30- CHIẾC ÁO CHOÀNG BỊ ÁM ẢNH BỞI THẦN HỒN ELVIS
Tác Giả: Raymond A. Moody
Vào Năm 1975 khi Elvis Presley cho cô chiếc áo choàng, Janice McMichael không bao giờ nghĩ nó sẽ là vật lưu niệm. Giờ đây chiếc áo hình như có một đời sống riêng tư, đôi khi cô lo lắng có nên giữ hay không. Tôi (Raymond A. Moody) nói chuyện với Janice tại Hoa Thịnh Ðốn vào mùa hè năm 1986. Lúc đó Cô 39 tuổi và là một thiếu phụ tóc vàng duyên dáng đang làm thư ký cho một trường đại học. Trước khi bắt đầu vào đời cô có biết Elvis.
“Tôi có đi theo Elvis trong những năm đầu của thập niên 70. Về phần Anh không có gì quan trọng, về phần tôi có những ngông cuồng cá nhân: Tôi đang thử làm thương mại trong thị trường ca nhạc thời gian này. Tôi là một diễn viên xinh đẹp,tài giỏi, nhưng tôi nhận thấy dù có tài năng cũng khó để có thể biểu diễn kiếm tiền. Tôi người Ohio bỏ nhà năm 21 tuổi đi California tìm việc với ước vọng trá thành một diễn viên. Thật may mắn nên tôi đã được tuyển chọn trong vài màn trình diễn. Tuy nhiên vẫn không đủ sống với nghề này.
Vào đầu năm 1970 một người bạn đã giới thiệu tôi với Elvis Presley Anh thật tử tế dễ mến. Khi tổ chức một bửa tiệc, Anh không yên lòng nếu chưa gặp mặt tất cả mọi người, Anh thường trò chuyện hỏi về quê quán và đời sống cuả từng người. Anh thật là dịu dàng. Tôi không biết phải nói gì thêm nữa về Anh. Tôi không nhớ rõ đã gặp anh bao nhiêu lần; có thể là 5 hay 6 lần. Tôi không bao giờ gặp Anh trong chương trình bình thường. Có thể nói rằng tôi là người tình đặc biệt của Anh, nhưng thực ra không phải thế.
Thời kỳ tôi biết Anh, Anh rất sợ chết. Anh có vẻ không được khoẻ. Nhưng cá tính hiền hòa của Anh vẫn chói sáng. Tôi và Anh nói nhiều đến sự chết chóc. Anh muốn biết ý tưởng của tôi về cái chết. Tôi nhớ đã nghĩ:
“Anh là người giàu có trên thế giới nhưng muốn một thứ, mà tiền không thể mua được. Anh muốn biết về sự chết.” Ðó cũng là điều tôi quan tâm, vì thế chúng tôi trò chuyện. Lần cuối cùng tôi gặp Anh khoảng vài năm trước khi Anh chết. Tôi không nhớ rõ năm nào, tôi nghĩ là năm 1975. Sau khi gặp Anh tôi ra về. Trời lạnh và mưa. Tôi không mặc áo ấm vì tôi đến bằng máy bay từ miền Nam California ấm áp. Elvis choàng cho tôi chiếc áo khoác mầu nâu nhạt của Anh. Tôi nhận thấy việc tặng đồ đối với Anh gần như tự động. Hầu như Anh không bao giờ để ý đến.
Trước khi quen Elvis tôi rất dè dặt. Khi gặp Anh, tôi nhận thấy nhược điểm này. Anh có lối cư xử làm người ta thấy dễ chịu. Cách ăn nói của Anh cũng vậy. Elvis làm tôi không còn dè dặt, chiếc áo là món quà đặc biệt với tôi, gợi cho tôi nhớ lại lời cổ nhân nói bè bạn có thể cởi áo cho nhau. Tôi mua một cái túi nhựa để treo áo này trong tủ áo. Từ khi có chiếc áo tôi đã đổi chỗ ở ba lần và mỗi lần dãn nhà, chiếc áo đều được tôi đem theo về chỗ ở mới.
Cái chết của Elvis như cả tấn gạch đè nặng lên tôi. Tôi được tin này sau hôm Anh chết. Tôi ở nhà cả ngày hôm đó viết thư và nghe nhạc của Anh. Buổi sáng khi đồng hồ báo thức vừa ngừng reo, tôi mới nghe tin loan báo Anh chết hôm qua. Thật là kỳ dị, trước đây hai ba ngày tôi thoáng có ý nghĩ là tôi đến gặp Elvis. Tôi biết Anh không được khoẻ. Ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi Anh không sống mọi được và tôi nên lại thăm Anh. Ðúng là điều kỳ quặc tôi sợ Anh chết hai ngày trước khi Anh chết? Elvis chết làm tôi ngơ ngẩn.
Tôi bị giao động. Thỉnh thoảng đôi tay tôi như run lên. Tôi lo lắng về sức khoẻ của tôi, tôi sợ hãi cái chết suốt trong sáu tháng trời. Elvis hình như bất tử. Anh là người chết đầu tiên mà tôi biết. Bà nội, Bà ngoại tôi vẫn còn sống. Tôi không được biết ông ngoại ông nội tôi vì các cô mất trước khi tôi ra chào đời. Elvis là người thứ nhất tôi biết rõ là chết. Trong khoảng sáu tháng tôi sợ cái chết đến hết hồn.
Trong thời gian này chiếc áo choàng ít được tôi dùng đến. Chỉ một tuần chiếc áo đã hai lần rơi xuống sàn tủ trong lúc tôi đi làm. Chưa bao giờ áo này rơi như vậy thế mà chiếc áo rơi hai lần trong một tuần. Tôi không thể biết rõ thời gian là bao lâu sau khi Elvis chết. Có lẽ chừng một tháng nhưng chắc chắn không quá hai tháng. Lần đầu thấy chiếc áo rơi, tôi có cảm giác sợ sệt. Thành thật mà nói tôi đã tự hỏi có phải Elvis từ bên kia thế giới đang cố làm tôi chú ý đến không. Sau lần thứ hai tôi lấy túi nhựa ra và treo áo vào tủ.
Tôi nhớ rõ là vào tháng 11, cái áo thực sự hoạt động. Áo rơi khỏi mắc 3 lần thượng tuần tháng 11, một lần tôi nhìn thấy áo đang rơi, lúc đó tôi đúng cách độ 5 feet. Lần này là ban ngày. Tôi không thể tưởng tượng nổi làm sao cái áo có thể rơi như thế. Thật là kỳ dị.
Không mấy người biết nguyên nhân nào tôi có cái áo kể cả mẹ tôi và em gái tôi. Tôi hiểu là nếu có người biết xuất xứ của chiếc áo thể nào họ cũng đánh cắp, tôi chắc chắn như vậy. Tôi biết có một người khoe trong quán rượu là ông ta có một tập dĩa gốc của Elvis với nhãn hiệu mặt trời. Không đầy một tuần lễ sau, nhà ông bị đột nhập và tập dĩa bị mất trộm. Bạn không thể để cho người ngoài biết bạn có những vật lưu niệm của Elvis, nếu bạn muốn giữ.
Trong túi bên phải của chiếc áo còn sót lại vài mảnh khăn giấy lau mặt và một đồng xu. Tôi bật cười – một đồng xu trong túi áo của một ông triệu phú! Khăn giấy và đồng xu vẫn còn nguyên trong túi. Tôi chưa bao giờ lấy ra.
Tôi bị khủng hoảng tinh thần từ khi Elvis chết nên tôi đã tìm một người đến ở chung. Người này tên Mary, quê ở Oklahoma. Mary đến đây để làm việc cho chánh phủ. Tôi sợ hãi có người xâm nhập vào phòng tôi và thấy tôi có một mình nên tôi đã để Mary ở chung và chia bớt tiền nhà với tôi. Ðây là lần duy nhất tôi cảm thấy sợ hãi sự cô đơn khoảng 6 tháng sau khi Elvis chết.
Mary dời tới tháng Giêng. Tháng 11, chiếc áo như biết hoạt động, rơi 3 lần. Ngày 20 tháng 11 tôi tỉnh dậy giữa đêm khuya. Cái đèn ngủ ở ngoài hành lang phía ngoài phòng ngủ chiếu ánh sáng thẳng vào cái tủ đóng chìm trong tường để treo quần áo. Tủ này có hai cánh của kéo, một cánh thì được kéo hết về một phía, phía tủ mở là phía treo chiếc áo. Tôi không biết sao tôi lại thức giấc giữa đêm khuya và nhìn về phía cái tủ. Tôi cố tập trung đôi mắt nhìn vào cái tủ vì tôi không tin cái gì mà tôi đang thấy. Cái tay áo của chiếc áo choàng chuyển động, tay áo co lên rồi duỗi xuống. Ðó là tay áo phải. Tôi biết rõ là tay phải theo cách treo của áo. Tôi hoảng vía. Tôi cố cử động mà không nổi. Tôi như bị tê liệt. Tôi không biết là bao lâu. Có thể 10 phút, cũng có thể 30 phút. Thỉnh thoảng cái tay áo co lên từ từ rồi lại buông xuống. Buổi sáng, thức dậy tôi thấy chiếc áo vẫn còn treo trên mắc. Lần này chiếc áo không rơi. Tôi chưa bao giờ thấy chiếc áo chuyển động như lần đó cả.
Tôi cũng chưa bao giờ kể cho Mary biết chuyện về chiếc áo. Vào tháng Hai một người đàn bà đến ở một căn phòng dưới hành lang của chung cư. Tôi có biết bà ta. Tên Bà là Alice. Bà là người rất chú trọng đến siêu linh. Bà ta đã đưa tôi đến dự một cuộc hội về siêu linh tại Hoa Thịnh Ðốn. Một hôm, ngồi uống trà với bà tại căn phòng của bà tôi đã kể câu chuyện chiếc áo cho bà nghe nhưng tôi chỉ nói áo này là do một người bạn có tặng tôi. Tôi không nói áo này của ai cả. Bà lên căn phòng tôi và nhìn xung quanh. Bà bảo tôi bà có thể đoán về chiếc áo này. Bà nới áo này của một người đàn ông tinh thần rất cao nhưng chết yểu. Tôi rất ngạc nhiên và nói là bà bà đoán trúng. Bà nói bà nghe thấy nhạc rất hay chung quanh chiếc áo. Tôi thì không nghe thấy gì cả, chắc chắn như vậy, nhưng bà ta nói đúng là nhạc này của người đàn ông chết yểu.
Sau đó một chuyện kỳ lạ nữa lại xảy ra với chiếc áo. Vào cuối tháng Hai, tôi đẩy chiếc áo qua một bên để có thể mắc thêm quần áo. Khi tôi cầm nơi cổ áo tôi thấy cổ áo ướt, cổ áo bị ướt cả. Không có lý cái áo choàng này chung quanh lại bị ướt. Tôi lo sợ. Mary không thích Hoa Thịnh Ðốn nên dời đi vào đầu tháng Ba. Tôi lại sống một mình, lại càng thêm lo lắng, tôi sợ cái chết, tôi vẫn sợ chiếc áo.
Ngày 21 tháng Ba, một giấc mộng đến với tôi. Tôi mơ thấy tôi và Elvis đi qua những lùm cây. Ðây là đồng quê, một miền rất đẹp. Chung quanh là những dẫy núi cao xanh thẳm. Trời xanh trong tuyệt đẹp. Tôi có thể nhìn thấy các con chim đủ mầu sắc như mầu sắc của các cầu vồng bay lượn chung quanh. Chúng tôi tản bộ trên một con đường nhỏ. Chung quanh chúng tôi đủ mọi loại hoa đẹp muôn mầu sắc đang đua ní. Elvis cầm tay tôi và chúng tôi đi sát bên nhau. Giấc mơ này giống như thật. Khi tôi tỉnh dậy tôi liền ghi lại tất cả. Chúng tôi đi qua một cái cầu đá bắc qua con suối nhỏ. Elvis nói chuyện với tôi. Tôi đã ghi lại tất cả những gì Anh nói. Chúng tôi ngồi trên cầu đá. Anh cầm tay tôi và siết chặt tôi vào lòng Anh. Anh nói:
“Janice à, em có vẻ ngần ngại, phải không em? Em còn nhớ không chúng ta đã cùng nhau trò chuyện nhiều lần về cái chết. Chúng ta có muốn cùng nhau chung sống sau khi chết không. Anh cố gắng nói em biết qua chiếc áo choàng, em yêu dấu nhưng em quá sợ hãi. Việc không thành. Anh muốn nói cho em biết chúng ta sẽ sống cùng nhau sau khi chết. Thôi em đi và sống nhé.”
Anh ôm tôi thật chặt và nói câu từ giã. Rồi Anh mỉm cười, nụ cười thật dịu dàng vốn dĩ của Anh và cởi chiếc áo choàng Anh đang mặc trong giấc mộng và đắp lên mình tôi. Cái áo này làm bằng một loại vải giống như lụa. Áo mầu vàng thật đẹp. Ðến đây giấc mộng chấm dứt. Tôi tỉnh dậy và lập tức viết ngay tất cả xuống giấy.
Từ ngày 21 tháng Ba năm 1978, tôi không còn nghĩ đến cái chết nữa. Giấc mộng đã làm tôi khoẻ hơn. Chiếc áo choàng vẫn trong tủ áo. Tôi không còn sợ nó nữa. Tôi sẽ giữ nó mọi mọi. Elvis Presley lúc nào cũng ở trong thâm tâm tôi.”
Vì tôi chỉ ở Hoa Thịnh Ðốn có hai ngày để dự một cuộc hội nghị về nghề nghiệp, tôi không có đủ thì giờ để đến phòng Janice xem chiếc áo. Tôi cảm ơn cô đã cho tôi chia sẻ chứng nghiệm riêng tư của cô. Tôi chưa bao giờ được nghe những chuyện như thế trước đây.
Tôi cũng nói cho Janice biết chứng nghiệm mà cô nằm trên giường không cục cựa được trong khi nhìn thấy cái áo chuyển động gợi cho tôi trường hợp y khoa rất hiếm gọi là “tê-liệt trong khi ngủ”. Hiện tượng này rất là hiếm, người trong trường hợp này là người nhậy cảm đang trong tính trạng lo âu, đang bị đè nén đúng như tình trạng của Janice. Những người bị bệnh này lúc thức dậy rất tỉnh táo; tuy nhiên vẫn thấy bắp thịt như tê liệt và cảm thấy lo âu và sợ sệt. Ðôi khi tình trạng này cũng liên hệ đến cái gọi là “thùy miên mộng ảo”, những hình ảnh sống động hiện ra trên thế giới như thật. Có lẽ việc xảy ra cho cô đêm đó có thể là một giai đoạn của bệnh “tê-liệt trong khi ngủ” với những hình ảnh sống động của chiếc áo – hậu quả là một giấc mộng trong khi thức. Tôi không có luận giải về chiếc áo rơi, tuy nhiên tôi bình luận là rõ ràng giấc mộng đưa đến quyết định trong việc tiếc thương Elvis mà cô đang trải qua trong thời gian ấy.
Janice là một thiếu phụ trẻ, thông minh, và tự tin.
Chứng nghiệm quả không còn nghi ngờ gì nữa đã khiến Janice thành một người hạnh phúc hơn. Nàng cả quyết là nàng hàm ơn nhiều tình bạn mà Elvis Presley đã dành cho nàng.