Với dòng lịch sử hơn 2500 năm, nếu cứ lấy trung bình một thế hệ là 25 – 30 năm thì đạo Phật đã trải qua gần cả trăm thế hệ của nhân loại.
Trần Kiêm Đoàn Di thăm tích vườn Lâm Tỳ Ni và trụ đá A Dục Vương. Tháng 3-2018 (ảnh do tác giả cung cấp)
Đạo Phật thường được ví von như giòng suối vàng giải khổ, an nhiên đem lại Niềm Vui và Nụ Cười. Thời đại, hoàn cảnh, văn hóa, xã hội của từng bộ tộc hay quốc gia tuy không giống nhau về nội dung, hình thái và cảm xúc; nhưng hiện tượng và bản chất của lòng vui và nụ cười thì vẫn không có gì khác biệt.
Hơn 100 quốc gia và vài trăm nhóm chủng tộc trên toàn thế giới có hình ảnh Đức Phật đến viếng qua hình thức tôn giáo, chùa viện, tăng đoàn, đạo tràng, hội tâm linh, triết học hay thiền tập… Tuy mỗi thời và mỗi chỗ đều có nghi thức, phong cách và nếp sinh hoạt tâm linh khác nhau, thậm chí có khi hình tướng và pháp khí sử dụng khác nhau đến độ “choải” nhau (!) nhưng hiện tượng sóng nhỏ, sóng lớn hay gợn lăn tăn cũng chỉ là hình tướng lướt qua của một biển khơi với tự tánh thái hòa, an lạc. Và, đạo Phật cũng đã từng làm “nền” cho các hình thức tôn giáo khác kết hợp hay xen vào. Như đạo Phật ở Ấn Độ nhiễm vẻ thần thoại của Bà La Môn giáo; ở Trung Hoa phảng phất vẻ phiêu linh của Lão giáo và thế quyền của Khổng giáo; ở Nhật Bản có không khí quý tộc và anh kiệt của Thần Đạo; ở Việt Nam dính dấp với tín lý dân gian, thờ cúng ông bà và lễ nhạc đồng bóng… Cứ thế, có những thời kỳ và khung cảnh xã hội tưởng như Phật giáo không còn là Phật giáo. Thế nhưng, thoát ra ngoài những khuynh hướng và sự dính mắc, cuốn hút tự nhiên của hoàn cảnh và xu thế nhân gian, đạo Phật mà biểu tượng cao sâu nhất là Đức Phật đã vượt lên Tam Sơn và ra ngoài Tứ Hải.
Dù bị biến tướng suốt mấy nghìn năm và trải rộng khắp cùng trái đất nhưng bản chất Kim Cương của đạo Phật vẫn không hề thối chuyển bởi nguyên lý phát khởi và trường tồn của đạo Phật đồng nhất với chân lý Tánh Không, Vô Thường và Duyên Khởi. Con người có thể phủ nhận hay quay lưng với tia sáng nhưng không ai có thể chối bỏ mặt trời! Cũng như người ta có thể hữu thần hay vô thần hoặc thờ phụng hay chối bỏ Thượng Đế nhưng không ai có thể bác bỏ Lý Tánh Không của Phật giáo khi đứng trên cả ba phương vị: Khoa học thực nghiệm, luận lý triết học và niềm tin tâm linh.
Lần theo những dấu tích của giáo sử và lịch sử hình thành, phát triển nhân văn để ghi nhận rằng, những hình thức lễ nghi, cung nghinh và thờ phụng đạo Phật đã biến dịch và thay đổi dưới vô vàn hình thức. Nếu đạo Phật đã trải qua hàng trăm thế hệ, hàng nghìn triều đại và hàng hàng vạn hoàn cảnh xã hội thì cách tiếp cận cũng như hoằng dương và truyền thừa Phật giáo cũng có thiên hình vạn trạng hình thái khác nhau.
Chúng ta đang sống và sinh hoạt với một đạo Phật Việt Nam của thế hệ thuộc khung thời gian vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Đạo Phật đến với đời sống tinh thần Việt Nam tự nhiên và nhẹ nhàng trong nền văn hóa làng xã. Hình ảnh Đình, Chùa, Miếu, Vũ đã thấm vào mạch đất văn hóa truyền thống Việt Nam.
Gần 75 năm sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong khung trời văn hóa Phật giáo một nửa bên Đông và một nửa bên Đoài, bản thân cá nhân khiêm tốn của kẻ viết những dòng nầy chỉ thấy mình được nhận thêm ân sủng của một tôn giáo diệu kỳ: Đi cũng là đến, cho cũng là nhận và có cũng là không. Bởi Đạo là Con Đường nên có lúc đường vắng, đường đông, đường xa, đường gần, đường phong quang, đường trơn trợt… là chuyện hiển nhiên thường tình. Tôi không dễ dàng tự an ủi hay phán đoán theo kiểu bùa chú như khi không vui thì cho rằng thời “mạt pháp”. Thịnh pháp hay mạt pháp là hai mặt âm dương, sáng tối của cùng một đồng tiền. Nếu chỉ có một mặt thì e rằng… tiền giả!
Tuy nhiên, những ngày chuẩn bị đón mừng Phật Đản như hôm nay, người Phật tử hay Thân hữu của đạo Phật thường có những kỷ niệm và ước mơ về một ngày vui đón mừng ngày đức Phật ra đời.
Sau những năm dài chiến tranh khốn khó, hiệp định Geneve chấm dứt chiến tranh, phân chia hai miền Nam Bắc. Phật Đản năm 1955 là lần đầu tiên trong đoạn đời tuổi trẻ của chúng tôi, lễ Phật Đản được tổ chức tự do tại các vùng quê miền Nam trong không khí hòa bình, an lạc. Ở vùng quê Thừa Thiên Huế và hầu như khắp nước thời ấy, làng nào cũng có một mái chùa hay Niệm Phật Đường và một Khuôn Hội Phật Giáo và tiến lên theo hàng dọc thì có Liên Khuôn (đơn vị xã) và Tỉnh Hội (đơn vị tỉnh). Và cứ mỗi lần Phật Đản, bản văn mà chúng tôi lắng lòng nghe đi, nghe lại bằng tất cả tâm hồn là Thông Điệp Phật Đản. Đó là thời kỳ mà mỗi mùa Phật Đản đều mang lại nguồn suối mát tâm linh cho con người và tạo vật. Lễ rước Phật từ các khuôn hội địa phương đến lễ đài Phật Đản liên khuôn với điệu hát Đăng Đàn Cung “Vui mừng gặp ngày nay mồng 8 tháng 4…” và những câu khẩu hiệu chơn chất như khoai sắn: “Tinh thần Phật giáo bất diệt!”, “Ngày mồng 8 tháng Tư muôn năm!”… vẫn còn dư âm huyền diệu trong lòng người Phật tử thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam chúng tôi.
Rồi bát phong, chướng nạn dập dồn. Những thông điệp từ bi, diệu hòa của những mùa Phật Đản bắt đầu lấm tấm bụi trần. Đó là khi Phật giáo bắt đầu phân hóa. Con đường Phá Ngã diệu kỳ của đạo Phật biến tướng dần thành con đường tham sân Chấp Ngã (ngã sở, ngã chấp, ngã mạn, ngã tham, ngã sân, ngã si…) Cái Tôi sừng sững chắn lối thiện tâm và cài khóa vô môn quan che khuất cửa thiền.
Những năm gần đây, đến mùa Phật Đản, những “thông điệp Phật Đản” được gởi qua những mạng lưới xã hội hay các trang mạng online không còn là sự đợi chờ tươi mát trong tâm tư người Phật tử; nếu không muốn nói là “tránh nghe, tránh đọc” để khỏi đối diện với nỗi dị ứng tự nhiên của cảm xúc tâm linh và tâm hồn. Sự “hiện diện mà vắng bóng” của những Thông Điệp Phật Đản mỗi ngày một se thắt có nhiều lý do, nhưng tiêu biểu và đậm nét nhất là do sự phân hóa từ trong nội bộ và bị hoàn cảnh lôi kéo, dập vùi.
Phân hóa là một hiện tượng xã hội phổ cập và rõ nét nhất của thời đại mới.
Theo một tiến trình bình thường thì có sự “phân công” tự nhiên và khách quan trong thiên nhiên, trong khoa học, trong dòng sống… khi có sự thay đổi về cơ cấu và phận sự. Chia rẽ, phân hóa, tản mạn, ly khai là hiện tượng thường thấy khi điều kiện và hoàn cảnh thay đổi quá nhanh trong khi thực trạng và các hiện thể – chủ thể và đối tượng – không thay đổi kịp thời nên bị mất thời gian tính (tụt hậu?). Ví như thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật và truyền thông đại chúng diễn biến nhanh như điện, đòi hỏi sự phân công, phân nhiệm, chuyên môn hóa… ứng hợp kịp thời của thế kỷ 21. Nếu không có sự chuyển biến mà vẫn an nhiên “ngủ khì” trong những khái niệm cổ xưa, truyền thống của thế kỷ 19 và 20 thì sự phân hóa sẽ diễn ra như một phản ứng tất nhiên của sự ly khai giữa hai lực kéo của tiến bộ và lực trì của lạc hậu.
Trong mọi hoàn cảnh, bao giờ hai khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ cũng có hiện tượng tương tác chì chiết lên nhau.
Có những giá trị đạo đức và luân lý xã hội vang bóng một thời. Nhưng tới một thời điểm nào đó, thiếu sự chuyển biến và vận dụng thì hướng tích cực sẽ trở thành tiêu cực. Thí dụ như điểm tựa xương sống của sinh hoạt đoàn thể xưa nay là khái niệm Đoàn Kết. Nhưng nội dung đoàn kết truyền thống cao đẹp một thời về sau này lại mang theo những hệ lụy “nhất trí”, “bất khả phân” mà trong thực tế không bao giờ có nên phải áp đặt cho có, cho trở thành khả thi là cả một sự thoái trào về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy.
Chẳng hạn như trong lãnh vực nhân sự ngày nay mà vẫn còn chấp chặt vào khái niệm một chiều của khẩu hiệu “Đoàn Kết” (Sắp hàng một sau lưng tôi và nhất nhất tin theo tôi, làm theo lệnh tôi…) hoặc là “Thống Nhất” theo kiểu áp bức (Sao y bản chánh. Khâm tuân giáo chỉ. Y giáo phụng hành) thì chỉ tạo ra sự khủng hoảng lãnh đạo và thui chột nhân sự ngày càng nghiêm trọng hơn mà thôi. Hệ lụy không tránh khỏi là tình trạng “khủng hoảng thừa nhân sự” song song với “khủng hoảng thiếu lãnh đạo” bởi tác dụng của quá trình đem khẩu hiệu, ảo tưởng một chiều để ứng dụng vào thực tế sinh động, muôn chiều là tạo ra khủng hoảng. Trong một tình trạng bế tắc vì khủng hoảng nhân sự như thế, nếu bất chấp nhân tính thì chỉ còn con đường mà Heinrich Himmler, cánh tay phải của Hitler, đưa ra cách giải quyết Đức Quốc Xã như y đã nhấn mạnh trong “The Long Knives and the Final Solution” là phải dùng “chính sách độc tài và bạo lực đàn áp, thủ tiêu để giải quyết như một giải pháp sau cùng.” Lịch sử đã lên tiếng!
Nhưng một đạo Phật theo hướng từ bi, trí tuệ cũng như hàng Phật tử thuần thành, trung chính thì hẳn nhiên sẽ không bao giờ dính tới độc tài và bạo lực. Trong lúc đạo Phật lấy Tâm làm đầu. Miệng đoàn kết mà tâm phân hóa thì còn tệ hơn là nhìn vào thực tế phân hóa đẻ còn cơ hóa giải.
Mùa Phật Đản năm nay, hàng Phật tử Việt Nam bình thường tại gia trong cũng như ngoài nước đã được đọc qua ít nhất cũng 5 “Thông Điệp Phật Đản” xuất phát từ hàng giáo phẩm lãnh đạo (được bổ nhiệm hay chỉ định là lãnh đạo hoặc tự tấn phong là lãnh đạo…) nhưng chưa thấy bản văn nào hội đủ Hương Đạo Vàng của những lời minh tâm, trí huệ và ái ngữ như thường thấy trong các Thông Điệp của những mùa Phật Đản ngày tháng cũ, tuy mới đó mà đã thành xa xưa (?!)
Phật giáo Việt Nam đang đứng trước sự thách thức của thời đại mới. Đó là sự cập nhật về kiến thức và thông tin kết hợp với sự vận dụng mềm dẽo, linh động về phương pháp luận thích nghi với hoàn cảnh để ứng dụng trong ba lãnh vực then chốt: Thế giới tinh thần, cơ sở vật chất và thắp sáng đức tin.
Thế giới tinh thần vững vàng thì tu hành không thối chuyển.
Cơ sở vật chất vừa tầm, hợp lý thì tu hành không vọng động.
Tín tâm xác lập rõ ràng thì tu hành thanh tịnh để tự độ và độ tha.
Trước tình hình “hậu Big Bang 1975” các chùa viện, bộ phái, nhân sự của đạo Phật Việt Nam được ví như những thiên hà vũ trụ sau Big Bang đâu đó 14 tỷ năm về trước. Có những lực nội tại và ngoại vi đẩy vô số đối thể ra càng lúc càng xa. Nếu không thay đổi quan niệm mới mà vẫn khư khư đòi cho được một khối cấu trúc “tiền Big Bang” sẽ rơi vào vùng ảo tưởng. Nếu chúng ta tạm thời thay đổi khái niệm thông thoáng hơn, đừng dính chùm, dính cứng vào một đạo Phật Việt Nam Thống Nhất (Unified) như năm 1964. Thêm vào đó là quan niệm hình thành một đạo Phật Liên Hợp (United) cho thời hiện tại thì may ra tìm thấy những ánh sáng cuối đường hầm. Suốt 44 năm qua, bao nhiêu cố gắng của chư Tăng Ni, Cư sĩ, Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử và Phật tử nói chung đã tốn quá nhiều thời gian và tâm lực vận động hóa giải cho tình trạng phân hóa mỗi ngày một trầm trọng và nặng nề hơn. Nhưng kết quả vẫn còn là một câu hỏi hơn là tìm ra được câu trả lời cho vấn nạn phân hóa, phân tranh. Chúng ta đã dùng sai Phương Pháp Luận cho nỗ lực hoá giải rồi chăng?
Ngày nay, mỗi đơn vị sinh hoạt tôn giáo Phật giáo như chùa viện, đoàn thể, nhóm phái, đạo tràng… vô hình chung trở thành một “giáo hội” thu nhỏ vì tự có đủ các yếu tố cơ bản của một giáo hội như: Quần chúng, địa bàn, lãnh đạo, tài chánh, cơ sở vật chất, tư cách pháp lý. Thậm chí, mỗi đơn vị còn có riêng những hình thức nghi lễ, kinh sách, điều lệ và các phương tiện tự cung, tự quản. Độc lập mà thiếu mối quan tâm chung là mầm mống của tình trạng chia rẽ như một hậu luận.
Mọi hình thức tổ chức và đoàn thể khi có sự biến tướng, chệch hướng và ly khai thì cần phải có sự chấn chỉnh, chấn hưng. Tuy nhiên, thời thế khác thì phương tiện cũng phải linh động vận dụng cho hợp thời, hợp cảnh. Tinh thần và phương thức chấn hưng Phật giáo thời Cư sĩ Lê Đình Thám vào những năm 1950 không thể là mô thức để phỏng theo mà chỉ còn là một tài liệu tốt để tham khảo.
Thế hệ chiến tranh Việt Nam (tạm phân định là những người Việt sinh từ những năm 1930 đến 1970) đang lão hóa và lần lượt ra đi. Đây là một thế hệ còn tồn tại tương đối có nhiều tâm huyết nhất với những sinh hoạt của đạo Phật Việt Nam.
Ước mơ của những người Phật tử trong Thế hệ Chiến Tranh Việt Nam trước khi vĩnh viễn ra đi là còn được nghe lại – ít nhất là một lần – Thông Điệp Phật Đản đượm nhuần mưa Pháp của tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ và Ái Ngữ.
Trần Kiêm Đoàn (Sacramento, mùa Phật Đản 2563-2019)