Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 3 – 5

Chi 9. – Thu thức-đại.

“A-nan, thức-đại không có nguồn-gốc, nhân nơi sáu thứ căn, trần giả-dối phát ra. Nay ông hãy xem khắp thánh-chúng trong Hội này; ông dùng con mắt lướt qua, mắt ông trông khắp, chỉ như bóng trong gương, không phân-tách riêng-biệt. Cái thức ông, trong ấy theo thứ lớp chỉ ra đây là ông Văn-thù, đây là ông Phú-lâu-na, đây là ông Mục-kiền-liên, đây là ông Tu-bồ-đề, đây là ông Xá-lỵ-phất. Cái thức nhận-biết như thế sinh ra do cái thấy, do các tướng, do hư-không, hay không nhân gì bỗng-nhiên sinh ra?

A-nan, nếu cái thức của ông sinh ra do cái thấy; mà như không có các tướng sáng, tối và sắc, không, thì không còn cái thấy của ông; cái thấy còn không có, do đâu mà phát ra được cái thức? Nếu cái thức của ông sinh ra do các tướng, chứ không do cái thấy, thì đã không thấy sáng, cũng không thấy tối; sáng và tối đã không thấy, thì cũng không có sắc, không; các tướng kia còn không có, thì cái thức do đâu mà phát ra? Nếu cái thức sinh ra do hư-không, ngoài các tướng và ngoài cái thấy, thì ngoài cái thấy không có cảm-giác, tự-nhiên không thể biết được cái sáng, cái tối, các sắc-tướng và hư-không; ngoài các tướng, thì không có các duyên của tiền-trần, sự thấy, nghe, hay, biết, không do đâu mà thành-lập được. Ngoài hai thứ căn trần ra, nếu là không, thì cũng đồng như không có, còn nếu là có, thì cũng không đồng như các vật, dầu cho phát ra cái thức của ông, thì đem ra mà phân-biệt cái gì?

Nếu cái thức không nhân gì bỗng-nhiên mà phát ra, làm sao lại không phân-biệt mặt trăng sáng, trong lúc mặt trời đứng bóng?

Ông hãy xét kỹ, nhận-xét chín-chắn, cái thấy gá vào mắt của ông, các tướng thì trả về cho tiền-cảnh, cái gì có thể hình-trạng được, thì mới thành có, cái gì không có tướng, thì thành ra không; còn cái thức như vậy, nhân đâu mà ra?

Cái thức thì lay-động, cái thấy thì đứng-lặng, không phải hòa, không phải hợp, cho đến các sự nghe, ngửi, hay, biết, cũng đều như vậy. Không lẽ cái thức nhận-biết không do đâu mà phát ra.

Nếu cái thức đó không do đâu, thì nên biết cái thức-đại nhận-biết và cái căn-đại thấy, nghe, hay, biết, vẳng-lặng cùng khắp, bản-tính không nương vào đâu mà có; hai món đại ấy cùng với hư-không, địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là bảy đại, tính thật là viên-dung, vốn là tính Như-lai-tạng, không sinh, không diệt.

A-nan, tâm ông nông-nổi, không ngộ được cái nhận-biết các điều thấy-nghe, vốn là tính Như-lai-tạng. Ông hãy xét sáu cái thức là đồng hay là khác, là không hay là có, là không phải đồng, không phải khác, hay không phải không, không phải có. Ông vốn không biết trong Như-lai-tạng, cái thức nơi tâm-tính là cái tác-dụng nhận-biết của tính-minh bản-giác, và tính-minh bản-giác thật là chân-tính của thức-đại; bản-giác diệu-minh yên-lặng cùng khắp pháp-giới, ẩn-hiện thập-phương hư-không, đâu có chỗ ở, theo nghiệp mà phát-hiện. Thế-gian không biết, lầm là nhân-duyên, và tính tự-nhiên, đều là những so-đo phân-biệt của ý-thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân-thật”.

ĐOẠN VII

GIÁC-NGỘ VÀ PHÁT-NGUYỆN

Khi bấy giờ, ông A-nan và cả đại-chúng nhờ Phật nhiệm-mầu chỉ-bày, thân tâm vắng-lặng, không điều ngăn-ngại. Cả trong đại-chúng đó, mỗi người tự biết tâm-tính cùng khắp mười phương, trông mười phương hư-không như xem cái vật, cái lá nắm trong bàn tay; tất-cả những vật có ra trong thế-gian, đều tức là tâm-tính Bồ-đề nhiệm-mầu sáng-suốt. Tâm-tính viên-mãn cùng khắp, trùm-chứa mười phương, trở lại xem cái thân cha mẹ sinh ra cũng như trong mười phương hư-không kia, thổi một vi-trần, dầu còn, dầu mất, chẳng khác biển lớn yên-lặng, nổi lên một bọt nước, dầu sinh hay diệt, cũng không dính-dáng gì. Rõ vậy tự biết-nhận được tâm-tính bản-lai thường-trụ không diệt, lễ Phật chấp tay, được cái chưa từng có, ở trước đức Như-lai, nói bài kệ tán-thán Phật:

“Đức Thế-tôn bất-động,
Tổng-trì tính diệu-trạm,
Nói pháp Thủ-lăng-nghiêm,
Thật hy-hữu trong đời,
Khiến chúng tôi tiêu-diệt
Vọng-tưởng trong ức-kiếp,
Không trải qua tăng-kỳ
Mà chứng được pháp-thân.
Nguyện nay đã chứng-quả
Thành được vị Bảo-vương
Lại hóa-độ như thế
Cho cả hằng-sa chúng.
Đem thâm-tâm phụng-sự
Cõi nước như vi-trần,
Làm được như vậy mới
Gọi là báo ơn Phật.
Cúi xin đức Thế-tôn
Chứng-minh cho chúng tôi,
Thệ-nguyện quyết vào trước
Trong ngũ-trược ác-thế;
Nếu còn một chúng-sinh
Chưa thành được Phật-đạo,
Quyết không ở nơi đó
Chịu chứng-quả Niết-Bàn.
Kính thưa đức Đại-Hùng,
Đại-lực, Đại-Từ-Bi,
Trông-mong lại xét-trừ
Những điều lầm nhỏ-nhiệm,
Cho chúng tôi sớm lên
Đến bậc Vô-Thượng-Giác,
Nơi thập phương thế-giới
Ngồi đạo-trường thuyết-pháp.
Tính hư-không bất-diệt
Dầu có thể tiêu-mất,
Tâm-nguyện chắc-chắn này,
Quyết không hề lay-động.”

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.