Kinh bàn đến những đức tính cần có để đạt thành công trong đời: đức độ, dịu hiền, khiêm tốn, nhu hòa, quả cảm, thông tuệ, tự tại, vị tha, quảng đại, bình đẳng…
Một lần khác, trông thấy một người Bà-la-môn khác tế lễ Tam hỏa, đức Phật đã sửa lại ý nghĩa của Tam hỏa thành ra:
1) Căn bản hỏa, tức chỉ của cải để phụng dưỡng cha mẹ;
2) Cư gia hỏa, chỉ của cải để tiêu trong gia đình, bạn bè, thân thuộc;
3) Phúc điền hỏa, chỉ của cải chỉ tiêu vào việc cúng dường cho các tu sĩ đạo hạnh.
Ðức Phật và chư vị Tỳ-kheo đến từng nhà giảng pháp độ người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Kinh ghi lại rất nhiều trường hợp đức Phật và các đệ tử của Ngài đến với người nghèo, người bệnh, người hấp hối, người có tang, người gặp cảnh ngang trái, thậm chí cả với những phụ nữ đang quằn quại vì sinh đẻ khó… Các Tôn giả Sàriputta, Moggallàna, Ananda, Punna…, các nữ Tôn giả Mahapajapati, Patacara… đều nổi danh là những vị thuyết pháp độ hàng nhiều ngàn người thành những cư sĩ thuần thành hoặc những Tỳ-kheo đạt Thánh quả. Toàn thể những điều mà các Ngài giảng dạy cho đông đảo quần chúng không phải là những lý thuyết, luận lý, phân tích suông mà là những phương cách cụ thể để tránh khổ đau, nhưng bài đạo đức, luận lý dễ hiểu, thiết thực, những phương cách sinh hoạt, gián tiếp… Ðấy là những bằng chứng hùng hồn về tính chất thực tiễn, giáo dục, xã hội của Phật giáo, phủ nhận những luận điệu cho rằng Phật giáo là yếm thế, bi quan, xa rời quần chúng.
Mục tiêu trước mắt của Tăng-già là xây dựng một xã hội gồm những người tại gia thuần thành, những tín đồ Phật giáo chân chính. Có như thế ngôi Tam bảo mới được tôn trọng, hộ trì, và con đường giải thoát khổ đau dễ được thực hiện. Từ sự nhận biết đời là khổ, quyết tâm giải thoát, một con người quy hướng đến Phât, Pháp, Tăng – tức quy y Tam Bảo – nguyện suốt đời nương tựa vào ngôi Tam Bảo:
1) Quy y Phật (Buddham saranam gacchàmi)
2) Quy y Pháp (Dhammam saranam gacchàmi)
3) Quy y Tăng (Sangham saranam gacchàmi)
Từ khi thành tâm quy y trước đức Phật hoặc trước chư vị Tỳ-kheo, người ấy trở thành một đệ tử của đức Phật sống tại nhà, không xuất gia – tức cư sĩ – một Ưu-bà-tắc (Cận sự nam), hoặc Ưu-bà-di (Cận sự nữ) thuộc vào bốn chúng đệ tử Phật: 1) Tỳ-kheo; 2) Tỳ-kheo ni; 3) Ưu-bà-tắc; 4) Ưu-bà-di. Từ đó người Phật tử được sự giáo huấn, nâng đỡ của Giáo hội và có bổn phận hộ trì Giáo hội.
Viêc quy y đi kèm theo việc thọ năm giới. Người cư sĩ trọn đời năm giới:
1, Không giết hại.
2. Không trộm cướp.
3. Không gian dâm.
4. Không nói lời độc ác, dối trá.
5. Không uống rượu.
Trong một số ngày nhất định trong tháng âm lịch (mồng 1, mồng 8, 14, 15, 23, 30), người Phật tử tại gia gọi là ngày trai giới (Uposattha – cận trú), ngày tinh tấn tu tập, giữ gìn thêm ba giới nữa, cộng là tám giới (tức Bát Quan Trai giới).
1. Không ăn phi thời (không ăn ngoài bữa ngọ).
2, Không trang điểm, không xức dầu thơm, không dự hội hè, văn nghệ.
3. Không nằm giường cao, chiếu rộng.
Tám giới của người cư sĩ trong ngày trai giới là tám trong mười giới của người Sa-di, tức người chuẩn bị thọ Ðại giới làm Tỳ-kheo. Vậy trong ngày trai giới, người cư sĩ tập sự sống đời tu hành, thánh thiện của một tu sĩ. Trong ngày này các cư sĩ thường đến tịnh xá để được gần đức Phật hay các Tỳ-kheo, được nghe Pháp, được chiêm ngưỡng đời sống trong Tăng-già.
Sự liên hệ giữa Tăng-già và xã hội có hình tướng là sự trao nhận, tức là hình thức bố thí và thọ nhận. Các Tỳ-kheo bố thí Pháp và nhận phẩm vật cúng dường; các gia chủ thọ nhận Pháp và cúng dường phẩm vật. Một ý nghĩa phụ cũng cần được nói tới là trong khi thọ nhận sự cung kính phẩm vật của gia chủ, vị Tỳ-kheo được động viên trong nỗ lực tu tập, xứng đáng với lòng thành tín của gia chủ. Ðứng về mặt giá trị mà nói thì sự bố thí của Tăng-già là cao quý hơn, được thể hiện do lòng từ bi, vô vị lợi. Ðức Phật còn dạy rằng bố thí Pháp, nhiêu ích Pháp có giá trị hơn hẳn bố thí tài vật, nhiêu ích tài vật.
Ðức Phật từng nói với Trưởng giả Anathapindika: “Này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì các Tỳ-kheo bằng cách cúng dường y phục, thực phẩm, sàng tọa và dược phẩm”. Và tuân theo nguyên tắc vận hành của Chánh pháp, khi đã thọ nhận pháp, người cư sĩ phải lo tu tập pháp, truyền bá pháp. Kinh có nêu là có một phong trào Phật học sâu rộng trong quần chúng cư sĩ. Cư sĩ Citta Macchikasandika đứng đầu một hội chúng cư sĩ gồm nhiều ngàn người, cùng chung học tập, thảo luận về Phật Pháp, rất được đức Phật khen ngợi.
Tăng Chi Bộ Kinh I, phẩm “Người Tối thắng“, có liệt kê một số nam nữ cư sĩ được đức Phật khen ngợi là những người tối thắng trong quần chúng cư sĩ Phật giáo, như sau:
Các nam cư sĩ:
Tối thắng về Quy y đầu tiên: Ballikà và Trapusha.
Tối thắng về Bố thí: Anàthapindika.
Tối thắng về Thuyết pháp: Hatthaka Àlavaka.
Tối thắng về Cúng dường Thức ăn cho Tỳ-kheo: Mahananusakka.
Tối thắng về Cúng dường các vật dụng: Ugga Vesalika.
Tối thắng về Hộ trì Tăng chúng: Hatthigàmaka Uggàta.
Tối thắng về Lòng tin kiên cố: Jivaka Kamàrabgacca.
Các nữ cư sĩ:
Tối thắng về Quy y đầu tiên: Sujàta Sevanidhità.
Tối thắng về Bố thí: Visàkha Migaramàta.
Tối thắng về Ða văn: Suppavàsà Koliyadhità.
Tối thắng về Săn sóc người bệnh: Suppiyà.
Tối thắng về Nói năng thân mật: Nakulàmàtà.
Tối thắng về Lòng tin kiên cố: Kali ở Kulagharikà.
Tất nhiên, bảng liệt kê tên các vị nam, nữ cư sĩ Phật tử, nổi danh trên đây đáng lẽ phải dài hơn nhiều, nét thù thắng của từng vị cũng chỉ có tính cách tương đối và sự sắp xếp thứ tự cũng không phải theo tầm mức quan trọng của từng vị. Các vị trên đây cũng tối thiểu là đạt Thánh quả Dự lưu, có vị còn cao hơn, đắc quả A-la-hán, có vị về sau gia nhập Giáo đoàn, thọ giới Tỳ-kheo rồi đắc A-la-hán.