Bài Học Từ Cuộc Đời Đức Phật

9. Niết bàn.

Lúc sắp thị tịch, đức Phật vào rừng sala, dưới cây song thọ và thị tịch. Vùng đó là một nơi rất nghèo của đất nước Ấn Độ. Vì sao đức Phật lại chọn một nơi nghèo như vậy để thị tịch? Song song với nhiều lý do trong kinh diễn tả, có một lý do chúng ta cần lưu tâm. Bởi đó là nơi khó khăn, nghèo khổ, lạc hậu cho nên đức Phật chọn nơi ấy thị tịch để gieo duyên cho vùng đất đó. Khi mọi người đến chiêm bái Ngài, người dân nơi đó được hưởng phước hoặc sanh tín tâm, thiện căn tăng trưởng, dần dần đi đến giác ngộ. Nếu ngược lại, ngài chọn đến trung tâm một thành phố lớn để thị tịch cho nhiều người đến viếng mình để mình được nổi tiếng, lo đám cho mình được lớn lao, đầy đủ… Vậy là Ngài đã vì mình, đã chọn cho mình rồi. Còn đằng này đức Phật đã chọn nơi nghèo khó nhất để thị tịch, để mang lại lợi lạc cho dân chúng khó khăn. Đó là Ngài nghĩ đến người khác mà chọn cho mọi người, là một sự quên mình mà nghĩ đến cho chúng sanh, là một sự dấn thân thực sự. Hiện nay phần đông chúng ta được phân công đi đâu đó để làm việc thì thích chọn chỗ giàu sang, tiện nghi để cưng chìu tự ngã, phục vụ cho tấm thân tứ đại này được êm ấm. Ngược lại, nếu người có tâm thương người, vì người khác khó khổ để làm từ thiện thực sự thì sẽ muốn đi vào vùng nào đó thật khó khăn, nghèo thiếu. Dù nơi đó dân còn thiếu văn hóa, không biết cách xử sự tốt, không biết mang ơn mình, đời sống còn dơ dáy, bẩn thỉu, còn mất vệ sinh, cơ sở vật chất tồi tệ, không được tiện nghi, đi đến đó sẽ vất vả cho mình, nhưng chúng ta vẫn rất thích đi đến nơi ấy. Đó là chúng ta đã vì người thực sự chứ không nghĩ về mình, không thích quan trọng mình mà chỉ nghĩ về người khác khổ, người đang cần mình giúp. Vậy là đã biết quên mình để phụng sự, để dấn thân, để cho ra một cách thực sự. Đó là chúng ta đang học theo hạnh Phật. Còn nghĩ về mình nhiều quá thì trái với hạnh Phật, là không được niềm vui như đức Phật đã đạt được.

Nói gì đến chuyện xa xôi, chỉ cần lên xe là chọn chỗ tốt nhất cho mình, còn người khác thì mặc kệ. Vào nơi công sở thì chọn việc dễ dàng, nhẹ nhàng nhất, còn việc khó khăn nặng nhọc thì để đó, ai làm thì làm… Xét lại sẽ thấy, mỗi một ý niệm hay hành động nhỏ, con người thường nghĩ về mình, vì mình nhiều hơn là nghĩ đến người khác hay tập thể. Vì thế chúng ta khó có được niềm vui trong cuộc sống. Những việc này rất gần, quý vị chiêm nghiệm lại sẽ thấy học theo không khó. Thí dụ chiều nay quý vị rời thiền viện về lại thành phố Đà Nẵng, về nhà mình. Thế là xuống phà mình tranh thủ chọn chỗ mát nhất để ngồi, ai làm gì mặc kệ, như vậy là nghĩ cho mình, là chưa học được công hạnh của Phật, không có được niềm vui cao thượng. Ngược lại, chúng ta nghĩ rằng, chỗ đó ai cũng thích hết. Mình ngồi lên đó cảm thấy mát mẻ thích thú như thế nào thì người khác ngồi vào đó cũng sẽ cảm nhận thích thú như vậy. Người khác ngồi vào đó họ được vui là mình cảm thấy vui cho nên chỗ mát, chỗ yên đó mình mời quý vị lớn tuổi ngồi, riêng mình còn khỏe mạnh thì đứng ngồi vào đâu cũng được. Vậy là đã biết học hạnh không nghĩ cho mình mà chỉ nghĩ cho người khác và dễ có được niềm vui cao thượng. Tương tự, lên xe, tranh thủ chọn cái ghế nào tốt và êm để ngồi trước, đó là nghĩ cho mình, là chúng ta chưa học được hạnh từ bi của đức Phật. Nếu chúng ta từ tốn, nhẹ nhàng, biết rằng chỗ mình thích thì người khác cũng thích. Nhường chỗ đó cho người khác được ngồi, họ cảm thấy vui là mình vui, còn mình thì ngồi chỗ nào cũng được. Đó là chúng ta đã thể hiện đạo lý ngay đời sống rồi. Khi không tỉnh giác, soi xét để nhận ra được điều này thì chúng ta thường coi trọng mình quá. Vì thế lòng mình trở nên nhỏ hẹp, đời sống ích kỷ, nhỏ nhoi, từ đó cuộc sống dễ sanh phiền phức, bực bội, khổ não. Nếu không coi trọng mình quá thì tự chúng ta cảm thấy không có gì quan trọng, cần thiết. Từ đó lòng tự mở rộng, thường ban cho người khác những gì tốt nhất, với mình thì bình thường, như thế nào cũng được. Khi ban được cho người khác những điều tốt thì chúng ta cảm thấy rất vui. Niềm vui này rộng lớn, cao thượng.

Có lần một vị giáo sư đến hỏi quý thầy:

– Thưa Thầy, khi mình giúp cho người khác một điều tốt thì đó là việc thiện. Đúng rồi. Nhưng đó chỉ là quan niệm thiện thôi chứ đâu có gì để trắc nghiệm được nó là thiện. Hoặc có người làm một việc không tốt thì đó là ác. Thì cũng là một quan niệm thôi. Nếu không có quan niệm đó thì đâu phải thực là ác? Như vậy thì dựa vào đâu để biết việc đó là thiện hay ác?

Câu hỏi rất hay, giáo sư cho rằng tất cả hành động thiện ác trên đời chỉ là một quan niệm. Nếu không có quan niệm thì thiện ác đâu có? Nếu không có quan niệm, không có căn cứ thì thiện ác lẫn lộn. Cuối cùng con người làm thiện và làm ác giống nhau sao? Nếu vậy thì hỗn loạn làm sao?

Quý thầy nói:

– Nếu giáo sư chỉ nhìn theo hiện tượng bên ngoài thì đúng như giáo sư nói, thiện ác chỉ là quan niệm thôi. Nếu muốn trắc nghiệm thiện và ác thì giáo sư phải nhìn lại nội tâm, căn cứ vào đó thì sẽ thấy rành rẽ được. Cụ thể, khi làm một việc gì đó mà khi tỉnh táo lại, bình tâm lại, chúng ta tự cảm thấy trong lòng mình xao xuyến, khó chịu, không xứng đáng, không an ổn, cảm giác thấy sao mà mình làm một việc ghê gớm quá vậy, thấy mình thấp hèn, dễ sợ… Tất cả cảm giác đó cho chúng ta nhận biết việc làm trước đó là ác, không được thiện. Tương tự, làm một việc gì đó mà khi tỉnh táo lại, bình tâm lại mà chúng ta tự cảm thấy rằng việc làm đó rất xứng đáng, cảm thấy vui nhè nhẹ trong lòng, không xao xuyến khó chịu, thấy cuộc sống có ý vị, không cảm thấy trái với lòng mình, không hề thấy xấu hổ với mọi người… Tất cả những biểu hiện đó cho chúng ta biết việc làm trước đó là hiền thiện. Sự cảm nhận đó, cái tâm đó không ai có thể chối cãi hay trốn tránh đi đâu được. Hôm nào giết người về là thấy trong lòng run, khó chịu liền, làm sao chạy trốn đi đâu được với tâm trạng đó! Chính cái tâm ấy cho chúng ta biết đó là việc làm ác rồi. Chính tâm đó cho chúng ta biết được việc làm của mình là ác hay thiện. Thí dụ mình đi ăn trộm của ai được cái gì đó cảm thấy trong lòng vui rộn, hớn hở. Tới khi xài hết rồi, không còn gì nữa, cứ tưởng mọi chuyện êm xuôi không có gì. Cho đến khi lớn tuổi làm ông làm bà trong nhà, nằm yên tĩnh nhớ lại thì trong lòng cảm thấy, sao thuở nhỏ mình hèn hạ như vậy, sao lại đi ăn cắp của người ta để người ta phải khổ dữ vậy, không phải của mình mà đi lấy trộm, mình là người không xứng đáng… Càng yên tĩnh, càng hay ra, càng thấy rõ và càng cảm thấy xốn xang trong lòng. Chính tâm trạng đó cho chúng ta biết được việc làm đó là ác. Còn nếu quý vị lên xe nhường chỗ ngồi cho những người lớn tuổi. Xuống đò, những người nào yếu thì mình dìu họ đi. Hoặc gặp ai khó khăn, nếu trong khả năng có được thì giúp đỡ người khác… Về già ngồi gẫm nhớ lại những việc đó tự nhiên trong lòng thấy phấn chấn, vui vẻ thì biết được đó là việc làm thiện rồi. Tâm thái an tĩnh đó sẽ cho chúng ta biết được việc làm kia là thiện hay ác. Nhưng đợi làm rồi mới biết, già rồi mới hay ra thì đã quá muộn màn, không còn cơ hội sửa sai. Muốn sống tốt, chúng ta phải biết kịp thời việc làm đó là thiện hay ác ngay khi mình suy nghĩ, hành động. Muốn thế, phải có một tâm tỉnh giác thường trực mới cho chúng ta khả năng biết được kịp thời. Và giác biết thường trực, không mê lầm, đó là tu Phật. Chúng ta đã nhận biết như thế rồi thì hằng ngày nên bình tâm tỉnh trí để kiểm lại nội tâm của mình. Nếu cảm thấy điều gì đó chưa xứng đáng, biết việc làm đó chưa ổn thì nên sửa đổi. Điều gì xứng đáng rồi thì biết đó là việc tốt, chúng ta nên phát huy cho được tốt hơn. Ngay việc chọn nơi thị tịch của đức Phật chúng ta đã học được công hạnh dấn thân, cho ra thực sự. Khi quên mình để dấn thân, cho ra thì sẽ cảm nhận được niềm an vui, biết đó là việc làm cao thượng. Khi cõi lòng được an vui thanh thoát như vậy thì biết chúng ta đã học đúng theo thiện pháp, theo hạnh giác ngộ mà đức Phật đã chỉ dạy, sẽ đưa đến một đời sống an ổn, tươi vui.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.