Quyển “Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận” nầy do Cư sĩ Nhứt Như dịch từ nguyên bản chữ Hán, Chùa Thiên Phước ấn hành vào năm 1952 tại Sài Gòn. Quyển nầy là một bộ Kinh do Đức Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát thưa hỏi những đoạn khó khăn như : Tứ-cú kệ, Kim-cang tâm, Tứ-sanh, Lục-đạo, Thập-thánh, Tam-hiền, v.v… Thế Tôn tùy theo những đoạn hỏi mà giải thích rõ rệt quyển Kinh nầy, dẫn từ chỗ thấp đến chỗ cao, từ lý dễ đến lý khó. Có thể nói giải quyết được nhiều vấn đề mà bấy lâu nay người học Phật vẫn còn phân vân nghi hoặc. Quyển Kinh nầy xuất hiện ở Việt-Nam đã lâu nhưng ít được ai biết đến. Hôm nay có đủ duyên lành, tôi xin giới thiệu với quý vị trên trang web này, hầu góp một phần công đức trong căn nhà đạo pháp và hồi hướng công đức nầy đến với tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo ! Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! Đạo Hữu Thiện Trí
Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận
Ta nghe như vầy : một thuở nọ Đức Phật ở trong non Linh-Thứu, ngồi trên đài thanh tịnh cùng các vị Bồ-Tát, Thanh-Văn, Thiên-Long Bát-bộ vây chung quanh nghe Phật thuyết pháp.
Khi bấy giờ, có vô số các vị mới phát tâm Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di đều nghĩ tưởng như vầy : Đức Phật Ngài nói pháp đại-thừa, ý chúng ta không hiểu được, phải chi Đức-Phật phương tiện chỉ dạy những chỗ cạn thấp dễ dàng, chúng ta nhờ đó được tỏ ngộ tri-kiến của Phật và chứng đạo quả. Ý muốn thưa hỏi mà chẳng dám lại gần.
Bấy giờ Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi biết những tâm niệm của bốn chúng, nên phương tiện từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật mà bạch rằng :
“Xin Đức Thế Tôn mở lòng đại từ, lập những Pháp phương-tiện chỉ dạy cho những chúng sanh sơ cơ thấy tánh thành Phật, lại vì đời sau những chúng sanh mới bước vào nhà Phật, tìm học mối đạo đặng Chánh-Tri-Kiến, không bị tà-giáo phỉnh hoặc, không dụng công nhiều mà đặng thành đạo quả”.
Đức Phật nói :“Hay lắm ! Hay lắm ! Nầy Văn-Thù Sư-Lợi, ông có phương tiện lớn lao, thỉnh hỏi Như-Lai chỉ dạy ba căn và con đường tu hành ngay thẳng cho chúng sanh đời sau mới vào cửa đạo, theo lời ông hỏi ta sẽ nói rõ”. Trong đại chúng đều lặng yên để nghe Phật nói pháp.
Đức Phật bảo Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi :“Có một pháp Đà-la-ni tên là Kim-Cang tâm hay khiến chúng sanh một phen thấy, một phen nghe liền đặng đạo quả ! …
-Nầy thiện nam tử ! Thế nào gọi là Kim-Cang tâm ? Tâm nầy người người vẫn có không kẻ nào không, nên cái tâm bình đẳng của chúng sanh nầy tự biết lấy, tự hiểu lấy.
Vì sao ? Hết thảy việc lành, việc dữ đều tại tâm mình sanh ra. Tâm mình tu việc lành, thân mình được an vui. Tâm mình tạo việc dữ thân mình chịu khốn khổ. Tâm là chủ của thân; thân là dụng của tâm.
Tại sao vậy ? Bởi vì đức Phật cũng do tâm thành, đạo do tâm học, đức do tâm chứa, công do tâm tu, phước do tâm ra, họa do tâm tạo. Tâm làm ra thiên-đường, tâm làm ra địa-ngục. Tâm làm ra Phật, tâm làm ra chúng-sanh; nếu tâm chánh thì thành Phật, tâm tà thì thành ma. Tâm từ là người của Trời, tâm ác là người của La-Sát, nên cái tâm là hột giống cho hết thảy sự tội phước. Nếu người giác ngộ được tâm mình, làm chủ giữ cho chắc chắn, không tạo các sự dữ, thường làm các việc lành, hành trì hạnh nguyện đều y theo Phật. Phật nói : Người nầy không bao lâu sẽ được thành Phật ! …
Nếu có thiện-nam tín-nữ muốn cầu Phật đạo, mà không rõ được tâm của mình thì không thể thành Phật ! Nếu có người rõ được tâm, thấy được tánh, y theo Phật dạy tu hành, quyết định thành Phật, còn hơn công đức tụng ba mươi muôn biến Kinh Kim-Cang cũng không sánh kịp !
Tại sao ? Hết thảy các Đức Phật và các pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của chư Phật đều tự nơi tâm mình phát sinh ra, vô cùng vô tận, không hư không lộn, nên gọi là “Kim-cang tâm”, ngộ tâm nầy gọi là ngộ “Phật tâm”. Cho nên Phật cùng chúng sanh tâm tánh như nhau, tại người tu và không tu, tin cùng chẳng tin, nên có người làm Phật có người làm chúng sanh !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật :“Sao gọi là Kinh Kim-Cang ?”
Đức Thế Tôn nói :“Kim-Cang là thí dụ tánh của mình, còn Kinh là thí dụ tâm của mình. Nếu người rõ tâm mình, thấy tánh mình, người nầy tự trong thân có Kinh, trên sáu căn thường hiện ra hào quang sáng suốt, chói lòa trời đất, đầy đủ công đức như số cát sông Hằng, sanh ra tứ-quả, tứ-hướng, thập-thánh, tam-hiền, nhẫn đến ba-mươi-hai tướng của đức Như-Lai và tám-mươi việc tốt. Hết thảy công đức đều từ nơi mình, do tâm địa mà ra chứ không phải tìm nơi ngoài mà được.
Tại sao ? Nếu có người minh-tâm kiến-tánh thường nghe tâm Phật của mình, thường thường nói pháp, thường thường độ chúng sanh, thường thường hiện thần thông, thường thường làm việc Phật, hiểu được lý như vậy mới gọi là thọ trì Kinh Kim-Cang, mới gọi là Kim-Cang bất hoại thân”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :
“Trong Kinh Kim-Cang đức Phật thường khen ngợi thọ trì đọc tụng bốn câu kệ v.v… giảng nói cho người khác nghe thì phước đức ấy còn hơn là phước đức đem bảy báu chất đầy Đông, Tây, Nam, Bắc bốn phía, trên dưới hư không ra bố thí, lại hơn phước ngày đầu, ngày giữa, ngày sau, nhẫn đến trăm nghìn kiếp đem thân mạng như số cát sông Hằng mà bố thí. Chẳng biết thế nào là bốn câu kệ ?”
Phật nói :“Hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, xưa nay chẳng sanh, xưa nay chẳng diệt, bởi vì mê ngộ nên có thăng trầm.
Tại sao ? Chúng sanh thường mê không giác ngộ cho nên nhiều kiếp đọa lạc. Chư Phật thường giác ngộ chẳng mê cho nên đặng thành Phật đạo. Nếu có thiện-nam tín-nữ học hỏi đạo Phật, công trình vào đạo chia làm bốn việc, gọi là bốn câu kệ : Một là không thân, Hai là không tâm, Ba là không tánh, Bốn là không pháp.
Sao gọi là không thân ? Vì thân nầy do cha mẹ sanh ra đầy đủ khí huyết của cha mẹ, chín khiếu thường chảy những vật không sạch, bốn đại giả hiệp, sau rồi cũng tan rã; nhưng người thiện-nam tín-nữ tin có trí huệ biết thân nầy là giả, thì khi chưa chết tưởng như thân nầy đã chết, mượn thân giả nầy mà học Phật tu hành, gọi là Sắc-không, câu kệ thứ nhất.
Thường quán sát tâm của mình chẳng sanh chẳng diệt, chí thánh chí linh. Gặp cảnh như là có, cảnh qua rồi như là không, nay biết được chân tâm thường giác chẳng mê, chẳng theo vọng tưởng kéo dắt, chỉ nương chân tánh làm chủ, gọi là ngộ Tâm-không, câu kệ thứ hai.
Lại quán sát tánh của mình thường lặng yên không lay động, nếu cảm đến liền thông suốt, biến hóa vô cùng, uy linh khó nghĩ, sáng suốt làu làu. Tự mình giác ngộ hiểu biết linh thiêng, vắng lặng vô-vi mà không ngoài hữu-vi, gọi là ngộ Tánh-không, câu kệ thứ ba.
Lại quán sát đức Như-Lai giảng nói kinh pháp đều phương tiện dẫn dắt chúng sanh vào cửa pháp, như nước rửa bụi, như bịnh gặp thuốc, nay chứng được tâm-không, pháp-không, như bịnh mạnh thì thuốc không dùng nữa, gọi là ngộ Pháp-không, câu kệ thứ tư.
Nghĩa của bốn câu kệ nầy là con đường vào đạo, siêu phàm nhập thánh, các đức Như-Lai ba đời cũng do con đường nầy đi đến quả vị cứu cánh.
Tại sao ? Nếu ngộ đặng ý câu kệ thứ nhất, y theo nghĩa mà tu hành thì chứng đặng quả Dự-lưu Tu-đà-hoàn; ngộ đặng ý câu kệ thứ hai, y theo nghĩa mà tu hành thì chứng đặng quả Nhứt-lai Tư-đà-hàm; ngộ đặng ý câu kệ thứ ba, y theo nghĩa mà tu hành thì chứng đặng quả Bất-lai A-na-hàm; ngộ đặng ý câu kệ thứ tư, y theo nghĩa mà tu hành thì chứng đặng quả Vô-sanh A-la-hán.
Bốn câu kệ nầy là mở rộng cửa đạo của các đức Phật, nếu thọ trì đọc tụng vì người giảng nói, khiến người nghe ngộ được tri-kiến của Phật, quyết định thành Phật không nghi ngại, nên phước đức nầy lớn hơn trăm ngàn ức phần phước đức đem bảy báu thân mạng bố thí trước kia không được một phần !”.
Đức Phật bảo Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi :“Phật trước Phật sau cũng đồng một thể, đều tại mỗi người tự mình minh tâm kiến tánh mà thành công đắc quả, vì Phật tánh người sẵn có, nếu không y theo Phật mà tu hành thì chẳng đặng thành Phật !
Tại vì sao ? Vì chưa có công đức gì ở trong Phật pháp. Nếu muốn cầu đặng bậc Phật, phải y theo mười điều dưới đây:
1- Phải dùng trai giới làm nền tảng đi đến bậc Phật !
2- Tìm minh sư chỉ dạy công phu !
3- Phải biết tâm tánh rốt ráo tỏ rõ !
4- Phải làm các phước lành giúp cho gốc đạo được sung túc !
5- Phải kết duyên lành cho gốc lành mỗi ngày mỗi thêm lớn !
6- Rõ nhân quả, việc làm đừng có vọng động !
7- Trừ tà ma xa lìa ngoại đạo !
8- Phải thông chơn lý chớ chấp hữu vi !
9- Phải tinh tấn theo đức hạnh Phật !
10- Mỗi pháp phải thông suốt rõ rệt !
Nếu người đủ mười điều công đức nầy thì mau đặng thành bậc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác !
Văn-Thù Sư-Lợi ! Sau khi ta diệt độ rồi, trong đời mạt pháp có nhiều chúng sanh căn trí thấp kém, tâm ý mê say, trí tính mờ tối, tuy có trì-trai giữ-giới đều không trí-huệ, cái tâm ngu mê cống cao ngã mạn, tôn sùng tà-kiến, không chịu hạ tâm mình để cầu thầy học hỏi những pháp chân-chánh, khư khư chấp trước, nhận giả làm thiệt, hoặc chấp trước kinh sách văn tự, hoặc chấp trước tụng trì cho nhiều số, hoặc học được một, hai câu nói của Phật thì cho là hoàn toàn. Chưa đặng nói là đặng, chưa chứng nói là chứng, căn lành tu ít mà muốn quả to, thiệt người ngu mê không hiểu ý Phật, tự mình điên cuồng, tự mình dối mình, tuy có nhân lành mà khó tránh quả dữ.
Tại sao ? Hột giống không chắc, khó mà kết trái Bồ-đề, một khi mất thân người, muôn kiếp khó phục hồi đặng !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Thế nào là tứ sanh. Tạo những nghiệp chi mà bẩm thọ thân mạng mỗi loại không giống nhau ?”
Thế Tôn nói :“Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ đến nay gây tạo nhiều việc điên đảo, niệm niệm không lành, vùi lấp chơn tánh, tham luyến trần duyên mãi mãi. Bởi tham, sân, si tạo các tội lỗi không lường không ngằn như là : sát sanh, trộm cắp, tà dâm … đến khi luân-hồi bẩm thụ thân hình đều khác.
Nay nói sơ qua nghiệp chướng điên đảo của bốn loại :
1- Noãn sanh : Là người đời trước vì kế sinh hoạt, tâm hay sắp đặt mưu mô xảo trá lừa gạt, nên đọa làm noãn sanh như các loài chim cá v.v… Người tham kế cao thì làm chim, thấy người thì bay cao. Người mưu sâu thì làm cá, gặp người thì lặn xuống.
2- Thai sanh : Người nầy đời trước tham đắm dâm dục nên đọa thai sanh như người, dê, heo, cùng thú có vú đẻ con như trâu, bò, ngựa, mèo, chó. Tội tham dâm sanh làm người thì đặng đứng thẳng, nếu lòng ngang ngược, tham dục không có tiết độ thì sanh làm thú đi ngang bốn cẳng (chân).
3- Thấp sanh : Người nầy đời trước tham ăn rượu thịt làm việc vui chơi, đánh lộn giữa chợ, loạn tâm điên đảo, nên đọa làm thấp sanh là loài cua, tôm, rùa, trạnh v.v…
4- Hóa sanh : Người nầy đời trước hay dời đổi, ý niệm khác thường, trước mặt nói phải, sau lưng nói quấy, làm nhiều tội ác, nên đọa hóa sanh như loài ve, bướm, muỗi, ruồi …”
Phật nói cùng ông Văn-Thù Sư-Lợi :“Trong lục-đạo tứ sanh, con người là quý trọng, vì người có tánh linh. Phật cũng từ trong loài người mà tu hành, nghiệp cũng do người tạo ra, như người tu phước thì được về cõi Trời, người làm ác thì đọa vào địa-ngục, người có đức thời làm Thần, người có đạo thì làm Thánh. Phước và tội đều có liên quan nhiều đời, không thể đem hiện tại mà nhận định, đến khi lâm chung theo nghiệp trả quả. Trong sáu đường, đường người là quý, năm đường kia không sánh kịp, nên một khi mất thân người, muôn kiếp không thể phục hồi lại được !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Tri-kiến thế nào gọi là ngũ-nhãn ?”
Thế Tôn nói :“Nhục-nhãn chỉ thấy được chỗ sáng, không thấy được chỗ tối, thấy trước mắt chớ không thấy sau lưng. Thiên-nhãn trước sau, trong ngoài, núi gò, vách đá đều thấy thông suốt không ngăn ngại. Huệ-nhãn thấy được nghĩa lý trong văn tự cạn sâu và nhân quả lành dữ kiếp trước kiếp sau, rõ rệt như chỉ trong bàn tay. Pháp-nhãn thấy được cái phương tiện pháp của chư Phật trong ba đời và hiểu được các pháp phương tiện tùy theo căn cơ cao thấp mà truyền đạo không sai lạc, như bệnh nào cho thuốc nấy. Phật-nhãn tròn sáng chói khắp, trước kiếp vô-thỉ, sau kiếp vô-chung, tất cả nhân quả như thấy trước mắt, mảy lông cọng tóc không sót. Năm thứ con mắt nầy đều do các công đức phước lành chiêu cảm mà ra. Duy có một bậc Phật là hoàn toàn, ngoài ra các bậc khác chưa được. Con mắt tuy chia làm năm, mà gốc tại cái tâm tu hành, đến chỗ kiến-tánh rồi thì ai ai cũng có được !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là thanh-tịnh pháp-thân ?”
Thế Tôn nói :“Thanh-tịnh pháp-thân ấy là chơn-tánh thanh-tịnh. Vọng-tánh của chúng sanh chỉ thấy nhục-thân mà không thấy pháp-thân xưa nay thanh tịnh, không sanh không diệt, không hoại không thành. Tại chỗ phàm phu gọi là Tâm-tánh, tại nơi thánh hiền gọi là Thánh-tánh, trong trời đất gọi là Thiên-tánh. Tới chỗ Bồ-tát gọi là Phật-tánh, tại chỗ chư Phật gọi là Thanh-tịnh Pháp-thân. Nếu không tu hành thì không thể ngộ được bản lai diện mục. Nếu người muốn được giác ngộ mà không cầu thầy chứng minh cho, nhận giả làm thiệt, lâu ngày sẽ thành tà-ma ngoại-đạo, thành yêu thành quái, phỉnh gạt chúng sanh. Hiện đời sẽ bị pháp luật nhà vua hành phạt, chết rồi đọa vào ác-đạo, một khi mất thân người muôn kiếp khó khục hồi được !”
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao gọi là vô dư Niết-bàn ?”
Thế Tôn nói :“Cái tâm mình lặng yên không lay động, các đức Phật trong ba đời đều đi theo con đường nầy đến chỗ tâm bất động, nên được thọ hưởng chỗ không vui mà vui, lại không có cái vui nào hơn cái vui nầy, nên gọi là vô dư Niết-bàn !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Lấy chỗ công phu tu chứng nào mà đặng vượt ra ngoài phàm phu vào quả thánh đạo ?”
Phật nói :“Nếu người thiện-nam tín-nữ theo đạo Phật thì phải bỏ những việc ái-ân, dứt đoạn trần duyên, giữ gìn trai-giới, chuyên làm mười việc lành, ba nghiệp trong sạch, xa lìa lục trần. Lập chí tìm thầy học hỏi chỗ chánh pháp, y theo thầy dạy, đừng đi theo lòng phàm dẫn dắt sai quấy, y theo Phật tu hành, nếu có công phu như vậy thì đặng chứng Tu-đà-hoàn. Có người lành tập theo uy nghi của Phật, giới luật trong sạch, một lòng ngồi tịnh, tâm không tán loạn. Thân, khẩu, ý ba nghiệp đều nhiếp phục cái tâm đối với đời, động ít tịnh nhiều, có công phu như vậy thì đặng chứng quả Tư-đà-hàm. Lại có chúng sanh trong ba nghiệp chẳng móng, sáu trần chẳng sanh, tịnh lâu công dày, tâm tánh thường hiệp nhất, tâm đối với đời lặng yên chẳng động, tâm đặng thong thả, bằng có cái công như vậy thì đặng chứng quả A-na-hàm. Có chúng sanh lấy chỗ cái tâm thong thả đó tập thành năng lực thiền định, tánh định hiện ra trước, biết rõ chân tánh của mình xưa nay vắng lặng, tâm cảnh đều không, lắng lòng tâm lặng yên không lay động, có công như thế đặng chứng quả A-la-hán. Người nào tu đặng công phu của bốn quả nầy sẽ vượt ra khỏi cõi người, cõi trời lục dục, vào chỗ đạo tràng vắng lặng của các bậc thánh hiền, đồng Phật xuất thế, giúp Phật độ khắp nơi, làm cho quốc độ Phật trở thành thanh tịnh. Độ mình độ người đặng trả ơn đức Phật, thẳng đến Bồ-đề đạo tràng, hằng không điên đảo, nên tên là tứ quả đặng đạo của bậc thánh nhân”.
Phật nói cùng Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-Tát :“Như người nào đặng bốn quả có lòng tin thiệt, y theo lời dạy bảo của thầy, chẳng có hai lòng, giới đức tinh nghiêm, oai nghi đầy đủ, việc đời tài sắc, ái ân, danh lợi phải đoạn bỏ cho dứt, phải tuyệt cho hết từ trước đến sau, giữ đạo một lòng, tuy chưa đặng thông và hiểu nhiều, mà tâm tánh bền chặt trong sạch, giải thoát cũng như Phật không khác, nên đặng cái quả vị siêu phàm nhập thánh !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Những người thế nào gọi là có ngã-tướng, nhân-tướng, chúng-sanh tướng, thọ-giả tướng? Còn những người thế nào không có ngã-tướng, nhân-tướng, chúng-sanh tướng, thọ-giả tướng ?”
Thế Tôn nói :“Người phàm phu nhìn nhận tứ đại sắc thân cho là ta, tham sống sợ chết gọi là ngã-tướng; lòng còn thương ghét, ý chẳng bình đẳng gọi là có nhân-tướng; niệm tưởng theo cái lòng muốn của phàm phu nó dẫn dắt chẳng cần giải thoát là có chúng-sanh tướng; tâm thức chưa diệt trừ, nghiệp chướng thường phát động, chẳng ngộ được cái pháp vô-sanh chân-không thật-tánh, thường theo tâm cảnh ý thức dẫn dắt, gọi là có thọ-giả tướng. Còn vị Bồ-tát biết cái thân phàm là giả, tỉnh ngộ cuộc đời không chắc, thân mình còn không tiếc huống chi là gia tài ? Chỉ tiếc việc Phật, dạy pháp đại-thừa là vô-ngã tướng. Xem hết thảy chúng sanh bình đẳng như con đỏ, không lựa chọn kẻ sơ người thân, đều bình đẳng tế độ, gọi là không nhân-tướng. Người tâm đối với đời một phen dứt rồi là dứt luôn, không nối lại nữa, gọi là không chúng-sanh tướng. Người tỏ biết chỗ vô sanh Phật tánh, chẳng theo phàm tình ý thức dẫn dắt, nương theo phương tiện nguyện lực hành trì là không có thọ-giả tướng. Nếu còn bốn tướng gọi là phàm phu, bốn tướng hết rồi gọi là Bồ-Tát”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao gọi là ngũ căn, ngũ Phật đồng gieo trồng căn lành ?”
Thế Tôn nói :“Nếu người đặng trai-giới trong sạch, minh-tâm kiến-tánh, tìm thầy học các lý mầu chân-chánh, đặng nghe thấy chân-chánh, thời con mắt như Phật thấy, lỗ tai như Phật nghe, lỗ mũi như Phật thở, miệng như Phật nói, tâm như Phật biết, ngũ căn thường hiện ngũ Phật thần thông, trồng giống căn lành thành hột giống trí của Phật. Như có người giữ đặng chắc chắn, làm chủ đặng tâm của mình y theo Phật tu hành, Phật nói người nầy chắc chắn thành Phật !”
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Tu làm sao đặng chứng sáu pháp Ba-la-mật ?”
Thế Tôn nói :“Bằng có chúng sanh nào bỏ được rượu thịt chẳng ăn, bỏ tài lợi chẳng tham, bỏ đặng ái ân chẳng mến, bỏ đặng việc ác chẳng làm, bỏ đặng nhân ngã chẳng tranh, thì đặng thứ nhất Bố-thí Ba-la-mật. Có chúng sanh giữ đặng giới Phật, tập đặng uy nghi Phật, hàng lục-tặc, dứt đặng việc tà-mị, thì đặng thứ hai Trì-giới Ba-la-mật. Có chúng sanh nào hay chịu đặng người chê nhơ nhớp, hay nhịn đặng người mắng chửi, người nói lời chẳng phải lấy lời khuyên giải, việc nghịch đem đến lòng thuận chịu liền không oán hận, trái lại còn tìm phương độ thoát, thì đặng thứ ba Nhẫn-nhục Ba-la-mật. Có những chúng sanh nào học đặng mười hai bộ kinh của Như-Lai, thọ trì đọc tụng, biên chép giảng nói chưa thông học cho thông, chưa chứng học cho chứng, thì đặng thứ tư Tinh-tấn Ba-la-mật. Có chúng sanh nào đoạn được trần duyên, dứt đặng vọng niệm, trừ đặng mê muội tán loạn, tập đặng thiền định, sức định như núi Tu-di, Ma-vương phá khuấy không rối loạn, thì đặng thứ năm Thiền-định Ba-la-mật. Có chúng sanh phá được vô-minh không còn các tướng, lý sự đều không, thị phi dẹp hết, lời nói đúng đắn, mỗi chữ rành rẽ, thì đặng thứ sáu Trí-huệ Ba-la-mật. Nếu người nào đặng sáu pháp Ba-la-mật thì người ấy đặng ra khỏi sanh tử, đặng đến bỉ-ngạn, đặng siêu tam-giới, đặng lên thập-địa và đặng thành Phật !”
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Hành trì làm sao tên là Thiện-Tri-Thức ?”
Đức Phật nói :“Thiện-tri-thức tâm tánh mềm mỏng hòa nhã, giới hạnh tinh chuyên, lòng không tham lam tật đố, không ái luyến vật chất, tâm thường bình đẳng, ý không thương ghét. Có đại phương tiện độ mình độ người, tùy theo căn tánh của mỗi người mà giáo hóa, đủ pháp tổng trì. Lòng tốt đối với người, làm ơn cho người chẳng cần trả, tu hành trong sạch, không có lỗi lầm, thuyết pháp luận nghĩa đều hiệp ý kinh. Người nào đầy đủ mấy việc nầy là Thiện-tri-thức. Nếu có trí tuệ hơn người, phước đức siêu quần, không chỗ nào chẳng lành, không pháp nào chẳng biết. Làm tai mắt cho cõi người cõi trời, là rường cột trong Phật-pháp, cầm cái cân trong Phật-Tổ, làm lãnh tụ trong Pháp-môn. Mở cửa chánh đạo, ngăn dẹp đường tà, nối thạnh dòng Phật, trồng trí huệ thơm khắp, lấy tâm ấn tâm lưu truyền chẳng dứt. Căn cơ lớn, diệu dụng lớn, hạnh nguyện lớn, uy lực lớn. Đây gọi là đại Thiện-tri-thức chân chánh !”
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Tu phước nghiệp chi đặng sanh Thiên-đường ?”
Đức Phật nói :“Nếu có chúng sanh tin theo nhân quả Phật, thọ tam-quy, trì ngũ-giới, tu mười việc lành, hiếu dưỡng cha mẹ, dứt đoạn tà dâm. Thường giữ đạo chánh, trai tăng cúng dường, tạo tháp lập am, đọc tụng kinh Đại-thừa, sơn thếp hình tượng Phật rực rỡ. Ủng hộ người lành, ngăn ngừa các việc ác, gieo trồng ruộng phước, đến chừng mạng chung đặng sanh về ba-mươi-ba cõi trời, thọ hưởng phước trời năm-dục vui đẹp, tưởng ăn có ăn, tưởng mặc có mặc, đều là tự nhiên hóa ra chẳng dụng sức người tạo tác. Trên trời một ngày, nhân gian trăm-năm, đầy đủ năm-pháp thần thông, đặng khoái lạc tiêu-diêu thong thả”.
Đức Phật nói với Văn Thù Sư Lợi rằng :
“Trong thế gian có nhiều người tà-sư ngoại-đạo, chẳng biết việc-lành việc-dữ nhân-quả ra sao, chẳng hiểu được sự ứng hiện của luân-hồi quả-báo, tâm cứ điên cuồng tin theo tà-kiến tôn thờ thần quỷ, làm theo phép tà-mị phỉnh gạt người đời, giết hại bao nhiêu thân mạng sanh linh heo, dê, trâu, ngựa v.v… tham ăn rượu thịt, bày đặt gọi rằng cúng tế trời đất quỷ thần, đặng cầu phước cầu thọ, trấn giữ nhà cửa thân mạng, lấy cớ dâng cúng quỷ thần, lường ăn của người. Lại thêm vẽ bùa niệm chú, truyền dạy người khác nói gạt rằng: Bùa chú nầy có công lực độ người sanh về cõi trời ! … Bởi ham muốn tài vật của người để nuôi dưỡng thân sống, đều do tà-kiến sanh ra. Như giết mạng mà cứu đặng mạng, thời bậc vương hầu thường sống đời đời không chết ! … Như vẽ bùa niệm chú mà cứu độ đặng người thành đạo, thời thầy-tà đặng lên trời ! Có lẽ đâu đặng vậy ! …
Trong đời người mê tín những tà-mị, đồng nhau dẫn vào địa-ngục, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !
Cớ sao vậy ? Như cầu phước chẳng qua trai-giới bố-thí; cầu thọ chẳng qua giới-sát phóng-sanh; cầu huệ chẳng qua học rộng nghe nhiều; cầu an-tâm chẳng qua xét ngăn những việc phải-quấy. Cho nên muốn cầu đạo-chánh thì đừng tin thầy-tà, muốn ra khỏi luân-hồi thời đừng có phạm luật nhân-quả. Bởi sự báo ứng của tội và phước như bóng theo hình, vì tà với chánh khác nhau, khổ vui cách biệt !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Sao kêu là lục-sư ngoại-đạo ?”
Thế Tôn nói :“Khi ta nhập diệt rồi, có nhiều thứ ma Ba-tuần xen vào trong pháp ta. Ở chùa cạo đầu mặc áo Phật xưng là đệ tử của Phật, chung lộn với người đời ăn thịt uống rượu làm nhơ-bẩn đất Phật, là ngoại đạo thứ nhất.
Có người dắt vợ, đem con vào chùa học theo tà-thuật, cho là để truyền lại đệ-tử, ăn thịt uống rượu, cũng đi làm chay tụng kinh cho người, không phải Tăng cũng không phải tục, là ngoại đạo thứ hai.
Lại có những người trên thời không có thầy truyền, dưới không có thầy chứng, bị ma quỷ ám ảnh mê muội, trí biết bậy bạ cho là thông minh, chẳng có công tu tự xưng thành đạo, bên ngoài làm giống theo Phật, trong tâm làm việc tà-mị, phỉnh gạt người đời theo vào đường tà, diệt hột giống trí của Phật, là ngoại đạo thứ ba.
Lại có người làm theo việc hữu-hình, học phép hữu-vi, vẽ bùa thỉnh chú, đuổi quỷ sai thần, phỉnh gạt người đời, ác kiến càng nhiều thì chánh kiến của Phật càng tiêu diệt, là ngoại đạo thứ tư.
Có người y theo việc tốt xấu, học theo chiếm quẻ, bàn luận kiết hung, coi bói xem tướng, nói trước những điềm họa phước, dối chúng gạt người, tiêu diệt con mắt Chánh-Pháp của Phật, là ngoại đạo thứ năm.
Có người sửa soạn hình tướng, bụng trống lòng cao, mình không có tài năng mà lòng tự cao cho mình giỏi, chưa có chứng ngộ cho mình chứng ngộ, học đặng một hai lời cho mình thấu đặng lý. Chẳng ăn dầu muối, trà quả, tương dấm, chấp theo tà-tướng dối gạt người không-trí, chẳng cần xem Kinh niệm Phật, chẳng cần làm phước tham thiền, chẳng cần xuất gia thọ giới, chẳng cần tầm sư học đạo. Dám đem cái sắc thân giả dối nầy mà cho cùng Phật không khác, dối gạt người không biết, đồng vào chỗ hắc-ám, dứt đoạn căn lành tiêu diệt giống trí-huệ, hay chấp trước những sự khờ-khạo ngu-si, là ngoại đạo thứ sáu.
Sáu hạng ngoại-đạo nầy là ma Ba-tuần; đến sau mạt-pháp xen vào giáo pháp ta, phá hoại Già-lam, hủy báng Chánh-Pháp của Phật, chê bai những giáo tướng nghi-thức tụng-niệm.
Nên ta khuyên những vị Bồ-Tát đại-thừa phải đem nguyện lực, tùy chỗ ứng hiện hoặc làm vị Đế-vương, hoặc làm vị Tể-quan, hoặc làm vị Trưởng-giả, đều ở mỗi chỗ làm vị đàn-việt đặng diệt trừ tà-đạo, ủng hộ chánh-pháp, không cho ngoại-ma tự tiện khuấy phá, y theo lời ta dạy đây mới thật là đệ tử của ta. Còn như thuận theo tà là đồng với ma Ba-tuần ngoại-đạo, hủy báng pháp đại-thừa, sa đọa vào địa ngục A-Tỳ như tên bắn, hễ mất thân người rồi, muôn kiếp khó trở lại đặng !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Nếu có thiện-nam tín-nữ căn tánh chậm tối, phước đức ít ỏi, tuy tin Phật tu hành mà trong lòng không tỏ sáng, cái công phu chưa rồi làm sao đặng độ người ?”
Phật nói :“Căn tánh tuy là chậm tối mà có tín-tâm bền chặt chân-thật, chẳng bỏ trai-giới, thường thường phát nguyện sám hối cái tội trước chẳng dám sai lầm, đến chừng tai-nạn nghiệp-chướng tan hết, lòng nguyện đủ rồi thì huệ-tánh phát ra hiện tiền và đặng sáng suốt, tỏ ngộ thấy đặng tánh mình và đặng thành Phật !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật : “Chúng sanh thấy Phật chẳng lạy, nghe Pháp chẳng tin, gặp Tăng chẳng kính, hủy báng người lành, phá người ăn chay giữ giới. Chẳng tin nhân-quả, khinh dể thánh-hiền, hay tin tà-quỷ, tạo nghiệp mãi mãi chẳng tu một chút lành; những người như vậy sau bị những quả báo chi ?”
Đức Phật nói :“Những chúng sanh đó đều đủ tà-kiến, hiện đời chẳng tin Tam-Bảo giáo hóa, sau chết quyết đọa tam-đồ, chịu các khổ não lớn, cầu thoát ra chẳng đặng, dầu cho có ngàn Phật ra đời cũng không thể cứu độ đặng !”.
Bồ-Tát Văn-Thù Sư-Lợi hỏi Phật :“Hết thảy tội nghiệp, nghiệp nào lớn hơn hết ?”
Thế Tôn nói :“Hết thảy trong các tội, sát-sanh, ăn thịt tội nghiệp rất nặng !
Cớ sao vậy ? Như cắt một dao trả lại một dao, giết một mạng phải thường lại một mạng, trăm ngàn muôn đời ăn thịt lẫn nhau không dứt. Cho nên người tu muốn khỏi luân-hồi, trả quả, thời trước hết phải học từ-bi, chẳng ăn thịt, chẳng sát-sanh.
Thứ hai, phạm tội trộm cắp lấy của người giàu sang, hoặc vốn ít lời nhiều, trong ngàn muôn đời phải trả nợ. Cớ sao vậy ? Như vật của người chẳng cho mà mình lấy ngang, một đồng tiền, một bụm gạo, kiếp sau đều phải trả nợ. Cho nên người tu muốn cầu giàu sang, của tiền như ý thì trước phải bố-thí mới đặng, hà huống trộm cắp của người.
Thứ ba, phạm tội tà dâm, cái ân ái buộc ràng trong ngàn muôn đời chẳng đặng giải thoát. Cớ sao vậy ? Sự dâm dục là hột giống cội gốc đường sanh tử. Cho nên người tu muốn ra khỏi sanh tử, trước phải đoạn trừ ái dục.
Thứ tư, phạm tội vọng ngữ, cái khẩu nghiệp nói dối trong ngàn muôn đời, cái phải cái không gạt nhau, việc không nói có, việc có nói không. Do cớ sao ? Oan oan tương báo, đời đời đền trả. Cho nên người tu muốn cầu vào đạo, trước phải học thành thật, trừ bỏ việc dối trá.
Thứ năm, phạm tội uống rượu, hôn mê chân tánh, trong ngàn muôn đời tâm trí tối tăm. Cớ sao vậy ? Vì tửu lực làm cho người mê muội ngu si, thân thể nhơ nhớp, say sưa nghiêng ngả. Cho nên người tu muốn cầu cho tâm tánh yên tịnh, trí huệ thông minh thì phải dứt trừ cái nghiệp uống rượu.
Năm thứ nghiệp đó rất lớn, rất nặng, như người giữ trọn đặng thì thành Thánh, bằng giữ chẳng trọn thì nhiều kiếp trầm luân đọa lạc, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng !”