Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 1 – 2

QUYỂN NHÌ

ÐOẠN VIII

CHỈ TÍNH-THẤY KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT

Khi bấy giờ ông A-nan cùng cả đại-chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư-thái, nghĩ mình từ vô-thủy đến nay, bỏ mất bản-tâm, lầm-nhận sự phân-biệt bóng-dáng tiền-trần làm tâm, ngày nay được khai-ngộ như em bé mất sữa, bỗng gặp mẹ hiền, chấp tay lễ Phật, xin đức Như-lai, ở nơi thân tâm, chỉ ra chỗ chân chỗ vọng, chỗ hư chỗ thật, ở nơi hiện-tiền phát-minh ra hai tính sinh-diệt, và không sinh-diệt.

Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Trước tôi chưa được vâng nghe lời Phật dạy-bảo, tôi thấy bọn Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi-tử đều nói thân này chết rồi là mất hẳn và gọi đó là Niết-bàn; nay tuy được gặp Phật nhưng tôi vẫn còn hồ-nghi, xin Phật chỉ rõ thế nào chứng-biết tính không sinh-diệt nơi tâm này. Hiện nay các hàng hữu-lậu trong đại-chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy.”

Phật bảo: “Ðại-vương, thân ông hiện đó, nay tôi hỏi ông: Cái nhục-thân đó của ông có như kim-cương thường còn, không hư-hỏng hay lại cũng biến-đổi và tan-rã?

– Bạch Thế-tôn, thân tôi hiện nay rốt-cuộc về sau cũng thay-đổi và tiêu-diệt”.

Phật bảo: “Ðaị-vương, ông chưa hề bị diệt, làm sao lại biết được là phải diệt?

– Bạch Thế-tôn, cái thân vô-thường thay-đổi của tôi đây, tuy chưa hề bị diệt; song tôi xét nó hiện nay niệm-niệm dời-đổi, mãi mãi không thôi như lửa thành tro, lần lần tiêu mất; vì tiêu mất, mãi mãi không dừng nên tôi biết chắc thân này rồi phải diệt mất”.

Phật dạy: “Ðúng thế, Ðại-vương, tuổi-tác của ông nay đã già-yếu, vậy mặt mày của ông so với lúc còn bé thì như thế nào?

– Bạch Thế-tôn, lúc tôi bé nhỏ, da thịt mớn-mơ, đến khi trưởng-thành, huyết-khí sung-túc; nay thì tuổi già, ngày thêm suy-yếu, hình-sắc khô-gầy, tinh-thần lẫn-lộn, tóc bạc mặt nhăn, chừng sống không được bao lâu nữa, so-sánh sao được với lúc đương còn trẻ-mạnh!”

Phật bảo: “Ðại-vương, hình-dung của ông, nào phải đương trẻ mà già liền đâu?”

Vua bạch: “Thưa Thế-tôn, sự biến-hóa thầm-thầm dời-đổi, tôi thật không hay; nắng mưa thấm-thoát, lần đến thế này. Vì sao? Khi 20 tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng mặt mày của tôi đã già hơn khi 10 tuổi; khi 30 tuổi lại sút hơn lúc 20 tuổi và đến nay đã 60 lại thêm hai tuổi, trông lại lúc 50 tuổi, còn khỏe-mạnh hơn nhiều. Bạch Thế-tôn, tôi thấy thầm-thầm dời-đổi như thế; thân này đến nay tuy đã suy-yếu, nhưng trong sự thay-đổi, còn chia từng 10 năm. Nếu tôi suy-xét chín-chắn hơn nữa thì cái biến-đổi ấy đâu phải từng một kỷ, thật là mỗi năm mỗi thay-đổi; lại đâu mỗi năm mỗi thay-đổi mà cũng là mỗi tháng mỗi biến-hóa; lại không những mỗi tháng mỗi biến-hóa mà còn mỗi ngày mỗi đổi-thay; xét cho cùng, nghĩ cho kỹ, trong mỗi sát-na, trong mỗi niệm, nó không thể đứng yên, vậy nên tôi biết thân tôi rốt-cuộc phải biến-đổi và tiêu-diệt”.

Phật bảo: “Ðại-vương, ông thấy biến-hóa dời-đổi không ngừng, ngộ biết là phải diệt; vậy trong lúc diệt đó, ông có biết trong thân có cái gì không diệt chăng?”

Vua Ba-tư-nặc chấp tay bạch Phật: “Thật tôi không biết”.

Phật bảo: “Nay tôi chỉ cho ông cái tính không sinh-diệt, Ðại-vương, khi ông mấy tuổi, mới thấy nước sông Hằng”.

Vua bạch: “Khi tôi ba tuổi, mẹ tôi dắt đi yết-lễ thần Kỳ-bà-thiên thì đã đi qua sông ấy; lúc đó tôi liền biết là nước sông Hằng”.

Phật bảo: “Ðại-vương, như lời ông nói: Lúc 20 tuổi thì sút hơn lúc lên 10, cho đến nay đã 60 tuổi, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ, dời-đổi mãi mãi; vậy khi ông 3 tuổi thấy nước sông ấy, rồi đến khi 13 tuổi thì nước ấy thế nào?”

Vua bạch: “Tôi thấy nước ấy cũng giống khi 3 tuổi, như nhau không khác và đến nay tuổi đã 62, cũng vẫn không khác”.

Phật bảo: “Nay ông xét mình đầu bạc mặt nhăn, mặt ông chắc là nhăn hơn lúc trẻ; vậy cái thấy hiện nay của ông thấy sông Hằng so với cái thấy lúc nhỏ thấy sông Hằng, có già trẻ gì không?”

Vua bạch: “Thưa Thế-tôn, không”.

Phật bảo: “Ðại-vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa hề bị nhăn; cái bị nhăn thì thay-đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay-đổi. Cái thay-đổi thì phải diệt, còn cái không thay-đổi kia, vốn không sinh-diệt, làm sao trong ấy, lại nhận sống cái chết của ông, mà ông còn dẫn những thuyết của bọn Mạt-già-lê kia bảo rằng thân này chết rồi diệt hẳn”.

Vua nghe lời Phật dạy như vậy, tin-biết về sau bỏ thân này qua thân khác, cùng với đại-chúng nhảy-nhót vui-mừng, được cái chưa từng có.

ÐOẠN IX

CHỈ CHỖ TRÁI-NGƯỢC

Ông A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật chấp tay, quỳ dài bạch Phật: “Thưa Thế-tôn, nếu cái thấy nghe đó thật không sinh-diệt thì làm sao đức Thế-tôn lại gọi bọn chúng tôi bỏ mất chân-tính, làm việc trái-ngược? Xin Phật mở lòng từ-bi, rửa sạch trần-cấu cho chúng tôi”.

Khi ấy Ðức Như-lai ruỗi cánh tay kim-sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo ông A-nan rằng: “Ông nay thấy tay Mẫu-đà-la tôi là chính hay là ngược?”

Ông A-nan bạch: “Chúng-sinh thế-gian cho đó là ngược, còn tôi thì không biết thế nào là chính, thế nào là ngược”.

Phật bảo ông A-nan: “Nếu người thế-gian cho đó là ngược, thì người thế-gian gọi thế nào là chính?”

Ông A-nan bạch Phật: “Ðức Như-lai đưa cánh tay lên, tay Ðâu-la-miên chỉ lên trên không thì gọi là chính”.

Phật liền giơ cánh tay lên và bảo ông A-nan rằng: “Cái trái-ngược như thế, chỉ là đầu đuôi thay-đổi lẫn nhau; các người thế-gian lắp đi lắp lại mà xem thấy. Nay lấy cái thân ông và pháp-thân thanh-tịnh của chư Như-lai, so theo đó mà phát-minh, thì thân của Như-lai gọi là chính-biến-tri, thân của các ông gọi là tính trái-ngược; tùy ông xét kỹ nơi thân ông và thân Phật, cái gọi là trái-ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là trái-ngược?”

Khi ấy ông A-Nan cùng cả đại chúng chăm-chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay-động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái-ngược. Phật phát-lòng từ-bi, thương-xót ông A-nan và đại-chúng, phát tiếng hải-triều, khắp bảo trong Hội: “Các thiện-nam-tử, tôi thường nói rằng: “Sắc, tâm, các duyên và các tâm-sở, các pháp sở-duyên, đều duy tâm-tính biến-hiện. Thân ông, tâm ông đều là những vật hiện ra trong tâm-tính. Làm sao các ông lại bỏ mất tâm-tính quý-báu ấy, nhận cái mê trong ngộ. Mê-muội thành có hư-không, trong hư-không mê-muội ấy, kết cái mê-muội thành ra có sắc; sắc xen với vọng-tưởng; tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay-động bên trong, giong-ruổi theo cảnh-vật bên ngoài; rồi lấy cái tướng mờ-mịt lăng-xăng đó làm tâm-tính. Một phen lầm cái tướng ấy làm tâm thì quyết-định lầm cho rằng tâm ở trong sắc-thân, mà không biết sắc-thân, cho đến núi sông, hư-không, đất liền bên ngoài đều là những vật hiện trong tâm-tính; ví-như bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong-lặng, chỉ nhận một cái bọt nước; rồi cho nó là toàn hết cả nước, cùng-tột các biển lớn. Bọn ông tức là những người mê-lầm nhiều lớp, như cánh tay tôi rủ xuống, không có sai khác. Như-lai gọi là đáng thương-xót đó”.

ĐOẠN X

LỰA-BỎ TÂM PHAN-DUYÊN ĐỂ CHỈ TÍNH-THẤY KHÔNG THỂ TRẢ VỀ ĐÂU

Chi I. – Trình-bày chỗ ngộ, nhưng chưa dám tự-nhận.

Ông A-nan vâng nghe lời Phật từ-bi cứu-độ dạy bảo, khóc lóc tréo tay mà bạch Phật rằng: “Tuy tôi vâng nghe diệu-âm của Phật như vậy, ngộ được chỗ thường-trụ viên-mãn sẵn có của tâm-tính, nhưng tôi ngộ được pháp-âm của Phật vừa dạy là tôi hiện lấy tâm phan-duyên mà thỏa-mãn chỗ ước-mong. Tôi luống được tâm ấy, chưa dám nhận là tâm-tính bản-lai; mong Phật thương xót, tuyên lời viên-âm, nhổ gốc nghi-ngờ của tôi, đem về đạo vô thượng.”

Chi 2. – Trách còn nhận ngón tay chỉ để lựa ra tâm phân-biệt đều đã có chỗ trả về.

Phật bảo ông A-nan: “Bọn ông còn lấy tâm phan-duyên mà nghe pháp thì cái pháp nhận được đó cũng chỉ là sở-duyên, chứ không phải nhận được pháp-tính. Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thì người kia lẽ ra phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Nếu như người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng thì người ấy chẳng những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay chỉ nữa. Vì sao? Vì nhận ngón tay chỉ làm mặt trăng vậy. Đâu những bỏ mất ngón tay lại cũng không phân biệt được sáng và tối. Vì sao? Vì lấy ngón tay tối làm mặt trăng sáng thì không rõ biết được hai tính sáng tối. Ông cũng như vậy. Nếu lấy cái phân-biệt pháp-âm tôi làm tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời cái phân-biệt tiếng nói, có tính phân-biệt.

Ví như người khách ngủ trọ quán trạm, ở tạm rồi đi, rốt cuộc ở mãi không được, còn người giữ trạm thì không đi đâu, gọi là chủ trạm. Tâm cũng như vậy, nếu thật tâm ông thì không đi đâu, làm sao rời cái tiếng, lại không có tính phân-biệt? Nói như thế chẳng những đối với tâm phân-biệt các tiếng; cái phân-biệt hình-dung của tôi, rời các sắc-tướng, cũng không có tính phân-biệt; như vậy cho đến cái phân-biệt đều không, không phải sắc, không phải không, mà bọn Câu-xá-ly lầm là minh-đế, thì rời các pháp-trần, cũng không tính phân-biệt. Như vậy tâm-tính của ông đều có chỗ trả về, lấy gì mà làm chủ?”

Chỉ 3. – Khai thị cái thấy không chỗ trả về.

Ông A-nan bạch: “Như tâm-tính của tôi đều có chỗ trả về, thì tâm-tính của Như-lai dạy, làm sao lại không có chỗ trả về? Xin Phật thương-xót chỉ bảo cho tôi điều ấy.”

Phật bảo ông A-nan: “Hãy lấy cái tính thấy của ông thấy tôi đây. Tính thấy ấy tuy không phải là tâm-tính như mặt trăng thứ hai không phải thật là mặt trăng. Ông hãy nghe cho chín, nay tôi chỉ cho ông cái nghĩa không thể trả về.

A-nan, đại-giảng-đường này mở rộng phương Đông, khi mặt trời lên thì sáng, nửa đêm vắng trăng, mây mù mờ-mịt thì lại tối-tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông-suốt; chỗ có tường nhà thì thấy ngăn bịt; chỗ phân-biệt được, thấy cảnh sắc-duyên; trong chỗ rỗng trống, toàn là hư-không; cảnh tượng mù-mịt khi bụi nổi lên; mưa tạnh trời thanh lại thấy trong sạch.

A-nan, ông đều xem rõ các tướng biến-hóa ấy, nay tôi trả các tướng ấy về chỗ bản-nhân của nó. Thế nào là bản-nhân? A-nan, trong các tướng biến-hóa, cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì không mặt trời thì không sáng, nguyên-nhân cái sáng thuộc về mặt trời, cho nên trả cho mặt trời. Cái tối trả về cho trăng tối, thông-suốt trả về cho các cửa, ngăn-bịt trả về cho tường nhà, sắc-duyên trả về cho phân-biệt, rỗng trống trả về cho hư-không, mù-mịt trả về cho bụi, trong sáng trả về cho tạnh, và trong thế-gian có những cái gì, cũng không ra ngoài mấy loại ấy.

Còn cái tính-thấy của ông thấy tám thứ kia thì ông định trả về đâu. Vì sao? Nếu trả về cho sáng thì lúc không sáng lại không thấy tối, nay tuy các thứ sáng tối có sai khác, cái thấy không có sai khác. Các cái thấy có thể trả về tự nhiên không phải là ông, còn cái không thể trả về được thì không phải là ông mà là ai nữa? Vậy thì biết tâm ông vốn là nhiệm-mầu trong sạch sáng-suốt, ông tự mê-lầm, bỏ mất tính bản-nhiên mà chịu luân-hồi, thường bị chìm đắm trong bể sống chết, nên Như-lai gọi là đáng thương xót”.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.