Ðịnh học
Ðịnh học là cái học đưa đến ổn định tâm, thanh tịnh tâm. Tâm ở trạng thái tịnh thì vắng lặng, trong suốt, từ đó sức tập trung về một đối tượng trở nên mạnh mẽ, sáng rõ. Tuệ giác hoàn hảo, Niết-bàn, không thể được chứng nghiệm nếu cái tâm không định. Nói khác đi, nếu không có định, không thông qua thiền định thì không có Tuệ giác, không có Chứng ngộ. Ðịnh (Samàdhi) thường được dùng cùng nghĩa với Thiền định (Jhàna, Thiền-na), có nghĩa là sự vắng lặng, sự trầm tư. Từ ghép Thiền-Ðịnh (Jhàna-Samàdhi) thường dùng để chỉ cái phương pháp làm cho tâm vắng lặng, đưa tâm đến trạng thái tập trung cao độ, thành cái nhất điểm của tâm. Cũng có thể nói một cách đơn giản, Thiền định là sự tu tâm. Thiền định lấy gốc nghĩa ở từ Bhàvanà, nghĩa là sự tu tập, sự phát triển tâm linh.
Ðịnh thường được hiểu là sự dừng đứng, sự ổn cố, dứt bặt mọi động loạn nên còn được dịch là “Chỉ”. Theo nghĩa này, các học giả về Ðịnh, tức là “Hành giả”, tu theo ba nội dung: Bát định (tám định), Tứ Vô lượng tâm (Từ, Bi ,Hỉ, Xả) và phát triển năng lực thần thông.
– Bát định (Jhàna): hay các Thiền-na, tám cấp độ thăng tiến của tâm linh nhờ sự tập trung chú ý, cô đọng tâm thức thành nhật điểm, loại dần những khuynh hướng xấu, tiến đến cảm giác hỉ, lạc và tiếp tục tiến lên mãi cho đến khi ngưng cả tưởng và cả thọ, gần như đụng chạm với hư không. Ðấy là sự kinh qua ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới bằng công phu thiền định gồm tám cấp độ:1. Sơ thiền; 2. Nhị thiền; 3. Tam thiền; 4. Tứ thiền; 5. Không vô biên xứ; 6. Thức vô biên xứ; 7. Vô sở hữu xứ; 8. Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
– Thần thông (Abhinnà): phát triển những khả năng siêu việt vốn có trong mỗi người, chế ngự những quy luật của thế giới hiện tượng và trong chiều hướng này, hành giả tỏ ra thong dong tự tại.
– Tứ vô lượng tâm (Brahma-Vihàra): rèn luyện cảm xúc theo xu hướng tốt, phát triển cái tâm đền vô lượng về bốn phuương diện: 1) Từ (lòng muốn cho chúng sinh được vui sướng); 2.) Bi (lòng thương chúng sinh đau khổ); 3) Hỉ (lòng vui khi thấy chúng sinh vui); 4) Xả (sự xả bỏ, tha thứ về tất cả).
Bát thiền và thần thông là phép tu đã có từ trước đức Phật và rất nhiều đạo sĩ đã chứng đắc những cảnh giới cao vời, đức Phật cũng công nhận hiệu quả của chúng. Bằng chính tự thân Ngài, Ngài đã đạt tới cảnh giới của phép tu này là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, khi Ngài chưa thành đạo (học với Uddaka Ràmaputta – Ưu-đà-già La ma-tử). Đức Phật một mặt xác nhận nguồn hạnh phúc đạt được nhờ phép tu Định nói trên, một mặt ngài cũng lưu ý Phi tưởng phi phi tưởng không phải là giải thoát, Niết bàn, nghĩa là vẫn còn sinh tử luân hồi, và hành giả thường an trú trong cõi hạnh phúc này mà không tiến xa hơn nữa để đi đến giải thoát tối hậu. Ngài cũng xác nhận rằng thần thông không đem lại giải thoát, có khi chỉ là vô ích, và thậm chí còn có hại nữa, nên Ngài thường ngăn cấm các đệ tử thi triển thần thông và chính Ngài, Ngài cũng rất hiếm khi sử dụng.
Ðức Phật đã dạy Pháp môn Thiền định mà do tự Ngài thực hành và chứng ngộ là Tuệ định, là Trí tuệ minh sát (Vipassana). Như trước đã nói, tính chất thù thắng trong Phật học là Trí tuệ. Cho nên Giới học, Ðịnh học cũng đều là Tuệ học. Các luận sư thường phân biệt trong Thiền định có Ðịnh và Tuệ, coi đó là hai con đường. Hành giả thực hành theo con đường Ðịnh để có tâm ổn cố, rồi kế đó đi vào con đường Tuệ; có vị cho rằng có thể đi thẳng vào Tuệ mà không cần thông qua Ðịnh. Từ Ðịnh ở đây được dùng để chỉ riêng Bát định đã nói trên, ý nghĩa hẹp hơn ý nghĩa chung của Ðịnh. Ðịnh (Samathà) để chỉ riêng cho Thiền chỉ (dứt bặt, vắng lặng) phân biệt với Thiền quán (Vipassana) chỉ riêng cho trí tuệ. Nhưng chúng ta đã lưu ý từ đầu chương rằng Giới, Ðịnh, Tuệ là ba mặt của một thực tại này đây, cho nên không thể có Tuệ nào mà không có Giới và Ðịnh. Do đó, Pháp môn Thiền học của đức Phật đưa thẳng đến Tuệ, đến giải thoát tất nhiên phải đi qua Ðịnh. Có điều với phương pháp này, hành giả đã đi trọn vẹn con đường thì hẳn nhiên đến giác ngộ, đạt Tuệ tối thượng, khác với phương pháp Ðịnh có từ trước đức Phật, chỉ đưa cảnh giới cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Hẳn nhiên, tùy căn cơ của từng người, người ta có thể đến với chân lý bằng nhiều ngõ, bằng vô lượng pháp môn. Lịch sử Phật giáo đã cho thấy rất nhiều những trường chứng ngộ khác nhau, được miêu tả trong Trưởng lão Tăng Kệ (Theragàthà) và Trưởng lão Ni Kệ (Therigàthà) v.v… Ở đây, chúng ta xét đến một pháp môn thiền định mà Kinh điển Nguyên thủy nhắc nhở đến nhiều nhất. Ðó là pháp môn Niệm tâm (Satipatthàna) – hay còn gọi là Niệm xứ – với kinh Satipatthàna (số 22 của Dìgha Nikàya và số 10 của Majjhima Nikàya) và rải rác ở nhiều nơi khác nữa. Ðây là bản nêu rõ bốn nội dung lớn của các đề tài quán niệm, cho nên còn gọi là Kinh Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ còn được đề cập đến trong nhiều kinh khác như: Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm (Ànàpànasatisuttam), Kinh Song Tầm (Dvedhàvitakka), Kinh An Trú Tâm (Vitakka-santhàba)…
Satipatthàna là bản kinh quan trọng nhất, tiêu biểu nhất trong Thiền Nguyên thuỷ do chính đức Phật giảng dạy cho các Tỳ-kheo đệ tử Ngài. Trong phần mở đầu Kinh, Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất (ekàyano maggo) đưa chúng sinh đến thanh tịnh, thắng vượt phiền muộn bi thương, diệt trừ khổ đau sầu não, đạt đến Chánh đạo, chứng đắc Niết-bàn”.
Vì tầm quan trọng của Satipatthàna, chúng ta cần bàn thêm về ý nghĩa và nội dung của bản Kinh này.
Satipatthàna được dịch là Niệm xứ, Niệm tâm, Chánh niệm, Tỉnh giác. Sati (Sanskrit: Smrti) nguyên nghĩa là ký ức, sự nhớ lại, thường được hiểu là sự chú tâm, chú ý. Patthàna nguyên nghĩa là đặt vào, giữ cho có mặt. Satipatthàna do đó có nghĩa là sự chú tâm vào, là chánh niệm tỉnh giác vậy. Ý nghĩa suy động toàn bộ nội dung của Kinh là sự chú tâm, định tâm và quán niệm.
Satipatthàna được dịch là Tứ niệm xứ, như đã nói, vì nó bàn đến bốn nội dung lớn của các đề tài quán niệm. Ðó là: 1) Thân (thân thể, đường hơi thở); 2) Thọ (sự cảm thọ); 3) Tâm (các trạng thái của tâm thức); 4) Pháp (các nội dung của tâm thức).
Trong phần quán thân thể, đề tài quán hơi thở, quán các tư thế của thân thể là phần có nét thù thắng đưa tâm vào Ðịnh. Các phần khác như quán Thọ, quán Tâm, quán Pháp… là những phần dẫn đến Tuệ nhưng ý nghĩa Ðịnh vẫn luôn luôn xuyên suốt. Toàn bộ bản Kinh dẫn dắt hành giả thâm nhập giáo lý của đức Phật bằng kinh nghiệm của chính hành giả, nổi bật cụ thể là Tứ đế, là Duyên khởi, Tam Pháp ấn (khổ, vô thường, vô ngã)…
Ðây là con đường tụ tập tự nhiên, đơn giản, hợp lý, hiền hòa, hoàn toàn không có chút gì là xa vời với thực tế.
1. Quán thân thể (Kàya)
Quán thân thể để nhận ra thân thể này là giả tạm, là sự nối kết của nhiều hình thái vật chất, không có gì là thiêng liêng, là đáng quý, không đáng để gọi là tôi, là của tôi, không có gì để gọi được là Ngã, là linh hồn thường hằng, bất diệt cả.
a) Quán hơi thở (Ànàpànasati): để ý đến hơi thở hít vô ra, dài ngắn thế nào để ổn định tâm, đi dần vào sự tập trung chú ý, đồng thời hành giả, bằng kinh nghiệm cụ thể, hiểu được tính chất vô thường, duyên sinh trong chuỗi quá trình vận động của hơi thở ra và vô.
– “Chú tâm, vị ấy hít vô, và chú tâm, vị ấy thở ra. Hít vô dài, vị ấy biết “Tôi hít vô dài”. Thở ra dài, vị ấy biết “Tôi thở ra dài”. Hít vô ngắn, vị ấy biết “Tôi hít vô ngắn”. Thở ra ngắn, vị ấy biết “Tôi thở ra ngắn”.
– “Cảm nghiệm cả toàn thân, tôi sẽ hít vô”, vị ấy tập như thế. “An tịnh sự hoạt động của thân thể, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập như thế.
b) Quán các tư thế của thân thể: Chú tâm đến mọi tư thế của thân thể như đi, đứng, ngồi, nằm, co, duỗi… từ đó hàng giả làm chủ được cái thân và do đó cái tâm hay nói cách khác, có được cái tâm tự chủ. Chú ý đến cái tư thế của thân thể còn khiến hành giả nhàm chán cái thân thể, vì theo Ngài Nyanaponika, chú ý đến các tư thế của thân thể quá nhiều lần, khiến ta có cảm giác nhàm chán như cứ xem mãi các tư thế của một hình nhân múa rối. (Nyanaponika, “The Heart of Buđhist Meditation”)
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo đang đi, biết rằng “Tôi đang đi”; khi đang đứng biết rằng “Toi đang đứng”; khi đang ngồi, biết rằng “Tôi đang ngồi”, khi đang nằm, biết rằng “Tôi đang nằm”; hoặc thân thể của vị ấy được đặt trong tư thế nào, vị ấy biết thân thể đúng như tư thế ấy”.
c) Liễu hội về các chức năng vận hành của thân thể: Sự hiểu biết đúng đắn (nàna), bằng trí tuệ (pannà) do chánh niệm (sati) về các chức năng vận hành của cơ thể. Ðây không phải là sự chú ý suông về các tư thế của thân thể mà có sự tham gia điều động vào các hoạt động của thân thể, nhờ đó hiểu biết rõ hơn về tính chất vô ngã, vô thường của thân thể.
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo khi đang đi tới và khi đang đi lui, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang quay nhìn vào và khi đang ngoảnh đi, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang co cúi và khi đang ưỡn duỗi, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang ăn, uống, nhai, nếm, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm; khi đang đim đang đứng, đang nằm, đang ngồi, đang thức, đang nói, đang im, vị ấy vận dụng sự liễu hội về điều mình đang làm”.
d) Quán sự ghê tởm của thân thể: Nhận biết thân thể chỉ là một tổng hợp những thứ dơ dáy, đáng ghê tởm, không có gì đáng gọi là tôi, là của tôi, từ đó thấy rằng cái thân thể này là Vô ngã, Vô thường, Khổ đau.
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán tưởng, về chính cái thân thể này được bao bọc bằng da và đầy những thứ dơ dáy, từ gót chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống mà suy nghĩ rằng:”Trong thân thể này đây có tóc, lông, móng, răng, da thịt, gân xương, tủy, thân, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột non, ruột già, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, mỡ ướt, nước miếng, nước nhòn, nước khớp xương, nước tiểu.”
e) Quán tứ đại: Quán bốn thành tố cơ bản cấu tạo nên mọi vật chất, hình thành cái thân thể con người, được gọi tượng trưng là đất (chất rắn), nước (chất lỏng), gió (chất khí, sự vận động), lửa (hơi nóng), từ đó hiểu rõ về vô ngã, về lý nhân duyên.
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo quán tưởng về chính cái thân thể này theo như các tư thế mà nó được đặt để, sắp xếp về mặt tứ đại: “Trong thân thể này có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại.”
f) Quán nghĩa địa: Quán một xác chết ở nghĩa địa để nhìn thấy sự tan rã, hư nát dần dần của nó, từ đó hiểu rõ tính chất vô thường, vô ngã của thân thể, của mọi chúng sinh… (Vào thời đức Phật, tại Ấn Ðộ, các thi hài của những người nghèo, các tội phạm… thiếu phương tiện để thiêu, thường bị vứt bỏ trong các khoảnh rừng dành riêng cho chúng tự tan rã…)
-“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi một Tỳ-kheo nhìn thấy một xác chết đã một, hai hay ba ngày, trương sình, xanh thâm, thối rã bị vứt bỏ trong bãi tha ma…”
– “Khi một Tỳ-kheo nhìn thấy một xác chết bị vứt bỏ trong bãi tha ma đang bị quạ, diều hâu, chó, giả can hay các loài dòi bọ khác nhau ăn…
– “…chỉ còn là một bộ xưong với thịt và máu được nối lại bằng gân…
– “…chỉ còn là những cái xương rời, rãi rác khắp mọi phía…
– “…chỉ còn lại những cái xương trắng bệch, màu như vỏ ốc…
– “…chỉ còn là những cái xương đã hơn một năm, nằm một đống…
– “…chỉ còn lại những cái xương mục rã hết và trở thành bụi…
– “… Rồi vị ấy liên hệ chính cái thân thể của mình như thế này: “Thật vậy, thân thể của ta đây cũng cùng một bản chất như thế, rồi sẽ trở thành như thế và sẽ không thoát khỏi điều ấy”.
2. Quán cảm thọ (Vedana)
Quán sự thọ nhận và biểu hiện phản ứng của giác quan trước sự kích thích của sự vật, từ đó nhận điều kiện nguyên nhân của tham ái, chấp thủ và hiểu ra cái duyên sinh của khổ.
“Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo khi thể nghiệm một cảm thọ vui thích, biết là, “Tôi thể nghiệm một cảm thọ vui thích”. Khi thể nghiệm một cảm thọ phiền khổ thì biết là, “Tôi đang thể nghiệm một cảm thọ phiền khổ “; khi thể nghiệm một cảm thọ không vui thích, không phiền khổ, vậy ấy biết, “Tôi thể nghiệm một cảm thọ không vui thích, không phiền khổ”; khi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thuộc vật chất, vị ấy biết, “Tôi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thuộc vật chất; khi thể nghiệm một cảm thọ thuộc tinh thần, vị ấy biết, “Tôi thể nghiệm một cảm thọ vui thích thuộc tinh thần”; khi thể nghiệm một cảm thọ phiền khổ thuộc vật chất… thuộc tinh thần… không vui thích, không phiền khổ thuộc vật chất,… thuộc tinh thần…”
3. Quán tâm thức (Citta)
Quán những trạng thái của tâm để từ đó phát triển tâm theo chiều hướng tốt .
“Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo khi có tâm tham dục, biết rằng tâm có tham dục; khi có tâm không tham dục, biết tâm không tham dục; khi có tâm sân hận , biết có tâm sân hận ; khi có tâm không sân hận…, khi có tâm si muội…, khi có tâm không si muội.., khi tâm ở trạng thái thu nhiếp…, khi tâm ở trạng thái toán loạn…, khi ở tâm trạng phát triển…, khi tâm ở trạng thái cao hơn… khi tâm ở trạng thái định.., ở trạng thái giải thoát…, ở trạng thái chưa giải thoát, biết tâm ở trạng thái chưa giải thoát.”
4. Quán Pháp (Dhamma)
Quán đối tượng của tâm thức, lấy đó làm nội dung tư duy, dần dần đưa tư duy chánh pháp để có chánh liến, từ đó hành giải vượt qua phiền não, trở ngại và phát triển khả năng chứng ngộ.
a) Quán năm triền cái (Nìvarana): Quán năm sự ngăn che trở ngại cho việc giải thoát: ái dục, sân hận, hôn trầm thuỵ miên (trầm trệ, buồn ngủ), trạo hối (dao động, rối loạn), nghi (nghi ngờ). Hành giả quán từng triền cái để nhận mặt nó, để biết chúng sinh khởi, hoại diệt ra sao, làm sao để biết chúng không còn sinh khởi nữa…
“Này các Tỳ-kheo, khi có ái dục, một Tỳ-kheo biết, “Trong tôi có ái dục”; hoặc khi không có ái dục, vị ấy biết “Trong tôi không có ái dục”. Vị ấy biết ái dục chưa sinh khởi nay khởi như thế nào; vị ấy biết ái dục đã sinh khởi, nay bị khử diệt như thế nào; và vị ấy biết ái dục đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.”
(Ðối với bốn triền cái còn lại, hành giả cũng quán niệm như thế)
b) Quán Năm uẩn (Skhanda): Quán năm yếu tố tạo nên ý nghĩa hiện hữu của con người, từ đó hành giả nhận ra rằng sự hiện hữu của con người là do nhân duyên, không tìm thấy cái gì có thể gọi là ngã, tất cả chỉ là quá trình vận hành tương tục của nhân duyên.
“Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo nghĩ “Ðây là sắc; đây là sự sinh khởi của sắc, còn đây là sự hoại diệt của sắc. Ðây là thọ…, đây là tưởng…, đây là hành…, đây là thức…”
c) Quán Sáu nội xứ và Sáu ngoại xứ (Àyatana): Quán sáu quan năng của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và sáu đối tượng của chúng (hình sắc, âm thanh, mùi, vị, sự xúc phạm, sự vật) tác dụng qua lại mà tạo nên cái biết; từ đó hành giả nhận ra rằng tất cả đều do duyên sinh, vô thường, vô ngã, và những trói buộc khổ đau đều từ đó mà sinh khởi.
“Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo biết mắt và các hình sắc và kiết sử (sự ràng buộc; samyojana) sinh ra do hai thứ này; vị ấy biết kiết sử chưa sinh khởi nay sinh khởi như thế nào; vị ấy biết kiết sử đã sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào; và vị ấy biết kiết sử đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào…
“Vị ấy biết tai và các âm thanh, và các kiết sử sinh ra do hai thứ này;…
“Vị ấy biết mũi …, lưỡi…, ý và các đối tượng của ý, và biết kiết sử sinh ra do hai thứ này; vị ấy biết kiết sử chưa sinh khởi, nay sinh khởi như thế nào; vị ấy biết kiết sử đã sinh khởi nay bị khử diệt như thế nào; và vị ấy biết kiết sử đã bị khử diệt sẽ không sinh khởi trong tương lai như thế nào.”
d) Quán Bảy Giác chi (Bojhanga): Quán bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, từ đó hành giả nhận biết tâm mình đã phát triển đến mức độ nào để rồi nỗ lực đạt đến mức tối đa của bảy yếu tố này. Bảy yếu tố ấy là: 1) Niệm giác chi (yếu tố về chánh niệm); 2) Trạch pháp giác chi (yếu tố về sự thật duyên sinh của các đối tượng tâm thức); 3) Tinh tấn giác chi (yếu tố về năng lực tiến bộ, tinh cần), 4) Hỷ giác chi (yếu tố về sự an vui); 5) Khinh an giác chi (yếu tố về sự thanh thản, nhẹ nhàng); 6) Ðịnh giác chi (yếu tố định, tập trung tâm thức); 7) Xả giác chi (yếu tố về sự buông xả).
“Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo sống mà quán đối tượng tâm thức trong đối tượng tâm thức (tức quán pháp) về bảy giác chi là như thế nào?
“Này các Tỳ-kheo, khi có niệm giác chi, vị ấy biết, “Trong tôi có niệm giác chi”‘ hoặc khi không có niệm giác chi, vị ấy biết, “Trong tôi không có niệm giác chi”, và vị ấy biết niệm giác chi nay sinh khởi như thế nào, và niệm giác chi đã sinh khởi nay phát triển viên mãn như thế nào.”
(Ðối với sáu giác chi còn lại, hành giả cũng quán niệm như thế).
e) Quán Tứ đế (Sacca): Quán bốn chân lý cao cả (bốn sự thật của bậc Thánh), vô cùng quan trọng trong Phật giáo mà trong lần chuyển pháp luân đầu tiên, đức Phật đã giảng dạy; từ đó, hành giả bằng kinh nghiệm của chính mình, có chánh kiến về cuộc đời, hiểu chánh đạo đưa đến giải thoát.
“Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo biết đúng theo thực tại, “Ðây là khổ”; vị ấy biết đúng theo thực tại. “Ðây là nguyên nhân của khổ” (Tập); vị ấy biết đúng theo thực tại, “Ðây là sự chấm dứt khổ” (Diệt); vị ấy biết đúng theo thực tại, “Ðây là con đường đưa đến sự chấm dứt khổ” (Ðạo)”.
Trên đây là Bốn Niệm xứ mà kinh Satipatthàna nêu ra. Quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp là nội dung rất rõ ràng, cụ thể của kinh, làm căn bản và định hình cho Thiền định, từ thời đức Phật. Thiền định nguyên thủy theo đó, rất đơn giản, hiền hòa, tự nhiên; việc thực hành cũng dễ dàng, nhẹ nhàng:
“Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo sau khi đã đến một khu rừng, đến một gốc cây, hay đến một căn nhà trống, một nơi trống trải, ngồi xuống theo thế kiết-già, giữ thân thể ngay thẳng và đặt niệm tâm trước mặt (sẵn sàng với sự chú tâm).
“Chú tâm, vị ấy hít vô. Chú tâm, vị ấy thở ra…”
Như trước đây đã nói, các Tỳ-kheo hằng ngày dành rất nhiều thì giờ để thiền định chuyên tâm: từng canh cách nhau trong đêm, các vị nghỉ rồi thức dậy tản bộ và thiền định; sau bữa trưa lại thiền định chuyên thâm. Các vị sống tại các trú xứ xa xôi, hẻo lánh; có khi dùng suốt ngày để thiền định, hoặc nhập định trong nhiều ngày. Nhưng như nội dung bản kinh có nêu, Thiền định không phải chỉ trong tư thế ngồi kiết-già, mà còn được thực hiện ở mọi tư thế: đi, đứng, nằm… qua mọi động tác của thân thể trong đời sống hằng ngày. Các đề tài quán niệm được nhằm vào chính bản thân, thông qua cảm nhận, chứng nghiệm của hành giả, và các đề tài này còn được mở rộng sang phía người khác, nghĩa là quán bên trong và bên ngoài. Ví dụ: ở phần quán thân thể, bản kinh ghi: “…Theo như thế, vị ấy sống mà quán thân thể trong thân thể bằng cách hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài.”
Do cứ mãi quán niệm, chú tâm càng cao độ, hành giả cứ đối đãi qua lại với đề tài quán niệm, sự thể nghiệm đề tài cứ được lập đi lập lại mãi đến một lúc nào đó, thực tại hiện ra với hành giả trung thực, trọn vẹn mà không cần có sự tham gia của hành giả. Có thân thể đây, có khổ, có vui, có chứng đạt… mà không hề có người khổ, người vui, người chứng… Vô thường, vô ngã được thể nghiệm đến tối đa, đưa đến thái độ thong dong, tự tại, an tịnh viên mãn, giải thoát vậy.
Sau mỗi đề tài quán niệm, kinh luôn luôn nhấn mạnh đến sự tự thân thể nghiệm đề tài – bấy giờ đã trở thành một thực tại rất cụ thể – với sự chú tâm cao độ. Ví dụ, về quán thân thể, Kinh dạy:
“… Vị ấy sống mà quán các yếu tố sinh khởi trong thân thể, khoặc vị ấy sống mà quán các yếu tố hoại diệt trong thân thể. Hoặc niệm tâm của vị ấy được xác lập với ý nghĩ: “Có thân thể tôi đây” đến mực cần thiết cho sự hiểu biết và chú tâm như thế, và vị ấy sống, tự tại và không chấp trước vào một thứ gì trong đời. Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo sống mà quán thân thể trong thân thể là như thế đấy”
Như vậy, Thiền định thời đức Phật là Satiphatthàna, Niệm Tâm, là Bốn Niệm xứ. Ðây là Pháp môn đưa thẳng đến Tuệ giác, Giải thoát. Ở phần cuối Kinh, đức Phật dạy:
“Này các Tỳ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này, theo cách này, trong bảy năm, vị ấy có thể chứng đạt một trong hai vị sau: Quả vị Chánh trí (A-la-hán) ngay trong đời này, hoặc quả vị Bất hoàn (A-na-hàm) nếu còn đôi chút dư báo trong hiện tại.
“…Này các Tỳ-kheo, đừng nói chi đến bảy năm, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này, theo cách này trong sáu năm.., trong năm năm, trong bốn năm…, trong bảy tháng, trong sáu tháng…, trong một tuần, vị ấy có thể đạt một trong hai quả vị sau: quả Chánh trí (A-la-hán) ngay trong đời này, hoặc quả vị Bất hoàn (A-na-nàm) nếu còn chút dư báo trong hiện tại”
“Vì như thế nên Ta nói, này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, thắng vượt phiền muộn bi thương, diệt trừ khổ đau sầu não, đạt đến Thánh đạo, chứng đắc Niết-bàn, đó là Bốn Niệm xứ.”
Bốn niệm xứ là đề tài tu tập Thiền định của các đệ tử đức Phật. Ðức Phật đã nhắc nhở về Bốn Niệm xứ rất nhiều lần trong những lần thuyết giảng, khuyến khích các đệ tử tu tập. Và chính cũng với đề tài này, các Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, La-hầu-la… đã quán niệm và đã chứng quả.
Ðoạn kinh sau đây, Kinh Chánh Niệm (Trung Bộ) cũng bao gồm nội dung Tứ Niệm xứ và còn được triển khai ra, mở ngõ cho sự phát triển Thiền định về sau:
“Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), nơi tinh xá Cấp Cô Ðộc (Ànathapindika), vườn Kỳ-đà (Jetavana). Một buổi sáng, Ngài thức dậy, đắp y, mang bát vào thành Sàvatthi khất thực. Tôn giả Ràhula theo sát Ngài. Khi đang đi, Thế Tôn vẫn nhìn thẳng và nói cùng Tôn giả rằng: “Cái gì thuộc sắc quá khứ, hiện tại hay vị lai, ở trong hay ở ngoài, xa hay gần, cần phải được nhìn một cách liễu hội với ý nghĩ rằng: “Ðây không phải là của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của tôi.”
“Bạch Thế Tôn, chỉ quán riêng sắc mà thôi sao?
“Này Ràhula, cả thọ, tưởng, hành và thức nữa.
“Tôn giả Ràhula tự bảo: “Ai lại đi khất thực hôm nay khi đã được Thế Tôn khuyên dạy như thế!” Rồi Tôn giả quay trở về, ngồi kiết-già, giữ thân thể ngay thẳng và tập trung tư tưởng.
“Tôn giả Sàriputta trông thấy Tôn giả Ràhula như thế liền bảo: “Hãy tập định vào hơi thở vô và hơi thở ra, vì tu tập như thế rất có lợi lạc.”
“Ðến chiều, Tôn giả Ràhula đứng dậy và đi đến Thế Tôn, hỏi Ngài làm sao để tu tập Thiền định về quán hơi thở vô và hơi thở ra. Thế Tôn dạy:
“Này Ràhula, hễ cái gì cứng và chắc trong thân người như tóc, móng, răng, da, thịt, v.v… thì gọi là thành tố Ðất, thành tố Nước gồm mật, đờm, dãi, mủ, máu, mồ hôi v.v… Thành tố Lửa gồm những thứ làm cho ấm, nung nấu, đốt cháy tạo nên sự tiêu hóa đồ ăn, thức uống. Thành tố Gió là hơi trong thân thể vận động lên xuống, hơi trong bụng dưới và bao tử, hơi vận động từ bộ phận này sang bộ phận khác, hơi hít vô và hơi thở ra của phổi. Và cuối cùng, thành tố Rỗng Không gồm những đường ống của tai, mũi, cửa miệng và thực quản mà đồ ăn, thức uống đi vào đó rồi ra khỏi thân thể. Năm thành tố này hợp với năm thành tố bên ngoài thành ra năm đại (ngũ đại). Tất cả phải được nhìn một cách khách quan với sự liễu hội, với ý nghĩ rằng: “Ðây không phải của tôi, đây không phải là tôi, đây không phải là tự ngã của tôi” – Với thái độ liễu hội như thế, người ta chối bỏ năm đại, và tâm chẳng ham thích năm đại.
“Này Ràhula, hãy tu tập như Ðất – vì người ta ném những đồ sạch và đồ dơ, phân và nước tiểu, đàm, dãi, máu, mủ trên đất, nhưng đất cũng không bực bội, không ghê tởm. Và vì Ngươi cứ giữ tâm như đất nên không có sự vui buồn nào xâm chiếm hay bám lấy Ngươi.
“Cũng thế, Ngươi cần tu tập tâm như Nước, vì người ta ném những đồ sạch, đồ dơ vào nước, nhưng Nước cũng không bực bội, không ghê tởm… Cũng thế, như Lửa…, như Gió… như Khoảng trống…
“Này Ràhula, hãy tu tập tâm Từ, vì nếu tu như thế ác ý sẽ giảm đi; hãy tu tập tâm Bi, vì tu như thế động loạn sẽ giảm đi; hãy tu tập tâm Hỷ, vì tu như thế sân hận sẽ giảm đi; hãy tu tập tâm Xả, vì tu như thế xung khắc sẽ giảm đi…
“… Hãy tu tập quán niệm hơi thở… Một Tỳ-kheo đi đến một khu rừng, hay một gốc cây, hay một căn nhà trống, ngồi kiết-già, định tâm… Chánh niệm, vị ấy hít vào và thở ra. Khi hít vô hay thở ra dài, vị ấy biết rõ mình đang hít vô và thở ra dài… Cũng thế, khi hít vô và thở ra ngắn, vị ấy biết mình hít vào và thở ra ngắn…”
Nội dung đoạn Kinh trên vẫn là nội dung của Kinh Satipatthàna như đã bàn, nhưng ở đây còn thêm vào phần tu tập Tứ Vô lượng tâm để gia lực cho việc định tâm. Và đặc biệt, đoạn Kinh còn triển khai việc phát triển cái tâm tiến đến sự bình thường, dửng dưng, vô ngã, bình đẳng, không thiên chấp. Chiều hướng tu tập này về sau được phát triển mạnh mẽ, rực rỡ trong Ðại thừa, đặc biệt trong Thiền tông Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Cho nên, bảo Satiphatthàna là “Con đường độc nhất” là bảo trong ý nghĩa rằng nó bao gồm mọi con đường, mọi phương pháp thiền định đúng đắn vậy.