Đứng Trên Tất Cả

Trình bày những biểu hiện của sự chấp ngã, người viết chỉ hy vọng một điều duy nhất là những người môn đệ tìm cầu giải thoát giác ngộ có thể chọn được một minh sư chân chính nào đó để hướng dẫn mình đi đúng đường; còn những vị đang đóng vai trò hướng đạo thì cũng tự nhìn lại mình, lượng giá được chân tướng của mình cũng như con đường mà mình đang đi.

Trường hợp những người học trò chỉ tìm đến thầy để học đạo như cách học trò đến trường thu lượm kiến thức, hoặc chỉ như những học giả muốn tìm hiểu một thứ triết lý gì đó cho thỏa tính hiếu kỳ hay để soạn viết một tác phẩm biên khảo công phu mà giương danh với đời, hoặc như những người tín đồ đúng nghĩa (tức là chỉ đến với tôn giáo bằng niềm tin, không cần suy xét) tìm đến nơi thờ tự đấng thần linh để cầu sự che chở hoặc ban thưởng phước lành, hoặc những người tìm đến tôn giáo chỉ vì muốn trả ân đã được tôn giáo đó giúp đỡ vật chất khi ngặt nghèo, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ vì để được kết hôn với người thuộc tôn giáo ấy, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ để học một cách sống đạo đức hay chỉ để học một nếp sống hòa bình, an lạc, nhàn nhã trong cuộc đời… thì bài viết này không liên hệ gì đến họ cả. Bởi vì những gì mà số người này tìm kiếm, họ có thể tìm được ở bất cứ nhà đạo đức nào, bất cứ vị học giả hay triết gia nào, bất cứ vị bác sĩ tâm thần nào, bất cứ nhà từ thiện xã hội nào, bất cứ vị thầy nào của tất cả các tôn giáo có mặt trên thế gian này.

Nhưng để vĩnh viễn thoát ly sinh tử hay ít nhất cũng chọn được chính đạo để xác định tiêu đích giải thoát của mình, người học trò phải tìm cho kỳ được một vị chân sư (phàm hay thánh) đang ngày đêm nỗ lực hướng đến tiêu đích giải thoát đó và đang sống giữa cuộc đời ô trược này mà không đắm nhiễm cuộc đời. Tính cách bất nhiễm của vị chân sư đó được thể hiện trong tinh thần vô ngã. Sự tu tập của người theo Phật giáo khác với tín đồ của các tôn giáo khác ở chỗ đó.

Trong Phật giáo không có phương pháp cao thượng hay phương pháp thấp kém. Chỉ có phương tiện thiện xảo hay phương tiện không thiện xảo. Phương tiện có thiện xảo hay không là ở chỗ nó được thực hiện trong tinh thần vô ngã hay chấp ngã. Phương tiện thiện xảo là thứ phương tiện tối thắng, vừa cứu độ lợi ích cho chúng sanh vừa giúp hành giả dẹp trừ được sự chấp ngã và giải thoát sinh tử luân hồi. Phương tiện không thiện xảo thì chỉ đưa chúng ta đến gần với thế giới của ma vương và nếu có giúp gì chăng thì chỉ giúp chúng ta trở thành những con người đàng hoàng, đứng đắn, mô phạm, đạo đức, sống an hòa trên cuộc đời.

Những nhà đạo đức được khuôn nắn từ các phương tiện không thiện xảo thì có thể suốt đời tuân thủ các qui tắc, mô phạm của thế gian, không tổn hại ai và có thể đem lại lợi ích tạm thời nào đó về vật chất hay tinh thần cho kẻ khác, nhưng bản thân họ, cái ngã đang được nuôi lớn từng giây phút của họ, thì tiếp tục lang thang trong cõi luân hồi. Trong khi đó, việc hành đạo của một bậc chân sư thì vừa cứu độ chúng sinh, vừa cứu độ chính mình, ra khỏi trùng vây của ngã chấp, thoát ly hoàn toàn cái vòng lẩn quẩn của tử sinh.

Người xuất gia sở dĩ đứng trên tất cả là do đã sống vì tất cả; sống vì tất cả là do không còn bám chặt vào gốc rễ của tự ngã. Tu tập, hành đạo, làm việc thiện, mà cứ khư khư bám chặt lấy tự ngã thì suốt đời suốt kiếp cũng chỉ là viên sỏi lặn xuống đáy nước. Trong khi đó, những ai đã phá trừ tất cả mọi thứ gốc rễ, mọi thứ đeo bám, mọi thứ rườm rà nặng nhọc của hình thức và tự tâm, thì có thể như cánh nhạn, như làn mây, như sợi khói mỏng, hay như chiếc bong bóng, nhẹ nhàng bay lên bầu trời vô tận.

Thực ra, những vị chân tăng nói trên không phải là không có. Có khi họ ẩn thân ở một nơi đèo heo hút gió, mà cũng có khi họ sống rất gần gũi với chúng ta. Chỉ tại chúng ta thích chạy theo giá trị hời hợt của đám đông, cứ tưởng rằng hễ là chân sư thì phải nổi tiếng hoặc kẻ nào nổi tiếng thì phải là chân sư… nên không nhìn ra được những vị chân sư rất bình phàm, chơn chất, giản dị, có khi chẳng có một mảy may tài năng, phép lạ, tiếng tăm, bằng cấp, hay danh vọng gì cả… Không có thứ thước đo nào của thế gian này có thể lượng định được chân giá trị của một bậc chân sư. Chỉ có chìa khóa duy nhất: tinh thần vô ngã—mà Phật dạy từ hơn hai ngàn năm trước—là có thể mở ra cho người môn đệ nguồn hứng cảm vô tận của giải thoát giác ngộ. Tinh thần ấy đã đào tạo nên nhiều thế hệ chân tăng cho nhiều quốc gia, nhiều thời đại; cống hiến cho cuộc đời những bậc thầy thong dong tự tại, đến và đi một cách lặng lẽ, không cột trói mình vào bất cứ thứ hình thức rườm rà huyễn mộng nào của cuộc đời.

Riêng tôi, tôi luôn nhìn thấy họ quanh tôi, rất thân cận với tôi. Thân cận nhưng họ lại ở trên tôi rất xa, bởi vì họ đứng trên tất cả mà không bao giờ thấy mình đứng trên tất cả.

Vĩnh Hảo (trích từ tác phẩm Con Ðường Ngược Dòng, của Vĩnh Hảo)

_______________

Ghi chú của tác giả:

Một số chú thích trong bài khi chuyển từ Ventura Publisher sang MS Word đã mất hết. Tác giả xét thấy các từ ngữ ấy cũng không xa lạ lắm với người học Phật nên bỏ qua, không chú thích lại ở đây. Xin tạ lỗi cùng tất cả.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.