Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, đến trọn đời mà chẳng phút xa lìa, và cung cấp áo cơm thuốc men, các món cần dùng. Như thế cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng với cha mẹ ”
Vu-lan còn được hiểu là mùa báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ Vu Lan trùng với Tết Trung nguyên, ngày Rằm tháng bảy Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vào ngày Vu-lan, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sinh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng Bảy là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.
Vu-lan là từ viết tắt của Vu-lan-bồn cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa, là cách phiên âm Phạn-Hán từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-lamb, nghĩa là “treo (ngược) lên”.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát đại hiếu Mục Kiền Liên đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha (và tổ tiên ông bà) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước..
Theo kinh Vu Lan, ngày xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân Ngài là bà Thanh Đề đã qua đời, Ngài tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, Ngài đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của Ngài khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về bạch Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.
Làm theo lời Phật dạy, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.
Trong một số nước Á Đông, ngày lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (Âm lịch), để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Ở Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7, hay là ngày 15 tháng 8 (tính theo Âm lịch) để bày tỏ những ước nguyện của mình, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
Ở nước ta, cúng Rằm tháng Bảy thường cúng ở chùa trước vào buổi trưa (Phật ngọ thực), rồi mới đến cúng ở nhà.
Vào lễ Vu Lan, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà thời gian cúng thường là buổi chiều (súc sinh ngọ hậu thực).
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cơm chay…Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: hương, hoa, đằng, trà, quả, nhạo, và bao giờ cũng có cháo nhảo, vì loài ngạ quỷ đói, chỉ thọ thực được cháo nhảo…
Vu Lan Báo Hiếu là thể hiện nếp sống tốt đẹp của người học Phật. Hiếu là ý nghĩa của đạo đức, và cũng là phẩm chất của đời sống hạnh phúc và giác ngộ. Vu Lan không phải là một ngày lễ hội thông thường trên bình diện tín ngưỡng mà đó là một thông điệp nhắc nhở chúng ta biết tri ân và báo ân đối với Thầy Tổ, cha mẹ, nhắc nhở chúng ta tu tập trong tinh thần tự lợi và lợi tha.
Đức Phật dạy rằng:
Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, đến trọn đời mà chẳng phút xa lìa, và cung cấp áo cơm thuốc men, các món cần dùng. Như thế cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng với cha mẹ.
Lại nữa, trong kinh Báo Đáp Công Ơn Cha Mẹ dạy rằng:
Ví có người ơn sâu dốc trả
Cõng mẹ cha tất cả hai vai
Giáp vòng hòn núi tu di
Đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền
Ví có người gặp cơn đói rét
Nuôi song thân dâng hết thân này
Xương nghiền thịt nát phân thây
Trải trăm ngàn kiếp ơn đây chưa đồng
Ví có người vì công sanh dưỡng
Tự tay mình khoét thủng song ngươi
Chịu thân mù tối như vầy
Đến trăm ngàn kiếp ơn này thấm đâu
Ví có người cầm dao thật bén
Mỗ bụng ra, rút hết tâm can
Huyết ra khắp đất chẳng than
Đến trăm ngàn kiếp thâm ân đâu bằng
Ví có người dùng ngàn mũi nhọn
Đâm vào mình bất luận chỗ nào
Tuy là sự khó biết bao
Trải trăm ngàn kiếp không sao đáp đền
Ví có người vì ơn dưỡng dục
Tự treo mình cúng Phật thế đèn
Cứ treo như vậy trọn năm
Trải trăm ngàn kiếp ân thâm chưa đền
Ví có người xương nghiền ra mỡ
Hoặc dùng dao chặt bửa thân mình
Xương tan thịt nát chẳng phiền
Đến trăm ngàn kiếp ơn trên chưa đồng
Ví có người vì công dưỡng dục
Nuốt sắt nóng thấu ruột thấu gan
Làm cho thân thể tiêu tan
Đến trăm ngàn kiếp ơn sâu chưa đền…
Vu Lan – mùa Báo hiếu cũng chính là những ngày để ôn lại những gì mỗi người con Phật nói riêng, tất cả người thực hành đạo hiếu nói chung. « Hiếu tâm tức thị Phật tâm » Lòng hiếu chính là lòng Phật !
Bởi vì:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để Mẹ buồn Mẹ khổ nghe không.
Trí Bửu
Theo daophatngaynay.com