Niết-bàn (Nibbàna)
Niết-bàn là cảnh giới cứu cánh, rốt ráo của người đã đạt chân lý, tức vị đã đại ngộ. Ý nghĩa bao trùm của Niết-bàn là sự an lạc, thoát ly mọi khổ đau, sự chấm dứt luân hồi, sự bất tử, tuyệt đối… Niết-bàn được miêu tả bằng nhiều cách, thường là bằng phủ định, mang tính chất tiêu cực là chính vì ngôn ngữ và trí tuệ của con người không đủ để hiểu Niết-bàn là gì. Con người đang trong cơn bệnh, bệnh khổ đau, sinh tử luân hồi, con đường được vạch ra để tiến đến Niết-bàn là con đường Vô ngã, con đường của sự từ bỏ, thoát ly mầm bệnh, nên đức Phật thường nói đến Niết-bàn một cách gián tiếp, bằng cách tỷ dụ, phủ định v.v… xem ra có vẻ tiêu cực. Nhưng đấy lại là cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất để tránh những hiểu lầm tai hại.
Niết-bàn (Nibbàna) thường được biết với từ Phạn ngữ (Sanskrit) là Nirvana, có lẽ vì Kinh Phạn văn của Ðại thừa về sau đã triển khai ý nghĩa Niết-bàn khá nhiều. Phân từ Nir chỉ sự phủ định, Vana là dập tắt, thổi tắt; Vana còn có nghĩa là rừng, chỉ cái rừng phiền não. Nirvana có nghĩa là chấm dứt, ra khỏi rừng phiền não. Nirvana còn có nghĩa là dập tắt, ngưng bặt, tịch diệt. Ngài Nyanatiloka giải thích từ dập tắt theo hai nghĩa: 1) Dập tắt các lậu hoặc (Kilesa-parinibbàna), tức là Niết-bàn trong hiện tại với cái xác thân đang còn; Kinh gọi Niết-bàn này là Hữu dư y Niết-bàn (Sa-upàdidesa-nibbàna); 2) Dập tắt quá trình năm uẩn (Khandha-paranibbàna) tức Niết-bàn sau khi chết, xác thân không còn nữa, Kinh gọi là Vô dư y Niết-bàn (An-upàdisesa-nibbàna). (Nyanatiloka, “The Words of the Buddha”, 1968)
Hữu dư y Niết-bàn và Vô dư y Niết-bàn đều có những thuộc tính như nhau, chỉ khác nhau ở chỗ Hữu dư y Niết-bàn là Niết-bàn đạt được khi hành giả còn hiện hữu với thân xác của mình, và Vô dư y Niết-bàn là Niết-bàn đạt được sau khi thân xác không còn nữa. Kinh điển Nguyên thủy cũng chỉ phân biệt hai hình thái Niết-bàn như vậy mà thôi.
Trong lần thuyết pháp đầu tiên tại Migavana (Lộc Uyển, Vườn Nai) tại Baranasì cho năm vị Tỳ-kheo nhóm Tôn giả Kodanna, đức Phật đã dùng từ Diệt đế, sự dập tắt (Nirodha) để chỉ Niết-bàn. Thể cách miêu tả Niết-bàn như thế thường được nhắc lại nhiều lần, ví dụ Niết-bàn là “Khát ái diệt, là tham, sân, si diệt, vô minh diệt, thủ diệt, dục diệt”… hay:
“Ðấy là sự tịch lặng những gì hữu vi, xả bỏ mọi lậu hoặc, là sự dập tắt khát ái, sự tách ly (ly tham), sự ngưng bặt, Niết-bàn”. (Tương Ưng I)
“Này Ràdha, khát ái bị dập tắt là Niết-bàn”. (Tương Ưng IV)
“Ở đấy chẳng có gì cả, ở đấy không có sự ràng buộc, là một hòn đảo, là độc nhất: chính đấy gọi là Niết-bàn, sự chấm dứt già và chết”. (Kinh Tập)
Ý nghĩa tách ly, dập tắt, ngưng bặt còn được tìm thấy nhiều nơi khác trong Kinh:
“Này các Tỳ-kheo, dù cho các pháp là hữu vi hay vô vi thì trong đó, sự vô thủ trước là cao nhất, nghĩa là tự tại với tham dục, tận diệt khát ái, tiêu hủy sự ràng buộc, chặt đứt mọi tương tục, dập tắt khát ái, sự vô thủ trước, sự ngưng bặt, Niết-bàn.” (Tăng Chi II)
Tôn giả Sàriputta khi được hỏi Niết-bàn là gì, đã trả lời rằng:
“Ðấy là sự tận diệt tham, sân, si” và Tôn giả còn giải thích rõ hơn: “Sự từ bỏ, tận diệt dục và tham đối với ngũ uẩn chính là sự dứt khổ”. (Tương Ưng V)
Ngài W. Rahula trong quyển “What the Buddha Taught” đã tính rằng chỉ riêng trong Kinh Asamkhata Samyutta của Tương Ưng Bộ kinh đã có ba mươi hai từ đồng nghĩa với Niết-bàn. E. Conze trong quyển “Buddhist Thought in India” đã liệt kê ý nghĩa Niết-bàn qua gần tám mươi từ (gồm cả những từ xuất hiện về sau thời đức Phật), chia làm ba loại:
1. Niết-bàn có nghĩa là sự Bất tử (Amata).
2. Niết-bàn có nghĩa là sự Tịnh (Upasana).
3. Niết-bàn có nghĩa là sự An ổn (Khema).
Như đã nói, ý nghĩa của Niết-bàn chủ yếu được diễn tả theo cách tích cực, nhưng ý nghĩa tiêu cực và tích cực cũng rất tương đối. Ví dụ, đức Phật dạy Niết-bàn là hạnh phúc, an lạc (Sukha), nhưng khi giảng về Khổ đế, Ngài lại xếp hạnh phúc, an lạc (Sukha) cũng thuộc về Khổ (Dukkha). Lại nữa, một số từ để chỉ Niết-bàn có vẻ tích cực như sự An ổn (Khema), Thanh tịnh (Sudhi), Trú ẩn (Sarana), Bờ bên kia (Pàra), An tịnh (Santi), sự Thanh lương (Sitibhava)… cũng chỉ là những từ gợi ý mà thôi. Tuy vậy, trong cái nghĩa tiêu cực ấy lại nổi lên một tính chất tích cực là sự trở về một hạnh phúc tuyệt đối, một an toàn vĩnh cửu, dù đây chỉ là những thuộc tính của Niết-bàn chứ không phải Niết-bàn.
Kinh, Luận vẫn nhắc đến Tam giải thoát môn, ba pháp môn đưa đến Giải thoát, Niết-bàn là Không, Vô tướng, Vô nguyện, đây cũng là ba thuộc từ của Niết-bàn. Vì tất cả các Pháp đều vô ngã nên Niết-bàn là Vô ngã, chỉ có con đường thực hiện Vô ngã mới có thể đạt Niết-bàn, và trong tinh thần ấy, chỉ có sự đạt đến Niết-bàn, chứ không có người (Ngã) đạt Niết-bàn. Do phân tích ý nghĩa của Vô ngã, nhiều học giả đã cho rằng Niết-bàn là hư vô, trống rỗng, là sự đoạn diệt tuyệt đối. Nhưng ý nghĩa chân thực của Niết-bàn quyết không phải là hư vô, trống rỗng. Hư vô, trống rỗng là quan điểm của Ðoạn diệt luận, đối nghịch với quan điểm thường hằng của Vĩnh cửu luận. Ðức Phật vẫn thường phê phán nghiêm khắc hai quan điểm ấy và tuyên bố Ngài chủ trương Trung đạo. Niết-bàn được miêu tả bằng phủ định, bằng gián tiếp, ảnh dụ và ẩn dụ…, điều ấy chứng tỏ rằng Niết-bàn thuộc lãnh vực tuyệt đối, không thể nghĩ bàn chứ không phải một sự xác quyết dễ dàng của Ðoạn diệt luận hay Vĩnh cửu luận.
Tương Ưng III và Tăng Chi, 34 kể chuyện một đệ tử của Phật là Yamaka (Diệm-ma-la) cho rằng giải thoát tối hậu là cõi tuyệt vô, liền bị các Tỳ-kheo khác quở trách, và sau đó được Tôn giả Sàriputta giảng cho nghe về sự liên hệ giữa ngũ uẩn và vô ngã, cuối cùng đã khiến Yamaka từ bỏ quan điểm sai lầm của mình. Nội dung lời giảng của Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) không được ghi lại một cách đầy đủ, hệ thống nhưng câu chuyện đã chứng tỏ rằng Phật giáo không bao giờ quan niện Niết-bàn là hư vô.
Ta hãy xem một đoạn Kinh ghi lại lời giảng của đức Phật về Niết-bàn (Udàna VIII, Phật Tự Thuyết – Pataligam Sutta):
“Tôi nghe như vầy: Bấy giờ đức Phật trú tại Sàvathi (Xá-vệ), trong vườn của Ànathapindika (Cấp Cô Ðộc) và Ngài thuyết pháp cho các đệ tử, giáo dục, khích lệ họ bằng những lời giảng về Niết-bàn. Các đệ tử lắng nghe và suy niệm về lời giảng dạy của Ngài. Khi ấy Thế Tôn dạy:
“Này các Tỳ-kheo, có một nơi không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có sự vô tận của không gian (không phải không vô biên xứ), không có sự vô tận của ý thức (không phải Thức vô biên xứ). Ðấy không phải hư vô, không phải thức, không phải vô thức. Ðấy không thuộc về thế giới này, không thuộc về thế giới này và thế giới khác, không thuộc mặt trời, không thuộc mặt trăng, Này các Tỳ-kheo, cảnh giới ấy ta gọi là không đến, không đi, không sinh, không diệt, không nguồn gốc, không sinh thành, không ngưng dứt; thực sự là chấm dứt khổ.
“Rất khó thấy cái vô cùng, rất khó thấy chân lý. Sự ràng buộc bị cắt đứt bởi kẻ nào biết, không có gì tồn tại đối với kẻ nào đã thấy.
“Này các Tỳ-kheo, có một cái bất sinh, bất thành, bất tác, vô vi. Này các Tỳ-kheo, nếu không có một cái bất sinh, bất thành, bất tác, vô vi thì không có giải thoát cho cái sinh, cái thành, cái tạo tác, hữu vi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, vì có một cái bất sinh, bất thành, bất tác, vô vi nên cái sinh, cái thành, cái táo tác, hữu vi mới có thể giải thoát được.
“Sự dao động hiện hữu (có mặt) đối với kẻ nào thủ chấp. Sự dao động ngưng dứt đối với kẻ nào tự tại. Dao động ngưng dứt thì an tịnh hình thành. An tịnh hình thành thì không còn khát ái. Khát ái bị loại trừ thì không có sinh, không có diệt. Ðược như thế thì không còn sinh tử, luân hồi. Ðược như thế thì không còn nơi này, không còn nơi kia, không còn gì giữa nơi này và nơi kia.
“Ðiều ấy thực sự là sự chấm dứt khổ”
Ðoạn kinh trên là một nỗ lực miêu tả dẫn giải về Niết-bàn. Trước hết, đoạn kinh xác nhận Niết-bàn là sự chấm dứt khổ, sinh tử, luân hồi; thứ nữa Niết-bàn không phải là hư vô, trống rỗng, là căn cứ cho sự giải thoát khổ đau. Nỗ lực để miêu tả Niết-bàm trong đoạn kinh trên có thể nói là tối đa, vì như đã nói, Niết-bàn là không thể nghĩ bàn nên đức Phật thường tránh những câu hỏi đẩy đưa đến cực đoan, thiên chấp, gây hoang mang, không cần thiết, không liên hệ đến giải thoát. Với ngôn ngữ thế gian, những câu hỏi như Niết-bàn là hư vô, đoạn diệt hay thường hằng, vĩnh cửu; “chủ đề” nhập Niết-bàn có tồn tại hay không tồn tại sau khi nhập Niết-bàn; cái Vô ngã rốt ráo là gì?… thực ra đều là những giả vấn đề và khi đã đạt đến tuyệt đối thì những vấn đề ấy tự tiêu tan, thậm chí Vô ngã cũng không còn ý nghĩa gì cả. Lời đối đáp, dẫn giải cùa nữ Tôn giả Khema cho vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của nước Kosala có thể xem là mẫu thức cho việc trả lời những vấn đề đại loại như thế:
– “Thưa nữ Tôn giả, đức Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
– “Tâu Ðại vương, Thế Tôn không dạy rằng đức Như Lai tồn tại sau khi chết.
– “Thưa nữ Tôn giả, thế thì đức Như Lai không tồn tại sau khi chết?
– “Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không dạy rằng đức Như Lai không tồn tại sau khi chết.
– “Thưa nữ Tôn giả, thế thì đức Như Lai tồn tại, đồng thời không tồn tại sau khi chết ư?
– “Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không dạy như thế.
– “Thưa nữ Tôn giả, tại sao Thế Tôn lại không dạy như thế?
– “Tâu Ðại vương, xin Ngài cho phép tôi hỏi Ngài một câu hỏi và xin Ngài trả lời cho tôi biết Ngài nghĩ thế nào: Tâu Ðại vương, Ngài có một kế toán viên, hay một tài sư hay một ngân khố viên có thể đếm được cát sông Gange (sông Hằng) và có thể bảo rằng có bao nhiêu hạt cát, bao nhiêu trăm, bao nhiêu nghì hay bao nhiêu trăm nghìn hạt cát được không?
– “Thưa nữ Tôn giả, tôi không có được người như thế.
– “Hoặc Ngài có một kế toán viên, một tài sư hay một ngân khố viên có thể đong được nước trong đại dương và có thể bảo rằng có bao nhiêu thùng nước, bao nhiêu trăm, bao nhiêu nghìn hay bao nhiêu trăm nghìn thùng nước được không?
– “Thưa nữ Tông giả, tôi không có được người như thế.
– “Tại sao vậy? Ðại dương thì sâu, không đong, không dò được. Nếu người ta muốn biết bản thể của đức Như Lai nhờ vào những thuộc tính của danh sắc thì cũng như thế. Ở đức Như Lai, những thuộc tính này của danh sắc đã bị loại bỏ, cái sức của chúng đã bị đoạn trừ, giống như một cây cọ bị nhổ bật hẳn lên và đặt nằm đó để về sau không còn phát triển được nữa. Tâu Ðại vương, đức Như Lai đã vượt ra ngoài những đo lường bằng những đo lường của thế giới hữu vi. Bản thể của Ngài cũng như đại dương, thâm sâu không thể đo lường, dò biết được. Bảo rằng đức Như Lai tồn tại sau khi chết thì không đúng. Bảo rằng đức Như Lai không tồn tại sau khi chết thì cũng không đúng. Bảo rằng đức Như Lai vừa tồn tại, vừa không tồn tại sau khi chết cũng không đúng. Bảo rằng đức Như Lai không tồn tại, cũnbg không không tồn tại sau khi chết thì quả thực cũng không đúng.” (Tương Ưng IV)
Ðoạn Kinh trên một lần nữa xác định Niết-bàn, chủ thể đạt Niết-bàn là tuyệt đối, là không thể nghĩ bàn. Những nỗ lực nói về Niết-bàn, về đức Phật đều là dựa vào danh sắc, những khái niệm ngôn từ, những chất liệu hữu vi để gợi ý mà thôi.