8. Nữ Tôn giả Dhammadinnà (Pháp Thí)
Nữ Tôn giả sinh tại Ràjagaha, trong một gia đình trưởng giả, có chồng là Visàkha, sống hạnh phúc. Chồng được nghe Thế Tôn thuyết pháp và chứng A-na-hàm quả. Trở về nhà với thái độ thanh thoát mà nghiêm túc, khác với vẻ tình tự như mọi khi. Nữ Tôn giả cặn hỏi lý do. Tôn giả Visàkha xuất gia và trao quyền tự do lại cho nữ Tôn giả cải giá. Ít hôm sau đó nữ Tôn giả gia nhập Ni đoàn, nỗ lực thiền quán và không bao lâu thì đắc quả A-la-hán. Tôn giả Visàkha đến thăm hỏi và được nữ Tôn giả giảng pháp rành mạch (về Niết-bàn, về Diệt thọ tưởng định…) Tôn giả Visàkha trình lại Thế Tôn sự việc. Thế Tôn xác nhận nữ Tôn giả Dhammadinnà là bậc Ðại tuệ, Thuyết pháp đệ nhất trong hàng nữ đệ tử của Thế Tôn.
9. Nữ Tôn giả Sumànà
Nử Tôn giả sinh tại Sàvatthi, là chị của vua Kosala. Ðược nghe Thế Tôn thuyết pháp, nữ Tôn giả vững lòng tin giải thoát, nhưng chưa xuất gia được vì còn bận lo hầu hạ bà ngoại. Sau khi bà ngoại mất, nữ tôn giả đem theo nhiều lễ vật dâng cúng Giáo hội. Ðược nghe Thế Tôn dạy, nữ Tôn giả liền đắc quả A-la-hán và được thọ Tỳ-kheo ni giới.
10. Nữ Tôn giả Ubirì
Nữ Tôn giả sinh tại Sàvatthi, trong một gia đình quyền quý. Rất xinh đẹp, được tuyển vào cung vua Kosala (xứ Kosala). Khi sinh được một công chúa đặt tên là Jiva, đẹp lạ thường, vua hết lòng yêu vì công chúa và cất nhắc nữ Tôn giả lên ngôi hoàng hậu. Bỗng nhiên công chúa chết, nữ Tôn giả sầu khổ, đứng cạnh bờ sông Aciravàti mà khóc. Thế Tôn đi đến giảng cho nữ Tôn giả nghe rằng trong nghĩa trang kia có đến tám vạn bốn ngàn người con gái tên Jiva bị hỏa thiêu, vậy nữ Tôn giả khóc là cho Jiva nào? Nữ Tôn giả chợt ngộ, dứt hết phiền muộn, xin Thế Tôn xuất gia. Nữ Tôn giả nỗ lực tu tập và đắc A-la-hán quả.
11. Nữ Tôn giả Subhà
Nữ Tôn giả sinh tại Ràjagaha trong một gia đình Bà-la-môn nổi tiếng, có nhan sắc tuyệt trần. Ðược nghe Thế Tôn dạy đạo, nữ Tôn Giả trở nên một nữ cư sĩ tín thành. Sau đó liền xuất gia, được Trưởng lão Ni Maha Rajapati hướng dẫn và đắc A-na-hàm. Một buổi trưa khi nữ Tôn giả một mình trong rừng, có một thanh niên phóng đãng đến ve vãn, mê con mắt đẹp của nữ Tôn giả toan giở thói sàm sở. Nữ Tôn giả móc mắt mình cho anh ta; người thanh niên ân hận nhận lỗi. Nữ Tôn giả liền đến yết kiến Thế Tôn, đôi mắt lại được sáng lành như cũ, được nghe Thế Tôn dạy, nữ Tôn giả liền đắc quả A-la-hán
12. Nữ Tôn giả Sìhà
Nữ Tôn giả sinh tại Vesali. Nhân được nghe Thế Tôn giảng pháp cho người cậu, nữ Tôn giả khởi lòng tin và xuất gia. Sau bảy năm tu tập, không thăng tiến được giải thoát, lòng bị dày vò bởi dục ý, nữ Tôn giả bèn quyết định tự vẫn. Khi đặt cổ mình vào chiếc thòng lọng treo ở cành cây thì năng lực thiền quán bộc phát, nữ Tôn giả đắc A-la-hán và trở về với Ni đoàn .
* * *
Trên đây là một số rất ít trong nhiều Thánh đệ tử của đức Phật. Do đại cơ duyên, các Tôn giả được sinh vào thời Phật, được Phật trực tiếp giáo hóa mà dễ dàng chứng đắc giả thoát. Kinh kể nhiều thời thuyết pháp, thậm chí có khi cả vài trăm vị đắc A-la-hán, thậm chí có khi đến một nghìn vị, nhất là trong những năm đầu. Có trường hợp hành giả vừa trông thấy Phật, hoặc vừa nghe qua vài lời dạy đã đạt ngộ. Có trường hợp đắc A-la-hán rồi mới gia nhập Giáo đoàn; có trường hợp vào Giáo đoàn vài ba ngày, vài tuần lễ, vài ba tháng, vài ba năm… mới đắc A-la-hán quả. Hàng Tỳ-kheo Thánh giả của đức Phật quả là rất nhiều, khó có thể kể hết được.
Các Tôn giả gồm đủ thành phần: nam, nữ, già, trẻ, ngoại đạo, vua chúa, quyền quý, nô lệ, kỹ nữ, trí thức, ngu muội v.v… Tất cả đều được Thế Tôn bình đẳng theo duyên nghiệp hóa độ. Hoàn cảnh chứng ngô thì khác nhau, có khi bộc phát, có khi tiệm tiến, có khi thanh thản, có khi ngặt nghèo. Cung cách giáo hóa luôn nhẹ nhàng, hiền dịu, từ bi, siêu thoát của đức Phật được chuyển thành cung cách sinh hoạt và tu tập của Tăng-già. Phương pháp tu tập, thiền quán đều trực tiếp liên hệ đến Tứ Thánh đế, Tứ Niệm xứ và Tam Pháp ấn… Tất cả đều thể hiện rõ nét Giới, Ðịnh và Tuệ. Cái cốt cách nhẹ nhàng thanh thoát, tự nhiên mà rất giải thoát trong một nỗ lực mạnh mẽ, thầm lặng ấy khác xa với nhiêu hình thức và nột dung tu tập về sau của các bộ phái Phật giáo phát triển vốn mang vẻ giáo điều, lý luận, cầu đảo, tế lễ hoặc sôi nổi, khốc liệt, kỳ khu… Ðây chỉ là một sự ghi nhận có tính chung nhất và bao quát mà không hàm ý đánh giá hay phê phán. Khó mà có được một sự phê phán chính xác về từng hình thức tu tập khi không thực sự kinh qua hình thức tu tập ấy.
Thích Chơn Thiện
http://www.budsas.org