Cảm Nghĩ Nhân Lễ Vía Đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

Không hiểu từ lúc nào tôi đã có thói quen không bỏ được cho đến nay, thường sau buổi công phu tôi lập lại nhiều lần theo như lời Đức Đạt Lai Lạt Ma  “NAM MÔ NGŨ TRÍ NGHIÊM THÂN ĐẠI TRÍ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT (3)̣ (Vía Mùng 4 tháng tư âm lịch nhằm ngày 8/5/2019) kính mong cầu đến sự hộ trì giúp đỡ của Ngài để trí tuệ con ngày thêm được sáng suốt như Ngài” và tiếp theo là câu thần chú để khai mở trí tuệ OM A RA PA TSA NA DHI và tự tin rằng mình đã được chúc phúc.

Có lẽ tại tôi đọc nhiều kinh sách quá chăng ? Nhất là khi đọc các luận giải trong các kinh Đại thừa cho rằng Bồ tát Văn Thù là cách nhân cách hoá Trí tuệ của Đức Phật mà trí tuệ không phải là kiến thức mà trí tuệ thật sự phải là làm sao thấy được tính chất cốt yếu của mọi sự.vật và phải biết luật nhân quả vô thường để có thể áp dụng vào mọi hiện tượng và một khi có được trí tuệ đó thì ta có thể thực hành một cách đúng đắn trong mọi sự việc.

Hay tại tôi tôn thờ Ngài Đa Lai Lạt Ma như hình ảnh một bồ tát sống nên lập theo kiểu mẫu tâm linh của Ngài ?

Trong Phật Giáo Kim Cương Thừa, Ngài được coi như một vị thần thiền định. Tên tiếng Phạn “Manjushri” có thể dịch là “vinh quang ngọt ngào”, “vinh quang nhẹ nhàng” hoặc “Hoàng tử Manjushri”.

Các học giả đã xác định Văn Thù Sư Lợi là Bồ tát lâu đời nhất và quan trọng nhất trong Phật giáo Đại Thừa.

Ở Trung Quốc, Văn Thù Sư Lợi là một trong những vị Bồ tát rất được tôn trọng trong Phật giáo Đại thừa tuy nhiên trong Phậ giáo Nguyên thủy thì không được biết đến.

Phật tử gọi Ngài là Wenshu và ngọn núi thiêng liêng mà Ngài cư ngụ là WuTaiSan ( Ngũ đài Sơn ) ở tỉnh Sơn Tây, một trong 4 ngọn núi cổ kính của Trung Hoa.

Theo truyền thuyết Ngài Văn-thù được Phật Thích Ca đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp tại đây và Ngũ Đài Sơn chính là là nơi Bồ Tát thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Đài sơn cũng được xem là trụ xứ của Văn Thù Một thuyết khác bảo rằng, Bồ Tát đã từng xuất hiện tại Trung Quốc trong thế kỉ 1, đời Hán Minh Đế.

Theo học thuyết của Trung Quán Tông, Văn-thù là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương tiện tri thức.

Tranh tượng thường trình bày Bồ Tát Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát Nhã được vẽ khoảng ngang đầu. Người ta xem đó là biểu tượng trí huệ phá đêm tối của Vô minh và chúng ta thường thấy Ngài Văn-thù cưỡi trên một con sư tử.

Cũng không phải thế, phải có một kinh nghiệm nào trong bản thân hay một ý niệm nào trong vô thức từ lâu trong tôi rằng “Đối với một người có lòng tin sâu đậm và triệt để thì tự thân đức Phật đó hay Bồ tát sẽ đến nơi nào ta ở và trú tại đó với ta”.

Tuy nhiên sau này khi học Đạo lâu hơn tôi lại được biết tên một vị Bồ tát là biểu trưng cho một đức tính trong tâm ta và Ngài Văn Thù tiêu biểu cho Căn bản Trí, là lý tánh chân thật mà chúng ta có được sau khi đã bạch tịnh hoá 8 thức Tâm Vương của mình.

Và tôi còn nhớ trong vài luận giải Cổ Đức có dạy rằng: “Trên bước đường tu phải nhân định rằng Cõi Phật không có ranh giới. Giác ngộ tới đâu thì ranh giới cõi nước đến đó”.

Cũng như khi đọc trong phẩm Chúc lụy của kính Duy Ma Cật cho rằng “những ai nếu không nhiễm trước, không ngán sợ những kính điển thâm mật lại còn tin sâu và phát nguyện thọ trì và một khi họ đã nghe rồi thì lòng dạ trở nên trong sạch và họ hằng ngày đọc tụngtheo đúng như thuyết mà tu hành phải biết người đó tu lâu đạo”.

Các bạn thân mến khi tôi nghe được lời dâng đến Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát của HT Thích Nhất Hạnh thì tôi đã học theo và chiêm nghiệm tư duy, lấy đó làm tiêu chỉ cho mình hầu rèn luyện chút đạo đức tâm linh. Mời các bạn xem qua để nhận ra mình cùng đồng cảm với tôi chăng?

“Kính lạy Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin được học theo hạnh bồ tát của Ngài:


** BIẾT DỪNG LẠI VÀ NHÌN SÂU VÀO LÒNG NGƯỜI
** DÙNG GƯƠM TRÍ TUỆ CỦA NGÀI ĐỂ ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO ĐỂ GIẢI THOÁT KHỔ ĐAU CHO CHÚNG CON VÀ MỌI GIỚI”.

Chúng con xin nguyện :

• Tập nhìn với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con.

• Tập nhìn với con mắt không thành kiến.

• Tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng.

• Tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau và để thấy được Tự tánh Vô thường và Vô ngã của vạn vật.

Hẳn các bạn cũng như tôi đều thấy được sự nhiệm mầu của thần lực Bồ tát Văn Thù mà mình dù có cố gắng sửa mình nhiều kiếp lắm thì mới may ra có được 1/100 . Do đó cho nên mình cứ nguyện cầu với tất cả tín tâm… hy vọng một ngày nào… vì cái lý tánh chân thật đó nó luôn luôn có mặt mà đã có ai sống trọn vẹn với nó chưa?

Hơn thế nữa trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới tôi được nghe đến mười tâm nguyện rất rộng lớn của Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi như sau.

1- Tâm nguyện mong cầu tham kiến gần gũi phục vụ hết thảy các Chư Phật mà không bao giờ biết mệt mỏi.

2- Tích tập tất cả những thiện căn trong sáng mà không bao giờ biết mệt mỏi.

3- Học hết tất cả các Phật pháp mà không bao giờ biết mệt mỏi .

4- Thực hành tất cả Ba La Mật mà không bao giờ biết mệt mỏi.

5- Lần lượt thâm nhập tất cả Tam Thế Phật mà không bao giờ biết mệt mỏi.

6- Trang nghiêm thanh tịnh hết thế giới Phật mà không bao giờ biết mệt mỏi.

7- Thành tựu tất cả Tam muội của Bồ Tát mà không bao giờ biết mệt mỏi.

8- Giáo hoá và điều phục tất cả chúng sanh mà không bao giờ biết mệt mỏi.

9- Thành tựu Bồ Tát Hạnh trong tất cả các cõi Phật qua suốt vô số chu kỳ thời gian vô tận mà không bao giờ biết mệt mỏi.

10- Thực hiện tất cả vô số Ba La Mậtnhieefu bằng số hạt bụi trong vô số thế giới Phật.

Thành tựu tất cả mười uy lực của Đức Như Lại với mục đích là để cho tất cả chúng sáng được thành thục mà không bao giờ biết mệt mỏi.

Như vậy tôi thấy mình cứ tiếp tục cầu nguyện và tụng Thần chú của Ngài vì Cổ Đức có dạy rằng : Đà ra ni (thần chú) là cánh cửa mở ra cho ta tiếp nhận được năng lượng của Phật và Bồ Tát .

Đà ra ni còn là một lời nhắn nhủ rằng “CÁC VỊ PHẬT VÀ BỒ TÁT LUÔN LUÔN CÓ MẶT Ở ĐÓ, LUÔN LUÔN PHÁT RA TINH LỰC VÀ TÂM NGUYỆN để yểm trợ cho những ai đang trì niệm”. Phật và Bồ tát là những vị có định lực rất lớn, trong những giây phút mà các Ngài an trú trong tam muội lớn thì chứa đầy tinh lực của Từ Bi và Trí tuệ thì nó trở thành thần chú và khi ta nhiếp được ba nghiệp thanh tịnh thì ta sẽ nhận được sự yểm trợ đó
Phải chăng cũng là cách chúng ta thường nguyện cầu với Đức Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đức Phật Dược Sư và bổng nhiên tôi lại nhớ đến lời dạy của Tổ Lâm Tế mà mấy tuần nay khi học lại Lâm Tế Ngữ Lục qua tác phẩm Người Vô Sự của HT Thích Nhất Hạnh, Thầy có trích lời Tổ rằng:
“Này các bạn tu… Các vị rất cần tìm cầu cho được Chánh Kiến, đừng tìm cầu Phật và Bồ tát. Chư Phật và Tổ trong ba đời chỉ cầu Pháp mà… Pháp là Pháp của Tâm (trang 11) Tâm không hình thông suốt khắp 10 phương có diệu dụng ngay trước mắt, mỗi tâm niệm mà phát ra được ánh sáng thanh tịnh, ánh sáng vô phân biệt là các vị ấy hiện rõ ngay tại giây phút đó. Không nên đi tìm Văn Thù trên Ngũ Đài sơn, không nên đi tìm Quan Âm ngoài biển Nam Hải, không nên đi tìm Phổ Hiền ở Nga Mi Sơn. Các vị ấy làm gì có mặt trên đó. Các vị ấy đang có mặt tại đây, trong giờ phút này, trong Tâm chúng ta (trang 103).

Và Cố HT Thích Chơn Thiện trong phẩm Đà la ni của Kinh Pháp Hoa có viết rằng: “Đức Thế Tôn gián tiếp cho các Bồ tát nói lên thần chú để khích lệ những thính chúng với căn cơ còn non kém về giới, định, tuệ chưa tự mình xây dựng được tin, hiểu một cách vững chắc”. Ngài cũng xác định thêm rằng Đà la ni là những mật ngữ chứa mật nghĩa nếu ta biết được mật nghĩa thì ta sẽ thoát ly ý nghĩa, tức là ta sẽ dừng lại mọi ngã niệm hay nói một cách gián tiếp là CÓ SỰ THẬT Ở NGOÀI THẾ GIỚI Ý NGHĨA, nó là DIỆU NGHĨA ( DIỆU PHÁP ) và với tâm lý mong cầu Diệu Pháp của người học Đạo với niềm tin mãnh liệt có thể có sự cảm ứng với các năng lực hộ trì ở bên ngoài thì cũng sẽ tạo thắng lợi cho người học Đạo những điều kiện thuận lợi để đi vào Diệu Pháp…

Lời kết

Bây giờ tôi mới nhận thấy lời của vị Thầy tâm linh của tôi đã dạy rằng “Con ơi , nếu con áp dụng nhiều pháp môn nhưng con vẫn thấy viên dung vô ngại hợp với căn cơ và hoàn cảnh của con thì tại sao con phải thắc mắc !”

Câu nói này đã đi theo tôi từ đó và trong suốt những chuối ngày còn lại với tiêu chỉ “SỐNG ĐẠO ĐỨC, TRÍ TUỆ và LÀM LỢI ÍCH CHO MỌI NGƯỜI” nên tôi cứ thực hành những điều đúng với Chánh Pháp ( theo tri kiến của tôi ) nên không một ngày vía nào của các vị Phật, Bồ tát mà tôi không cúng dường và đảnh lễ hay đi đến những nơi có truyền thuyết lịch sử của các Ngài để an lạc với thế giới huyền diệu, tôn kính đang lơ lững hài hoà trong hư không…

Nhân ngày vía Đức Văn Thù, kính xin được bày tỏ cõi lòng mình bằng vài vần thơ tặng các bạn nhé…

Kính lạy Đức Đại Trí Văn Thù Bồ Tát,
Dù… chưa bạch hoá được tám thức Tâm Vương.
Nguyện với lòng bảo trì mãi… tánh Thiện Lương
Sống chân thành, khoan dung và tích cực !

Ước vọng kiên trì, hoàn thiện Đạo Đức,
Cùng Trí tuệ… làm sự nghiệp tâm linh .
Học theo hạnh Ngài… chặt đứt Vô minh,
Phúc lành… này xin cúng dường pháp giới .
Chia sẻ niềm hoan hỉ… người người phát khởi !

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.