Nói Với Bậc Cha Mẹ Và Tuổi Trẻ

LỜI GIỚI THIỆU

Mấy năm gần đây, tôi được hân hạnh sinh hoạt với chương trình tu học tại chùa Huệ Quang ở Santa Ana do thượng tọa Minh Mẫn chủ trì. Nhờ cơ hội nầy, tôi đã làm quen với một số đạo hữu có lòng tu học tại miền nam California. Trong số đó, anh Thiện Phúc làm cho tôi phấn khởi rất nhiều, nếu không muốn nói, qua sự kiên trì đúc kết các bài giảng của quý Thầy mà anh đã công phu soạn thành các tập sách quý giá. Ngoài ra, anh cũng đã dạy cho tôi cách làm việc kiên trì và cho tôi sự tin tưởng hữu ích đối với những người Phật tử tại gia hiện nay. Anh làm việc không ngừng, chỉ vì tấm lòng của một NGƯỜI THAO THỨC. Thật vậy, anh lúc nào cũng thao thức, mong ước cho hai thế hệ lớn tuổi và trẻ tuổi có được cảm thông, có được sự ấm cúng, gần gũi trong mái ấm gia đình. Qua vài buổi nói chuyện riêng, anh cho thấy sự tha thiết trong các phát biểu. Và điều này đã được anh trao gởi trong tập sách có tên “Nói Với Bậc Cha Mẹ và Tuổi Trẻ,” được chia thành hai phần là “Nói Với Những Người Bạn Trẻ” và “Nói Với Các Bậc Làm Cha Mẹ.” Trong mỗi phần, anh đã viết không chỉ bằng ngòi bút (hoặc máy computer) mà bằng cả tâm tình của anh. Anh là một bậc phụ huynh có gia đình, con cái và đã trải qua tuổi trẻ. Cho nên những lời tâm tình của anh đã được đúc kết qua kinh nghiệm bản thân, qua những cố gắng hàng ngày trong việc xây dựng gia đình riêng của anh. Đọc từng chương, từng bài, ta sẽ thấy được điều này. Tôi quý anh ở chỗ, không khoe khoang, tránh những chuyện đàm luận xa vời, mà chỉ muốn nói những điều mình đang làm, và thật sự làm những điều mình đang nói.

Khi nói riêng cho các bậc cha mẹ, trong bài thứ 8, có đoạn sau đây: “Các bậc cha mẹ thân mến, đâu phải chỉ những người lớn mới bị đè nặng bởi áp lực của cuộc sống hàng ngày, mà kỳ thật, trẻ nhỏ cũng chịu nhiều áp lực không kém. Chúng ta tạo ra khoa học kỹ thuật để phục vụ cho cuộc sống thoải mái, chứ không phải để làm khổ loài người. Thế nhưng đa phần chúng ta quá ham chuộng kỹ thuật mà bỏ quên cái quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là “tình người” và cuộc sống “tâm linh.” Chính vì vậy mà thay vì sống vui, sống thoải mái, chúng ta lại sống trong triền miên của khổ đau và tị hiềm ganh ghét.” Rồi anh nhỏ nhẹ kêu gọi, “bây giờ nếu muốn cho chúng ta và những thế hệ nối tiếp được sống vui, sống thoải mái trong xã hội khoa học kỹ thuật này, chúng ta, nhất là những người con Phật hãy cố mà giúp cho con em mình sống với những giáo lý tuyệt vời của đức Từ Phụ. Hãy trao truyền cho các em ngay từ thời niên thiếu những hạnh nguyện cao cả của nhà Phật: sống vị tha bác ái.” Tôi biết, đó là những điều anh đang áp dụng cho chính mình.

Còn đối với tuổi trẻ, tôi không hiểu là khi còn trẻ anh đã gặp phải những hoàn cảnh nào, mà bây giờ, anh nói ra thật thẳng thắn và chân tình. Bằng giọng văn mộc mạc và rõ ràng, anh ôn tồn khuyên tuổi trẻ như tâm tình với người em ruột của mình: “các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy can đảm chối bỏ cuộc sống phóng túng vô hồn và bịnh hoạn của chủ nghĩa vật chất hiện sinh, vì chính những thứ đó đã góp phần không nhỏ đưa các bạn vào con đường sa đọa của cần sa, ma túy, hút xách và nghiện ngập. Chính lối sống đó đã đưa các bạn đến gần với băng đảng, trộm cướp, bắn giết và thanh toán lẫn nhau. Các bạn hãy bình tâm mà tự xét lại coi vì lý do gì mà chúng ta có mặt ở đất nước
nầy ? Chúng ta đã chán ngấy bạo động, phải không các bạn ? Vậy thì không lý do gì mà chúng ta lại a dua với cuộc sống bạo động của một thiểu số ở đây. Ngược lại, các bạn hãy nhìn vào những tấm gương rạng ngời của những người trẻ đi trước, rất nhiều người đã thành công rực rỡ trong xã hội Âu Mỹ, trên mọi lãnh vực từ giáo dục, y khoa, đến khoa học kỹ thuật.” Có thể nói, tôi hiểu tâm trạng, tấm lòng của anh. Khi có dịp làm đám tang cho các em ở tuổi mười chín, hai mươi mà đã ra đi, tôi rất buồn, có khi còn khóc thầm ở trong lòng. Lúc nói chuyện với các em, các cháu ở một trại hè (summer camp) do cơ quan xã hội của hội thánh Tin Lành ở tiểu bang South Dakota tổ chức, tôi cũng có những tâm trạng tương tợ khi tôi khóc, khuyên các em chăm học. Và chỉ mới đây thôi, tờ U.S. News & World Report số ra ngày 13-10-1997, đã cho biết về tệ trạng băng đảng tại Hoa Kỳ, có đoạn như sau: Chính quyền nhấn mạnh phần lớn người Việt Nam ở đây là siêng năng làm ăn và lương thiện, nhưng cơ quan FBI mới đây cho biết, họ bắt đầu đặt trọng tâm vào các băng đảng người Việt đang phát triển ở một vài nơi. Ai có lòng quan tâm đến đời sống cộng đồng người Việt, đến tương lai của tuổi trẻ mà lại không lo ngại?

Không chỉ lo ngại suông, mà anh còn có một mong ước tích cực hơn, đó là làm được gạch nối giữa cha mẹ và con cái. Qua tập sách này, anh mong ước có thể gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh để giúp hai thế hệ cảm thông nhau hơn, gần gũi với nhau hơn.

Cuối cùng, tôi xin ân cần giới thiệu tập sách này đến với quý vị, với lòng trân trọng và biết ơn sâu xa đối với tác giả. Cầu mong rằng, tất cả chúng ta đạt được niềm cảm thông khi chung sống với nhau, dưới một mái nhà hay trong cùng nòi giống Rồng Tiên.

Thích Từ Lực cẩn đề

Down Load Sách pdf

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.