Chương mười
Tổng luận
Ðức Phật đản sinh năm 554 trước Tây lịch tại vườn Lumbini xứ Kapilavatthu, năm 509, Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề ở Bodhigaya xứ Magadha. Ðến năm 464 trước Tây lịch thì Ngài đã hoằng hóa suốt bốn mươi lăm năm; như thế Tăng-già đã được thành lập bốn mươi lăm năm. Bấy giờ Ngài đang trú tại Grudhakuta (Kỳ-xà-quật hay núi Linh Thứu, hoặc núi Kê Túc) gần thành Ràjagaha của xứ Magadha. Ngài sống đã tám mươi năm tại thế, đến lúc nhập Niết-bàn. Kinh Ðại Bát Niết Bàn (Maha Parinibbana Sutta) của Trường Bộ II ghi khá đầy đủ về những ngày cuối cùng của đức Phật tại thế. Lược thuật sau đây đã dựa vào bản Kinh ấy.
Từ Ràjagaha, sau khi giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ, đức Phật cùng đoàn Tỳ-kheo gồm năm trăm vị đi về phía Bắc, hướng về Kapilavatthu đến Amolatthika, rồi lại đến Nalandà, cả hai nơi đức Phật đều giảng về hậu quả tai hại của việc vi phạm giới luật và lợi ích của việc giữ giới đối với một cư sĩ tại gia. Tại Kotigama, đức Phật giảng về sự cần thiết phải hiểu Tứ Thánh đế, rồi lại giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ. Ngài cùng đoàn Tỳ-Kheo đệ tử tiếp tục cuộc hành trình đến Nàdika. Tại đây, Ngài giảng về sự giải thoát của một vị Tỳ-kheo và về Giới, Ðịnh, Tuệ. Ðến Vesali, Ngài trú tại vườn cây của kỹ nữ Ambapalì và lại giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ.
“Này Anada, chúng Tỳ-kheo còn mong mỏi gì ở nơi Ta? Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp không phân biệt hiển pháp hay mật pháp. Như lai không phải là bậc Ðạo Sư còn giữ lại cái gì trong nắm tay cho riêng mình. Nếu có thể nghĩ rằng “Chính Ta sẽ lãnh đạo Tăng-già” hay “Tăng-già tùy thuộc nơi Ta” thì kẻ ấy mới cần đưa ra những di huấn liên hệ đến Tăng-già. Nhưng Như Lai không nghĩ như thế thì tại sao Như Lai lại phải để lại di huấn? Này Ananda, Như lai đã già rồi, đã nhiều tuổi rồi, cuộc hành trình của Như Lai sắp chấm dứt, Như Lai đã đạt trọn ngày tháng vì Như Lai đã tám mươi tuổi.
“Vì thế, này Ananda, hãy là ngọn đèn cho chính mình, hãy là nơi nương tựa cho chính mình, chớ nương tựa vào nơi nào bên ngoài mình. Một Tỳ-kheo trở thành ngọn đèn nơi nương tựa cho chính mình bằng quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức với sự nhiếp phục tham ái và sầu bi của phàm nhân, và luôn nỗ lực, tự chủ và chánh niệm. Trong các Tỳ-kheo đệ tử của Ta, ai làm được như thế, thiết tha học tập như thế thì ngay bây giờ, hay sau khi Ta đã diệt độ, vị Tỳ-kheo ấy sẽ đạt đến quả vị tối thượng.”
Sau đó, đức Phật vào thành Vesali khất thực rồi cùng Tôn giả Ananda đến Cápála. Kinh kể rằng khi ấy Ác ma đến yêu cầu đức Phật diệt độ. Ngài dạy rằng Ngài chỉ diệt độ khi nào Chánh pháp được truyền bá rộng rãi, vững vàng; thế rồi Ngài hỏi Tôn giả Ananda có yêu cầu gì không, ba lần bậc Ðạo Sư hỏi thế nhưng Tôn giả Ananda vẫn không hiểu ý. Cuối cùng Ác ma lại thỉnh cầu Phật diệt độ, Ngài chấp thuận và bảo Tôn giả Ananda rằng ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Ðại Niết-bàn. Bấy giờ Tôn giả Ananda lại van xin Ngài đừng diệt độ, nhưng Ngài không chấp thuận khẩn cầu ấy.
Ðức Phật cùng đoàn Tỳ-kheo đệ tử đến Kutagara tại đây, Ngài dạy:
“Này các Tỳ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ông, các Ông phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Trời và Người.“
Ðức Phật giải thích thêm các pháp ấy là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác chi và Tám Chánh đạo, thường gọi chung là Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ngài căn dặn:
“Này các Tỳ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ông: các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát.”
Ðức Phật tiếp tục khất thực tại Vesali, rồi Ngài đến Bhandagàma giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ. Ngài tiếp tục lên đường cùng đoàn Tỳ-kheo đến Hatthigàma, Ambagàma, Bhoganagara; tại Bhoganagara, Ngài dạy:
“Này các Tỳ-kheo, có thể có vị Tỳ-kheo nói: Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của bậc Ðạo Sư. Này các Tỳ-kheo, các Ông không nên tán thán, không nên hủy báng lời của vị Tỳ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng của mỗi chữ, mỗi câu, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật thì các Ông có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và vị Tỳ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”, và này các Tỳ-kheo hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật thì các Ông có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn, và vị Tỳ-kheo ấy đã thọ giáo chân chính”. Này các Tỳ-kheo như vậy là Ðại giáo pháp thứ nhất, các Ông hãy thọ trì”.
Ðức Phật cùng đoàn Tỳ-kheo đến Pàvà, trú tại vườn xoài của người thợ rèn Cunda. Tại đây đức Phật bị nhiễm độc do món mộc nhĩ trong bữa cơm mà Cunda cúng dường. Ngài bị kiết lị nhưng rồi Ngài nhiếp phục được cơn bệnh. Ðến Kusinara, Ngài giảng pháp độ cho Pukkusa của bộ tộc Mallà. Ngài tiếp tục đi đến sông Kakutta, Ngài tắm sông rồi sang gò bên kia sông. Ngài tiếp tục đi và nghỉ từng chặng đường, cuối cùng đến sông Himmavati ở Kisunara. Ngài vào rừng Sàla ở bộ tộc Mallà, rồi bảo Tôn giả Ananda trải chỗ nằm cho Ngài giữa hai cây Sàla, đầu hướng về Bắc, Ngài dạy:
“Này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chính trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp.”
Kế đến, Ngài giảng về bốn Thánh tích cần chiêm ngưỡng: 1) Nơi Phật đản sinh; 2) Nơi Phật chứng ngộ; 3) Nơi Phật chuyển pháp luân; 4) Nơi Phật nhập diệt. Ngài còn dạy Tôn giả Ananda cần giữ gìn tâm ý, cần tỏ thái độ nghiêm túc trước phái nữ và căn dặn về việc phân chia xá-lợi Ngài. Ngài khuyến dụ:
“Này Ananda, hãy tinh tấn, hướng về tự độ, sống không phóng dật, tinh cần, chuyên hướng về tự độ.”
Tôn giả Ananda tự thấy mình chưa chứng ngộ, lại thấy bậc Ðạo Sư sắp nhập diệt, buồn rầu bỏ đi vào tinh xá dựa cột cửa mà khóc. Ðức Phật cho gọi Tôn giả đến và giảng về Vô thường, khuyên nhủ và ngợi khen Tôn giả và dạy không bao lâu nữa Tôn giả sẽ chứng quả Vô lậu. Sau đó Ngài dạy Tôn giả báo cho dân Mallà biết đêm nay Thế Tôn sẽ diệt độ. Bấy giờ Ngài còn độ cho ngoại đạo Subbada thọ giới Tỳ-kheo. Ðây là vị Tỳ-kheo cuối cùng được đức Phật cho gia nhập Giáo hội trong thời gian Ngài tại thế (về sau Tôn giả Subbada đắc A-la-hán).
Ngài còn quay sang Tôn giả Ananda mà dạy:
“Này Ananda, nếu trong các Ông có người nghĩ rằng: “Lời nói của bậc Ðạo Sư không còn nữa, chúng ta không còn có bậc Ðạo Sư” thì này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, Chánh pháp và Luật ấy sẽ là bậc Ðạo Sư của các Ông.”
Ðức Phật còn ba lần hỏi xem Tôn giả Ananda còn có gì cần hỏi nữa không. Sau đó Ngài dạy:
“Này Ananda, trong năm trăm vị Tỳ-kheo này, vị thấp nhất đã đắc Dự lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn hướng đến giải thoát.”
Và đây là lời dạy cuối cùng của đức Phật:
“Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên các Ông: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật!”
Sau đó đức Phật nhập Sơ thiền; xuất Sơ thiền, nhập Nhị thiền; xuất Nhị thiền, nhập Tam thiền; xuất Tam thiền, nhập Tứ thiền; xuất Tứ thiền, nhập Không vô biên xứ; xuất Không vô biên xứ, nhập Thức vô biên xứ; xuất Thức vô biên xứ, nhập Vô sở hữu xứ; xuất Vô sở hữu xứ, nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ; xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập Vô sở hữu xứ; xuất Vô sở hữu xứ, nhập Thức vô biên xứ; xuất Thức vô biên xứ, nhập Không vô biên xứ; xuất Không vô biên xứ, nhập Tứ thiền; xuất Tứ thiền, nhập Tam thiền; xuất Tam thiền, nhập Nhị thiền; xuất Nhị thiền, nhập Sơ thiền; xuất Sơ thiền, nhập Nhị thiền; xuất Nhị thiền, nhập Tam thiền; xuất Tam thiền, nhập Tứ thiền; xuất Tứ thiền lập tức Ngài diệt độ,
Như thế, đức Phật đã nhập thiền định thong dong tự tại trong các cảnh giới của Sắc và Vô sắc, để cuối cùng từ Tứ thiền, Ngài xuất định và nhập thẳng Ðại Niết-bàn.
Qua bản kinh, chúng ta thấy đức Phật đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tam học (Giới, Ðịnh, Tuệ) đối với một đệ tử của Ngài. Giáo pháp của Ngài đã được khai thị, truyền dạy một cách cụ thể, rõ ràng. Thực hiện giáo pháp ấy để chứng ngộ rốt ráo như Ngài, người tu sĩ phải tinh cần học hỏi, phải thông hiểu nó đồng thời phải hộ trì các căn qua việc giữ gìn giới luật. Pháp và Luật được bậc Ðạo Sư nhắc nhở là thước đo giá trị của mọi ý kiến, quan điểm, hành động, từ đó vạch ra đâu là chân, đâu là giả. Tinh thần tôn trọng Pháp và Luật là chủ yếu, nhưng không phải là tôn trọng một cách mù quáng giáo điều. Do đó mà tuệ giác được thăng tiến nhờ tu tập Thiền định, là ánh sáng chiếu rọi cho hành giả. Ánh sáng ấy phát xuất từ tự thân hành giả là ý nghĩa của “tự mình là ngọn đèn, là nơi nương tựa cho chính mình”.
Sự tinh cần tu học, tự chủ, tự tín, tự độ đưa đến việc đạt Thánh quả như toàn bộ năm trăm Tỳ-kheo quanh đức Phật lúc Ngài sắp nhập Niết-bàn. Việc nêu dẫn năm trăm vị Tỳ-kheo này là lời khích lệ thiết tha của đức Phật cho các đệ tử Ngài, đồng thời là một xác chứng về hiệu năng thành đạt của Tăng-già thời đức Phật. Ngài còn dạy rằng Chánh pháp cần được phổ biến rộng rãi vì lợi ích của chúng sinh, do lòng từ bi vô hạn của người đệ tử Phật. Lời dạy cuối cùng của Ngài: “Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên các Ông: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật” là lời nhắn nhủ thâm thiết của bậc Ðạo Sư vĩ đại, phải được liễu hội, phải là tâm niệm, phải được thực hiện đối với những ai muốn giải thoát khỏi khổ đau, đặc biệt là đối với hàng tu sĩ xuất gia.
Trong bốn mươi lăm năm Tăng-già đã được hình thành, lớn mạnh không ngừng, mang một số nét cơ bản dưới đây.
1. Tăng-già là một đoàn thể do đức Phật sáng lập giáo dục, huấn luyện trong suốt thời gian từ khi Ngài chuyển Pháp luân lần đầu tiên ở Baranasi (Ba-la-nại) cho đến khi Ngài nhập Niết bàn tại Kusinara.
2. Tăng-già gồm đủ mọi thành phần già, trẻ, nam, nữ, mọi đẳng cấp từ vua quan, từ tu sĩ ngoại đạo đến tiện dân… sống bình đẳng, thanh tịnh, trong giáo pháp của đức Phật.
3. Tăng-già tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ trở thành một tập thể vững mạnh, gây ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng nhân dân, gồm nhiều vị đạt Thánh quả nhất là so với các giáo đoàn khác và Tăng-già Phật giáo về sau.
4. Tăng-già gồm những tu sĩ bỏ gia đình, sống độc thân, nghèo nàn, giữ hạnh khất thực; ngoài thức ăn, áo mặc và một số ít những vật dụng cần thiết, không ai có tài sản gì riêng.
5. Tăng-già có tổ chức, giới luật chặt chẽ dựa trên tinh thần tự giác, thanh tịnh, hòa hợp và bất bạo động.
6. Tăng-già chủ trương tự giải thoát là chính, đồng thời liên hệ chặt chẽ với xã hội để truyền bá Chánh pháp, thể hiện tinh thần độ tha.
7. Tăng-già được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền và của quần chúng nhân dân, đặc biệt của nhiều đại cư sĩ một lòng vì Phật pháp.
8. Tăng-già đã tạo được những nét đặc sắc về tư tưởng, văn hóa, đạo đức, trong xã hội.
9. Tăng-già có đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn của ngôi Tam bảo.
Ðến đây, tưởng cũng cần bàn thêm về tinh thần hòa hợp, thanh tịnh trong Tăng-già. Tinh thần ấy ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tu tập, sự hưng thịnh của Tăng-già và của đức Phật giáo.
Thanh tịnh là sự trong sạch, thuần khiết của tâm hồn do việc hành trì giới bổn Tỳ-kheo liên hệ đến việc pháp triển tuệ giác đưa đến giải thoát tối hậu. Hòa hợp là thái độ hiền hòa, dung thông với mọi người, đấy là tinh thần nhân ái, từ bi, yêu chuộng hòa bình, bất bạo động. Tinh thần ấy thể hiện bằng nguyên tắc lục hòa trong sự sống chung của cộng đồng Tăng-già:
1. Giới hòa đồng tu (cùng hòa hợp tu tập theo cùng một giới bổn);
2. Kiến hòa đồng giải (có cùng chỗ thấy biết, trao đổi bổ túc cho nhau về Phật pháp);
3. Lợi hòa đồng quân (chia đều nhau các vật dụng có được);
4. Thân hòa đồng trú (cùng sống hóa thuận, kính nhường nhau);
5. Khẩu hòa vô tránh (lời nói dịu hiền, vừa ý nhau, không tranh cãi );
6. Ý hòa đồng duyệt (ý tứ hòa đồng, không trái nghịch nhau, vui sống với nhau).