Tăng-già thời Đức Phật – Chương V

5.Tự tứ (Pavàràna)

Tự tứ là buổi lễ tổ chức vào mùa cuối cùng của mùa an cư, tiếng Phạn (Sanskrit) là Pràvaràna được phiên âm Hán-Việt là Bát- hòa-la hay Bát-lặc-bà-lặc-noa. Pràvaràna có nghĩa là sự thỉnh mời (invitation). Từ Hán dịch cũ là Tự tứ (tự: tự mình; tứ: mặc sức; về sau được dịch là tùy ý, thỉnh thỉnh).

Ký Quy Truyện, quyển 2 có ghi: “Tiếng Phạn là Pràvaràna, dịch là tùy ý; có nghĩa là cho thỏa bụng; cũng có nghĩa là để cho người khác nêu lên điều mà mình vi phạm” (Phạn vân Bát-lặc-bà-lặc-noa, dịch vi Tùy ý, diệc thị Bảo túc nghĩa, diệc thị Tùy tha nhân ý cử kỳ sở phạm). Phật Học Ðại Từ Ðiển, Khải Minh Thư Cục, Ðài Loan, giải nghĩa từ Tự tứ rằng:”Khiến cho chúng Tỳ-kheo thanh tịnh, người khác mặc tình nêu các tội mà mình đã vi phạm, mình sám hối các tội ấy với các vị Tỳ-kheo” (Sử tha thanh tịnh tứ cử kỳ sở phạm chi tội, đối tha Tỳ-kheo nhi sám hối nhi), và giải nghĩa từ tùy ý rằng: “Do ý của người khác mặc tình nêu lên sự sai phạm của mình thì gọi là tùy ý” (Sở tùng tha nhân chi ý tứ cử kỳ sở phạm cố vân tùy ý)

Như thế, Tự tứ hay Thỉnh thỉnh, hay Tùy ý là sự việc một Tỳ-kheo để cho các Tỳ-kheo khác mặc sức nêu lên hết những sai phạm của mình để từ đó mình sám hối trước các vị ấy. Rõ ràng đây là một hình thức phê bình, tập thể phê bình một cá nhân và cá nhân nhận khuyết điểm, tỏ ra hối tiếc và hứa sẽ sửa chữa nếu mình có sai phạm.

Sám hối (Parisuddhi) được thực hiện đều đặn mỗi tháng hai lần trước ngày Bố-Tát, trong đó, một Tỳ-kheo tự phê bình kiểm điểm mình, tự nêu ra những sai sót của mình, rõ ràng là sự tự phê. Tự tứ (Pavàràna) được tổ chức mỗi năm một lần vào cuối mùa an cư, trong đó, một Tỳ-kheo phê bình các Tỳ-kheo khác. Có thể nói sám hối, và tự tứ lần lượt có nghĩa là tự phê và phê vậy.

Ta hãy xem một đoạn nói về ngày Tự tứ thời đức Phật trong những năm đầu mới hình thành Tăng-già trong Tương Ưng Bộ Kinh:

“Nhân ngày trăng tròn của Bố-Tát và Tự tứ, Thế Tôn ngồi ở ngoài trời; chư vị Tỳ-kheo im lặng ngồi vây quanh ngài. Thế Tôn nhìn quanh chúng Tỳ-kheo và mở lời: Này các Tỳ-kheo, này các Tỳ-kheo, nay Ta mời các Tỳ-kheo nói lên, các Tỳ-kheo có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân, hay về lời nói?”. Bấy giờ chúng Tăng gồm năm trăm vị A-la-hán.

Tôn-giả Xá-lợi-phất đắp thượng y chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch: “Bạch Thế Tôn, chúng con không có gì chỉ trích Thế Tôn về thân hay lời nói. Bạch Thế Tôn, con đường chưa sanh khởi, Thế Tôn làm cho sanh khởi; con đường chưa được biết, Thế Tôn làm cho được biết; con đường chưa được thuyết giảng, Thế Tôn thuyết giảng. Thế Tôn biết đạo, hiểu đạo, thiện xảo về đạo. Và bạch Thế Tôn, các đệ tử nay là những người sống hành đạo và sẽ thành tựu đạo về sau. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay lời nói?”

“Thế Tôn đáp: “Này Xá-lợi-phất, Ta không có gì chỉ trích Ngươi về thân hay về lời nói. Này Xá-lợi-phất, Ngươi là bậc đại trí … , quảng trí … , tốc trí … , tiệp trí … , nhuệ trí …, nhập trí … Này Xá-lợi-phất, ví như Trưởng tử của vua Chuyển Luân, chân chánh vận chuyển bánh xe pháp đã được vua cha vận chuyển; cũng vậy này Xá-lợi-phất, Ngươi chân chính vận chuyển pháp luân Vô thượng đã được Ta vận chuyển”.

“Tôn giả Xá-lợi-phất bạch tiếp: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không có gì chỉ trích con về thân hay lời nói. Vậy bạch Thế Tôn, đối với năm trăm Tỳ-kheo này, Thế Tôn có gì chỉ trích về thân hay lời nói không? ” Thế Tôn đáp: “Này Xá-lợi-phất, trong khoảng năm trăm Tỳ-kheo này, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc Tam minh, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc Thắng trí, sáu mươi Tỳ-kheo là bậc Câu phần giải thoát, và các vị còn lại là Tuệ giải thoát”.

Buổi Tự tứ đươc kết thúc sau khi Tôn giả Vangìsa đắp thượng y xin phép đức Phật đọc lên bài kệ tán thán buổi tự tứ…

Theo trên, ta thấy sinh hoạt tự tứ vào những năm đầu tiên, khi Tăng-già được thành lập, gồm năm trăm vị A-la-hán an cư quanh đức Phật. Buổi Tự tứ thật nhẹ nhàng, đơn giản và đầy ý nghĩa của một tập thể thanh tịnh, hòa hợp. Ðây là sinh hoạt của một cộng đồng gồm những vị đã chứng đắc Thánh quả, không bị ràng buộc bởi những Giới tướng. Những thể thức, nội dung về sau được thêm thắt trong Tự tứ và trong tất cả những sinh hoạt khác là do bởi nhiểu trường hợp vi phạm giới luật, thiếu thanh tịnh, và do nhằm ngăn ngừa những trường hợp đó.


6. Thọ Y Ca-thi-na (Kathina)

Việc thọ y ca-thi-na (Kathina) được thực hiện sau ngày Tự tứ, chấm dứt một mùa an cư. Các Tỳ-kheo sau ba tháng an cư, thăng tiến trong tụ tập, xứng đáng được thọ nhận một y mới là y ca-thi-na, ngoài ba y theo luật định.

Các bộ luật thường dẫn duyên khởi việc thọ y ca-thi-na như sau: Nhân một mùa an cư vừa chấm dứt, một số Tỳ-kheo vội vã lên đường đến Sàvatth để gặp đức Phật. Mùa mưa còn chưa dứt, đường sá lầy lội, cả ba y trên người mỗi Tỳ-kheo đều ướt sũng; việc đi đường rất khó khăn, gây mệt mỏi. Thấy vậy, đức Phật dạy rằng từ đấy, sau mỗi mùa an cư, các Tỳ-kheo nên thọ y ca-thi-na để được năm điều lợi ích trong một thời gian hạn định là bốn hay năm tháng:

1. Ngoài ba y, các Tỳ-kheo được cất chứa vải, y quá mười ngày để chuẩn bị dùng vải hay y ấy để may y hay thọ y mới, tức là y ca-thi-na.

2. Không cần phải mang một lúc đủ ba y như luật định.

3. Ðược phép thọ thực tại nhiều nhà thí chủ, miễn là không quá ngọ.

4. Ðược thọ thực riêng từng nhóm từ bốn vị trở lên.

5. Ðược vào thôn xóm trước hay sau bữa ăn không cần báo trước cho một Tỳ-kheo khác.

Duyên khởi việc thọ y ca-thi-na cũng được luật Ngũ phần kể rằng có lần cả ba y của Trưởng Lão A-na-luật (Anurudha) đều rách cả, Trưởng lão không thể may một lúc cả ba y trong một ngày, vì theo luật định không được cất giữ vải quá mười ngày, và khi may y, phải nay nội trong một ngày. Nhân đó, Phật cho phép các Tỳ-kheo thọ y ca-thi-na. Trung A-hàm, 19, có nêu sự việc trên và thêm chi tiết rằng Trưởng lão A-na-luật được đức Phật đứng ra trương y và tám trăm Tỳ-kheo hợp sức may cả ba trong một ngày. Sau đó, Phật dạy Tôn giả A-na-luật thuyết giảng về công đức của y ca-thi-na (thực ra nội dung bài giảng chỉ nói đến công hạnh tu tập cho đến khi đạt quả A-la-hán của một Tỳ-kheo nên thọ y ca-thi-na).

Hai mẫu chuyện trên thực ra vẫn chưa rõ ràng để ta có thể kết luận rằng đấy là duyên khởi của việc thọ y ca-thi-na. Lời khuyên dạy của đức Phật rằng nên thọ y ca-thi-na ở hai mẫu chuyện khiến ta có thể nghĩ rằng thọ y ca-thi-na vốn đã có từ trước đó nhưng chưa được phổ biến. Lại nữa, ba y của trưởng lão A-na-luật được đức Phật và tám trăm Tỳ kheo may cho một ngày ấy cũng không thể gọi là y ca-thi-na vì thọ y ca-thi-na là chỉ thọ một ý thôi. Nếu mẫu chuyện sau được xem là duyên khởi của việc thọ y ca-thi-na thì ý nghĩa của y phải do đức Phật thuyết dạy chứ tại sao lại do Trưởng lão A-na-luật nêu lên? Hơn nữa, nội dung bài thuyết giảng của trưởng lão cũng không thấy nhắc cụ thể đến y ca-thi-na.

Ý nghĩa mà ta rõ ràng nhận thấy về y ca-thi-na là nhân nhiều sự việc thực tế, theo đó một số điều trong giới luật đã gây trở ngại cho các Tỳ-kheo, do đó đức Phật chế ra việc thọ y ca-thi-na, được xem là nới lỏng các điều luật ấy. Việc thọ y ca-thi-na sau mùa an cư được xem là để đánh giá một bước thăng tiến về công đức tu tập của một Tỳ-kheo, xứng đáng để bớt phải bị ràng buộc theo hình thức bởi một số giới luật.

Ca-thi-na còn được gọi là Kiết-sĩ là phiên âm của từ Sanskrit “Kathina”, có nghĩa là kiên cố, vững bền. Ca-thi-na có lẽ được hiểu theo nghĩa bóng là sự kiên trì trong giới hạnh, cho nên được dịch là công đức. Y ca-thi-na đang mang theo kiểu một trong ba y theo luật định (uất-đa-la-ăng tức y thượng, an-đà-hội tức y hạ và tăng-già-lê tức y ngoài cùng). Việc dùng vài may y. thọ y, xả y đều có tác pháp Tăng-già Yết-ma.

Phật chế ra việc thọ y ca-thi-na như đã nói, để các Tỳ-kheo được thọ nhận năm điều thuận lợi, nhằm nới rộng một số điều luật không phải cứng nhắc. Y ca-thi-na cũng là phương tiện cúng dường của các Phật tử tại gia để bày tỏ lòng cung kính, ngưỡng mộ, đóng góp công đức đối với các Tỳ-kheo đang tu học. Từ đó, y ca-thi-na còn có ý nghĩa khích lệ sự tinh tấn của các Tỳ-kheo sau mỗi mùa an cư vậy.

* * *

Rải rác trong các chương trước và trong chương này chúng ta thấy được một số nét cơ bản về sinh hoạt của Tăng-già: qui y thọ giới, học tập, thuyết giảng, Yết-ma, an cư, tự tứ,v.v… Còn nhiều hình thức khác nữa mà ta có thể tìm hiểu kỹ càng hơn qua Kinh tạng, Luật tạng… Các hình thức và nội dung sinh hoạt có khi mang những nét rườm rà, phức tạp; nhưng nhìn sâu hơn, tất cả đều biểu hiện một nếp sống bần hàn, thanh tịnh, hòa hợp, tinh cần; vừa là kết quả, vừa là sự chuẩn bị tăng trưởng của Giới, Ðịnh, Tuệ để đưa đến giải thoát. Tăng-già là một tổ chức, và dù nhằm mục đích tối hậu là giải thoát, vẫn phải trụ vào hình tướng, phải dùng mọi phương cách, biện pháp để ổn định. Những gò bó, rườm rà, nếu có, cũng chỉ là những hình tướng được chọn lọc, thuận lợi cho việc tu tập, là môi trường để người tu điều ngự tâm mình. Ý nghĩa này nằm trong Giới học, điều kiện để đưa đến Ðịnh, Tuệ, tức Giải thoát vậy.

Thích Chơn Thiện

http://www.budsas.org

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.