20. Tôn giả Radhà (La-đà)
Tôn giả sinh tại Ràjagaha, thuộc gia đình Bà-la-môn, khát khao chân lý, Tôn giả tìm đến đức Phật và xin xuất gia. Ðược đức Phật chấp nhận, Tôn giả tinh tấn tu tập, trí tuệ phát triển nhanh chóng. Tôn giả sống bên cạnh đức Phật, thường nổi danh thuyết giảng, luận giải về những vấn đề đột xuất. Ðức Phật khen Tôn giả là đệ tử Biện tài đệ nhất.
21. Tôn giả Nanda (Nan-đà)
Tôn giả là con vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và bà Mahapajapati (Ba-xà-ba-đề), tức em cùng cha khác mẹ với Thái tử Siddhattha (Bồ-tát). Biết được duyên nghiệp và căn cơ của Tôn giả, Thế Tôn, ngay trong lễ cưới của Tôn giả, đã khuyên Tôn giả xuất gia. Tôn giả miễn cưỡng theo Thế Tôn xuất gia. Tôn giả miễn cưỡng theo Thế Tôn về tịnh xá. Tại đây bậc Ðạo Sư thuyết giảng hứa hẹn với Tôn giả về hạnh phúc của hàng Thánh giả. Tôn giả tự tiết chế, điều ngự lấy mình và nỗ lực thiền quán, sau đó Tôn giả đắc A-la-hán. Thế Tôn khen Tôn giả là đệ tử Tiết chế đệ nhất.
22. Tôn giả Sunìta (Tu-nê-đa)
Tôn giả sinh tại Ràjagaha trong một gia đình tiện dân, nhà rất nghèo, Tôn giả sống bằng nghề đổ rác trong thành phố. Hành nghể hạ tiện, quần áo, thân người dơ bẩn, bị mọi người khinh bỉ, xa lánh. Một buổi sáng, khi Tôn giả đang gánh rác trên đường phố thì gặp Thế Tôn và đoàn Tỳ-kheo đang khất thực, thấy vẻ uy nghi, hiền hậu của Phật, Tôn giả quên lẩn tránh, cho đến khi đức Phật đến gần, Tôn giả giật mình bỏ gánh xuống vội nép vào một góc tường và chấp tay vái lạy. Ðức Phật ân cần hỏi han Tôn giả, khuyên Tôn giả xuất gia. Tôn giả mừng rỡ, cảm động được làm đệ tử đức Phật. Ðức Phật dạy cho Tôn giả đề tài thiền quán, nhờ nỗ lực tinh cần, Tôn giả đắc A-la-hán.
23. Tôn giả Ratuhapàla (Nại-tra-hòa-la)
Tôn giả sinh ở thành Thullakotthita, xứ Kuru, trong một gia đình trưởng giả, Tôn giả rất được cưng chiều, sống trong sung sướng xa hoa, nhưng lại xin cha mẹ xuất gia. Không được chấp thuận, Tôn giả quyết định nhịn đói cho đến chết. Cuối cùng cha mẹ phải ưng thuận. Ðược đức Phật dạy bảo, Tôn giả nỗ lực tiến tu và đắc A-la-hán.
Nhiều năm sau, Tôn giả được phép trở về thăm nhà. Ðến khất thực trước nhà mình, nhận phần cơm thừa mà cô giúp việc sắp đem đổ. Người này nhận ra Tôn giả, thế là cả gia đình, cha mẹ, vợ cũ của Tôn giả mừng rỡ đón tiếp, rồi đưa ra tất cả những giàu sang của gia đình, vẻ đẹp của thê thiếp để cám dỗ Tôn giả. Tôn giả một mực khước từ, nghiêm trang giảng pháp cho cả gia đình, cảm hóa tất cả trở thành những cư sĩ thuần tín. Có tài liệu kể thêm rằng, sau đó, gia đình khóa kín cổng, dấu y bát của Tôn giả để Tôn giả khỏi ra đi, nhưng Tôn giả đã thi triển thần thông, vượt lên hư không mà đi.
24. Tôn giả Maha Kotthita (Ðại Câu-hi-la)
Tôn giả sinh tại Sàvatthhi, trong một gia đình Bà-la-môn giàu có. Lớn lên, Tôn giả là một Bà-la-môn thông tuệ và đức hạnh. Tôn giả được Thế Tôn giảng dạy pháp, cho thọ Tỳ-kheo và dạy phương pháp thiền định. Tôn giả rất thiện xảo về thiền định, ít lâu sau, Tôn giả đắc A-la-hán, được Thế Tôn khen ngợi là vị đệ tử Thiền quán đệ nhất.
25. Tôn giả Sankicca (Ca-tịch-da)
Tôn giả thuộc gia đình Bà-la-môn nổi tiếng. Mẹ Tôn giả chết khi sanh Tôn giả, nhưng người ta đã cứu sống được Tôn giả. Lên bảy, Tôn giả rất xúc động khi được nghe kể về cái chết của mẹ, liền xin xuất gia. Tôn giả được Trưởng lão Sàriputta hướng dẫn, đặc biệt, Tôn giả đắc A-la-hán khi đang cạo tóc. Người ta còn kể rằng về sau, Tôn giả đã hy sinh thân mình để cứu ba ngàn Tỳ-kheo khỏi tay bọn cướp.
26. Tôn giả Bhaddala (Bạt-đà-la)
Sinh tại Sàvatthi, trong một gia đình giàu sang. Cha mẹ hiếm muộn con, cầu đảo mãi vẫn không được; cuối cùng xin đức Phật gia hộ, nguyện nếu có con sẽ đem đến dâng Phật. Thế Tôn giao Tôn giả cho Tôn giả A-nan dạy bảo, chỉ trong một đêm, Tôn giả đã chứng đắc A-la-hán. Sáng hôm sau, Thế Tôn gọi Tôn giả đến cho thọ Ðại giới Tỳ-kheo.
27. Tôn giả Yasa (Da-xá)
Tôn giả sinh tại Baranasì (Ba-la-nại) trong một gia đình rất giàu có. Ðược cha mẹ nuông chiều, cho nhiều nhà cửa và người hầu hạ. Một đêm kia, Tôn giả thấy chán cảnh giàu sang, khổ vì không tìm thấy lẽ sống ở đời, liền trốn nhà ra đi đến Isipatana. Tại đây gọi Tôn giả gặp đức Phật đang đi dạo. Thế Tôn gọi Tôn giả đến, giảng Tứ đế cho Tôn giả, Tôn giả liền đắc A-la-hán. Sau đó, Tôn giả thuyết pháp, khuyến khích nhiều bạn bè, thân thuộc đến với đức Phật. Rất nhiều vị chứng quả Thánh.
28. Tôn giả Angulimàla (Ương-câu-lê-ma-la)
Tôn giả có tên là Himsaka, sau được đổi là Ahimsaka (Vô hại), con của vị giáo sĩ hoàng gia của vua Kosala. Tôn giả thọ học tại Takkasila, rất tôn kính thầy, nhưng bị bọn xấu dèm pha. Tôn giả có sức mạnh, chí khí cương quật nên khi thầy nghe kẻ xấu mà yêu sách mình, liền bỏ học, phẫn chí vào rừng Jalini làm tướng cướp chận bắt giết người, lấy ngón tay kết vòng đeo cổ. Do đó người ta gọi Tôn giả là người đeo tràng hoa bằng các ngón tay (Angulimàla). Vua treo giải thưởng cho ai bắt hay giết được Tôn giả. Mẹ của tôn giả nghe vậy sợ hãi, tìm đến báo cho Tôn giả biết.
Trong cơn giận dữ, Tôn giả toan giết cả mẹ đế lấy ngón tay, thì vừa khi đức Phật xuất hiện cản ngăn Tôn giả. Tôn giả bỏ ý định giết mẹ mà quay sang đuổi bắt giết vị Sa-môn vừa xuất hiện (Phật). Phật thi triển thần thông và đem lòng đại từ cảm hóa Tôn giả. Tôn giả lạy Thế Tôn xin xuất gia. Sau đó không lâu, Tôn giả đắc A-la-hán. Từ đó, trên đường khất thực, Tôn giả thường bị dân chúng ném đá và mắng chửi, Tôn giả nghĩ đấy là những dịp để chịu đựng, kham nhẫn cho tiêu tan nghiệp chướng cũ. Tôn giả về sau là vị Tôn giả biểu hiện lòng Từ rất nhiều đối với đời.
29. Tôn giả Uruvela Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp)
Tôn giả là anh cả trong ba anh em ruột rất tinh thông giáo lý Bà-la-môn. Mỗi người lần lượt theo thứ tự, có năm trăm, ba trăm, hai trăm đệ tử đang là các ẩn sĩ đạo hạnh.
Tôn giả tu tại Uruvela, xứ Magadha và đã đắc một số thần thông. Bấy giờ Giáo đoàn Tỳ-kheo vừa được thành lập. Ðức Phật cùng một số ít Tỳ-kheo từ Baranasì (Ba-la-nại) trở lại Uruvela. Tại đây, đức Phật nhiếp phục con trăn dữ, Tôn giả thấy thế nên rất kính mộ. Ðược đức Phật thuyết pháp, Tôn giả mừng rỡ cùng với hai người em và một ngàn đệ tử (của cả ba vị) xin quy y đức Phật và gia nhập Giáo đoàn Tỳ-kheo. Tôn giả, hai em, và rất đông các đệ tử đắc A-la-hán.