Lên thuyền cùng Nam Lê

Bối rối trong một thế giới với những hoàn cảnh, những sự kiện vượt quá khả năng kiểm soát của mình, các nhân vật trong truyện của Nam Lê đều là những thân phận phải đối mặt và đấu tranh với nỗi sợ hãi của con người hiện đại.

Trương Quế Chi viết về tuyển tập truyện ngắn “Con thuyền” của nhà văn quốc tế gốc Việt – Nam Lê.

Giai thoại về tác giả là một dạng màu mè khó tránh đối với một nhà văn di cư. Văn chương của người viết hấp dẫn đơn thuần vì ngòi bút của chính họ hay vì có sự góp phần (có vẻ) tích cực từ cảm hứng câu chuyện xuất thân trắc trở? Nhìn vào các tác giả gốc Việt thành công trên văn đàn quốc tế như Trần Huy Minh, Monique Truong, Lê Thị Diễm Thúy,.. những câu chuyện được kể đã phần nào kiểm chứng hồ nghi này. Nam Lê tất nhiên không phải là ngoại lệ. Và mặc dù tác gia trẻ ngoài 30 tuổi này vẫn thích được gọi là “nhà văn Anh ngữ”, chúng ta rõ ràng khó lòng bỏ qua nhãn mác “nhà văn người Úc gốc Việt” khi bắt đầu tiếp cận với “Con thuyền” – tuyển tập truyện ngắn đầu tay được chào đón nồng nhiệt bởi công chúng và giới phê bình cùng rất nhiều giải thưởng văn chương quốc tế, được chọn chuyển ngữ sang gần 20 thứ tiếng.
Thành công vang dội của “Con thuyền”, hẳn ngoài sức tưởng tượng của Nam Lê, cũng chứng tỏ thành công của nhà văn trong hành trình thỏa thuận với sự “không ngoại lệ” của văn chương di cư. “Tôi vẫn chưa hiểu mối quan hệ giữa tôi với Việt Nam trong tư cách nhà văn. Tuyển tập này là một khát vọng để minh chứng: tôi càng lúc càng ổn hơn với các băn khoăn này”

Sự phản kháng cho tới sự thỏa thuận với khái niệm “văn học dân tộc” cùng triết lý, xác lập chủ đề văn chương của Nam Lê được thể hiện mạnh mẽ trong “Tình yêu và danh dự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hi sinh”, tác phẩm mở đầu tuyển tập gây ấn tượng như một tự truyện. Người cha, một thuyền nhân ở Úc sang Mỹ để thăm con trai duy nhất, một nhà văn tên Nam đang dự trại sáng tác tại Iowa. Bế tắc để viết truyện ngắn cuối cùng, dù đấu tranh để tránh sự “chán ớn” của văn học dân tộc “rặt mô tả thức ăn nước ngoài” nhưng trong sâu thẳm, Nam lại khao khát kết nối với sự hiện diện có phần xa lạ, có phần bi thương như kí ức gia đình của cha mình vì một lẽ đơn giản “Ông ấy là ba anh”. Trải nghiệm khó khăn cá nhân đưa Nam tới sự chấp thuận. “Quan trọng không phải ở chỗ bạn viết điều không ai có thể viết được mà là ở chỗ viết điều chỉ bạn có thể viết được”. Một truyện ngắn phản tư, viết để nói về việc viết, như nhân vật Nam hay như rất nhiều nhà văn di dân khác, Nam Lê tác giả vấn hỏi về “văn học dân tộc” và tìm ra cách duy nhất để giải đáp suy tư đó bằng việc trực diện với chính nó. “Trong một thời gian dài tôi thề rằng sẽ không vướng vào việc viết những câu chuyện về tính dân tộc, về dân nhập cư… Sau đó tôi nhận ra rằng không chỉ tôi đang chống lại những khao khát có thật, mà tôi còn chống lại chính sự phản kháng của mình”

Truyện ngắn đầu tiên trở thành lời hứa về một nhà văn gốc Việt không chỉ viết về người Việt, không phải một cố gắng khiên cưỡng mà là kết quả của sự trưởng thành về ý thức chất liệu“văn chương dân tộc”. Và người đọc đã không thất vọng qua hơn 300 trang viết, 6 truyện ngắn tiếp nối với kết cấu chặt chẽ có sức nặng như những tiếu thuyết thu nhỏ trong các bối cảnh địa lý bất ngờ, sự hóa thân thuyết phục trong những thân phận đối nghịch đa dạng thể hiện tài năng làm chủ trang viết hiếm có ở một nhà văn trẻ.

“Faulkner nói rằng chúng ta nên viết về những chân lý cổ điển. Tình yêu và danh dự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hi sinh”. Không chỉ là sự thông minh tài tình của việc xây dựng các tình tiết cao trào trong một cấu trúc được nghiên cứu kĩ lưỡng, chính sự thấu cảm sâu sắc đến từ nhà văn tới từng tấn cảnh của con người đã đưa “Con thuyền” của Nam Lê trở thành một con thuyền nhân văn. Một thiếu niên 14 tuổi hành nghề giết mướn ở Comlobia run rẩy đón nhận cái chết để hi sinh vì bằng hữu (Cartagena), một họa sĩ trung niên ở New York bị giày vò bởi bệnh trĩ và sự lạnh nhạt của cô con gái duy nhất đã xa cách 17 năm (Gặp Elise), một cậu học sinh trung học nơi heo hút nước Úc phải đối diện với nỗi sợ từ lời thách thức của tình địch sung mãnh cùng lúc với cái chết gần kề của mẹ ruột (Vịnh Halfl ead), một cô bé lớp ba người Nhật lơ mơ nghĩ về gia đình của mình trong thời khắc định mệnh khi chiếc máy bay B-29 đi vào địa phận thành phố Hiroshima (Hiroshima), một nữ luật sư người Mỹ thất tình sang Iran tìm bạn rốt cuộc hoang mang trước lựa chọn đánh đổi quyết liệt của cô bạn gái thân (Tiếng gọi Tehran), một thanh nữ người Việt vật lộn cả về thể chất lẫn tinh thần trên chuyến tàu vượt biên đầy sóng gió (Con thuyền). Bối rối trong một thế giới với những hoàn cảnh, những sự kiện vượt quá khả năng kiểm soát của mình, các nhân vật trong truyện của Nam Lê đều là những thân phận phải đối mặt và đấu tranh với nỗi sợ hãi của c on người hiện đại. Theo Mark Heidegger, nỗi sợ hãi này gắn liền với sự trăn trở của con người về sự xa lạ của thế giới, gắn liền với nhận thức về cái chết cũng như việc phải đối mặt để tồn tại trong thế giới không được kiến tạo cho mình, và cũng chính nỗi sợ hãi này chứng minh về khả năng xác thực của sự tồn tại mỗi cá nhân. Cái chết hiện diện dày đặc trong các truyện của Nam Lê: cái chết của người ruột thịt, cái chết của bạn hữu, cái chết của người yêu, cái chết của kẻ tử vì đạo, cái chết oan uổng, cái chết được dự báo, cái chết bất ngờ hay cái chết của chính bản thân mình… Sự phù du và mong manh của thân phận con người được lột tả khắc nghiệt qua một giọng văn điềm tĩnh, chắc chắn không do dự. Đan xen liên tục hồi tưởng cùng hiện tại, đan xen gần như lẫn lộn hội thoại cùng văn kể được thiết lập phần lớn từ các câu ngắn, cảm giác nhân vật được ưu tiên miêu tả bằng các gợi hình cụ thể, Nam Lê trở thành một nhà văn quan sát khách quan với câu chuyện do chính mình tạo nên ở một khoảng cách tinh tế vừa đủ để tạo ra sự công bằng, ngay cả trong những truyện được kể ở ngôi thứ nhất.

“Con thuyền” của Nam Lê lướt chuyển trên rất nhiều vùng nước đủ dạng, nước sông chảy qua những thành phốlớn, nước biển vùng chài mơ ước, nước biển vịnh quê hương, nước biển đại dương sâu thẳm, nước mưa, nước bão lớn, nước hồ, nước trong bồn tắm, nước chảy từ cống rãnh hay thậm chí nước mồ hôi nhễ nhại trên cơ thể con người. Nước trở thành một thành tố trôi chảy qua những câu chuyện, là tưởng tượng tuyệt diệu của truyện này hay là thiên nhiên tàn khốc trong một truyện khác. Nếu “những giấc mơ đều bắt nguồn từ bốn thành tố cơ bản” và Nước gợi mở những những khái niệm như Gaston Bachelard(3) nhận định thì ắt hẳn nó gắn liền với trí tưởng của Nam Lê, nơi Nước biểu trưng cho sự thanh tẩy, là gợi nhắc sâu thẳm về lòng mẹ như hiện thân của quê hương, là dòng lưu trung gian giữa sự sống và cái chết.

“Con thuyền”, truyện ngắn cuối cùng kể về một chuyến vượt biên quay lại đề tài không ngoại lệ của văn chương di trú nhưng văn phong của tác giả lại kiểm chứng cho sự thành công của hành trình xuyên suốt cả tập truyện. Nhà văn giờ đây đã có thể thấu suốt và thông hiểu một cách công bằng những số phận khắc khoải từ Columbia hay Nhật Bản, Mỹ hay Việt Nam.
Nam Lê đã trở thành một nhà văn quốc tế thay vì một nhà văn dân tộc. Còn những người đọc đã được nhà văn đưa lên thuyền cùng tất cả các thân phận đau đớn kia, có ai không chắc mình không là một thuyền nhân giữa thế giới này?

Bài: Trương Quế Chi

http://thegioicf.com/len-thuyen-cung-nam-le/

This entry was posted in Giáo Dục, Đời Sống. Bookmark the permalink.