Tăng-già thời Đức Phật – Chương VII

A-la-hán (Arahant)

A-la-hán (Arahant) là quả vị cao nhất mà một đệ tử của đức Phật chứng đắc được, vị được gọi là giải thoát rốt ráo, dứt vòng sinh tử, chứng ngộ Niết-bàn.

Thực ra từ A-la-hán trong các kinh sách Nguyên thủy đã không được dùng một cách rõ ràng. Về nguyên nghĩa A-la-hán (Arahant) là: xứng đáng, xứng đáng được cúng dường; hán dịch là Ứng Cúng. Lại nữa Arahant còn được hiểu là kẻ giết (han) kẻ thù (ari); Hán dịch: Sát tặc, tức là kẻ đã giết giặc phiền não.

Vị A-la-hán trong Kỳ-na giáo (Jainism), một tôn giáo rất gần gũi và có ảnh hưởng qua lại với giáo lý Phật giáo, được hiểu là “vị có các bộc lưu đã khô cạn”, tức là kẻ đã dứt mọi ưu phiền, nghiệp chướng.

A-la-hán trong Phật giáo được hiểu là vị đã dứt trừ tam độc (tham, sân, si), tự tại với mọi sự trên đời, vị không còn gì để học hỏi thêm nữa (tức là vị Vô học), phân biệt với các hàng Thánh quả thấp hơn là các vị còn phải học hành, tu lập thêm (tức là hàng Hữu học).

A-la-hán là vị đã thành tựu, đã đạt mục đích, “những gì cần làm đã làm xong”:

“Và đối với một đệ tử đã được giải thoát như thế, tâm đã an tịnh, không có gì cần thêm vào những điều đã được làm, vị ấy không còn phải làm gì nữa. Giống như một tảng đá của cả một khối thạch, không bị lay chuyển vì gió; không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không sở dục, không vô sở dục nào có thể làm cho vị ấy dao động. Tâm vị ấy vững chãi, sự giải thoát đã được đạt.” (Tăng Chi VI, 56)

Ðức Phật luôn luôn đề cao lý tưởng A-la-hán. Chính Ngài đã nhiều lần tuyên bố rằng A-la-hán là quả vị rốt ráo, tối hậu, giải thoát, tâm thường an lạc, nhập Niết-bàn. Ngài cũng tuyên bố rằng các đệ tử của Ngài có thể có những năng lực lớn lao như Lục thông, Tam minh… là những thần thông và trí tuệ mà Ngài đã chứng đạt được dưới cội Bồ-đề.

Lục thông, là sáu món thần thông, gồm:

1. Thiên nhĩ thông (nghe được âm thanh ở mọi nơi, hiểu được tiếng nói của chúng sinh).

2. Tha tâm thông (biết được tâm của người khác, của chúng sinh).

3. Thần túc thông (có thần thông hóa hiện như ý muốn, có thể vượt đến mọi nơi trong giây lát).

(Ba thần thông này thuộc công năng của Thiền định, của Tâm giải thoát).

4. Thiên nhãn thông (thấy rõ mọi việc, mọi chúng sinh với các nghiệp nhân và quả).

5. Túc mệnh thông (biết được vô lượng kiếp quá khứ của tự nhân).

6. Lậu tận thông (dứt hết mọi phiền não, mọi nhân sinh tử).

Thiên nhãn thông, Túc mệnh thông và Lậu tận thông còn được gọi chung là Tam minh. Ðây là kết quả của Trí tuệ giải thoát (thuộc Tuệ giải thoát).

Ý niệm về thần thông là ý niệm khá phổ biến vốn có từ trước thời Phật. Chính đức Phật cũng công nhận rằng ngoại đạo cũng có thể chứng được các thần thông (thuộc nhóm Tâm giải thoát) do Bát định, hay Bát Thiền định sinh. Riêng ba thần thông sau (thuộc nhóm Tuệ giải thoát), thì theo Kinh Tam minh và các Kinh dạy về bốn Thánh quả, chỉ có trong hàng đệ tử đức Phật, mà không thể có ở hàng ngoại đạo. Nhưng, Lục thông, Tam minh ở đây, ngoài sự biểu hiện những khả năng siêu phàm của vị A-la-hán như biến hóa, phân thân… được nói đến trong Kinh Sa-môn Quả (Trường Bộ I) có ý nghĩa thù thắng ở cái khả năng tâm thức, trí lực và có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn.

Chính đức Phật cũng tự nhận Ngài là bậc A-la-hán. Trong mười danh hiệu Như Lai, có danh hiệu A-la-hán (Ứng Cúng). Nhưng ta cũng cần nhớ rằng, từ A-la-hán có thể có nhiều chỗ chỉ có ý nghĩa tương đối, tựa như đức Phật thường dùng các từ Ðại Sa-môn, Bà-la-môn… để chỉ những vị tu hành chân chính. Từ tinh thần tương đối của ngôn từ, từ ý nghĩa của phương pháp dẫn đạo của đức Phật, từ cốt cách hành trạng của một số đại đệ tử A-la-hán của Phật, càng về sau vấn đề chứng ngộ rốt ráo, giải thoát tối hậu, Niết-bàn dần dần được đặt lại. Và khi Phật giáo bị phân thành Thượng tọa bộ (Theravada) và Ðại chúng bộ (Mahasanghika), điểm bất đồng nổi bật là tinh thần giới luật và quan điểm về A-la-hán. Theo Ðại chúng bộ, A-la-hán không phải là quả vị cao thượng nhất, A-la-hán có thể bị thối chuyển. Quan điểm ấy có thể tóm tắt rằng một A-la-hán vẫn còn hiện tượng xuất tinh trong giấc ngủ, còn nhiều điều chưa biết, còn chưa hiểu trọn giáo lý của đức Phật, và có khi phải nhờ thầy chỉ mới biết rằng mình đã đắc A-la-hán. Về sau nữa, kinh điển xem đó chỉ là quả vị nhỏ. Kinh Duy-ma-cật có kể việc các đại đệ tử mà không dám gặp cư sĩ Duy-ma-cật; và còn rất nhiều Kinh khác miêu tả các đại đệ tử A-la-hán chỉ như một người mới tu học…

Kinh điển Ðại thừa có khi vì muốn diễn đạt một ý nghĩa nào đó, mà xem nhẹ phần ý nghĩa cụ thể nên có phần ảnh hưởng đến giá trị của hàng A-la-hán. Chúng ta thừa nhận đạo quả cao vời của vị A-la-hán, nhưng phải công nhận rằng quan niệm nói trên của Ðại chúng bộ không phải là hoàn toàn không có cơ sở.

Trước hết, sự chứng ngộ, cốt cách của vị A-la-hán quả thực không thể so với đức Phật. Các ngài xứng đáng là hàng “Thánh giả Vô học”, giải thoát ưu phiền, khổ đau, “những gì phải làm đã được làm xong”. Nhưng sự giải thoát của các ngài chỉ có thể ngang bằng với đức Phật trên phương diện tiêu cực mà thôi (thường được hiểu là ngang bằng về mặt “Giải thoát thân” – Vimuktikàya). Ví như một người vừa trả xong nợ: về mặt nợ nần (tương đương: phương diện tích cực) thì còn rất lâu người ấy mới bằng được nhà đại phú. Biểu thức “những gì phải làm đã được làm xong” của vị A-la-hán có lẽ chỉ đúng ở mặt hiện tượng chứ ý nghĩa rốt ráo của nó cũng phải cần được xét một cách thận trọng hơn. Các đệ tử của Phật, khi đã chứng đắc A-la-hán, có vị vào rừng sâu, có vị còn theo bên đức Phật để tiếp tục tu tập. Có vị đắc A-la-hán xong mới xuất gia. Sự tiếp tục tu tập như vậy, ngoài ý nghĩa từ bi muốn mở rộng chánh pháp cho chúng sanh với phương tiện giáo đoàn Tỳ-kheo (việc thể hiện ý nghĩa này không phải là nhiều trong toàn thể các vị A-la-hán đệ tử đức Phật), rõ ràng sự việc ấy đã chứng tỏ sự chứng đạt của các vị chưa nhuần nhuyễn, chưa trọn vẹn (thường hiểu sự chứng đạt trọn vẹn như là chứng đạt Pháp thân – Dharmakàya). Huống chi, sự chứng đắc cùng một vị lại có chỗ nông, sâu khác nhau, sự bừng ngộ bung vỡ ở những mặt khác nhau. Bởi thế mà các đại đệ tử Phật có những thù thắng riêng. Ví dụ trường hợp Tôn giả Sàriputta, được đức Phật tuyên bố là Trí tuệ đệ nhất trong hàng dệ tử của Phật (và về mặt này Tôn giả ngang bằng Thế Tôn); Tôn giả Moggallàna (Mục-kiền-liên) là Thần thông đệ nhất (và về mặt này ngang bằng Thế Tôn); tôn gải Ðại Ca-diếp (Maha Kassapa) là Ðầu đà đệ nhất, và Thiền định đệ nhất (về mặt thiện xảo xuất, nhập và trú các định thì ngang bằng Thế Tôn) v.v…

Có sự thù thắng từng mặt nghĩa là chưa viên mãn vậy. Do đó, mà Kinh vẫn thuật lại rất nhiều trường hợp các Ðại đệ tử của Phật thường thảo luận, vấn đáp Phật Pháp với nhau.

Tôn giả Sàriputta, vị Ðại đệ tử của Phật, được gọi là “Tướng quân của Chánh pháp”, là Trưởng tử của đức Phật, là vị Trí tuệ đệ nhất đã từng bạch với Phật.

“Bạch Thế Tôn, con không có trí tuệ để được biết tâm tư của chư Phật, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Bạch Thế Tôn, nhưng con biết truyền thống về Chánh Pháp” (Trường Bộ Kinh IV, 28, Kinh Tự Hòan Hỷ).

Cái trí tuệ của Tôn giả Sàriputta ở đây có công năng biết về truyền thống Chánh pháp, tức là (như đoạn tiếp theo phần vừa trích dẫn trong bản Kinh) sự tu giải thoát và sự chứng đạo giải thoát như thế nào. Tôn giả đã tự ví mình như một người giữ cửa thành, nhận biết được những vị đi vào thành chỉ qua cửa thành mà thôi.

Ðấy là chưa kể những dư báo của nghiệp lực trong thời gian vị A-la-hán còn tại thế, tuy đã trờ thành tự tại với mọi hình thức, nhưng các vị trong cái thân ngũ uẩn vẫn bệnh tật, vẫn đau yếu (kể cả việc xuất tinh khi ngủ như đã đề cập), có khi vẫn đau buồn chốc lát trước cái chết (như trường hợp Tôn giả Sàriputta xúc động trước cái chết, nhập Niết-bàn của Tôn giả Moggallàna), có khi lầm lỗi nhỏ bị Phật quở trách (như trường hợp Tôn giả Sàriputta để các Tỳ-kheo trẻ làm huyên náo trước đại tinh xá)…

Theo ý chúng tôi, cốt cách cao vời của chư vị A-la-hán quả là không thể chối cãi, quả vị A-la-hán là kết thúc của một công phu hàm dưỡng lâu dài từ bao nhiêu kiếp và một nỗ lực tu tập để đạt đến một sự bung vỡ tự nội. Sự chứng đạt này thâm sâu đến độ nó thúc đẩy vị A-la-hán tiến lên mãi. Từ đó, ý nghĩa tu học không còn nữa mà chỉ còn sự tự chuyển hóa, thăng hoa, xa hẳn với mọi nhân quả hữu vi để tiến đến Niết-bàn tối hậu: ý nghĩa giải thoát khỏi sinh tử luân hồi là đấy vậy. Một câu hỏi cuối cùng, có thể là dư thừa, là: bao lâu nữa, một vị A-la-hán mới đạt đến quả vị tuyệt đối? Như đã nói, sự chứng ngộ có thể có nông, sâu, cho nên khó có thể định được thời gian ấy, và thật ra, thời gian đối với các vị ấy đã không còn ý nghĩa, và thời gian này đối với chúng ta cũng là không thể nghĩ bàn, vì nó không phải là thời gian của cõi người!

Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm Bảy Pháp có phân biệt nhiều loại Niết-bàn khác nhau của Thánh A-la-hàm sau khi xả bỏ thân ngũ uẩn, như Trung gian Niết-bàn, Tổn hại Niết-bàn, Vô hành Niết-bàn, Hữu hành Niết-bàn, Thượng lưu Niết-bàn… từ cao đến thấp, theo đó, tùy theo trình độ chứng đạt, bậc Thánh Bất lai sẽ thác sinh về Tịnh cư thiên một thời gian lâu hay mau (chậm nhất là cuối thời thọ mệnh tại Tịnh cư thiên) trước khi nhập Niết-bàn rốt ráo. Phẩm Kinh có thể đã dùng ngôn ngữ tượng trưng (biểu trưng), nhưng qua đó, xác nhận rằng quả vị A-na-hàm (Thánh Hữu học) sau khi xả bỏ thân ngũ uẩn đã có các loại Niết-bàn kể trên, và các loại Niết-bàn đó có phần khác nhau và chưa phải là rốt ráo Niết-bàn (chưa phải là vô dư y Niết-bàn hay Niết-bàn tối hậu). Phẩm Kinh trên còn phân biệt rõ (nhiều kinh khác thuộc Nikàya cũng thế) Niết-bàn của A-la-hán gọi là vô thủ trước Niết-bàn. Ðiều đó nói lên rằng Niết-bàn có nhiều cấp độ giải thoát có phần khác nhau, và Vô thủ trước Niết-bàn của A-la-hán chưa phải là Niết-bàn tối hậu như Vô dư y Niết-bàn của bậc Vô thượng Chánh Ðẳng Giác.

Chưa là một bậc Chánh Ðẳng Giác Phật, vị A-la-hán cũng đã kinh nghiệm được Ðại Niết-bàn, dù chưa trọn vẹn, bởi vị ấy đã ra khỏi luân hồi sinh tử. Ðấy là quả vị cao nhất mà trong lịch sử nhân loại những con người, không phải là Thái tử Sidhattha của xứ Kapilavatthu, đã đạt được.

Thích Chơn Thiện

http://www.budsas.org

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.