Vùng Trời Ngày Ấy

Tôi thua Nam 2 tuổi, nhà chúng tôi chỉ cách một hàng rào thấp ngăn vườn cây và cùng nhau đi học, tôi bên trường Nữ và Nam học trường Nam tiểu học. Hai trường xây chung trên một khuông đất thật rộng không có hàng rào ngăn cách, học sinh Nữ và Nam đều ra chơi ở sân trước, còn sân sau mênh mông để đá banh và dành cho 2 trường cấm trại.

Ba tôi đưa đón các bạn nên tan trường Nam phải đi vòng theo hàng rào hướng về phía cổng chính bên trường Nữ. Ai cũng nghĩ sai lầm rằng tôi và Nam là anh em ruột thịt vì chúng tôi có nhiều điểm giống nhau như da trắng, mắt to, mặt mày sáng sủa. Mẹ tôi và mẹ Nam là đôi bạn thân, ba Nam có chức phận trong ngành quân đội, ba tôi bên hành chánh, tình cờ ba mẹ tôi mua nhà gần nhà ông bà nội của Nam.

Mẹ Nam thường nói những cặp trẻ này chơi thân quá, lớn lên có cặp nào thương nhau thì hai nhà làm sui gia. Mẹ tôi cười, tôi và Nam đều là út nên được cưng chiều.

Tôi thích ba Nam khi ông mặc đồ lính, trông ông đẹp trai, mạnh khỏe và thật oai hùng. Nhưng khi người anh bà con tôi tới chơi, anh là phi công thì tôi thích bộ đồ bay hơn, vì một ngày tôi đọc được quyển Đời Phi Công của Toàn Phong thì tôi mê binh chuẩn Không Quân. Tôi ước mơ mình sẽ là nữ phi công, tôi nói với Nam như vậy.

Anh cười.

– Con gái nước mình chưa cho học lái máy bay, anh sẽ làm Phi Công bay thế em.

Chúng tôi bắt đầu sưu tập hình ảnh máy bay và chở nhau vào phi trường nhìn máy bay lên xuống. Những đêm cuối tuần ra sân ngồi nhìn trăng sao, khi có một chiếc máy bay đèn trên đôi cánh chớp chớp bay qua, chúng tôi thích thú và bắt đầu mơ mộng.

Chúng tôi lớn lên, Nam vào Sài Gòn học ngành y. Hai năm sau, 1962  tôi cũng vào theo học dược. Hôm đó, Nam và tôi đang ngồi ở công viên trước nhà đường Hàn Thuyên gần nhà Thờ Đức Bà, có 2 chiếc Air SKYRAIDER bay ngang qua rồi vòng lại, một chiếc từ trên cao lao thẳng xuống dinh Độc Lập rồi bay vút lên, chiếc sau cũng lao xuống bay lên, chúng tôi tưởng các phi cơ đang biểu diễn vì ở Nhatrang mỗi năm Không Quân đều tổ chức biểu diễn ở trên bãi biển.

Nghe tin tức mới biết hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử thả bom. Tôi đã khóc vì sợ các anh bị tù, Nam bỏ học an ủi dỗ dành tôi. Hai chúng tôi thương quí và thần tượng hai người hùng đó dù chưa một lần gặp mặt.

Rồi năm sau Nam nộp đơn xin vào Không Quân, hai đứa đi ăn mừng. Tôi nói:

– Ngày xưa có gái giả trai ra đánh giặc, ngày nay nếu không có vụ khám sức khỏe em cũng sẽ cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai gia nhập không quân cùng anh.

– Yên trí, anh sẽ bay phần anh và phần em nữa.

Ở nơi xa anh học bay tập làm loài chim quí, loài chim tôi rất yêu. Ở quê nhà tôi chăm chỉ học hành, mình sẽ là tổ ấm lý tưởng nhất để khi cánh chim cần nghĩ ngơi thì có nơi về. Đã là chim thì phải được tự do, phải bay nhảy, đôi cánh được giang rộng ôm bầu trời xanh biếc. Và nếu đôi khi cánh chim vướng những sợi mây hồng đó là chuyện thường tình. Vườn hoa đẹp mà có đàn bướm bay quanh mới tăng thêm vẻ đẹp của hoa, bướm phải được vui chơi, nhìn ngắm nhưng bướm không được làm rơi những cánh hoa.

Năm 1965, Phạm Phú Quốc một loài chim quí đã gãy cánh, tôi lại khóc, lần này không có Nam một bên để cùng chia xẻ nỗi buồn, Nam viết thư thật nhiều về an ủi tôi.

Ngày đón anh về nước, lòng chúng tôi nở hoa vui mừng, hai đứa đều lớn, tôi cũng đã ra trường. Nam trong bộ đồ bay anh đẹp oai hùng. Nam cười vui và hát chọc tôi: “Trong đôi mắt em, phi công là tất cả”.

Anh được về phi đoàn chiến đấu ở miền Trung, gần giới tuyến 17 nơi chia đôi đất nước. Cánh chim đã tung bay trên vùng trời của quê hương từ đó.

Lâu lâu Nam về thăm nhà, chúng tôi không đủ ngày giờ kể cho nhau nghe nhiều chuyện, nhất là những phi vụ, lúc còn bé anh hứa sẽ kể cho tôi nghe khi đã thành loài chim quí.

Tôi cũng là loài chim nhưng không biết bay, loài chim không có cánh nhưng rất yêu bầu trời trong xanh bao la.

Năm 1968, Lưu Kim Cương, một loài chim quí cũng ra đi, tôi lại khóc dù tôi cũng chưa một lần gặp mặt. Nam về vì biết tôi buồn, anh ôm đàn và hát với giọng thật ấm, trầm, anh hát rất hay.

“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây.
Đã vui chơi trong cuộc đời này.
Đã bay cao trong vòm trời đầy.
Rồi nằm xuống,không bạn bè,không có ai

…………….

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình

……………..

Vùng trời nào đó anh đã bay qua?
Chỉ còn lại đây những sáng bao la.

………………….

Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du.
Đứa con xưa đã tìm về nhà.
Đất hoang vu khép lại hẹn hò.

…………….

Xin cho một người vừa nằm xuống
thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang”.  ( Trịnh Công Sơn )

Tôi khóc và anh hát tiếp.

“Ngày xưa khi anh vừa khóc chào đời.
Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời.
Đặt tên cho anh anh là Quốc.
Đặt tên cho anh anh là nước.
Đặt tên cho người,đặt tình yêu nước vào nôi.
Rồi anh nâng cao tổ quốc vào đời.
Tuổi xuân vươn trong lửa máu ngút trời.
VIỆT NAM đang đòi tự do hạnh phúc giống nòi

……………

Anh Quốc ơi! Đàn chim chim quốc tung trời.
Gọi nhau đem nắng soi đời.

………….

Anh Quốc ơi! Tuổi xanh chấp cánh thênh thang.
Bình minh, lên chiếm không gian
đến hoàng hôn chan chứa tình thương.
Anh Quốc ơi! Gặp khi chinh chiến lâu dài
Người phi công giữa khung trời vẫn phải mang số phận con người. ( Tác giả Phạm Duy )

Nam cứ để tôi khóc. Khóc mệt rồi tôi tựa vào vai anh ngủ lúc nào không hay.

Năm 1972, mùa hè đó lửa, trong một phi vụ máy bay anh trúng đạn và bốc cháy, một cánh dù đã bung ra, nhưng không thấy Nam về, tin cho hay anh mất tích.

Bà nội lấy ngày Nam mất tích làm ngày cúng giỗ đầu tiên. Hôm đó tôi không chịu đốt nhang bàn thờ anh vì tôi không tin anh chết, có một người cũng như tôi không tin anh chết, đó là mẹ anh.

Đêm mơ màng tôi nghe như tiếng anh đang gọi tên tôi, tan nát cõi lòng, nhìn những cánh chim bay trong bầu trời, lòng chợt ấm.

Tình hình không yên, lệnh rút quân bỏ ngõ Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuộc, Đà Nẵng, Nhatrang…v.v….

Gia đình Nam di tản nhưng ba anh là quân nhân nên không muốn đi, gia đình tôi cũng vậy, ba tôi ở lại. Riêng tôi muốn chờ Nam vì tôi không tin anh chết, tôi viện lý do tôi chỉ là người buôn bán không có gì phải ra đi.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhìn ba tôi và ba Nam, tôi hiểu được nỗi đau nhất trên đời như thế nào, không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất nước của một người con trai đã một thời bảo vệ, cống hiến, yêu tổ quốc, nay mất trong tức tửi.

Họ không khóc như tôi, chỉ ngồi yên, câm nín, chịu đựng. Trên khuôn mặt nói lên trăm ngàn điều đau khổ, tim như bị xé nát, người biến thành tượng đá. Sau một đêm tôi không còn nhìn ra hai người cha, tóc hai người đã bạc trắng.

Nhà Nam bị tạm mượn vì không có người ở, tiệm thuốc của tôi bị trưng dụng, tôi may mắn được giữ lại làm nhân viên cho tiệm.

Tôi bắt đầu tìm tin tức của Nam theo sự chỉ dẫn của nhiều người. Đến năm 1978 tôi được giấy báo gởi 5 ký quà cho Nam.

Ba người thân đều ở miền Bắc mà mỗi người ở một nơi.  Lúc đi thăm nuôi tôi tự an ủi, vì tôi không phải loài chim có cánh nên phải đi bằng đường bộ dù sao cũng là dịp nhìn ngắm quê hương.

Gặp Nam tôi khóc mà anh cười,tôi tưởng anh điên nhưng khi anh giảng cho tôi hiểu thì tôi càng khóc nhiều hơn.

– Anh rất mừng gặp lại em, thấy em còn khóc được, mà còn khóc nhiều như ngày xưa. Anh được ở chung cùng những người lính đủ binh chuẩn của miền nam, đó là những anh hùng, là những thiên tài, anh học được nhiều ở họ như lòng yêu nước, tinh thần người lính, thể diện, chịu dựng, nhẫn nhục, vị tha, đoàn kết, xử sự, chờ đợi, nhịn đói, thiền…v.v…

Anh còn học được cách nói chuyện ra dấu bằng tay như những người câm. Ở đây không được liên lạc cùng trại khác như trại người Mỹ, nhưng anh em ai cũng biết cách nói chuyện bằng tay, nên các anh thông tin cho nhau dễ dàng, và liên lạc cùng người tù Mỹ, thương và cảm ơn họ vì lý tưởng tự do mà đến xứ mình, nay tù, giam còng chịu bao nhiêu là cực khổ.

Nghịch duyên đưa anh đến trưởng thành, tập cho tâm anh thật vững chắc, tự tìm ra sự sống chính anh, chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại.

Tôi nghe anh nói mà tưởng mình vào chùa nghe vị thầy nào đó thuyết pháp. Nam còn hứa chắc sẽ về và một ngày nào đó và sẽ chắp đôi cánh cho tôi.

Năm 1986, tôi đưa tiển hai người cha đi đoàn tụ cùng gia đình theo diện bảo lãnh.

Cô tôi cũng là mẹ nuôi từ Úc về tìm tôi, cô muốn tôi qua Úc vì cô không có con, hiện cô có trang trại cần người thân phụ giúp.

Tôi làm tất cả giấy tờ cần thiết, năm 1989 Nam được ra tù và chúng tôi đến Úc.

Tôi đã thành loài chim biết bay, không được làm loài chim quí như các anh, bảo vệ quê hương tổ quốc, tôi là loài chim se sẻ bảo vệ hoa trái mùa màng.

Buổi chiều ở trang trại, không gian thoáng đãng, không khí trong lành, bầu trời xanh màu ngọc bích, từng đám mây trắng bềnh bồng trôi, những làn gió hiu hiu thổi đưa hương thơm cánh đồng hoa Lavender mới nở, cả không gian tràn ngập mùi hoa thơm dịu dàng làm nao nao lòng người. Những tia nắng vàng hoe như còn lưu luyến bịn rịn đổ dài trên những đường đi tràn xuống thảm cỏ xanh như rực sáng hơn, từng đàn chim đang bay về tổ, tất cả hoà lại không gian như cất tiếng hát, buổi chiều êm đềm thanh bình.

Tay trong tay, chúng tôi đi giữa những luống hoa. Nam kể cho tôi kỹ niệm của VÙNG TRỜI NGÀY ẤY và thương nhớ về quê hương VIỆT NAM yêu quí.

Diệu Ngọc – ( Viết theo lời kể của một người bạn )

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.