Phương Pháp Dạy Con Khi Mang Thai

Kinh văn, quyển chú giải, trang 56:“Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế trung, Diêm Phù Đề nội, Sát Lợi Bà la môn, trưởng giả cư sĩ, nhất thiết nhân đẳng.

Cập dị tánh chủng tộc, hữu tân sản giả, hoặc nam hoặc nữ, thất nhật chi trung, tảo dữ độc tụng, thử bất tư nghì kinh điển.Cánh vi niệm Bồ Tát danh, khả mãn vạn thiên biến, thị tân sanh tử, hoặc nam hoặc nữ, túc hữu ương báo, tiện đắc giải thoát. An lạc dị dưỡng, thọ mạng tăng trưởng, nhược thị thừa phúc sanh giả, chuyển tăng an lạc, cập dữ thọ mạng.”

Nguyên lý thai sanh

Đoạn kinh trên nói về lúc sinh nở, cần phải tu phước như thế nào? Y học hiện đại phát triển hơn xưa rất nhiều, việc sinh nở cũng an toàn yên tâm hơn ngày xưa. Thời xưa, đặc biệt ở nông thôn, những khu vực lạc hậu kém phát triển, việc sinh nở thực sự liên quan đến mạng sống con người, cho nên đức Phật đặc biệt quan tâm nhắc nhở, dạy chúng ta phải tu học thế nào, làm sao để đảm bảo bình yên cho cả mẹ lẫn con.

Trong kinh, đức Phật dạy: Quan hệ gia đình vô cùng mật thiết, chắc chắn phải có nhân duyên sâu sắc. Không phải tụ chung một cách ngẫu nhiên. Đức Phật đã phân chia nhân duyên phức tạp đó thành bốn loại, đó là: Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, vì thế mà quy tụ thành người một gia đình. Cha con, anh chị em, không thể tách rời quan hệ này.

Ngạn ngữ thường nói: “Không phải oan gia không chung nhà”, câu nói này rất có lý. Tuy nhiên sau khi giác ngộ, người cả nhà liền trở thành quyến thuộc pháp lữ, thật không gì thù thắng hơn. Còn không giác ngộ, thì gia đình sẽ liên tiếp xảy ra ân oán xen kẽ báo ứng lẫn nhau. Cả nhà chịu khổ sở không nói ra được. Dù sao, trả ơn thì hiếm, báo oán thì nhiều; trả nợ thì ít, đòi nợ thì nhiều. Cho nên cả đời làm người trên thế gian, thường xuyên thấy không hài lòng như ý.

Quả báo luôn bình đẳng, bất kể sang hèn giàu nghèo. Kinh đã ví dụ, Sát lợi là hoàng tộc của Ấn Độ xưa; Bà la môn cũng là giai cấp tôn giáo có địa vị cao trong xã hội bấy giờ; trưởng giả cư sĩ là người có nhiều phước báu; tiếp theo là tất cả mọi người và các họ tộc khác. Phạm vi bao gồm rất rộng, trong đó có đầy đủ bốn giai cấp trên.

Người Á đông thường nói “Phú quý bần tiện, bất kể thân phận thế nào, không luận địa vị ra sao, việc sinh nở cũng không thể tránh khỏi”. Hơn nữa, đau đớn trong sinh nở là hoàn toàn bình đẳng. Người giàu được chăm sóc có phần đầy đủ hơn, người nghèo khó được chăm sóc kém hơn. Nói cho cùng, đau đớn không thể nào tránh được.

Phương pháp dạy bảo thai nhi

Phật giáo hướng dẫn chúng ta phương pháp, trong vòng bảy ngày, sớm đọc tụng bộ kinh bất khả tư nghì này. Tốt nhất là đọc sớm. Khi biết có thai liền nên đọc, mỗi ngày đọc tụng một bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, hoặc niệm nghìn câu danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Cần phải dùng tâm chân thành cung kính để tụng niệm thì phước báu sẽ vô cùng to lớn.

Cho dù đứa bé trong thai đến gia đình để báo oán, là oan gia trái chủ, nhưng vì chúng ta chăm sóc đứa bé như thế thì oan kết cũng sẽ được hóa giải. Do chúng ta có ân với nó thì nó không còn báo oán nữa mà chuyển thành báo ân.

Chuyển biến phải ngay từ thời gian đầu. Kinh nhấn mạnh, chậm nhất cũng phải vào bảy ngày trước khi sinh. Đương nhiên càng sớm càng tốt. Khi chúng ta hiểu được đạo lý này, biết được phương pháp này, tốt nhất đọc tụng ngay khi biết mình có thai, y theo phương pháp mà tu hành.

Đối với người làm mẹ, cần tâm bình khí hòa, chân thành, cung kính, thanh tịnh, bình đẳng, vì khởi tâm động niệm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Điều này, nếu nói theo lý luận khoa học hiện đại thì càng dễ hiểu hơn. Đây thuộc về hiện tượng vận động của sóng.

Sơ luận sự vận hành của sóng

Phật pháp nói, cũng như thế giới Tây Phương Cực Lạc, tất cả pháp đều phát ra ánh sáng, không những con người có thể phóng quang mà vạn vật cũng phóng quang. Cực Lạc thế giới ánh sáng soi khắp, ánh sáng thế giới chúng ta cũng phóng quang rọi khắp. Giả sử tất cả mọi người trên thế gian không có ánh sáng soi khắp, vạn vật không như Cực Lạc Thế Giới được ánh sáng chiếu khắp như thế, thì “Nhất chân pháp giới” trở thành mâu thuẫn. Làm gì có chuyện nơi này đặc biệt sáng hơn, còn nơi khác lại không có ánh sáng, như vậy làm sao giải thích cho thông suốt? “Nhất chân pháp giới” là bao gồm cả pháp giới của chúng ta, không có đạo lý rời khỏi pháp giới này.

Đọc đoạn kinh, chúng ta phải hiểu rằng, nơi có ánh sáng soi khắp thì mỗi người đều có thể cảm nhận được. Nơi chúng ta cũng có ánh sáng soi khắp nhưng chỉ vì chúng ta không có cảm giác mà thôi. Tại sao chúng ta không có cảm giác? Vì tâm không thanh tịnh, tâm quá loạn, vọng niệm quá nhiều nên không thể cảm nhận được cảnh giới như thế. Thế gian này cùng Cực Lạc thế giới và Hoa Tạng thế giới không hề khác biệt. Nói theo vật lý học hiện đại càng dễ lý giải hơn. Ánh sáng là hiện tượng hoạt động của sóng, chỉ cần có hoạt động là có sóng. Khoa học hiện tại gọi là sóng, nhà Phật gọi là ánh sáng. Cho nên ánh sáng chính là sóng, bao gồm tất cả vật chất. Vật chất đã hình thành như thế nào? Phân tích đến tận cùng, vật chất là nguyên tử proton, neutron. Những hạt cơ bản như thế đều luôn chuyển động. Đức Phật không cần có những thiết bị khoa học hiện đại, ngài vẫn nhìn thấy rõ ràng hiện tượng sóng và hạt mà những thiết bị tiên tiến nhất hiện nay chưa thể quan sát được. Ngài thuyết giảng một cách uyển chuyển tường tận, nói ra thực tướng của sự vật, nhưng chúng ta phần lớn không tin, không chấp nhận, dù cách nói của đức Phật rất vi diệu, sâu sắc, gọi là thiện xảo, là phương tiện khéo léo.

Khi đức Phật nói về hiện tượng vật chất đã nói rõ bốn nguyên tắc “Đất nước gió lửa”. Đất nước gió lửa là vật chất căn bản, là hạt cơ bản mà khoa học hiện nay đang nói. Đất là tướng trạng của vật chất, cái con người có thể nhìn thấy. Đất đại diện cho vật thể. Mắt trần chúng ta không thể nhìn thấy hạt. Dưới kính hiển vi có độ phân giải cao liền nhìn thấy được tướng trạng của hạt này. Đức Phật không cần thiết bị gì cả, mắt của ngài “Ngũ nhãn viên minh”, nhạy bén hơn chúng ta rất nhiều, có thể thấy thứ mà phàm phu chúng ta không thể nhìn thấy.

Thế thì vật chất cơ bản được cấu thành như thế nào? Luôn mang nguồn điện, cho nên, lửa, hỏa đại, chính là điện dương; nước, thủy đại là điện âm, ngôn ngữ chúng ta dùng hiện nay là nhiệt độ và ẩm độ. Còn gió là trạng thái hoạt động, không đứng yên. Vật chất cơ bản là hết thảy hiện tượng của tất cả vật chất, bao gồm tổ chức tế bào trong con người. Như vậy thử nghĩ xem, làm gì có hiện tượng đứng yên. Hạt cơ bản luôn luôn hoạt động, động sinh ra sóng. Lý thuyết và thực tế đều chứng minh năng lượng của sóng lan rộng tận hư không biến pháp giới. Trời đất vạn vật, chúng sanh đông như thế, khởi tâm động niệm, thì sóng đó càng hiển thị rõ ràng, phạm vị ảnh hưởng càng rộng hơn, trong khi sóng của vật chất còn tương đối nhỏ hẹp. Hiểu được điều này, chúng ta liền nhận ra trong không gian cuộc sống của chúng ta, sóng hoạt động phức tạp dường nào.

Kinh Phật dạy, với thiện niệm, thiện tâm, sóng phát ra ổn định nhẹ nhàng, sau khi tiếp xúc được với sóng này, con người sanh tâm hoan hỷ, có cảm giác dịu dàng thoải mái. Còn khởi ác niệm, ác tâm, sóng động rất mãnh liệt, phát ra giao động mạnh, tiếp xúc với sóng này sẽ thấy khó chịu cả người. Ngày nay, hiện tượng như thế gọi là từ trường. Người luyện khí công ở Trung Quốc cũng cùng một trạng thái như thế, cho nên gọi là “khí” cũng được. Phật pháp gọi là ánh sáng, sóng động, từ trường, cùng một trạng thái.

Do đây có thể biết, khi thần thức đến đầu thai, nó có ý niệm, có sóng, cho nên khởi tâm động niệm và hành động của người mẹ đều ảnh hưởng đến thai. Ngày xưa, Trung Quốc luôn chú ý đến thai giáo. Thai giáo trong sách cổ ghi lại một số nguyên lý, nhưng nói không tường tận chi tiết, không được thấu đáo, đọc xong còn nửa tin nửa ngờ, không thấy được tính nghiêm trọng của ảnh hưởng này, và cũng khó hiểu.

Hôm nay chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật về sóng, thì sẽ biết được mỗi khởi tâm động niệm đều ảnh hưởng đến thai nhi rất nhiều. Nên trong thời gian người mẹ mang thai, nếu khởi tâm động niệm thiện, thanh tịnh thì thai nhi sẽ nhận được rất nhiều lợi lạc.

Người nào cũng mong muốn con cái mình ngoan giỏi, là con thảo cháu hiền. Vậy làm thế nào dạy chúng? Ngay trong lúc mang thai, chính bản thân chúng ta phải thực hành tận hiếu thảo, sóng hiếu thảo đó sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Chúng ta tu thanh tịnh, tu phước, như vậy mới thật sự gieo cho thai nhi hạt giống tốt về sau. Đạo lý này có thật, không có gì mê tín cả.

Vì sao đức Phật khuyên chúng ta đọc bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện?

Vì bộ kinh này là hiếu kinh, tinh thần của bộ kinh có thể tóm lược thành bốn chữ “Hiếu thân tôn sư”. “Hiếu thân tôn sư” là cương lĩnh dạy học của thế xuất thế gian, cũng là căn bản nền tảng.

Chúng ta tu học Phật pháp Đại thừa bắt đầu từ đâu? Chính từ Bồ Tát Địa Tạng. Địa là tâm địa, tạng là bảo tàng. Bảo tàng quý giá trong tâm địa là trí tuệ vô lượng, phước đức vô lượng và khả năng vô lượng. Bảo tàng hạt châu vốn có trong tự tánh của chúng ta, vì thế mà gọi là Địa Tạng. Bảo tàng chôn dưới lòng đất, cũng như vàng bạc, khoáng sản, nếu không biết khai thác thì vẫn nằm sâu dưới đất, tuy có nhưng không thể hưởng dùng.

Chúng ta cần phải biết khai thác bảo tàng trong tự tánh, bằng cách dùng đến tánh đức, tức là lấy đức tính làm công cụ tương ứng với bảo tàng thì mới khai thác được. Thù thắng nhất trong tánh đức chính là hiếu và kính. Cho nên khi tu học Phật pháp Đại thừa, phải bắt đầu từ Bồ tát Địa Tạng. Học hiếu đạo trước, trong hiếu xây dựng sư đạo. Phật pháp là sư đạo được xây dựng trên nền tảng hiếu đạo.

Những năm trước đây, tôi gặp một số pháp sư đến hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Khi tiễn họ, tôi đã khuyên họ đến Hoa kỳ đừng xây chùa chiền trước, mà hãy xây dựng từ đường, xiển dương hiếu đạo. Vì sao? Vì nếu không có hiếu đạo thì Phật pháp không thể bám rễ, đạo tràng của Phật giáo không thể mạnh được.

Lấy hiếu đạo làm nền tảng giáo dục

Phật pháp là sư đạo, cho nên xây dựng từ đường tốt hơn. Từ đường để hoằng dương Phật pháp, có hiệu quả lớn hơn xây dựng tự viện. Nhìn vào hình ảnh chùa chiền, người ta biết ngay là Phật giáo, người không tin Phật nhất định không vào, duyên này liền bị cắt đứt. Nhưng nếu xây dựng từ đường, hàng năm cúng giỗ, người Trung Quốc bất kể theo tôn giáo nào vẫn không thể quên tổ tiên. Khi họ đến tham gia giỗ tổ, chúng ta có thể giảng thêm về Phật pháp, có thể giảng phương thức dạy học truyền thống Trung Quốc, dần dần cảm hóa đại chúng đến dự. Cho nên lấy từ đường làm đạo tràng lợi lạc hơn chùa chiền tự viện rất nhiều.

Rất tiếc các vị pháp sư đó không tiếp nhận kiến nghị của tôi. Cho nên tại Hoa Kỳ, người Nhật, người Trung Quốc đã xây rất nhiều đạo tràng, chủ yếu cũng chỉ độ cho người Trung Quốc. Thực tế người nước ngoài tại địa phương rất ít và hiếm khi vào, nguyên nhân cũng vì họ không tin Phật. Làm như vậy là chúng ta đã đảo ngược ngọn nguồn. Đến nay, tuy đã trải qua thời gian hơn một trăm năm, nhưng tại Hoa kỳ, Phật giáo truyền vào cũng chưa bám rễ được, chưa hoằng pháp thật hiệu quả, rất nhiều người chưa biết đến Phật pháp.

Khi tôi giảng kinh hoằng pháp tại Hoa kỳ, nhắc nhở mọi người rằng chúng ta chưa đủ phước báu, lực lượng còn mỏng manh, tôi đề nghị hiện đại hóa và bản địa hóa Phật giáo. Khi xây dựng đạo tràng tại Hoa Kỳ, hình thức của đạo tràng nhất định phải theo hình thức của Hoa Kỳ. Không nên bưng nguyên xi hình thức cung điện kiểu Trung Quốc đến, người Mỹ nhìn thấy biết ngay là hàng ngoại, văn hóa ngoại lai, liền sinh tâm bài xích, và không thích đi vào. Xây dựng đạo tràng tại Hoa Kỳ, nên xây dựng theo hình thức như tòa Bạch ốc, hay kiểu Quốc hội…, người Mỹ cảm nhận như cảm nhận văn hóa mình, họ sẽ bị thu hút vào.

Còn hình tướng Phật Bồ Tát trong đạo tràng thì tạc khắc theo hình dáng người Mỹ. Như thế mới có thể độ được người nước họ. Hai nghìn năm trước đây, Phật pháp truyền vào Trung Quốc, những vị cao tăng Ấn Độ đã rất thông minh khi dựng tượng Phật Bồ Tát theo hình dáng người Trung Quốc, xây đạo tràng cũng theo hình thức của Trung Quốc.

Người Trung Quốc rất tôn kính hoàng đế và nơi ở của hoàng đế. Lúc đó các vị cao tăng Ấn Độ đã xây dựng đạo tràng theo hình thức cung đình, bá tánh nhìn thấy đều rất hoan hỷ. Mấy ai có phước duyên được vào tham quan hoàng cung một lần trong đời. Thế nên chùa chiền tự viện được xây dựng cũng không khác hoàng cung bao nhiêu, cho nên dân chúng nhất định vào thăm. Đó là trang thiết bị phần cứng. Còn nội dung bên trong phải bắt đầu từ “hiếu kính”.

Phật giáo truyền vào Trung Quốc, tại sao được triều đình hoan nghênh nồng nhiệt như thế? Chính vì nội dung dạy học. Phần lý lẽ căn bản nhất hoàn toàn phù hợp với lý lẽ của thánh hiền Trung Quốc xưa. Cách dạy của nhà Nho cũng xây dựng trên nền tảng hiếu đạo. Phật pháp tương tự, thậm chí Phật pháp còn nói rõ hơn, chi tiết hơn Nho giáo. Do đó Phật pháp truyền vào Trung Quốc liền được triều đình hoan nghênh ủng hộ, thành công ngay thời điểm đó. Đối với xã hội, quốc gia, nhân dân, thực sự đã mang lại lợi ích và an lạc, tuyệt nhiên không phải là mê tín.

Đối tượng tu học Phật pháp từ lịch sử Trung Quốc đều là giai cấp sĩ đại phu. Thời kỳ đó, giai cấp sĩ phu tương đương thành phần tri thức ngày nay. Họ không phải là người bình thường mà là những người thật sự có học vấn, có đạo đức. Họ tu học, tiếp nhận Phật pháp, tín ngưỡng Phật Pháp rồi y giáo phụng hành, vì thế đạt hiệu quả trong việc thay đổi phong tục tập quán, dẫn dắt tầng lớp bình dân học và hành theo tập quán lương thiện.

Còn hiện nay, chùa chiền tự viện đã biến chất, không còn dạy học. Ngày xưa tự viện là nhà trường, là môi trường dạy học, bây giờ tự viện trở thành môi trường siêu độ vong linh. Hoàn toàn thay đổi, biến chất quá nặng.

Nhìn nhận về Phật sự cầu siêu trong nhà Phật

Thực ra việc cầu siêu cho vong linh vốn không có trong Phật giáo. Vậy tại sao diễn biến thành hiện tượng như thế này?

Thời gian khi tôi bắt đầu học Phật, gần gũi pháp sư Đạo An, lúc đó chúng tôi cùng nhau tổ chức lớp nghiên cứu Phật học cho đại học. Tôi đã thỉnh giáo pháp sư Đạo An. Ngài từ bi dạy. Ngài nói duyên khởi vấn đề này có thể bắt đầu từ năm Khai Nguyên nhà Đường, tức thời đại của Đường Minh Hoàng. Cuối đời, Đường Minh Hoàng vì sủng ái Dương quý phi nên đã bị triều đình lên án, dẫn đến An Lộc Sơn tạo phản, cơ hồ mất nước. Rất may có tể tướng Quách Tử Nghi dẹp yên cuộc động loạn, nhưng quân dân chết rất nhiều. Sau khi dẹp yên cuộc động loạn, triều đình tại mỗi chiến trường đều cho xây dựng một ngôi chùa gọi là Khai Nguyên tự. Chùa Khai Nguyên xuất hiện như thế. Mục đích để truy niệm quân dân tử nạn, chùa đã thỉnh mời các pháp sư tụng kinh siêu độ, gọi là pháp hội truy điệu.

Triều đình quốc gia khởi xướng truy điệu vong hồn người tử nạn, từ đó dân gian bắt chước, cứ trong dân chúng có người qua đời đều thỉnh mời pháp sư làm Phật sự cầu siêu. Việc cầu siêu thời đó chỉ là việc phụ thuộc, còn việc chính yếu trong đạo tràng vẫn là thuyết pháp giảng kinh, hướng dẫn đại chúng tu hành. Tuy nhiên việc phụ này bây giờ đã biến thành việc chính thức của chùa chiền, còn việc chính thức thì lại biến mất, không thấy nữa. Nghề tay trái biến thành nghề chính, đúng là điên đảo. Đó là lý do hình thành xu hướng mê tín. Sự thực của việc thay đổi diễn biến, chúng ta cần phải hiểu.

Lý luận, phương pháp, nguyên lý và nguyên tắc cầu siêu đều có viết trên kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Người cầu siêu làm sao có thể chân thật cầu siêu được cho vong linh siêu thoát khỏi các cõi ác, sinh lên cõi trời, hưởng thụ phước báu. Kinh nói rất rõ ràng. Bản thân người cầu siêu cần phải chứng quả. Nếu bản thân không nâng cao được cảnh giới của mình, không thể chứng quả thì lợi lạc vong linh nhận được cũng rất giới hạn.

Bài học hiếu đạo trong kinh Địa Tạng

Kinh đưa ra ví dụ, nữ Quang Mục là một cô gái có hiếu, biết mẹ mình trong lúc sinh thời tạo nhiều ác nghiệp, cô hiểu Phật pháp, áp dụng lời Phật dạy. Những nghiệp mẹ cô đã tạo trong đời, nhất định phải đọa địa ngục, địa ngục dễ vào nhưng thật khó ra. Cô muốn cứu mẹ nên đến cầu Phật. Đức Phật dạy cô dùng phương pháp niệm Phật. Ngoài ra không còn cách nào khác.

Bà la môn nữ dùng phương pháp niệm Phật, Quang Mục nữ cũng dùng phương pháp niệm Phật. Ba la môn nữ chỉ là phàm phu nhưng vì muốn cứu mẹ nên trong một ngày một đêm, tinh tiến niệm Phật rất thành khẩn, đúng pháp, đạt nhất tâm bất loạn, liền chứng quả. Lúc ở trong thiền định, cô đến địa ngục, quỷ vương trong địa ngục nhìn thấy liền chấp tay gọi cô là Bồ tát. Chúng ta thấy, từ phàm phu, tu hành một ngày một đêm đã siêu phàm nhập thánh.

Quỷ vương chào: “Bạch Bồ tát, ngài đến đây có việc gì?”. Cô hỏi: “Đây là nơi nào?” Quỷ vương trả lời địa ngục. Người vào địa ngục chỉ có hai đối tượng, một là theo nghiệp lực, đến chịu nghiệp báo; hai là bồ tát đến theo nguyện lực. Ngoài hai đối tượng này không ai có thể đến được địa ngục. Sau đó cô hỏi quỷ vương về tung tích mẹ mình. Quỷ vương cho biết, mẹ của cô ba ngày trước đã sanh về cõi trời Đao Lợi. Không những mẹ cô mà những người chịu tội chung với mẹ cô cũng đều được sanh về cõi trời Đao Lợi. Họ nghe nói, bà có người con gái hiếu thảo tu phước cho bà, cúng dường đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Nhờ phước báu này, bà ta được vãng sanh.

Nếu không phải vì người mẹ tạo tội nghiệp đọa địa ngục thì nữ Quang Mục cả đời không thể đạt được cảnh giới như thế, vì ngày thường niệm Phật hay tán loạn, làm sao có thể đạt được nhất tâm. Với mong muốn cứu mẹ, cô đã cố hết sức trong một ngày đêm thay đổi hẳn cảnh giới của mình. Nữ Quang Mục có thể chuyển phàm thành thánh do trợ duyên của mẹ. Người mẹ được vãng sanh cũng vì lý lẽ này. Một mình nữ Quang Mục chỉ cầu siêu qua hình thức sẽ không có hiệu quả. Chính mình không có phước báu thì người được cầu siêu cũng không nhận lợi ích gì.

Công phu tu tập trước tiên ở chính mình

Pháp giới ở đường ác, và pháp giới ở cõi người chúng ta không khác nhau. Cũng như trong một gia đình, đứa con được giáo dục đàng hoàng, ra xã hội, đều được mọi người kính trọng, làm đến tổng thống, bộ trưởng, cha mẹ đi đến đâu cũng nhận được sự tôn kính của người khác. Còn bản thân mình không thành tựu, cha mẹ chúng ta làm sao được quỷ thần cung kính.

Kinh nói vấn đề cầu siêu, bảy phần công đức thì chính mình được sáu phần. Người được cầu siêu chỉ nhận một phần. Bản thân niệm Phật một ngày một đêm đạt đến nhất tâm bất loạn, công đức của bản thân là chính, người mẹ chỉ hưởng một phần, được một ít phước, sanh về cõi trời Đao Lợi. Vì vậy nếu bản thân không thể thành tựu, người thân sẽ không có được phước báu như thế.

Những lễ cúng bố thí bình thường chỉ là mời họ đến ăn cơm, như cúng diêm khẩu mông sơn. Một bữa ăn no chỉ qua được cơn đói nhất thời chứ không thể giúp họ thoát khỏi các đường ác. Chân thật muốn thoát khỏi đường ác, thì trong Phật sự cầu siêu độ này, những vị pháp sư làm lễ cầu siêu phải tùy văn nhập quán. Sau khi hoàn tất khóa lễ cầu siêu, bản thân pháp sư phải thật sự trở thành Bồ tát, cảnh giới của pháp sư được nâng cao ngay thì hiệu quả cầu siêu sẽ vô cùng lớn, vong linh siêu độ chắc chắn được sanh cõi trời. Các vị pháp sư phải tụng niệm nghiêm túc, tu trì bằng tâm thanh tịnh, bình đẳng. Chính pháp sư phải đạt siêu phàm nhập thánh, từ phàm phu thăng tiến đến Bồ tát. Còn sau khi hoàn tất Phật sự, vẫn còn là phàm phu sẽ không có thành tựu cho vong linh. Chúng ta cần hiểu thấu vấn đề này.

Do đó khi có Phật sự cầu siêu, hành giả phải nghiêm túc. Niệm tụng kinh văn, xưng tán những bài kệ, nhất định phải khế nhập vào cảnh giới đó. Sau khi nhập vào cảnh giới thì không được thối chuyển, có như vậy công đức mới vô lượng vô biên. Người nhận phước báu sẽ không thể nào đếm được. Không nên làm qua loa tắc trách cho xong chuyện. Cầu siêu không thể cho giá, nói thách. Đó là cách làm ăn mua bán, không còn gì gọi là công đức nữa. Chạy theo hình thức như thế hoàn toàn sai.

Cầu siêu không những siêu độ cho vong hồn mà còn siêu độ cho cả chính mình. Khi chính mình được siêu thì vong linh cũng theo mình mà siêu độ. Bản thân chưa có cách siêu độ chính mình thì chắc chắn không thể siêu độ được vong linh. Đây chính là điều kinh Phật thường nói. Chúng tôi thường xuyên đọc lại kinh, nữ Quang Mục thật sự độ được bản thân, Bà la môn nữ cũng độ được bản thân. Sau khi bản thân được độ mới có thể độ được người khác. Những vong linh nhờ vào phước đức của người siêu độ mà vãng sanh. Nhưng vãng sanh cao nhất trong trường hợp này cũng chỉ đến cõi trời Đao Lợi. Muốn cao hơn cõi trời Đao Lợi, nhất định phải nhờ công phu tu hành của chính mình, người khác không thể giúp được.

Ở Trung Quốc trước đây, lễ cầu siêu quy mô lớn nhất là khi Lương Vũ Đế siêu độ hoàng hậu của mình. Người chủ trì pháp hội cầu siêu là pháp sư Bảo Chí, một cao tăng đương thời. Sau này chúng ta biết, pháp sư Bảo Chí là hóa thân của Bồ tát Quan Thế Âm. Đích thân Bồ tát Quan Thế Âm chủ trì pháp hội cầu siêu, sau này lưu truyền lại quyển Lương Hoàng Sám.

Như vậy, Bồ Tát Quan Thế Âm chủ trì pháp hội siêu độ hoàng hậu của Lương Võ Đế nhưng hoàng hậu cũng chỉ sanh đến cõi trời Đao Lợi. Giả sử chư Phật Như Lai chủ trì cũng như thế thôi. Vong linh dựa vào phước báu tha lực của người khác chỉ có thể đạt được cảnh giới nhất định. Muốn có cảnh giới cao hơn phải dựa vào tu hành của mình. Chính mình không công phu tu tập thì không xong. Vì thế khi tu hành, chúng ta phải chân thật chuyển biến được cảnh giới, thật sự có kết quả thì Phật sự cầu siêu này có thể không cần hình thức gì cả.

Trong hồi ký Ảnh Trần, lão pháp sư Đàm Hư nói, năm xưa ngài ở cùng vài người bạn, chuyên nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, “tám năm song cửa học Lăng Nghiêm”. Lúc đó ngài đang là cư sĩ, mỗi ngày còn phải làm việc, bôn ba vì cuộc sống nên không thể hoàn toàn chuyên tâm. Nhưng thời gian tám năm chỉ đọc một bộ kinh, ít nhiều cũng chứng tỏ ngài có định lực. Nếu trong tám năm đọc hàng chục bộ kinh sẽ không hiệu quả. Tám năm ròng tham cứu, tâm định trên một bộ kinh, oan gia trái chủ của ngài đã đến nhờ ngài siêu độ. Khi nhìn thấy những vong hồn đến, ngài sợ hãi, e rằng những vong hồn ấy đến gây phiền phức. Nhưng oan gia trái chủ bước tới quỳ dưới chân ngài, cầu ngài siêu độ, tâm của ngài liền an ngay vì biết họ không phải đến gây phiền phức. Họ nói chỉ cần ngài đồng ý là có thể siêu được. Ngài liền gật đầu đồng ý, lập tức những vong hồn đáp trên đầu gối và vai ngài để vãng sanh. Hoàn toàn không có nghi thức gì cả.

Khi bản thân đạt được cảnh giới này, có công phu viên mãn, vong linh liền nương nhờ phước báu của chúng ta. Chỉ cần chúng ta đồng ý là được. Cho nên cần phải nhớ, siêu độ vong linh hoàn toàn dựa vào đức hạnh và công phu tu hành của chính mình.

Chúng ta hiểu rõ lý lẽ này, hiểu thấu cảm ứng của tâm điện thì chính từ những tư tưởng, khởi tâm động niệm thiện phát ra sóng thuần thiện. Lực của sóng mạnh có thể làm cho tất cả chúng sanh trên thế gian bao gồm quỷ thần, những sóng phát ra ác niệm bị sóng thiện bao phủ và triệt tiêu. Hiệu quả rất thù thắng.

Nói về sinh nở, niệm bộ kinh này có nhiều lợi lạc. Khi niệm những điều nêu trong kinh điển như lý luận, phương pháp, cảnh giới đều hiểu thấu, hành giả càng có lực thù thắng hơn. Vì đã hiểu thấu thì đọc tụng có thể tùy văn nhập quán. Cảnh giới bình thường của chúng ta khó chuyển, tối thiểu trong khi đọc tụng, cảnh giới đó có thể biến chuyển một vài phần. Hiệu quả này đều hiện rõ trong hoạt động của sóng. Hiểu sâu sắc, biết y giáo phụng hành thì lực đó càng không thể nghĩ bàn.

“Thị tân sanh tử”

Đứa bé mới chào đời, dù trai hay gái, nếu có ác báo đều có thể được giải trừ. Đời quá khứ đã gây tội nghiệp thì đời này phải đến chịu quả báo. Vì vậy thời điểm mang thai bé là lúc nghiệp chướng rất dễ tiêu trừ. Còn khi em bé lớn lên, sáng tối suốt ngày suy nghĩ lung tung, lúc đó chúng ta muốn tiêu trừ nghiệp chướng cho con cũng khó lòng giúp được. Lúc mang thai, bé hoàn toàn nghe lời, tiêu trừ nghiệp chướng nên thực hiện ngay trong thời gian này.

Thai giáo các thánh hiền xưa đã nói tương tự như vậy. Thai giáo trong Phật pháp cũng thế.

“An lạc dị dưỡng, thọ mạng tăng trưởng”

Nghiệp chướng đứa bé được tiêu trừ, tai nạn cũng được tiêu trừ, nó trở nên dễ nuôi, thọ mạng được tăng trưởng. Nếu đứa bé này do thừa phước mà sanh, thì phước báu chúng ta tu trong đời quá khứ, nay được đứa bé đến báo ơn cha mẹ, tạo ơn đức với cha mẹ, như vậy bản thân bé cũng tu phước.

“Chuyển tăng an lạc, cập dữ thọ mạng”

Chúng ta dạy dỗ, giúp đỡ bé, phước báu của bé càng nhiều hơn, thọ mạng càng dài hơn. Trong chú giải cũng giải thích rất hoàn hảo vấn đề này.

Xem tiếp kinh văn, quyển trung, trang 59

“Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế chúng sanh, ư nguyệt nhất nhật, bát nhật, thập tứ nhật, thập ngũ nhật, thập bát nhật, nhị thập tam, nhị thập tứ, nhị thập bát, nhị thập cửu, nãi chí tam thập nhật, thi chư nhật đẳng, chúng tội kết tập, định kỳ khinh trọng.”

Đề mục đã nói “trai tụng cảm báo”. Kinh này nói về mười ngày chay, cũng có kinh nói sáu ngày chay, những ngày này đều tính trên lịch âm. Ngày nay, ít người còn dùng lịch âm. Các xã hội trên thế giới hiện nay đều thông dụng lịch dương. Phật nói, trong những ngày này, một số quỷ thần ở trời đất tuần tra trên thế gian. Mỗi một khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng sanh, thiện hay ác, quỷ thần đều ghi lại, đều điều tra xem xét, thu thập chứng cứ xác định nặng nhẹ. Đến lúc lâm chung, người không có phước đức lúc này sẽ đến gặp Diêm La Vương, lấy hồ sơ đối chiếu để xác định quả báo nặng nhẹ. Việc như thế, rốt cuộc là có thực hay chỉ là mê tín?

Có thật. Thế gian chúng ta cũng vậy. Hàng ngày cảnh sát tuần tra, gặp người phạm tội, liền điều tra, thu thập chứng cứ phạm tội, sau đó mới xét xử. Sau khi xác định tội trạng, phải tìm chứng cứ. Công việc khá khó khăn, không dễ dàng. Quỷ thần cũng vậy, đến tìm kiếm chứng cứ, chúng ta không có cách nào che giấu, lừa được người phàm nhưng không thể lừa gạt quỷ thần. Chúng ta ứng dụng khoa học để phá án, xét độ thành thật, nhưng không biết quỷ thần không cần dùng những thiết bị khoa học kỹ thuật này mà lại trực tiếp từ tín hiệu làn sóng phát ra của con người để kết án. Khởi tâm động niệm, quỷ thần đều biết. Người xưa từng nói, “ba thước trên cao có thần minh”, con người chỉ có thể lừa mình dối người nhưng không lừa được quỷ thần.

Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy, số chúng sanh ở thế giới Cực Lạc Tây phương quá nhiều, không thể tính đếm được. Những người vãng sanh thế giới Cực Lạc Tây Phương đều đến từ thế giới mười phương chư Phật, đều tu pháp môn niệm Phật mà vãng sanh. Không chỉ có thế giới chúng ta, mười phương tất cả thế giới chư Phật mỗi ngày vãng sanh đến đó, không biết bao nhiều mà kể. Đến thế giới Cực Lạc Phương Tây, đạo lực thần thông của họ hầu như không khác xa đức Phật A Di Đà. Những người đó có thiên nhãn, thiên nhĩ rất lợi hại. Tận hư không biến pháp giới họ đều nhìn thấy. Khởi tâm động niệm của tất cả chúng sanh, họ đều biết cả vì đạt tha tâm thông. Thần thông của quỷ thần còn giới hạn so với khả năng của A La Hán ở Tây Phương. Khả năng của A La Hán có thể biết được năm trăm kiếp của một con người, cụ thể tình trạng từng đời từng kiếp. Trong khi đó quỷ thần chỉ biết được những việc làm của chúng ta gần đây khoảng vài tháng.

Chúng ta muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc Tây phương, nếu ý niệm không lành, hành vi không thiện thì dù suốt ngày niệm A Di Đà Phật, mười vạn biến, không bao giờ gián đoạn vẫn không thể vãng sanh.

 Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG giảng – Trích lục từ Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Biên dịch: Nhạo Minh cư sĩ – Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

Giảng tại Tịnh tông Học hội Singapore,

http://chuaminhthanh.com/web/phatgiaovadoisong/p2_articleid/208

This entry was posted in Giáo Dục, Đời Sống. Bookmark the permalink.