Tăng-già thời Đức Phật – Chương VIII

3. Tôn giả Maha Kassapa (Ðại Ca-diếp)

Tôn giả vốn tên là Pippali Mavana, sinh tại Mahatittha, gần Ràjagaha, gia đình Bà-la-môn rất giàu có, nổi danh. Do cha mẹ nài ép, Tôn giả kết hôn với một thiếu nữ xinh đẹp, nết hạnh. Hai người cùng giao ước sống với nhau như bạn, chờ cha mẹ mất sẽ xuất gia. Sau đó, cả hai đều sống đời Sa-môn không nhà, rồi trở thành đệ tử đức Phật. Ðược thọ giới Tỳ-kheo với Thế Tôn, Tôn giả trở về Ràjagaha và đắc A-la-hán tám ngày sau đó.

Tôn giả tinh cần tu lập mười ba hạnh đầu đà, được Thế Tôn khen là đệ tử Ðầu đà đệ nhất. Khi đức Phật nhập diệt, Tôn giả đang ở Uruvela, vội về đến Kusinagara, kịp châm lửa vào Kim quan của bậc Ðạo sư, chứng kiến lễ hỏa táng (thiếu xá-lợi). Tôn giả kế thừa đức Phật, lãnh đạo Giáo hội, đứng ra tổ chức kỳ kiết tập thứ nhất, ghi lại những gì đức Phật đã dạy, làm cơ sở cho Tam Tạng giáo điển (Kinh, Luật, Luận). Rất lâu sau Tôn giả mới nhập diệt, khi tuổi đã quá già. Có truyền thuyết cho rằng Tôn giả còn nhập đại định tại một nơi nào đó ở Bodhi Gaya (hay ở núi Kê Túc thuộc Linh Thứu Sơn) chờ khi đức Phật Di Lặc ra đời.


4. Tôn giả Ananda (A-nan)

Tôn giả sinh ở Kapilavatthu, thuộc hoàng tộc dòng Sakya, anh em họ sinh cùng ngày với đức Phật nhưng nhỏ tuổi hơn nhiều. Xuất gia lúc Thế Tôn trở về thăm hoàng cung lần đầu tiên. Về sau Tôn giả được Thế Tôn chọn làm thị giả (lúc Thế Tôn năm mươi sáu tuổi thọ). Suốt hai mươi lăm năm Tôn giả tận tụy hầu hạ đức Phật. Chính nhờ Tôn giả cầu xin phụ thêm, đức Phật mới cho phép bà Mahapajapati (Ma-ha Ba-xà-ba-đề) thành lập Ni đoàn Tỳ-kheo. Tôn giả nổi danh là vị đệ tử Ða văn đệ nhất, tế nhị, nhu hòa thuyết pháp hay, thu hút người nghe.

Khi đức Phật nhập Ðại Niết-bàn, Tôn giả chứng A-na-hàm (Tam thánh quả). Tôn giả bị Tôn giả Maha Kassapa phê phán nghiêm khắc về nhiều điều, và không được phép tham dự kỳ kiết tập vì Tôn giả chưa đắc quả A-la-hán. Tôn giả buồn bã vô cùng. Trong đêm trước ngày Kiết tập, Tôn giả nỗ lực phát triển thiền quán suốt đêm. Ðến tảng sáng, khi Tôn giả chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế nằm, đầu chưa đặt đến gối thì Tôn giả bỗng chứng đắc A-la-hán. Ðược tham dự kỳ Kiết tập, tôn giả là vị đọc lại tất cả các Kinh đức Phật đã dạy mà Tôn giả đã nghe và ghi nhớ. Tiêu ngữ ở đầu mỗi Kinh mà ta luôn gặp: “Tôi nghe như vầy…”, chính là lời của Tôn giả vậy.


5. Tôn giả Anuruddha (A-nậu-lâu-đà)

Tôn giả cùng quê và là con người cậu của đức Phật, được thọ hưởng giàu sang, quyền quý của gia đình. Xuất gia cùng lúc với các hoàng thích khác như Ananda… Tôn giả được Tôn giả Sàriputta hướng dẫn đề tài thiền quán, sau đó được đức Phật chỉ dạy thêm, Tôn giả đắc quả A-la-hán cùng với năng lực thần thông và trí tuệ vô ngại, được đức Phật khen là đệ tử Thiên nhãn đệ nhất. Tôn giả trông coi lễ hỏa táng Kim thân Phật và nhập diệt sau đức Phật, tại Beluva, gần Vesali, được dân chúng Vajì nơi đây vô cùng kính mộ.


6. Tôn giả Upàli (Ưu-ba-ly)

Tôn giả thuộc dòng Sakya, chỉ giữ phần việc nhỏ, chuyên nghề hớt tóc. Ðến tuổi trưởng thành cùng với các hoàng thích xuất gia theo đức Phật. Tôn giả tinh tấn tu học, đặc biệt rất chăm về giới luật, thường tham hỏi Phật về giới luật, được đức Phật khen là đệ tử Giới luật dệ nhất.

Nhận được đề tài Thiền quán, Tôn giả xin phép Thế Tôn vào rừng ẩn tu, nhưng Thế Tơn khuyên Tôn giả nên sống cạnh Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo để được phát triển về mọi mặt. Tôn giả vâng theo, nỗ lực tu tập và đắc A-la-hán. Chính Tôn giả là vị phụ trách đọc lại giới luật trong kỳ Kiết tập do Tôn giả Maha Kassapa chủ trì làm cơ sở cho toàn tạng Giới luật hiện nay.


7. Tôn giả Punna Mantanuputta (Phú-lâu-na Mãn-từ-tử)

Tôn giả sinh tại Donavatthu, gần Kapilavatthu, trong một gia đình Bà-la-môn. Tôn giả xuất gia khi còn trẻ, nỗ lực tu tập và đắc A-la-hán. Tôn giả có biệt tài thuyết pháp, hướng dẫn cho năm trăm người trong gia tộc xuất gia, tu tập và đắc A-la-hán. Ðức Phật khen Tôn giả là đệ tử Thuyết giảng đệ nhất.


8. Tôn giả Punna Sunasarata (Phú-lâu-na Du-lũ-na)

Tôn giả sinh tại cảng Suppàraka, xứ Sunaparanta. Tôn giả dẫn một đoàn thương gia đến Sàvatthi có việc, tại đây được nghe Thế Tôn thuyết pháp, khởi lòng tin và xin xuất gia. Sau một thời gian, Tôn giả xin Thế Tôn trở về tu tập tại quê nhà, mở rộng Chánh pháp cho dân chúng tại đây vốn là những kẻ chưa thuần. Sau đó, Tôn giả đắc A-la-hán.

Có thể nói Tôn giả là một trong những vị đầu tiên mở rộng phong trào truyền bá Phật giáo ra các vùng xa xôi, qua đường biển theo các thương nhân. Người ta kể rằng Tôn giả thích sống độc cư ở các sườn núi ven biển; có lần Tôn giả đã dùng thần thông cứu người anh ruột và cả đoàn người trên một chiếc thuyền khỏi đắm. Tôn giả mất tại quê nhà, giáo hóa hơn một nghìn nam nữ cư sĩ.


9. Tôn giả Subhùti (Tu-bồ-đề)

Tôn giả sinh tại Sàvatthi, em trai của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc (Ànthapindika). Tôn giả chứng kiến sự việc người anh tận tụy thành tín, hiến dâng tinh xá Jetavana cho đức Phật và chư Tỳ-kheo mà phát tâm hoan hỷ đến đảnh lễ Thế Tốn, nghe Thế Tôn thuyết pháp, và liền xin xuất gia. Tôn giả nỗ lực thiền quán về lòng từ; sau đó đắc A-la-hán.

Tôn giả hành thiền cả khi đang đi khất thực, mở rộng lòng từ ái đối với mọi người. Ðức Thế Tôn khen Tôn giả là đệ tử Thanh tịnh và vô tránh đệ nhất. Tài liệu kể rằng một lần vua Bimbisara hứa tặng Tôn giả một lều trú, nhưng rồi vua quên mất; Tôn giả vẫn tọa thiền ngoài trời. Từ đó trời không mưa, đe dọa hạn hán. Vua tìm hiểu sự việc, chợt nhớ đến lời hứa của mình, vội sai làm lều trú cho Tôn giả. Khi Tôn giả vào lều tọa thiền thì bên ngoài trời bắt đầu đổ mưa, dân chúng rất vui mừng.


10. Tôn giả Maha Kaccàyana (Ðại Ca-chiên-diên)

Tôn giả sanh tại thành Ujjeni, trong gia đình Bà-la-môn; cha là cố vấn nghi lễ cho vua Candapajjota. Tôn giả, cùng bảy người khác, nghe đức Phật thuyết pháp và tất cả đều đắc A-la-hán; liền đó xin thọ Tỳ-kheo, gia nhập Giáo đoàn. Tôn giả là Tỳ-kheo giỏi về phân tích pháp lý, được đức Phật khen là vị đệ tử Luận nghĩa đệ nhất. Nhà vua có thỉnh cầu được nghe đức Phật thuyết pháp, đức Phật ủy nhiệm Tôn giả đến với vua, vua được nghe pháp khởi lòng tin và xin quy y Tam Bảo.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.