Bài Học Từ Cuộc Đời Đức Phật

3. Già là khổ.

Cảnh thứ hai, một lần đi ra khỏi cổng thành, thái tử thấy một người già khô gầy, dung nhan tiều tụy, khí lực yếu ớt, mọi thứ không còn gì cả, chỉ còn một nỗi khổ đau chồng chất. Thái tử quán xét và ý thức sâu sắc, rồi đây mình cũng sẽ già nua, yếu ớt và tàn tạ như vậy. Càng chiêm nghiệm, càng thấm thía sâu sắc, ngài không còn tâm trạng an ổn để sống trong hoàng cung nữa, nuôi chí xuất trần, cứu khổ.

Hằng ngày chung quanh mình, không thiếu những người già nua yếu đuối như thế. Nhưng phần đông chúng ta ít ai nghĩ đến có ngày mình cũng sẽ già, hoặc thấy đó như một sự nghiễm nhiên nên ý chí xuất trần còn yếu hoặc chưa có. Không chỉ như vậy, có khi thấy người già rù rờ chậm chạp, bỏ trước quên sau, ăn nói không chuẩn, đau ốm không yên…, chúng ta không có sự cảm thông, kính mến, còn cảm thấy chán ngán, bực bội, chê bai đủ thứ, mất hết tính người. Cho nên quý cụ già mới có bài thơ tự than vãn mình:

Rù rờ đổ vỡ thiệt là hư
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư.
Người thân gặp lại chừng quên hết
Bỏ trước, quên sau kiếm mệt đừ.
Ai ngỡ ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

Thấy người già mà không biết soi xét lại để biết mình rồi cũng sẽ già, để có sự thâm cảm mà còn khinh thường, chê bai, đó là chúng ta chưa có được cái nhìn như Phật. Thấy người khác già thì biết rằng, rồi mình cũng sẽ già, từ đó có sự cảm thông sâu sắc với người già yếu, tôn trọng, kính mến, quan tâm giúp đỡ. Đồng thời quyết tâm sống và tu tập để thoát khỏi sự chi phối khổ sở của tuổi già. Đó là cái nhìn của người tỉnh giác, có trí tuệ. Ngược lại, hằng ngày chung quanh mình luôn gặp những người già, nhưng thấy như là việc của người khác, còn mình thì không nhớ là sẽ già, cho nên không có sự thông cảm, thương yêu, kính trọng mà còn bực bội, chê bai. Đó là cái nhìn hời hợt, không tỉnh táo, sáng suốt, là người mê. Nhưng mà giác hay mê là do chúng ta. Chỉ cần tỉnh táo để đủ sáng thấy lại, từ đó có sự cảm thông, rồi yêu thương, kính trọng và quyết tâm tu tập để có đủ định lực, thoát khỏi sự chi phối của các khổ về già. Mỗi người chúng ta đều có quyền nhìn nhận, suy nghĩ và thực hành được điều đó. Đó là chúng ta đã biết học theo hạnh giác ngộ của đức Phật.

Chúng ta còn có một bài học thứ hai về cảnh già nữa. Có những người lớn tuổi già yếu rồi, nhưng khi ngồi với nhau nói toàn những chuyện anh hùng của thuở trước mà không hề nhớ mình đã già yếu. Thời trẻ tôi vác một lúc hai bao xi măng lên núi, đánh một lần mười thằng lực sĩ phải gục ngã… Kể say sưa một hồi hào khí nổi dậy mạnh mẽ như mình đang còn thanh niên vậy. Chút xíu tê chân đứng dậy không nổi. Cố gắng một đỗi mới đứng lên được thì đi run run gần té, mới biết mình đã già. Đang già mà vẫn không chịu biết mình già, vậy là chưa học được bài học giác ngộ như Phật. Nếu khéo nhìn lại, thấy mình đã già yếu. Cả đời hy sinh cho gia đình và xã hội như thế là đã đủ. Bây giờ có muốn làm thêm cũng không được. Tốt nhất là nên lo chuyện tu tập của mình là vừa rồi. Chuyện nhà cửa, sự nghiệp công danh, chuyện lo con cháu giao lại cho lớp trẻ. Mỗi người sinh ra đời đều có nhân duyên phước đức riêng. Con cháu nó mạnh mẽ, thông minh hơn mình ngày xưa nhiều, không cần phải lo nghĩ nữa. Bây giờ chỉ dốc tâm tu tập, kiếm chút ít tư lương, tích tạo phước đức để ngày ra đi được an ổn. Nhìn thẳng vào sự thật và nghĩ được như vậy sẽ có lợi hơn. Làm được như vậy là chúng ta đã biết học theo hạnh giác ngộ của đức Phật. Lúc còn trai tráng, thái tử đang là một người có đầy đủ tất cả quyền uy, thế lực, văn võ song toàn. Vậy mà khi thấy người già thì liền biết mình rồi cũng sẽ già nua và yếu ốm như người kia. Thấy rõ cuộc đời không có gì đáng để gọi là vui cho nên Ngài quyết chí xuất trần. Nhìn nhận, chiêm nghiệm và thấu tột được như vậy là chúng ta đã biết học theo cái nhìn của bậc giác ngộ.

4. Bệnh là khổ.

Lần khác thấy một người bệnh đang rên đau, thái tử nghĩ, hóa ra con người ta cũng có khi phải bệnh đau như vậy! Cùng là thân người như nhau, nhưng người kia đang bị bệnh thì có lúc mình cũng phải bị bệnh như mọi người. Là bệnh thì đớn đau, không có gì vui hết. Từ đó thái tử thấy được sự tạm bợ của thân người và sự sống này không có gì bền chắc, ý chí xuất trần trong thái tử được nung nấu mạnh mẽ hơn. Thấy được như vậy thì chúng ta không còn nhầm tưởng thấy mình khỏe mạnh mãi để sanh tâm ngã mạn, xem thường người khác. Đồng thời chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu người bệnh và tìm cách để vượt lên, không bị bệnh đau chi phối. Làm được như vậy là chúng ta đã học được bài học từ đức Phật.

Có nhiều vị làm bác sĩ trị bệnh hoặc có lúc chúng ta chăm nuôi bệnh nhân. Nếu chỉ chữa trị căn bệnh, chỉ chăm sóc căn bệnh thôi thì chưa đủ trách nhiệm, chưa đúng nghĩa y đức. Bởi lẽ công việc chỉ mới dừng lại ở mức hành nghề y để kiếm sống, trách nhiệm được phân công bổn phận nuôi bệnh vậy thôi. Ngoài cách trị căn bệnh và chăm căn bệnh, chúng ta còn trị liệu người bệnh, chăm sóc người bệnh thì nghĩa y đức mới đầy đủ trọn vẹn. Cụ thể, cần đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh để cảm thông, hiểu được nỗi đau đớn, khó chịu của họ. Từ đó chúng ta sẽ có tâm đồng cảm, thông cảm, thương yêu bệnh nhân, tôn trọng con người với nhau, không thờ ơ hay xem thường họ. Làm được như thế thì ngoài việc điều trị căn bệnh, chúng ta còn chữa trị được người bệnh, ngoài việc điều dưỡng căn bệnh, chúng ta còn chăm sóc được người bệnh nữa. Thấy người khác bệnh thì liền biết rồi mình cũng sẽ bệnh như mọi người. Người đó bệnh đau, lo sợ, hoang mang thì đến lúc chúng ta bệnh, cũng có những nỗi đau và tâm trạng giống như họ vậy thôi. Hôm nay may mắn còn được khỏe mạnh, chữa trị chăm sóc được cho người bệnh, đó là phước đức lớn của mình. Bằng tâm đó để chữa bệnh, chăm sóc bệnh thì người bệnh sẽ cảm nhận được tấm lòng mình, họ sẽ nhận được sự an ủi rất lớn, cảm thấy an ổn, không lo sợ. Bằng tâm đó để làm việc thì chúng ta sẽ nhận thấy mình được làm chứ không phải bị làm công việc. Từ đó, tâm thái làm việc của mình tự nhiên cảm thấy thỏa mái, nhẹ nhàng, an vui chứ không phải là cảm giác của một gánh nặng bị ai đó đè lên vai buộc mình phải làm. Bằng cách nghĩ đó, tâm thái đó để làm việc, đó là chúng ta đang sống bằng thiện tâm, từ đó thiện pháp được tăng trưởng. Sống bằng tâm thiện, pháp lành tăng trưởng, đó là cái phao an toàn cứu chúng ta bớt khổ, được an vui trong hiện tại và mai sau.

Thấy người khác bệnh, biết mình rồi cũng sẽ bệnh. Từ đó thấy rõ thân này mong manh, giả tạm, không chắc thật, từ đó không bám chấp. Khi không bám chấp thân này, cảnh sống này thì các mê lầm, khổ não, rắc rối khác sẽ không có ra. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu, tôn trọng người bệnh, từ đó thiện căn được tăng trưởng. Căn lành tăng trưởng thì chúng ta sẽ được an ổn và nhiều lợi lạc. Nếu đủ duyên tiến sâu hơn thì chuyên tu thiền định. Khi trí lực đủ lớn thì chúng ta không còn bị các bệnh não chi phối, được tự do tự tại, cứu giúp mọi người, mọi loài. Thấy, nhìn, ứng dụng và tu tập được như vậy là chúng ta đã biết học theo hạnh của đức Phật.

5. Chết là khổ.

Khi đi ra bốn cửa thành, cảnh thứ tư thái tử thấy được đó là một người chết. Thấy vậy, thái tử liền nhìn lại và nhận ra rằng, người ấy chết rồi đến lúc mình cũng sẽ chết. Càng thấy rõ sự tạm bợ của kiếp người, chí xuất trần của thái tử càng nung nấu mãnh liệt hơn.

Mới ngày nào đây còn liệt liệt, oanh oanh, sao bây giờ chỉ còn một tấm thân tái xanh, khô teo, bất động, ai làm gì cũng không biết. Bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc, đúng sai, phải trái… tất cả đều bị cuốn đi theo tấm thân tro bụi, trở thành con số không. Tận mắt chứng kiến và bình tâm nhìn lại cho thật kỹ mới thấy tấm thân này quá mỏng manh, kiếp người quá ngắn ngủi, cõi đời thật phù du, giả tạm. Thấm sâu được lẽ thật này thì chúng ta sẽ dứt được những mê lầm và các phiền phức trong đời.

Hôm qua trên đường ra Thiền viện tu tập, quý vị có nghe tin một thiền sinh trong đạo tràng mình đau yếu, bệnh nặng. Khi ra đến đây thì nghe tin vị ấy qua đời rồi. Sự việc ấy là một chấn động, đánh thức chúng ta giác tỉnh mạnh mẽ, tu tập miên mật hơn. Một người bạn cùng tu, ngày nào cùng nghe pháp, cùng tụng kinh, cùng tọa thiền, bây giờ phải nhắm mắt chia tay rồi. Và rồi một ngày nào đó không biết sớm hay muộn, mỗi một chúng ta cũng sẽ có ngày lần lượt chia tay nhau. Đó là con đường người người đều chung chịu, không ai tránh khỏi. Thấm sâu được như vậy tự khắc chúng ta sẽ có động lực như ai nhắc thức, đánh bật dậy tinh thần tinh tấn tu tập mãnh liệt để thoát khỏi sự chi phối của cái chết. Đó là chúng ta đã học được cách nhìn của đức Thế tôn.

Khổ nỗi cố tật muôn đời của chúng ta vẫn là hay quên nên tu hành khó tiến bộ. Hôm nay nghe người huynh đệ mình vừa qua đời thì phát tâm dữ dội, tu hành chí tử. Về nhà được thời gian sau, do bận rộn với việc làm ăn nên cái tin đó cũng bị quên đi, buổi nghe pháp hôm nay cũng không còn, ngày tu tập rồi cũng qua đi, tâm tu yếu ớt, giác thì ít mà mê thì nhiều cho nên gặp cảnh liền sanh phiền não, cãi lộn ầm ầm. Như vậy là chúng ta đã quên giác ngộ, không học được điều đức Phật đã hành, vừa thấy là giác tỉnh, không bao giờ quên. Nếu giác ngộ sâu sắc và luôn giác tỉnh để tu hành thì quý vị sẽ luôn thấy rõ sự sống của mình và mọi người thật mong manh. Chỉ cần thấy được một phần nhỏ như vậy thôi thì khi nhỡ gặp ai đó phỉ báng, chúng ta cũng sẽ thấy rõ cuộc sống giả tạm mong manh, từ đó thương được người hại mình và không tranh cãi với họ. Sẽ thấy, nếu cãi lộn lại với họ, sanh ra giận dữ, tức tối, rồi đây nhỡ họ qua đời, mình đi thăm đám mắc cỡ lắm. Khi nào là khi chửi nhau giận dữ, khi nào là lúc đến chia buồn, khóc lóc cho sự ra đi của một người? Nếu thấy rõ được sự mong manh của kiếp sống con người, thấy được khoảng thời gian sống và chết kề cận một bên thì chúng ta sẽ tỉnh giác mạnh hơn, không bao giờ có sự tranh cãi nhau nữa. Tranh cãi, giận dữ là do người kia không tự làm chủ được chính họ. Chính khi đang giận dữ họ cũng rất khổ sở chứ không sung sướng gì. Mình là người tỉnh táo làm chủ được mới thấy rõ nên thông cảm và thương họ, tội nghiệp cho người ta. Thấy được như vậy thì chúng ta sẽ thương được người hại mình, không tạo nghiệp, không khổ đau. Luôn luôn thấm sâu như vậy là chúng ta đã khéo biết học theo hạnh của đức Phật, hạnh của bậc giác ngộ rồi. Học theo hạnh giác là chúng ta được giác ngộ, giải thoát hết mọi khổ não, mãi mãi an vui.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.