Đức Phật Thích Ca con đường từ khổ hạnh đến giác ngộ

II – NHỮNG CHI TIẾT QUAN TRỌNG KHÁC

1- Phương đảng bản khởi kinh có nhiều chi tiết thú vị khác: Sau khi khoác áo đạo sĩ khổ hạnh Gotama đến tịnh cốc của một nữ hành giả Bà la môn tên Saki, rồi tịnh cốc của nữ hành giả Bà la môn khác tên Padma, sau đó gặp hành giả Raivata, hành giả Rajaka con trai của Trimandika, cuối cùng Ngài đến Vaisali rồi gặp đạo sĩ Alara.

Kinh Xuất gia (Pabbajja-sutta) ghi rằng sau sau khi xuất gia, Gotama ở trong rừng xoài tại Anupiya một tuần lễ rồi sau đó mới đến Rajagaha, một thị trấn ở Magadha. Tại đây Ngài trì bình khất thực từng nhà, oai nghi của Ngài khiến cả thị trấn ai cũng phải chú ý. Sau đó vua Bình sa vương (Bimbisara) biết chuyện nên thân hành đến tại chỗ ngồi của Gotama, vì cảm kích nên tự miệng dâng cả giang san cúng dường cho Ngài. Gotama từ chối và giải thích cho Bình sa vương hiểu rằng Ngài đã từ bỏ ngai vàng để đi tìm giác ngộ nên Ngài không ham muốn gì đến của cải thế gian. Ngài có hứa nếu viên mãn Phật quả Ngài sẽ trở lại quy y cho Bình sa vương.

2- Tập Bổn sanh truyện (Jataka) thêm nhiều chi tiết khác quanh sáu năm gian khổ của Ngài. Sau thời gian dài tu theo lối khổ hạnh nhịn ăn Gotama bị ngất xỉu, tin truyền đến tai phụ vương của Ngài rằng Ngài đã chết. Vua Tịnh Phạn không tin, Ngài tuyên bố: “Trẩm không tin chuyện ấy. Con trẩm không bao giờ có thể chết mà chưa viên thành Phật quả.” Nhà vua còn nhớ lúc Gotama mới được hạ sanh, tám vị tiên ông, trong đó có cả Kaladeva đã tiên tri rằng Gotama sau này sẽ thành Phật nếu xuất gia đi tu, nay Gotama đã xuất gia, Gotama sẽ thành Phật. Mẹ Ngài trên thiên đình hay tin cũng than khóc, nhưng Ngài tỉnh lại và tuyên bó Ngài sẽ sống và sẽ tu cho đến lúc thành Phật.

Khi Ngài nhận vật thực trở lại, Bổn sanh truyện viết, vật thực ấy do một thôn nữ tên Sujata (Tu xà đa, hay Thi ca la việt, hay Thiện Sanh) sống trong làng dâng cúng, cô là con gái của một người tên Senani thôn Senani tại Uruvela (Ưu lâu tần loa). (Cô thôn nữ này ở làng Nanda, cúng thức ăn bằng sữa, bột và mật ong cho Gotama. Về sau, lúc gần nhập Niết bàn, đức Phật có nói cho Ngài A nan rằng trong đời có hai người cúng dường thức ăn được phước báu nhiều hơn hết là cô gái Tu xà Đa đâng thức ăn trước khi Phật đắc đạo và anh thợ rèn Thuần Đà dâng cơm lần cuối trước khi Phật nhập diệt). Truyện rằng nàng Sujata trước đây vì đã có đến bên cây này và cất lời ước nguyện cúng dường mỗi năm nếu về sau nàng sanh hạ con trai. Lời cầu xin ứng nghiệm nên nàng sai người hầu tên Punna (Phước Thiện) chuẩn bị việc cúng dường. Đấ鹠là một ngày trăng tròn tháng Visakha (tháng tư và năm) đúng ngày Phật thành đạo. Khi đến nơi, Punna thấy Gotama ngồi dưới cây bồ đề, thoạt đầu Punna nghĩ vị ấy chính là thần cây bồ đề hiển linh giáng lâm. Đêm trước ấy nàng đã thấy năm giấc mơ kỳ lạ, khi giật mình tỉnh giấc nàng còn nghĩ giấc mơ ấy là điềm nàng sẽ thành Phật (1- Trời đất thành giường ngủ, còn dãy Tuyết sơn thành gối kê đầu. Tay trái của ông dang ra tới biển đông, còn tay phải tới biển tây, chân thòng đến biển nam. 2- Cây Tiriyatừ bàn tay ông mọc ra cao ngất lên đụng đến trời. 3- Sâu trắng đầu đen bó qua đầu gối. 4- Bốn loài chim qúy bốn màu từ bốn phương bay lại rơi xuống chân, đột nhiên lông biến ra màu trắng. 5- Ông bước qua núi phân mà không hề bị ô uế). Sujata bước tới dâng đến Gotama vật thực cúng dường đựng trong bát bằng vàng, lúc ấy cái bát bằng đất Ngài nhận từ lúc xuất gia nay đã biến đâu mất. Ngài cầm bát đến bờ sông, tắm rửa chỗ có một cây cầu hoặchỗ để tắm tên gọi là Suppatitthita, rồi thọ thực. Đây là bữa ăn duy nhất mà Ngài nhận được trong vòng bốn mươi chín ngày. Thọ thực xong, Ngài thả bát xuống sông và nói: “nếu hôm nay ta có thể viên thành Phật quả thì bát này hãy trôi ngược dòng.” Bát trôi ra đến giữa sông, rồi trôi ngược dòng lên nguồn nhanh như ngựa chạy trong một khoảng bằng tám chục xải tay rồi chìm xuống nơi xoáy nước đến tận chỗ Long vương, vua loài rồng. Tại đó bát thọ thực của Ngài khua vào bát thọ thực của ba vị Phật đời trước rồi đứng lại theo tôn bậc thấp nhất. Qua hết ngày ấy trong rừng cây sa-la, chập tối Ngài theo đường bộ rộng rãi đến cây bồ đề có thiên thần canh giữ, các thiên thần này ca hát và tôn vinh Ngài bằng những thứ hoa thơm ngọt. Lúc ấy có một người cắt cỏ tên Sotthiya (hay Svastika, Kiết Tường) gặp Ngài và cúng dường Ngài tám bó cỏ. Sau khi ngồi thử hết bốn hướng, Ngài chọn hướng đông, hướng bất thối chuyển của tất cả chư Phật để đánh tan phiền não trược; rồi Ngài giủ bó cỏ ra làm thành bồ đề tọa dài mười bốn tay. Ngài ngồi kiết già và thốt ra lời thệ nguyện: “Cho dù chỉ còn lại da, gân bọc xương. Cho dù thịt máu ta có khô cạn, ta sẽ không rời chỗ này nếu không đạt đến giác ngộ.”

Kinh Xuất gia (Pabbajja-sutta) kể thêm rằng trong thời gian Gotama ở trong rừng gần Uruvela, người con gái cũa một trưởng làng tên là Sujata đã quen việc hàng ngày cúng dường cho tám trăm tu sĩ Bà la môn, lúc cúng dường lần nào nàng cũng khấn “Nguyện cầu các vị Bồ tát nhận vật thực của con, đạt thành giác ngộ, viên thành Phật quả”. Một đêm trăng tròn tháng năm Sujata nằm mộng thấy thiên thần đến cho hay tin rằng đạo sĩ Gotama đã lìa bỏ lối tu khổ hạnh nay muốn thọ dụng thực phẩm bổ dưỡng và nói thêm “bây giờ lời cầu nguyện của con sẽ thành sự thật.”. Hôm sau nàng vội vã chạy ra chỗ nuôi bò của cha, từ lâu nàng đã quen việc chăn bò vắ鴠sửa, nàng vắt sửa của tám con bò béo bổ nhất, để sửa vào trong nồi mới rồi chuẩn bị món cơm sửa. Đoạn nàng sai gia nô Punna đến gốc cây lớn nơi nàng để vật thực cúng dường hàng ngày. Lúc bấy giờ Bồ tát đang tham thiền dưới gốc cây, cả vùng trời rực sáng. Punna nhìn thấy ngỡ rằng đấy chính là thần cây hiện ra muốn đích thân nhận vật thực cúng dường. Punna chạy trở về báo tin cho Sujata, Sujata vội vã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, nàng lấy bình bát bằng vàng đựng vật thực, đậy lên bằng miếng vải trắng mới tinh rồi đi ra gốc cây. Tại đây nàng gặp Bồ tát Gotama mà ngỡ là thần cây. Sujata đến gần, đặt bát lên tay Ngài, thấy Ngài nhìn nàng rồi mới nói: “Thưa Ngài, xin Ngài thọ nhận vật thực con cúng dường đến Ngài. Con cầu nguyện để nhờ đó Ngài có được niềm phúc lạc lớn lao như con đã hằng có!” Nói xong nàng trở về.

3- Về nhóm năm đệ tử theo hầu ngài trong sáu năm khổ hạnh, Bổn sanh truyện kễ rằng Kiều Trần Như (Kondanna) là người trẻ nhất trong nhóm tám đạo sĩ đến xem vận mạng cho thái tử Gotama lúc mới hạ sanh. Khi Gotama xuất gia thì bảy người kia đã qua đời, Kiều Trần Như đến gặp con các vị ấy mời họ cùng theo hầu Gotama, nhưng chỉ có bốn người đồng ý. Theo Phương đẳng bản khởi kinh, năm vị này chính là đồ đệ của Uddaka, vì thấy rằng Gotama sớm muộn gì cũng trở thành bậc thầy của thiên hạ nên theo Ngài đến Rajagaha. Còn truyện kễ của Tây tạng (Rockhill, p. 28) thì viết rằng sau khi vua Tịnh Phạn hay tin Gotama theo tu học với Uddaka, Ngài vội vã gữi 300 người theo hầu, Thiện Giác Vương (nhạc phụ của Thái tử) gữi theo 200. Trong số này Gotama tuyển chọn lại và chỉ nhận năm người cho theo tu tập với Ngài.

Kinh Xuất gia (Pabbajja-sutta) ghi thêm rằng sau khi rời Alara Kalama, Gotama đến làng Uruvela, bên bờ sông Ni liên thiền (Nairanjana), tại đây Ngài gặp năm đạo sĩ du phương khất thực, trưởng nhóm là Kiều Trần Như, người đã có lần đến hoàng cung tiên tri cho Gotama lúc Ngài mới hạ sanh. Biết Ngài sớm muộn gì cũng viên thành Phật quả nên Kiều Trần Như cùng cả nhóm ở lại để cùng tu với Gotama. Về sau, sau khi thấy Gotama từ bỏ lối sống khổ hạnh sau sáu năm kiên trì để xoay qua đời sống thọ vật thực, họ nghĩ “Tại sao Thầy ấy lại làm chuyện đi khất thực trong làng và thọ dụng những vật thực tầm thường ấy như vậy?” và rồi họ từ bỏ Gotama để đến ngoại ô của thành phố Benares gọi là khu Isipatana (Chư thiên đọa xứ). (Buddha and the Gospel of Buddhism, by Ananda K. Coomaraswamy, p. 30)

III- BÀI HỌC GIẢI THOÁT

Qua những điểm ghi nhận nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng rằng:

1- Tiến trình giác ngộ của Đức Phật là một tiến trình tự tiến triển theo thời gian, từ thấp đến cao. Tiến trình này không nhảy vọt từ không đến có, từ ngu phu thành hiền giả, từ phàm phu thành thánh nhân trong một sớm một chiều hay trong khoảnh khắc vô minh xoá sạch. Đức Phật đã tu tập từ vô lượng kiếp, những thành quả ấy cuối cùng kết tinh để viên thành Phật quả. Sự kết tinh ấy trước khi thành tựu đòi hỏi sự phấn đấu và nỗ lực vượt bực lần cuối cùng để khẳng định dũng lực cần thiết. Khẳng định tâm bất thối chuyển trước cảnh đời hữu sắc và vô sắc. Khẳng định không còn chút rơi rớt vi tế nào của tham sân si, của phiền não. Khẳng định một cái tâm đã được thuần thục, nhu nhuyễn, tinh khiết, không tỳ vết.

2- Chúng ta không nên nhầm lẫn sự giác ngộ viên mãn của đức Phật với tinh thần đại ngộ, liễu ngộ, giác ngộ, trực ngộ, kiến tánh và những từ có ý nghĩa tương đương … được đề cập đến với các đại thành tựu giả, các đại sư và các tổ. Sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật đạt đến Phật quả. Sự giác ngộ của các đại đệ tử, của các thánh, tổ, đại thành tựu giả, đại sư, … còn cần phải được một vị Phật thọ ký để “trong vô lượng kiếp về sau sẽ thành Phật hiệu là …” vì rằng trong một kỳ kiếp không có hai Phật cùng ra đời.

3- Thiền tập là công phu không thể thiếu để đạt đến giác ngộ. Con đường thiền tập ấy đã được nâng lên từng bước một. Thoạt đầu ở mức sơ thiền, “trong tâm không còn có tư tưởng tham dục, không còn có tư tưởng tà vạy, ta đã đạt đến cảnh thiền thứ nhất đầy hỷ lạc từ trong sự tịch tĩnh kết hợp với lý luận và suy nghiệm … Như lai lại nghĩ, tại sao ta lại sợ hãi trạng thái hỷ lạc không vướng bận tham dục và tư tưởng tà vạy?” Sau đó đức để đạt đến nhị thiền đức Phật đã: “Rồi ngưng lý luận và suy nghiệm, Như lai đạt được và an trú trong cảnh thiền thứ nhì đầy hỷ lạc do tâm định, nội tại tịch tĩnh, trụ tâm vào một chỗ không còn lý luận và suy nghiệm.” Tiến thêm một bước nữa, đức Phật hướng tâm đến tam thiến: “Hướng sự xả ly vào hỷ và sân Như lai an trú bằng tỉnh thức và ý thức rồi kinh nghiệm được diệu lạc bản thân, đó là điều mà những bậc tôn túc gọi là “an trú bằng xả ly, tỉnh thức và phúc lạc”, và Như lai đạt được cũng như an trú được trong thiền cảnh thứ ba.” Cuối cùng là cảnh thiền thứ tư, Đức Phật đã: “Xả ly hỷ lạc, xả ly đau khổ, trước khi tư tưởng buồn vui biến mất, Như lai đạt được và an trú trong cảnh thiền thứ tư, cảnh thiền không còn đau khổ, không còn hỷ lạc mà chỉ còn đầy sự thanh tịnh của tâm tỉnh thức và tịch tĩnh.”

Sau khi đã định được tâm, hoàn toàn làm chủ được tâm, đã đạt được một cái tâm hoàn toàn không có tư tưởng tham dục, không tư tưởng tà vạy, tịch tĩnh (ngưng suy luận và suy nghiệm), tâm luôn trụ một chỗ, không còn tâm buồn vui tham đắm hỷ lạc hay bị chi phối của bất cứ khổ cảnh nào – dù thô hay vi tế, đó là một cái “tâm đã định, thanh tịnh, tinh khiết, không tỳ vết, phiền não diệt, bất thối chuyển, dễ uốn nắn, kiên định” bằng tâm ấy đức Phật tiến đến ngũ thông và thành Phật.

4- Ngày nay, với phương tiện truyền thông khổng lồ, mạn Internet toàn cầu, chúng ta có một cơ hội vô cùng lớn lao để học tập. Phương tiện khổng lồ ấy mang đến chúng ta quá nhiều thông tin cần phải gạn lọc lại để chọn lựa những chất liệu cần thiết và bổ dưỡng. Phật pháp đã được truyền dạy 26 thế kỷ, đã có hàng trăm hàng ngàn đại thành tựu giả khắp nơi, từ thành thị đến đỉnh núi cao, những người tên tuổi vang lừng, cũng có những người âm thầm đạt đến đỉnh cao trí huệ rồi âm thầm ra đi. Ngoài đức Phật, chúng ta có Thập Đại đệ tử, 28 thánh tăng, 5 vị tổ ở Trung quốc, chưa kễ các vị tổ khác ở Nhật, ở Tây tạng, ở Đài loan, ở Thái lan, Miến điện, Tích Lan … Chánh pháp của Đức Phật từ một dạng nguyên thủy theo thời gian đã được chia ra thành Nam tông, Bắc tạng, Thiền, Tịnh, Mật,… Mỗi tông phái thủ đắc một số kinh điển làm kinh điển chánh, xây dựng và triển khai toàn bộ lý luận xoay quanh trọng tâm của số kinh điển nền tảng ấy và quay lưng với số kinh điển còn lại. Một số tín đồ ngày nay còn đi xa hơn, triệt để hơn, ít nhiều trong tâm cũng có tư tưởng chê bai, phỉ báng, rẻ rúng, không để vào mắt số kinh điển còn lại, cho là “bàng môn tả đạo”, cho là kẽ thù,… Một điều chúng ta cần nhớ rằng, lúc còn sinh tiền, nhiều lần Đức Phật đã răn dạy đệ tử, trong số đó có hàng Thập đại đệ tử. Tổ Ca Diếp là Tổ đời thứ nhất, là một trong những Thập Đại đệ tử ấy. Đệ tử của Tổ Ca Diếp gần hàng chục đời sau mới đến Tổ Mã Minh, Vô Trước, Long Thọ, rồi mấy chục đời sau nữa mới đến Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng. Trí huệ các Tổ so với chúng ta thật là một trời một vực. Trí huệ của Đức Phật nếu đem so với các Tổ cũng một trời một vực như vậy. Bổn phận hàng đệ tử chúng ta nên tôn thờ các Tổ, sùng bái Đức Phật. Không phải riêng chỉ Đức Phật Thích Ca mới là Phật, tất cả chư Phật đều đồng một tánh. Không thể nào tôn sùng Phật A Di Đà mà bỏ quên Phật bổn tôn là Thích Ca Mâu Ni. Không thể nào tôn thờ Phật bổn tôn mà nỡ không để vào mắt Phật A Di Đà. Nếu không đuợc như vậy thật là bất kính với Tổ, với Phật, đã bất kính với Tổ với Phật thì đã gây nghiệp xấu rồi, làm sao có thể thành tựu đạo quả tối vi diệu!

– Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều được an vui và hạnh phúc

– Nguyện mọi ma pháp đều không được thành tựu nhưng tất cả những điều lợi lạc cho chúng sanh đều sớm được viên mãn.

– Nguyện cầu để mọi nẻo vào ác đạo đều bị khoá chặt nhưng đường ngay nẻo chánh mang đến lợi lạc cho mọi người, mọi chư thiên và cửa vào Thiên đàng lúc nào cũng mở rộng sẵn sàng.

Mùa Phật Thành đạo

MINH THÔNG – Email: dongttran@yahoo.com

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/130-baihoc.htm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.