Tăng-già thời Đức Phật – Chương V

Chương năm

Sinh hoạt của Tăng-già

Một Tỳ-kheo luôn luôn tâm niệm rằng mình phải tu học để giải thoát và giúp chúng sinh giải thoát hay nói khác đi là tự độ và độ tha. Người ta thường nhìn vào hình thức thể hiện công hạnh mà gán cho hình thức thể hiện ấy cái tính chất đại thừa hay tiểu thừa. Hẳn ai cũng dễ dàng nhận định rằng tự mình không độ được mình thì khó mà độ được kẻ khác, cũng như muốn dạy chữ cho người thì phải biết chữ trước đã. Dù có tâm từ bi, vị Tỳ-kheo muốn độ cho người khác thì vị ấy phải đạt một số thành quả trên đường tu học đã. Bậc A-la-hán, chứng quả cao nhất trong hàng Thánh quả thường được miêu tả là một vị dửng dưng, là một “cây khô”, không vướng bận mọi sự, hình như tách biệt với cuộc sống bình nhật. Sự thật không phải thế, miêu tả trên chỉ nhằm trên ý nghĩa hiện tượng áp dụng cho trường hợp một vị “đã rũ sạch nợ trần ai”. Nhưng, hết nợ không có nghĩa là không còn gì để làm; và dù đang còn nợ, đang trả nợ không có nghĩa là không chia cho kẻ khó. Ý nghĩa tự độ, tinh tấn tu học để giải thoát của một vị Tỳ-kheo là thù thắng, nhưng ý nghĩa độ tha của vị ấy cũng song song tồn tại.

Với tư cách là một thành viên Tăng-già, vị Tỳ-kheo ngoài nỗ lực tu tập để tự giải thoát, còn có bổn phận xây dựng, đẩy mạnh giải thoát của Tăng-già, làm cho Tăng-già đồng nhất với Phật và Pháp, làm cho trọn ý nghĩa Tam Bảo mà mình đã đặt sinh mạng vào mà nương tựa. Nếu Tam Bảo là chân tính của thực tại thì Tam Bảo là cái vốn có của mọi chúng sinh. Có điều chúng sinh do còn mê muội, chưa thể hiện được Tam Bảo thì vị Tỳ-kheo phải giúp chúng sinh thể hiện cho được, và nghĩ cho cùng, đấy cũng chỉ là sự vận hành tự nhiên của cái công năng vô lượng của Tam Bảo mà thôi. Tóm lại sinh hoạt của một Tỳ-kheo là tu tập, học hỏi, giúp đỡ các vị đồng tu để cùng nhau thăng tiến và giúp cho mọi chúng sinh tiến lên trong Phật giáo.

Sinh hoạt của Tăng-già được miêu tả rải rác trong Kinh, nhất là trong Luật tạng, trong bộ Maha Vagga và Culla Vagga trong Giới bổn Tỳ-kheo (Patimokkha) và trong các bộ nói về Tăng-già yết-ma (Sanghakamma)… Trong khuôn khổ giới hạn của cuốn sách này, chúng tôi chỉ giới thiệu khái quát các tổ chức, sinh hoạt của Tăng-già thời đức Phật, bỏ qua những chi tiết rườm rà hoặc bị nghi là được thêm thắt vào sau khi đức Phật nhập diệt.

* * *

Tăng-già Tỳ-kheo đã sớm tách khỏi đời sống lang thang của các đoàn Sa-môn thời bấy giờ để dần dần đi vào nếp sống định cư trên mặt hình thức theo từng nhóm, số lượng không đồng đều, nhưng cũng có nhiều vị Tỳ-kheo xin phép đức Phật được rút vào rừng sâu để độc cư, và được đức Phật chấp thuận, nhiều vị xin đi xa để hoằng hóa Phật pháp là các vị Chiêu đề tăng, nhiều vị sống tu tập quanh đức Phật để thuận tiện tu học theo yêu cầu của bản thân, nhiều vị sống hợp quần trong các tinh xá ở nhiều địa phương rải rác khắp các nước trong vùng Bắc Ấn… Ðến khi giới luật đã thành hệ thống sinh hoạt của các đoàn Tỳ-kheo ở các nơi tùy theo địa phương có khác nhau, nhưng trên đại thể vẫn giống nhau, phù hợp với tinh thần giới luật.

1. Thời biểu mỗi ngày

Buổi sáng, sau khi kinh hành, môt hình thức đi bộ có tính cách tập thể và thiền định, các Tỳ-kheo đi khất thực cũng như chính đức Phật cũng đi khất thực. Các vị đi đơn lẻ, trừ một số Ðại Trưởng lão hay đức Phật thường có thị giả đi theo (theo hầu đức Phật thường là Tôn giả Ananda, có khi là Tôn giả Rahula, hay một Tôn giả khác). Các vị đi khắp các nẻo đường, theo thứ tự nhà, không phân biệt nhà giàu, nghèo, sang hèn để nhận thực phẩm cúng dường của các gia chủ. Khất thực xong, các vị trở về trú xứ hay đến một nơi nào đó để nghỉ chân và dùng bữa trưa là bữa độc nhất trong ngày. Sau bữa ăn, các vị thu dọn các thứ, ngồi nghĩ chốc lát rồi đến một nơi hoang vắng như một căn nhà trống, một gốc cây lớn… để ngồi kiết-già, thực hành thiền định.

Trừ trường hợp có gia chủ thỉnh mời và có tác bạch với Tăng chúng, luật định không cho phép các Tỳ-kheo vào thôn xóm quá sớm hay quá muộn, nên các Tỳ-kheo thường dùng thì giờ trước và sau buổi khất thực để ghé vào đâu đó để giảng pháp. Kinh kể nhiều trường hợp đức Phật nhận thấy còn sớm đối với thời khất thực, Ngài thường ghé đến giảng pháp ở chỗ các du sĩ ngoại đạo, hoặc ở các nhà đàn việt, thí chủ. Trung Bộ Kinh 88 kể việc Tôn giả Ananda đi khất thực trong thành Sàvatthi, khi trở về gặp vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala cưỡi voi ra khỏi thành, Tôn giả đã giảng cho vua thân hành, khẩu hành và ý hành. Trung Bộ Kinh, 98 kể việc Tôn giả Sàriputta sau khi khất thực trong thành Ràjagaha (Vương Xá) đến giảng cho Bà-la-môn Dhananjari về điều phi pháp, điều bất chính…

Gần đến xế chiều, các vị trở lại trú xứ để nghe đức Phật, hoặc các đại Trưởng lão, giảng pháp. Cũng có khi đang giảng, đức Phật cảm thấy mệt, liền nhường lời cho các Trưởng lão. Tôn giả A-nan (Ananda) giảng pháp làm tươi vui, phấn khởi người nghe được đức Phật khen ngợi (Trung Bộ, 134); Tôn giả Sàriputta giảng về các cấu uế, về Chính tri kiến (Trung bộ I), về thái độ, tác phong của một Tỳ-kheo đối với các vị đồng tu, với Phật tử tại gia trong tu tập… (Trung Bộ, 64)

Sau thời pháp, các Tỳ-kheo thường bàn bạc với nhau về giáo lý, về kinh nghiệm tu tập. Các vị học hỏi nhau, tìm hiểu nhau; có điều gì khó khăn thì bạch với đức Phật, hoặc các Trưởng lão để được dẫn giải. Kinh Bổn Sanh (Jakata Nikàya) có đến khoảng năm trăm truyện về tiền thân của đức Phật, được đức Phật kể lại để giảng dạy các Tỳ-kheo, thường thì nhân các Tỳ-kheo tu tập trong Pháp đường bàn về một vấn đề gì đó, một sự việc nào đó…, và đức Phật bước đến, nghe được và giảng cho nghe. Trung Bộ, 43, kể việc Tôn giả Sàriputta giảng cho Tôn giả Maha Kotthita (Ðại Câu-thi-na) về biệt tuệ (duppannàra), trí tuệ, thức, cảm thọ, ý thức thanh tịnh, tam hữu. Trung Bộ Kinh, 13 kể việc các Tỳ-kheo thảo luận với nhau về Phật pháp, cuối cùng phải nhờ Tôn giả Maha Kaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên) giảng giải cho rõ nghĩa…

Trú xứ của chư Tỳ-kheo vẫn thường là nơi đến tham vấn của hàng vua chúa, hoàng thân, Bà-la-môn, du sĩ, các thiện nam tín nữ… Kinh chép rất nhiều trường hợp ngoại đạo được chứng quả sau khi đến tham vấn đức Phật, nhiều vị xin gia nhập Tăng đoàn, nhiều cư sĩ khai ngộ…

Vào buổi tối, xen kẽ từng canh, các Tỳ-kheo ngủ rồi lại thức dậy ngồi thiền và đi bách bộ (Kinh hành). Tính ra, các vị chỉ ngủ khoảng bốn, năm giờ trong hai mươi bốn giờ mỗi ngày.

Việc tụ tập như vậy đã chiếm hầu hết thời gian trong một ngày của một Tỳ-kheo. Nội dung học tập tu hành bao gồm Giới – Ðịnh – Tuệ (Tam học), sẽ được bàn trong phần tới. Ở đây, chúng ta xem tới một số sinh hoạt, tổ chức nổi bật, định rõ sắc thái của Tăng-già như Yết-ma, Bố-tát, An cư, Tự tứ, v.v…

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.