Đứng Trên Tất Cả

KÍNH TÍN VÀ PHÂN BIỆT

Nhận biết được tức là thực hành trạch pháp và cũng hàm nghĩa rằng có một thứ chìa khóa hay một mấu chốt nào đó để tìm ra, để nhận dạng những vị thánh tăng (và dĩ nhiên là đã vô tình so sánh với phàm tăng). Điểm này xem ra có vẻ là điều cấm kỵ trong giới tu tập Phật giáo. Nó cho người ta cái cảm giác như là mình vô lễ vô phép, mất niềm tin đối với Tam Bảo.

Thực ra, tìm thầy học đạo không nhất thiết phải tìm cho ra một vị thánh tăng, mà chỉ cần tìm cho được một vị chân tăng. Vị chân tăng này có thể là thánh hay phàm, nhưng họ có một điểm chung là hướng vọng đến đạo quả bồ đề; mà hướng vọng đến đạo quả bồ đề thì chắc chắn là phải thực hiện hạnh vô ngã trong từng ý nghĩ, lời nói, và hành động thường nhật của họ.

Thông thường, với lòng kính tín sâu xa vào Tam Bảo qua hình ảnh sáng ngời của đức Phật, qua sự vi diệu của giáo Pháp, và qua những tấm gương cao đẹp của nhiều thế hệ chân Tăng, người ta có thói quen là không dám đánh giá, lượng định, so sánh… phẩm giá và hành trạng của những người xuất gia hiện tại, cứ một mực cho rằng, “vị nào cũng tốt,” hoặc “dù họ không được hoàn hảo lắm thì cũng hơn mình,” hoặc “biết đâu họ là bồ tát hóa thân…” Thái độ kính tín sâu xa ấy rất cần thiết cho người sơ cơ học đạo và cũng rất cần thiết cho những người đang thực hành bồ tát đạo, học theo hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh, luôn luôn quí trọng tôn sùng kẻ khác vì tin tưởng Phật tính sẵn có nơi họ. Nhưng trong trường hợp một người tầm sư học đạo, tha thiết tìm cầu đạo lý giác ngộ để vĩnh viễn giải thoát, thì vấn đề phân biệt chân sư – tà sư, tất phải đặt ra. Cố nhiên là phải như vậy. Bởi vì không phân biệt được sự sai khác giữa chân và tà sư thì có thể xảy ra trường hợp suốt đời tu hành lao nhọc mà chẳng có kết quả gì đáng kể, hoặc đi theo tà ma ngoại đạo từ lâu mà chẳng hay.

CHÂN SƯ VÀ TÀ SƯ

Chân sư và tà sư khác nhau chỗ nào?

Đối với tu sĩ của một số tôn giáo tôn thờ thần quyền, sự đánh giá chân-ngụy, chánh-tà khá dễ dàng qua mặt đạo đức, tác phong của chính các vị tu sĩ ấy. Mà phẩm cách đạo đức, tác phong của tu sĩ các tôn giáo này thường khi chỉ đặt nền tảng trên sự cần mẫn tận tụy hiến dâng, phụng sự thần linh, thực hành các giáo điều, tín điều đã được thần linh ban hành hay trích dẫn từ kinh sách được tin là được viết ra do sự mặc khải của thần linh. Tu sĩ nào thực hành nghiêm chỉnh các tín-giáo điều thì được coi là có đạo đức; và ngược lại thì vô đạo đức; hoặc thiếu đạo đức mà làm bộ như ta đây đạo đức thì bị gọi là đạo đức giả. Đối với tu sĩ các tôn giáo ấy, tu tập chỉ có nghĩa là như vậy: tuân thủ các giới điều và tín điều. Hoặc nói nôm na tóm gọn là chỉ cần giữ mình làm người đạo đức, mô phạm.

Trong khi đó, thực hành giáo lý đạo Phật, tu sĩ Phật giáo không phải chỉ là những người trau luyện đạo đức hay một thứ tư cách cao quí đức hạnh làm người nào đó mà xã hội mong đợi. Con đường chính yếu của họ là thực hành các phương pháp tinh diệu nhằm phá vỡ biên giới của tự ngã để thể nhập vào bản thể vô tận sẵn có trong mỗi người, mỗi loài. Để thành tựu trọn vẹn mục tiêu này, hành giả phải trải qua một tiến trình, hoặc nhanh hoặc chậm, gồm 53 giai đoạn từ sơ cơ đến thượng trí. Những giai đoạn tu chứng này vượt ra khỏi thứ đạo đức làm người của thế gian, bước vào thánh hạnh cao quý của hàng Bồ tát, Phật. Và chính vì có khá nhiều giai đoạn và thứ bậc như thế, việc nhận dạng các vị chân tu đắc đạo đang ở giai đoạn nào không phải là đơn giản, trừ phi chúng ta đắc đạo như Phật.

Tuy nhiên, như đã nói ở trước, để tầm sư học đạo, chúng ta cần thiết phải biết nhận dạng một vị chân sư để theo học, như cách người xưa thường nói “chọn mặt gởi vàng.” Điều này nói ra có vẻ như một điều mai mỉa bất kính làm đụng chạm một số đạo sư nào đó. Nhưng nếu thực sự có một sự đụng chạm, hóa ra vị đạo sư ấy dễ bị dao động đến thế sao? hóa ra vị đạo sư ấy hãy còn một cái ngã to lớn cứng rắn nào đó để cho sự lượng giá của học trò đụng chạm đến sao? và nếu cứ tránh né đụng chạm những đạo sư, hóa ra lại đẩy những thiệt thòi về phía những người học trò đang khao khát tìm cầu chân lý?

Người học trò thượng căn như Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa có thể rời bỏ các sư phụ để tự mình tìm kiếm chân lý, còn những học trò căn trí thô thiển cạn cợt như chúng ta ngày nay thì sao? Nếu chọn lầm sư phụ thì chẳng phải là cái tiền đồ tu tập của chúng ta sẽ mở vào một cõi u u minh minh hay sao?

Cho nên, rất cần thiết phải biết chọn thầy bằng cách nhận dạng dấu hiệu thực nghiệm toát ra từ nếp sinh hoạt của họ. Sự nhận dạng này không có nghĩa là phải nhìn thấu từng quả vị tu chứng của họ hoặc đòi hỏi họ phải chứng minh sở đắc. Chúng ta có một chìa khóa nhỏ để mở ra cái kho vô tận xứng đáng cho mình qui phục, nương tựa. Và chìa khóa đó chính là điểm chung mà hầu như các vị chân tăng đều có: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày.

Chân sư và tà sư theo quan niệm Phật giáo khác nhau ở chỗ đó. Họ có thể sử dụng những phương tiện giống nhau: tụng kinh, tọa thiền, giảng dạy Phật Pháp, làm việc văn hóa, làm việc xã hội từ thiện… Nhưng mục đích hành đạo của họ thì khác nhau: một bên thì có khuynh hướng dẹp trừ bản ngã để thể nhập vào thể tánh vắng lặng vô biên; một bên thì nuôi lớn bản ngã, đắp cao thành trì của ái dục và lợi danh tầm thường.

Cần nhấn mạnh một lần nữa nơi đây rằng, chúng ta chỉ chú trọng đến chân và tà. Mà trong chân có thể vừa có thánh vừa có phàm, trong khi trong tà—dù có là một đạo sư nổi tiếng cách mấy đi nữa—chỉ hoàn toàn là phàm. Như vậy, nếu chúng ta thực sự muốn tìm cầu một bậc thầy có khả năng hướng dẫn ta tiến đến giải thoát giác ngộ, nên lấy chân, bỏ tà.

(Cũng nên mở ngoặc thêm ở đây rằng: trong giới tu học Phật giáo, không phải ai cũng có khát vọng tìm cầu chân lý hoặc hoài bão giải thoát giác ngộ. Không những trong giới tại gia cư sĩ mà ngay cả một số tu sĩ Phật giáo thời nay cũng vậy: có khi chỉ thực hành giáo lý Phật như cách các tu sĩ tôn giáo khác trau luyện đạo đức làm người và giữ gìn các tín điều. Điều này xét về mặt nhân sinh quan, cũng là điều hữu dụng, vì có khả năng ổn định xã hội, lành mạnh hóa đời sống gia đình, đem lại chút hạnh phúc nhẹ nhàng nào đó cho mỗi cá nhân. Nhưng, mục tiêu tối hậu của giáo lý Phật thì không dừng đứng ở chỗ đó. Đức Phật đã từng nói: “Nếu nước đại dương chỉ có một vị mặn thì đạo lý của ta chỉ có một vị duy nhất là giải thoát.” Hành giả tu tập có thể giữ gìn giới luật để được giải thoát từng phần [biệt giải thoát] tùy theo giới cấm mình tiếp thọ; nhưng mục tiêu tối hậu vẫn là giải thoát hoàn toàn tất cả mọi phiền não trói buộc của tự tâm. Mà để có được điều này, phải dẹp trừ cả ngã chấp và pháp chấp. Tóm lại, tu tập theo chân tinh thần Phật giáo là nhảy vào vòm trời tự tại vô ngại của tánh Không để được thành Phật như đức Phật, chứ không phải chỉ học làm người, học làm vua, làm tôi, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm thầy giáo, làm học trò, làm người truyền đạo, làm nhà trí thức, làm người có bằng cấp thế gian, làm người có tiếng tăm danh vọng, làm công dân đạo đức đàng hoàng trong xã hội… mà bất cứ tôn giáo nào cũng có thể hướng dẫn được. Nêu ra điều trên là để thưa trước rằng những gì sắp nói ở sau, chỉ dành cho những người muốn tu tập theo đạo lý giải thoát giác ngộ và thực sự muốn tìm một bậc chân sư có khả năng hướng dẫn mình thực hiện chí nguyện đó.)

Chân sư Phật giáo tạm thời phân chia thành hai bậc: thánh tăng và phàm tăng.

Các chân thánh tăng thì miễn bàn, vì chắc chắn họ là những bậc chân sư đáng qui phục, ai có phước duyên thì được tu tập dưới sự hướng dẫn của họ. Giả như không gặp thánh tăng, chúng ta hãy còn may mắn là có những chân phàm tăng để bái làm thầy. Những vị này tuy chưa chứng thánh nhưng luôn có khuynh hướng truy cầu giải thoát giác ngộ, biết được con đường chân chính để đi và hướng dẫn môn đệ cùng đi, nỗ lực tu tập những phương thức dẹp trừ bản ngã và khát dục. Cả hai bậc chân sư trên đều rất xứng đáng cho chúng ta đảnh lễ qui y.

Nhưng ở trên, vẫn chỉ là nói một cách khái quát. Chúng ta cần đi vào chi tiết: làm thế nào để nhận ra một vị chân sư? Câu hỏi này đưa chúng ta quay trở lại với tiền đề nêu ở trước: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày của các vị chân sư.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.