Nghĩa Chữ Cho

Thưa các Ngài,

Nhà hiền-triết Socrate xưa, giảng luận về luân-lý, thường lấy việc giải-thích làm đầu. Ý-tưởng hình như tầm thường, mà thật sâu xa. Trong trường ngôn luận, biết bao người nói mà không biết nói gì, khác nào con đười-ươi trong chuyện ngụ ngôn, khoe mãi cái đẹp rực-rỡ của chiếc đèn kéo quân, mà quên không thắp đèn lên cho người thấy, chữ “cho” là một trong những cái đèn ta cần phải thắp.

Người nầy nói: “cho” là cử chỉ khờ dại của những người ngờ-nghệch như cừu, không biết đời là một cuộc tranh đấu mà phần thắng riêng dành cho những kẻ khéo lợi dụng. Người kia kính cẩn đổi chữ “cho” làm chữ “hy-sinh”, nêu lên làm hiệu-lịnh, rồi hăng hái đánh trống phất cờ…

Nhưng sau những cuộc tranh-luận hay những buổi hô-hào nhiệt-liệt đó, người ta vẫn mù-mờ, vẫn băn-khoăn, người ta e sợ vì mù-mờ, người ta rụt-rè vì băn-khoăn, rồi ai nấy lại chuồi theo dòng sống cũ.

Cho; ừ, nhưng cho gì? Cho ai? Và thế nào là cho? Có người bảo: Khốn-nạn! Nhà giàu thì dễ làm phúc, tôi nghèo không có chỗ đất cắm dùi, còn gì mà anh bảo cho!

Tôi nghĩ, và chắc anh em ai cũng nghĩ như tôi: Một người có lòng nhân bao giờ cũng sẵn của đem cho. Ai là người chưa cảm thấy, ít nữa một lần trong đời mình, huyết-mạch trong người trào lên, như nhựa mạnh trong cây, tay chân giãn ra như muốn cùng ai gánh vác, trí huệ bùng lên như ngọn lửa nồng, và lòng tươi mở rộng muốn đón rước cả không gian? Những lúc đó, ta cảm thấy ta là người sướng nhất, giàu nhất thế-giới; và nếu ta biết nghĩ, ta sẽ không bao giờ quên, những của tiềm tàng trong người ta, ta sẽ nói trên quả đất nầy không người nào thiếu của quí, và cái tuổi hai-mươi thật là cái tuổi của những người giàu nhất đời.

Khổng-Miệt là cháu đức Khổng-Tử, Bật-tử-Tiện là học trò đức Khổng-Tử, hai người cùng làm quan một thời. Đức Khổng-Tử qua chơi Khổng-Miệt, hỏi: “Từ khi ngươi ra làm quan, được những điều gì, mất những điều gì?” Khổng-Miệt thưa: “Từ khi tôi ra làm quan, chưa được điều gì mà đã mất ba điều: Việc quan bận, không có thời giờ học-tập, vì thế học-tập không tấn-tới; bổng lộc ít, không đủ chu-cấp cho họ-hàng, vì thế họ-hàng không thân-thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế đạo ăn ở với bầu-bạn không trọn-vẹn”.

Sau Ngài đến chơi Bật-tử-Tiện lại đem câu ấy ra hỏi. Bật-tử-Tiện thưa: “Từ khi tôi ra làm quan, chưa mất điều gì mà đã được ba điều: Những điều trước học, nay đem ra thực-hành, vì thế mà học càng rõ; bổng-lộc dù bạc, cũng có thể chu-cấp ít nhiều cho họ-hàng, vì thế họ-hàng càng gần; việc quan tuy bận, song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế bầu-bạn càng thân”.

Cũng là làm quan, mà một đàng mất, một đàng được, thế mới hay “cho” được hay không, chỉ do tự mình.

Trong một buổi thuyết-pháp, đức Thích-Ca có kể cho các hàng Tì-khưu nghe một câu chuyện về đức từ-bi của Ngài: “Trong một kiếp trước, ta là một con thỏ rừng, không hề làm hại ai, ta sống chung với một con khỉ, một con lang, một con rái cá. Ta dạy cho chúng biết bổn-phận, và chỉ vẽ cho chúng hai đường thiện-ác”. Một ngày lễ, ta bảo chúng: “Hôm nay là ngày lễ, các anh sắp sẵn thực-phẩm để bố-thí cho những người hiền”. Chúng kẻ nào kẻ nấy lo đi tìm các thức. Riêng ta ngồi lại, không biết lấy gì mà cho; ta không có đậu, không có gạo, không có dầu, ta suốt đời chỉ ăn cỏ. Một thầy Bà-la-môn chợt đến trước cửa hang ta. Ta trù-trừ một lúc rồi bảo: “Hôm nay ông đến đây, tôi hiến ông một vật quí lắm, chắc hẳn chưa bao giờ ai cho ông. Ông hãy đi lượm củi rồi nhóm lửa lên. Lửa vừa nhóm lên, ta lăn vào giữa đống củi đỏ rực; lửa hồng giải bao nỗi ưu-phiền của ta, như làn nước mát làm tan cơn bức. Da thịt, gân xương, tạng-phủ, tất cả thân ta, ta đem hiến cho thầy Bà-la-môn”.

Gần ta hơn và dễ tưởng-tượng hơn, là các Hướng-đạo sinh, những người trai trẻ suốt đời thề giữ câu châm ngôn: “Sẵn-sàng” và “giúp-đỡ”. Người Hướng-đạo hoàn-toàn là người ra đời với nụ cười tươi, với lòng hăng hái trong sạch, với thân hình mạnh-khỏe dẻo-dai, với chân tay khéo-léo, với trí-huệ sáng-suốt lanh-chai, tất cả chừng ấy thứ của báu để cho đời. Sẵn-sàng, giúp-đỡ, sẵn-sàng để mà giúp, để mà cho, đó là mục-đích bao giờ họ cũng nghĩ đến khi họ tìm, học, tu-luyện tinh-thần, tâm-tính và thể-chất, cả đến khi họ hát nữa, vì hát, thưa anh em, hát cũng là cho, cho tiếng của mình, bước đầu của sự cho tất cả thân, tất cả tâm hồn mình.

Họ hiểu rằng “cho” theo nghĩa cao quí của nó, là một việc khó. Cho đâu có phải bao giờ cũng dễ dàng, như người móc túi lấy xu cho ăn mày: Nói như Platon người ta phải cho như người ta phải sống, với tất cả tâm-hồn mình. Biết cho là một tánh cách của thanh-niên.

Một hiền-nhân La-Mã nói: “Juvenes dicuntur quia juvare possunt,” một câu dịch không được nhưng đành tạm giải: “người ta gọi họ là thanh-niên, vì họ có thể cho, có thể giúp”. Cho tức là muốn người ta bằng mình ra ngoài mình mà nghĩ đến người ta.

Trong Hướng-đạo-đoàn, người Tráng-sinh phải làm “lễ lên đường” trước khi ra sống một đời độc lập; lên đường, tức là biết ra khỏi nhà mình, ra khỏi mình, rũ sạch lòng vị-kỷ nhỏ-nhen, lòng ham muốn chật hẹp; có lên đường, mới thực-hành được rốt ráo câu châm ngôn: suốt đời giúp-đỡ.

Có những người cả đời chỉ vụ lợi, có những tâm-hồn không bao giờ lên cao, chỉ bo bo mình với mình; những người ấy không bao giờ cho ai, dù có phân phát hàng nghìn, hàng vạn. Người đi khắp núi cùng sông mà không chịu mở rộng tầm con mắt, đến đâu cũng đem theo những tư-tưởng xám nghịt, những thành-kiến dày đặc của mình, thì đối với kẻ du-dú xó nhà, nào có khác gì? Cho tức là yêu, hiểu theo nghĩa rộng và đẹp.

“Đạo Phật là một đạo đáng ghét, dã-man, vì khuyến thiện mà không cho ta biết tự-do, khuyến từ-bi mà không dạy lòng nhân-ái”. Đọc câu nầy của Barthélemy Saint Hilaire, tôi chỉ ngạc nhiên, và không hiểu tại sao người ta có thể tưởng-tượng một đức từ-bi mà không nhân-ái, một sự bố-thí hoàn toàn mà không đẫm lòng yêu. Cho tức là yêu. Xưa ngươi Khoa-Phụ đuổi bóng mặt trời, đuổi đến chỗ trời đất cùng-cực, hết sức mới thôi. Tôi muốn anh em thấy trong chữ “cho” cái hăng hái bồng bột của ngươi Khoa-Phụ.

Nhưng đến đây tôi dừng lại, vì thấy mình đi đã quá xa. Cái khôn-ngoan của người phải chăng chỉ làm bằng cách dung-hòa những cái trái-ngược? Ta phải hăng hái mà cho, nhưng lại phải e-dè mà cho.

Có người nước Yên, sinh ở nước Yên, lớn lên sang ở nước Sở, đến lúc già trở về cố-quốc. Khi đi qua nước Tấn, bạn cùng đi đường chỉ vào cái thành, nói đùa: “Đây là thành nước Yên. Anh ta buồn rầu khác hẳn sắc mặt. Chỉ vào nền xã nói: ” Đây là nền xã làng anh. Anh ta rũ-rợi, rơm rớm nước mắt. Chỉ vào cái gò, nói: “Đây là mồ-mả ông cha anh”. Anh ta òa lên khóc. Bọn cùng đi, ai nấy phì cười, bảo cho anh ta biết là bị chơi khăm. Đến lúc về nước Yên, anh ta trông thật là thành, xã, nước Yên, thật là nhà cửa mồ mả của ông cha, lòng cảm-thương lại hờ hững không còn được như trước nữa. Mối cảm-tình đã dùng lầm, đã cho lầm, thì sau nầy không còn được như trước. Biết bao người đã vì thế mà làm cho lòng mình khô-héo, quái-gở, chẳng khác mấy cô gái hồi Đảo-chính bên Pháp, đi xem một cuộc tử-hình thảm-khốc, mà chỉ thương nỗi nhọc-nhằn của người đao-phủ-thủ. Những tai hại của sự cho lầm có thể lớn hơn. Báo chí đã đăng nhiều, các nhà đạo-đức đã than nhiều về các cô gái tơ, quá ngây thơ cho lầm tấm yêu, làm hỏng cả một đời, ta nhắc làm gì những chuyện quá thường. Nhà thi-sĩ đã khéo ví mình với cây thông, tung phấn vàng theo gió cho khắp bốn phương trời. Nhưng tiếng thông reo bên sườn đồi, phải chăng là một tiếng hận nghìn thu, tiếc than những bột phấn nõn-nà đã bay lạc quá nhiều xuống sông xuống cát, rồi mục, rồi nát dần.

Người ta khổ vì cho không phải cách,

Yêu sai nơi và mến chẳng nhằm người.

Nhưng thôi, nói về đạo-đức mà quá chuộng thi-thơ là một cái hại. Chúng ta đều là những nhà nông, có những hạt giống chắc tốt, ta nên chọn đất mà gieo, đó là tất cả ý tôi muốn nói. Với tất cả lòng hăng-hái vô biên của Khoa-Phụ, ta sẽ không đi đuổi theo một lý-tưởng viển-vông nào. Rồi như Khoa-Phụ chết khát sau khi uống cạn nước sông Vị-Hà. Ta nhìn vào thực-tế. Với tất cả sinh lực dồi-dào ta đã nung-đúc ta nhận chỗ mà cho.

Một khi đã chọn chỗ mà cho, và đã biết “cho” tức là yêu, một khi đã biết dung-hòa cảm-tình và lý-trí, một khi tâm hồn đã giàu mạnh, anh em ta hãy mạnh bạo dấn bước lên đường. Đừng ngần-ngại, đừng rụt-rè. Người biết cho hãy còn ít lắm, mà người và vật đang khát cho rất nhiều.

Tôi không cần nhắc anh em nhớ tới những người lầm-than đang kéo lê đời trong bùn lầy nước đọng, tới những người khao-khát một nụ cười, một chút tình thương. Với một cái nhìn, ta có thể cho nhiều hơn một người cự-phú. Xã-hội, gia-đình chỉ sống với tình thương, với cách biết cho.

Biết cho, ta sẽ cải-tạo ta, cải-tạo gia-đình và xã-hội, mà không cần phất cờ đánh trống theo một chủ-nghĩa quá-khích nào. Mọi vật cũng đang cầu ta cho. Muốn hiểu thấu đáo một ý-tưởng, ta phải đi ra ngoài ta, đặt mình vào nguồn tư-tưởng của người nghĩ, ta phải cho một ít cảm-tình. Mỗi lần dở ra một quyển sách mới đọc qua mà tôi muốn hiểu, tôi như cảm thấy mấy trang sách phập-phồng dưới ngón tay, mấy hàng chữ như run lên, đang chờ đợi một mối cảm tình của tôi đến cho, để cùng hòa hiệp mà bay đi, như hương quyện theo gió.

Ta sẽ không ngần ngại vì không có gì cho, vì không có ai để cho, ta cũng không ngần ngại vì sợ việc ta làm vô ích. Thấy chỗ đáng cho, ta cứ đem cho tất cả những của ta có thể san sẻ, điểm vào một mối cảm tình; đừng so đo, đừng suy tính. Trong vũ-trụ vô thường của chúng ta, cái gì cũng biến đổi nhưng không có gì mất hẳn. Một ngôi sao tan vỡ đã hơn mấy nghìn năm, nhưng ánh sáng vẫn khắc-khoải chạy mãi trên không và biết đâu chiều nay chẳng nhấp-nháy trên vòm trời? Một hột gạo để trong mộ từ ba nghìn năm về trước mà còn nẩy mầm, còn sinh cây được, nhờ một tia ánh sáng mặt trời, một giọt nước, thì ta còn ngần ngại gì? Luật nhân-quả đâu phải là không có?

Tôi không muốn nói đến cái lợi của sự biết cho. Tôi không muốn nói, theo luân lý vụ lợi của nhiều người: đem cho tức là biệt tính. Tôi muốn nói: có đem cho mới phát-triển được cái bản-năng của mình một cách cùng cực. Có biết cho mới hưởng được cái vui thanh cao khiến ta làm bổn phận với một tấm lòng nhẹ-nhàng. Có một người đi cày làm cả ngày mệt, đến chiều về lại vác trên vai một bó lúa nặng, đi được một quãng ngồi phịch xuống bên đường thở; anh thấy đường dài vác nặng mà nản. Nhưng một con dế tình cờ ở giữa bó lúa, và tỉ-tê ca. Tiếng ca đó làm phấn khởi lòng người vác nặng, anh hăng hái đứng lên: Nỗi vui thanh cao của anh ta sẽ là con dế đó. Phận sự ta sẽ là bó lúa biết ca kia. Người biết cho là người biết ra ngoài mình, cho tấm lòng thán-phục, tức là nhìn lên trên mình; giúp đỡ mọi người, làm cho mọi người vui vẻ, tức là nhìn ra quanh mình; thương người tức là nhìn xuống dưới mình. Quên ta mới thấy được chân tướng của ta, đó là lời của nhiều nhà văn nhân, sau những cuộc thí nghiệm nặng nề. Quên mình mới đến được chân hạnh-phúc, đó là ý của anh Điền và anh Thừa đã giải tỏ lần trước, với một giọng chân thành tha thiết.

Tôi còn biết nói gì nữa… Những gương sáng của các bậc vĩ-nhân ở khắp các nước, đã hùng hồn hơn tôi, đã giải nghĩa rõ hơn tôi cái ý-nghĩa hay của lời một người cha khuyên con: “Con ơi! Đã nhiều lần con mong ước được sống một đời lớn lao. Nhưng con đã lầm vì con còn muốn giữ đời ấy riêng phần con. Con sẽ là vĩ-nhân, đời con sẽ lớn lao nếu con biết đem đời con hiến cho mọi người…”.

Hơn mọi lời biện bạch, đức Thích-Ca đã chỉ rõ cho ta cái sức “cho” của ta, cái cách “cho” rộng hơn hết, rốt ráo hơn hết. Là một vị Hoàng-Tử trẻ tuổi, giàu sang. Ngài thấy sự cho của Ngài còn hẹp; đi tu, nhận được Như-Lai tạng tánh, Ngài tìm được đường giải-thoát, chỉ cho chúng-sinh phép diệt-khổ, tỉ-mỉ đặt từng thang bậc cho từng hạng người. Lòng từ-bi của Ngài vô lượng, như ngọn lửa, phân phát không bao giờ cùng. Một cử-chỉ, một lời thuyết pháp, nhỏ nhặt của Ngài, đều hàm xúc lòng từ-bi mạnh mẽ đó. “Đem một bát nước cho con chó đang khát, quí hơn đem cúng ta trăm phẩm quả”, đó là một lời nói của Ngài.

“Tất cả các phương tiện chúng sanh dùng để mong thành chánh-quả, không bằng một phần nhỏ của tấm lòng thương chân thật; ánh sáng của tất cả các vì sao không bằng một phần nhỏ của ánh sáng trăng. Tấm lòng từ-bi thanh tịnh chói sáng, rực-rỡ, át cả mọi phương-tiện nhỏ nhen”.

Khi nào đời ta chói rạng ánh sáng đó, khi nào ta biết cho, ta mới hiểu nghĩa của đời ta, ta mới thật là thanh-niên. Thế nào là một người trẻ tuổi. Tôi không ngần-ngại trả lời: “Một người trẻ tuổi là một người sống mà rọi sáng”. Ít ra đó cũng là ý-nghĩa chung của anh em đoàn ta khi đặt chữ “nhân-ái” vào câu châm ngôn.

Bài giảng trong ban Phật-Học Đức-Dục ngày 4 Mai 1941

Giảng giả: Nguyễn Hữu Quán ( TRONG BAN PHẬT-HỌC ĐỨC-DỤC)

http://buddhahome.net/phatphap/tongquat/nghiachucho.htm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.