Bài Học Từ Cuộc Đời Đức Phật

2. Sự sống là khổ.

Một lần đi xem lễ hạ điền, thái tử ngồi dưới tán cây nhìn các nông dân cày ruộng. Khi cày đất lên, côn trùng bò lúc nhúc, chim chóc sà xuống gắp ăn. Thấy vậy, thái tử tư duy, thấm nghiệm, cảm nhận, thấy ra được một sự thật. Con này sống từ sự chết chóc đau đớn của con kia. Con này được một miếng ngon thì con kia phải mất mạng, phải đau đớn vô kể. Sự sống con này là cái chết của con kia, cho nên Ngài thấy sự sống quá là đau khổ.

Cùng trước cảnh ấy, nếu chúng ta lăng xăng, lộn xộn, tâm thái đang loạn động thì khó thấy ra, khó thấm nghiệm và giác ngộ được như Ngài. Huống chi với một tâm quá thô tháo, không được hiền thiện, chính mình làm những việc ăn sống uống tươi thì làm sao, biết bao giờ mới có được cảm nhận đó! Bằng tâm tĩnh lặng, với tâm từ bi nên ngài thấy rõ và thương cho những con bị chết lẫn con sống. Ngài ý thức rằng, sự sống là khổ cho nên nói sanh là khổ.

Ngày xưa, quan niệm ăn chay chưa có. Nhưng khi thấy cảnh con này ăn con kia thì thái tử đã thấy thương tâm, đã thấy là tạo khổ đau cho nhau rồi. Bây giờ tinh thần ăn chay đã được mọi người biết đến rất rộng rãi, nhiều người thích ăn chay. Thế nhưng vẫn có không ít người không chấp nhận việc ăn chay. Có người vẫn nói “vật dưỡng nhân”, con vật sanh ra để phục vụ mình, cho mình ăn chứ việc gì phải ăn chay. Cái nhìn như thế là chưa đồng cảm với mọi loài, là trái chiều với cái nhìn của thái tử xưa kia. Khi thấy con chim ăn côn trùng là thái đã thương tâm rồi. Chúng ta đi ăn tươi nuốt sống những con vật mà không hề biết đến sự đau đớn của nó, còn nói động vật dưỡng nhân, vậy là chúng ta khá ích kỷ, từ tâm của mình còn bị khuất lấp. Nếu thực sự con vật sinh ra để nuôi dưỡng chúng ta thì con gà, con heo… nó sẽ tự nguyện đến mời chúng ta làm thịt nó để ăn. Nhưng trên thực tế có con gà, con heo nào tự nguyện chạy tới nói, tôi sinh ra để phụng dưỡng con người, quý vị cứ giết tôi mà ăn đi, có con nào đến nói với chúng ta như vậy không? Hay quý vị bắt để làm thịt thì nó la thất thanh? Chúng ta rượt bắt thì nó hoảng sợ và chạy trốn? Sợ tức là sợ đau. Nó không sẵn sàng cho mình làm thịt, nhưng mình lại cưỡng bức giết nó để mình được ăn. Vậy là chúng ta bức ép nó chứ có con vật nào tự nguyện cho chúng ta giết đâu mà bảo là nó sinh ra để nuôi dưỡng mình! Nếu nói vật dưỡng nhân là đúng thì quý Thầy sẽ nói “nhân dưỡng hổ”, tức là con người sinh ra để con cọp nó ăn. Vậy có quý vị nào tình nguyện đến trước miệng hổ để nó có một bữa ngon miệng no nê không? Hay nghe nói đã sợ, thấy con cọp sổng chuồng đã lo chạy trốn bán mạng? Gặp cọp chúng ta hoảng sợ bỏ chạy như thế nào thì con gà, con heo, con vịt thấy chúng ta cầm cái dao, nó cũng hoảng sợ và bỏ chạy như thế. Tỉnh táo một chút, sáng suốt một chút, mạnh mẽ một chút để nhìn lại cho trung thực thì sẽ thấy, khi bị đâm mổ, mình bị đớn đau, sợ hãi như thế nào thì con vật nó cũng bị đớn đau, hốt hoảng như thế ấy. Chúng ta không nỡ vì mình mà để cho nó phải khổ đau, cho nên không nỡ giết nó. Nghĩ được như vậy thì lòng từ bi của mình được phát triển, cho nên ăn chay để tăng trưởng lòng từ bi là vậy. Ngoài ra, không giết chóc thì không mắc nợ mạng sống, không bị bệnh hiểm nghèo, chết yểu hay đớn đau.

Ngày trước chưa biết ăn chay, quý vị có thể giết heo, mổ trâu, làm gà, làm vịt… Đủ duyên đi chùa, ăn chay, sống đời hiền thiện, tu tập. Thời gian sau tình cờ thấy ai đó mổ gà thì mình cảm thấy khó chịu, không nhìn được. Nghe kể những chuyện đâm trâu giết bò, chúng ta cảm thấy ghê tởm, kinh khủng, khó chịu… Quý thầy khuyên không nên đập muỗi, giết kiến… như thế sẽ mắc nợ thân mạng sống của nó, bị quả báo không tốt. Tập lâu thành quen, một thời gian sau nhỡ có muỗi cắn, quý vị thấy thương nó, tội cho nó và không nỡ đập nó. Tương tự, nhỡ đạp một con kiến mình cũng cảm thấy bất nhẫn quá. Ngày trước còn ở Trúc Lâm Đà Lạt, khi đi làm công tác chung, quý Thầy kéo chiếc xe bò (xe cộ) vô tình cán vào cây thông con bên lề đường. Hòa Thượng Tôn sư nói “Sao mà mấy chú bất nhẫn như vậy. Cây thông đang sống như vậy mà không tránh ra, lại nhẫn tâm cán lên cho nó chết”. Hòa Thượng tôn sư thì thương đến cả cây thông con. Còn chúng ta có khi con người với nhau vẫn còn thương nhau không nổi. Như thế, lòng từ bi của mình lớn được bao nhiêu? Chỉ có tỉnh táo, soi xét lại thì chúng ta mới học hết hạnh giác ngộ của các Ngài. Đến một cây thông con Hòa thượng tôn sư cũng thấy tội nghiệp, không nở làm tổn thương nó. Ngày xưa có khi mình cũng giết gà, giết vịt. Nhưng tu tập thời gian thì chúng ta cảm thấy thương cho chúng sanh, không nỡ đập muỗi hay đụng đến con kiến. Mới thấy, khi yên tĩnh, ăn chay, tu tập thiện tâm lâu ngày thành quen rồi thì tự nhiên chúng ta không làm được những việc xấu ác. Đó là dấu hiệu cho thấy thiện căn của chúng ta đã được tăng trưởng. Thiện căn tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được đi trên con đường an lành, an ổn. Nếu không khéo tu tập thì ác pháp tăng trưởng, đưa đến con đường xấu ác và phải bị khổ não thôi. Nếu biết soi xét lại mình, khéo léo sửa đổi từ những hành vi nhỏ nhặt của mình, sự tu tập sẽ có hiệu quả rõ rệt.

Một sự chiêm nghiệm nữa cũng dễ thấy lắm. Xưa kia mới lớn lên, chưa được học đạo, chưa biết ăn chay, chúng ta ăn mặn, có khi ăn cả những món máu me tươi sống. Nhưng khi biết học đạo, ăn chay lâu ngày rồi, hôm nào ai đó dọn cái chén ăn mặn mà rửa không sạch, chúng ta nghe mùi tanh thấy không dễ chịu chút nào. Lịch sự nín hơi để ăn cho hết bữa, nhưng và cơm vào miệng là tự nó muốn ói ra ngoài. Nghe giết súc vật, tự nhiên mình cảm thấy khó chịu. Nghe đến đồ mặn là đã cảm thấy rùng rợn. Nhưng nếu hồi còn ăn mặn, máu tanh tươi sống chúng ta cũng uống được nữa. Mới thấy, ăn chay sẽ làm cho tâm từ và căn lành của chúng ta tăng trưởng một cách rõ ràng. Tâm từ tăng trưởng, thiện pháp tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được an ổn. Sống được an ổn, vui tươi thì chết cũng sẽ được an vui. Đó là điều nghiễm nhiên, chắc chắn, thấy được, không nhọc ai phải cầu nguyện cho mình nữa. Rất rõ ràng!

Mặt khác, có nhiều người cho rằng ăn chay sẽ suy dinh dưỡng, không thông minh. Ở Nhật, người ta nuôi hai con chó để thí nghiệm. Một con cho ăn chay từ nhỏ và con kia thì ăn mặn. Khi trưởng thành, người ta thả cho hai con đấu nhau. Ban đầu con ăn mặn rất hùng hổ. Nó vồ vập, dữ tợn. Ngược lại con ăn chay thì có vẻ điềm đạm, nhẹ nhàng. Khi cắn nhau một đỗi, con ăn mặn có vẻ đuối sức, gục ngã. Còn con ăn chay thì rất dẻo dai, bền bĩ và nó chiến thắng. Như vậy, khi chúng ta ăn chay, nhìn thấy người hiền từ, nhẹ nhàng thì người khác ngỡ là yếu đuối, nhưng thật chất rất bền bĩ. Còn ăn mặn thì thấy như là mạnh bạo, nhưng chỉ là thoáng chớp rồi vụt tắt thôi chứ không thực sự mạnh mẽ. Có lúc vì cái chất tanh hôi đó nó làm cho mình nổi hung khí, cảm thấy anh hùng lắm, dám cầm dao, cầm gậy, chửi mắng, đấu tranh,… Nhưng tới khi gặp chuyện buồn chút xíu thì xìu như cọng bún thiu, sống không nỗi. Như vậy gọi là anh hùng được sao! Dám mạnh mẽ với chiến thắng thì cũng phải dám mạnh mẽ trước những thất bại, dám mạnh mẽ chấp nhận những điều mình không ưa, dám mạnh mẽ đối diện với những nỗi buồn của lòng mình nữa thì mới xứng đáng được gọi là anh hùng chứ. Đằng này khi làm ăn lời được năm bảy chục triệu thì vênh váo, anh hùng, đắc thắng, như là mạnh mẽ lắm. Khi thất trận không còn đồng xu nào thì đi đâu cũng thở ra thở vô như muốn chết cho rồi, sống không nổi. Vậy mà gọi là anh hùng được sao! Có được một số tài sản kha khá thì thích sống theo kiểu đẳng cấp. Nhưng biểu vô bếp nấu cơm hoặc đi lau chùi nhà vệ sinh thì phản ứng, ngán ngẫm, bực bội, không làm được. Một sự việc nhỏ nhoi như vậy cũng đủ cản bước của chân của mình được thì chí khí anh hùng nằm ở chỗ nào? Mới thấy, sự vồ vập, động đậy, háo thắng, hung hãn không phải là cái mạnh. Có những người là người mẹ, là chị trong gia đình lúc nào cũng điềm đạm, nhẹ nhàng, khoan thai, vui vẻ, sẵn sàng sẻ chia, xem ra như là mềm yếu. Nhưng khi anh chàng con trai anh hùng cái thế bị thất trận, buồn bã trở về nhà thì lại tìm đến mẹ mình, chị mình để tâm sự, cần mẹ và chị vỗ về, sẻ chia. Mới thấy, sự điềm đạm, nhẹ nhàng là cái dẻo dai, cái chịu đựng tốt, chỗ an toàn, vững chãi để người khác nương về chứ không phải yếu đuối. Một người mạnh mẽ thực sự là khi gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, lúc chiến thắng hay thất bại họ đều bình thảng, nhẹ nhàng, tươi tỉnh. Như một con chó ăn chay, tuy nhẹ nhàng nhưng nó lại được chiến thắng. Mặc khác cũng cho chúng ta thấy ra một điều nữa, sức khỏe của người ăn chay không phải thô tháo, vồ vập nhưng rất bền bĩ, dẻo dai. Kế nữa, nếu nói người ăn chay không được thông minh bằng người ăn mặn, vậy thì quý vị nhìn lại thấy quý Thầy ở đây có ai ngu dại không. Có thể quý thầy không thông minh hơn ai, nhưng hiện tại mình thông minh hơn mình lúc chưa biết tu, lúc còn ăn cá thịt. Chúng ta không nên nghe theo một chiều lý thuyết suy luận chưa được kiểm chứng mà phải nhìn vào kết quả thực tiễn.

Khi thấy con này ăn con kia, con này giết chết con kia để được sống, bằng tâm tĩnh lặng, tâm từ, thái tử thấy sự sống là đau khổ. Như vậy, con chết bị đau đớn, mất mạng nên khổ đã đành, nhưng con còn sống, con được ăn nó vẫn không thoát khỏi các khổ đau. Bởi lẽ khi bị cắn giết, con chết nó chưa sẵn sàng chết cho con kia ăn. Trong cơn đớn đau mất mạng, nó rất oán hận. Ôm lòng đớn đau, căm phẩn, oán hận mà chết thì kiếp sau nó sẽ tìm cách báo thù lại. Con được ăn kia rồi cũng sẽ phải đau khổ, chứ không phải thiếu suy nghĩ, chỉ biết được ngon miệng rồi cho là an ổn đâu! Nếu không biết trông xa hiểu rộng, chỉ nhìn cái thiển cận trước mắt mà sống ẩu, làm càng rồi cho là an ổn, cuối cùng phải chịu lấy khổ đau.

Chịu nhìn lại chung quanh một chút, chúng ta sẽ thấy còn khá nhiều người than vãn vì sao tôi quá khổ. Không biết rằng, khổ đó là do mình đã lỡ tạo nhiều điều không tốt từ quá khứ, hôm nay đủ duyên thành quả khổ và mình phải gánh chịu. Có người than, không biết vì sao tôi sinh con ra giống như sinh quỷ, không chịu nghe lời, phá phách đủ thứ… làm tôi khổ não, sống không nỗi với con. Thế gian có quá nhiều điều khổ đau, không thể kể hết.

Đây là mẫu chuyện có thật tại Việt Nam. Có người vào chùa bạch với một vị Hòa Thượng, không biết vì sao thằng con trai của con nó phá phách quá, không nghe lời bố mẹ, quậy phá lung tung từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Đến khi lớn lên một chút thì nó còn đòi cầm dao đâm ba nó. Hằng ngày nó rất thích giết ba nó nhưng không biết vì sao như vậy. Hòa thượng bảo, quý vị nghiệm kỹ, nhớ lại coi, trước đó có tạo duyên gì nghịch không? Nếu lỡ tạo thì nên thành tâm sám hối rồi sẽ qua khỏi. Về nhà quý vị chiêm nghiệm lại một hồi, liên kết tư tưởng lại mới nhớ ra, lúc bà mẹ mang thai, trong nhà có giết chết một con chó. Có lẽ con chó này hận quá cho nên mới đầu thai lên để trả thù lại. Giống như một người đã bị giết, vì bực quá nên họ muốn trả thù, phá trở lại và lớn lên đòi giết ông già mình. Nghe lời Hòa thượng, cả nhà thành tâm sám hối, tu tập, làm các việc thiện, khởi tâm từ, không oán trách bực bội nữa. Thời gian sau, thằng con bỗng nhiên hiền hậu trở lại rồi nó bị bệnh và qua đời. Nó ra đời chỉ vì lòng uất hận muốn đòi lại cái nợ này thôi. Nhưng thấy gia đình này tu giỏi, tâm giận nó được chuyển hóa, hỷ xả, không còn uất hận, không đòi nợ nữa và nó ra đi. Cho thấy rằng, con chó bị giết chết thì nó khổ đã đành. Chúng ta là người chủ động giết nó cũng bị khổ luôn. Cứ ngỡ giết hại súc vật được một bữa ngon miệng là sung sướng, nhưng không ngờ khi bị nó đầu thai lên phá lại rồi cũng bị khổ nhiều hơn như thế nữa. Cho nên khi con này giết con kia để ăn thì con bị giết đã khổ, con được ăn đó cũng sẽ khổ về sau. Thế gian vẫn thường nói, kiến ăn cá thì cá sẽ ăn kiến. Vua Trần Thái Tông cũng dạy, hắn ăn mày, mày ăn hắn, kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau, mãi không có ngày thôi dứt. Đâu cần đợi đến kiếp sau. Trong hiện đời, quý thầy đã chứng kiến và nghe kể lại nhiều người cả đời hành nghề mổ trâu, giết bò, mổ heo… Đến khi cuối đời đau đớn dữ dội, la ó như con trâu bò hoặc heo đang bị thọc huyết, nằm treo hai chân lên cửa sổ mà không chết được. Có người tư vấn, một người trong nhà đặt cái chậu bên dưới và đặt con dao ngang cổ người bệnh để tượng trưng như đang cắt cổ hứng máu thì người kia mới chết được. Báo ứng, nổi khổ ai cũng trông thấy rõ ràng, tại sao vì sự sống của mình để cho kẻ khác phải chết như vậy mà không hay biết. Sống như thế sẽ đưa đến khổ đau cho cả hai. Cho nên trước cảnh đó, thái tử đã thấm nghiệm và thấy rõ rằng, sự sống là khổ. Khi đã thấm sâu điều đó, Ngài không còn yên lòng để sống một cuộc đời thụ hưởng trong cung thành nữa và bắt đầu nhen nhúm ý chí muốn phát tâm xuất trần. Ở đây chúng ta đã học được bài học, sự sống là khổ. Trước mọi hoàn cảnh, nếu bình tâm, tỉnh trí, quán xét thì chúng ta sẽ thấy ra được nhiều điều.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.