Tản Mạn Về Kinh Nghiệm Sống Và Chữ Đạo

HT Thích Nhất Hạnh trong phần đầu của TRÁI TIM CỦA BỤT có dạy: ” Mọi người, ai trong chúng ta cũng có đủ mọi hạt giống, có những hạt giống trung thành và cũng có những hạt giống phản bội. Những hạt giống này phải được tu tập, tưới tẩm cho những cái ác không còn môi trường phát triển thì ta mới có sự chuyển hoá và giúp ích cho mọi người “. Và nếu như Ngài đã dạy cách nghe một bài pháp thoại là: Hãy khoan dùng Trí năng phân biệt của mình để nghe mà phải để cho mặt đất Tâm của mình mở rộng thênh thang cho mưa pháp thấm nhuần thì phải chăng thưởng thức âm nhạc cũng vậy ( tuy nhiên bản nhạc bắt buộc nằm đúng trong hướng đi của mình đã chọn chứ không phải bất cứ loại âm nhạc nào ).

Mưa xuân nhẹ hạt, đất thấm ướt
Hạt đậu năm xưa hé miệng cười.

Tôi may mắn có được một thói quen tạm gọi là tốt… có nghĩa là mỗi khi đọc xong một quyển sách về triết học hay lời dạy về kinh điển, tôi thường tóm tắt lại, chọn lấy những câu mà tôi nghĩ… có thể làm châm ngôn cho mình và giúp mình thực tập trong đời sống hằng ngày… nên tôi thường chép vào cẩm nang.

Chính vì vậy tuần rồi trong lúc nhàn rỗi tôi nghe lại bản nhạc Gánh Mẹ, một bản nhạc trong mùa báo hiếu, báo ân Vu Lan 2019 tôi nghĩ rằng đã lọt vào Top Five vì nó đã ảnh hưởng đến người nghe đủ mọi tầng lớp… kể cả cháu nội tôi và con trai tôi… ( hai thế hệ đã không dùng nhiều lời Việt để mô tả tình mẹ bao la )

Cho con gánh mẹ một lần
Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con
Cho con gánh mẹ đầu non
Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời
Ngày xưa mẹ gánh à ơi
Con xin gánh lại những lời mẹ ru<
……..mẹ ơi Sông biển dạt dào
con sao gánh hết công lao một đời

……để con gánh mẹ đừng can
Để sau người gánh chính là ….con con

Phải lấy công tâm mà nói, lời nhạc đã làm người nghe cảm thấy nao nao trong dạ và tôi chợt liên tưởng tới người viết văn hay xướng họa thi ca cũng nên dựa theo kinh nghiệm của chính mình, từ những khổ đau của chính mình, từ những gì mình hiểu biết, nghe, nhìn để có thể khơi động được những hạt giống của khổ đau của kinh nghiệm sống đã có sẵn nơi người đọc và người đọc cũng đừng dùng đến trí năng phân biệt mà hãy để cho những câu thơ đó rơi nhẹ nhàng và thấm vào mặt đất tâm của mình.

Lão Tử trong Đạo Đức kinh đã dạy ” Đạo khả Đạo, phi thường Đạo “.

Hoặc Khổng Tử ” Tùng tâm sở dục, bất du cũ “.

Do vậy Đạo không tách rời khỏi cuộc sống hiện thực của chúng ta mà trong đó có những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua.

Đạo không phải từ trên trời xuống… Đạo tức là con đường tìm thấy trong hoàn cảnh khổ đau, nếu không có khổ đau thì không có Đạo ( TÌM CÁI KHÔNG SINH TỬ ngày trong SINH TỬ ), theo đó cái khổ chỉ tuỳ thuộc vào nhận thức và tri giác sai lầm của ta do vọng tưởng và do vô minh.

Cũng theo HT Nhất Hạnh: ” Người tu học thì không thể trốn tránh thực tại. Tu học là đem chánh niệm chiếu vào đối tượng khổ đau để thấy được nguyên nhân đưa ta đến khổ đau “ và trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật dạy VƯỚNG MĂC VÀO NGŨ UẨN LÀ KHỔ và nhất là vướng mắc vào ái dục sẽ là nguyên nhân gây ra sân hận, nghi ngờ, kiêu mạn và ác kiến.

Tuy vậy vì khổ chỉ là một pháp hữu vi nên có tính vô thường và vô ngã mà theo lý duyên sinh trong Đạo Phật thì mỗi mỗi sự vật đều có tương tác và tương tức với nhau. Do đó trong cái khổ đã hàm chứa cái hạnh phúc, hơn nữa dựa vào lý nhân quả ta cũng đã nhận ra được điều này ” Một nhân không bao giờ đủ để đưa tới quả, mà nó phải có rất nhiều nhân để tạo nên một quả và mỗi vật có mặt trong tất cả sự vật khác “.

Kinh nghiệm sống của chúng ta thường đến khi ta phải tự biết tập khí của chính ta và những người giao tiếp với ta cũng phải tìm hiểu về tập khí của ta.

Do đó khi nhận ra một tập khí của mình HT Nhất Hạnh đã dạy ta rằng ” Hãy tự chào đón tập khí bằng câu: Bạn cố tri lại đến hả ? Và mỉm cười để trở lại làm chủ tình hình và cho phép tập khí có cơ hội chuyển hoá từ từ hơn nữa những tư duy của ta chính là loại ngôn ngữ thầm trong tâm ( giống như con tằm tự giam mình trong cái kén lúc nào cũng tự nói cho mình nghe ) cho nên có những tư duy bị che giấu nhưng thỉnh thoảng tự nhiên ta nói bật ra.

Làm thế nào để mỗi khi ta nói với người chung quanh, bạn bè thân thiết:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu
Nguyện rằng sẽ nói lời xây dựng
Bồi đắp thương yêu và hiểu biết.

Tất nhiên lời nói đó đã được nuôi dưỡng bằng một tấm lòng yêu thương rộng mở, chứa đựng thật sự tình cảm chân thật phát xuất thật sâu thẩm trong vùng trời tâm thức ta.

Do đó HT Nhất Hạnh dạy rằng: ” Bồ đề Tâm là một ước muốn, một ý chí rất thâm sâu trong tâm thức của ta. Nuôi dưỡng Bồ đè tâm trong đời sống hằng ngày bằng chánh niệm thì bồ đề tâm sẽ trở thành một vùng năng lượng rất lớn, thúc đẩy tư duy ta đi tới mục đích rất nhẹ nhàng mà không bị lôi kéo vào nhiều đề tài vẩn vơ và vô bổ “.

Nhưng đôi khi cuộc sống đã dạy ta phải tự bảo vệ mình, dù ban đầu tâm ta rất dơn thuần nhưng càng ngày càng thay đổi thành ra phức tạp do sự trải qua những đớn đau thăng trầm của cuộc sống mà gương soi trước mặt mình chính là hình ảnh của cha mẹ đã dãi dầu để nuôi mình cho đến ngày thành phận nên danh.

HT Viên Minh và các Sư trong Phật Giáo nguyên thủy thường dạy rằng: ” muốn có mặt với thực tại đòi hỏi nơi ta một niềm tin và một dũng lực rất lớn, thêm vào đó chính cái ký ức của mình đã làm cho chúng ta thiếu sự tự tin vào giây phút có mặt trong thực tại “.

Echart Toll ” hãy mang lại những không gian tĩnh lặng vào cuộc sống của bạn hàng ngày càng nhiều càng tốt “. Nhưng thật ra cuộc sống luôn sống động, trôi nổi và thay đổi không ngừng, phải chăng ta cần tận hưởng và biết ơn những gì mà đời sống mang lại vì tâm trạng hài lòng với cuộc sống cũng lại là phần thiết yếu nhất để sống trong phút giây hiện tại miễn là lúc nào ta cũng luôn ý thức rằng: ” cuộc sống vốn vô thường và định luật nhân quả không bao giờ sai chạy “.

Cho nên tôi luôn tự nhủ rằng giá trị của cuộc sống có lẽ sẽ được tăng trưởng khi năng lương học Đạo lý của ta được thể hiện qua chánh tư duy, chánh ngữ với những điều đã học, đã thẩm nhập vào căn tính của ta.

Ước mong sao đó là một cuộc đời hạnh phúc đích thực bạn nhỉ.

Có phải mỗi chúng ta là một thế giới
Tự ta tìm an tịnh trong chính tâm ta
Trước hoàn cảnh nào …điều quan trọng nhớ ra
Tự làm khổ mình là u mê lớn nhất

Huệ Hương – 11/9/2019

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.