Bài Học Từ Cuộc Đời Đức Phật

III. CẦN BIẾT CÁCH HỌC.

Đức Phật dạy, ví như người ăn xoài, phải biết bỏ đi vỏ và hột mà chỉ ăn phần cơm của nó. Nếu thấy xoài ngon rồi ăn luôn cả vỏ lẫn hột, đó là người không biết ăn xoài. Tương tự, khi học một điều gì đó thì phải biết chọn lựa học những kinh nghiệm được đúc kết lại, đã đưa đến thành tựu rồi chứ không nhất thiết phải tuần tự đi theo hết tất cả những gì người đó đã trải qua. Cũng vậy, chúng ta học theo cuộc đời đức Phật là học theo những kinh nghiệm Ngài đã trải qua, đã đúc kết thành tựu được trí giác tròn đủ. Hôm nay mình học theo để được giác ngộ, ngay trọng tâm trí giác để học, để tu, để đạt được như ngài. Không phải rập khuôn theo kiểu 100%. Theo kiểu thấy rằng trước khi thành Phật, Ngài là vị thái tử có gia đình rồi mới đi tu, bây giờ học theo Phật, mình cũng lập gia đình rồi mới đi tu. Không phải như vậy mà quý vị nào thấy đủ duyên thì có quyền đi tu sớm chứ không nhất thiết phải có gia đình rồi mới đi tu được. Không phải thấy đức Phật trước khi thành đạo ngài đã đi tu tiên rồi chúng ta bắt buột phải học theo, bây giờ mình cũng phải tìm mấy vị tiên để tu trước rồi mới tu Phật sau. Không nhất thiết phải như thế. Học theo kiểu đó là chúng ta không biết ăn xoài nên ăn luôn cả vỏ lẫn hột. Học theo cuộc đời đức Phật là chúng ta học những kinh nghiệm Ngài đã thị hiện trải qua, đúc kết lại cho mình thấy rõ kết quả, mặt nào nên tránh, điều gì nên học theo. Chúng ta phải biết tư duy học theo những kinh nghiệm của Ngài để ứng dụng tu tập đạt được kết quả như Ngài chứ không phải rập khuôn 100%. Cho nên thiền sư Quảng Trí ở Việt Nam có nói bài kệ:

…Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Nghĩa là, làm trai có chí xông trời thẳm, đừng có bước theo bước Như Lai đã đi qua. Cũng như con ngỗng chúa nó chỉ uống sữa và chừa nước lại. “Đừng theo” ở đây không có nghĩa là mình bỏ Phật mà Ngài khuyên chúng ta phải biết học Phật. Không nhất thiết phải rập khuôn 100% mà chỉ học lấy chất liệu giác ngộ mà đức thế tôn đã trải qua kinh nghiệm và chỉ lại cho chúng ta. Học được như vậy là chúng ta biết cách học theo cuộc đời giác ngộ của đức từ phụ chúng ta.

IV. KẾT LUẬN.

Một hôm, đức Phật cầm một nắm lá trong tay, hỏi ngài A-nan và đại chúng “Các vị thấy nắm lá trên tay đức Thế Tôn so với lá ngoài rừng là nhiều hay ít?”. Ngài A nan thưa: “Bạch đức Thế Tôn, nắm lá trên tay đức Thế Tôn là quá ít so với lá ngoài rừng.” Đức Phật bảo, cũng thế, những gì Ngài nói ra chỉ như nắm lá ở trong tay, còn những gì Ngài biết, Ngài cảm nhận được thì như lá ngoài rừng. Một số điểm quý Thầy vừa nêu qua, đó chỉ là một ít công hạnh bình dị, gần gũi để quý vị có thể dễ dàng học theo được thôi. Cuộc đời đức Phật còn vô vàn điều hay, chúng ta chưa đủ sức để học hỏi và làm theo hết được. Bài học từ cuộc đời đức Phật quá rộng lớn, sâu xa, chúng ta khó học hết. Chỉ đến khi nào thành Phật thì chúng ta mới cảm nhận hết được cảnh giới Phật, mới học xong bài học cuộc đời đức Phật. Cho nên, trong khả năng của mình, học một phần nào đó mà cảm nhận và thực hành được, đó là quý vị đã tu tiến. Tuy bài học cuộc đời đức Phật có dài, có nhiều, nhưng nếu chúng ta nhận chân, thể nghiệm, sống được bằng tâm giác ngộ, khi tâm giác tròn đủ là chúng ta đã học xong bài học của Ngài rồi.

Ngày Phật Đản, mùa Phật Đản chúng ta cảm niệm đến Ngài, tôn kính Ngài, cúng dường Ngài không gì hơn là cần phải biết học hỏi, tu tập theo công hạnh của Ngài để mình được giác ngộ phần nào. Đó là kết quả thiết thực nhất để chúng ta dâng lên cúng dường Ngài trong mùa Phật Đản.

Thích Tâm Hạnh – (Trụ Trì Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã)

Theo thuvienhoasen.org

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.