Lấy chỗ này một ít chỗ kia một ít, “nửa gạo nửa nếp” là thái độ tôn giáo đặc trưng ở Tây phương hiện nay, bên ngoài cũng như bên trong các nhà thờ. Cần phải nói rõ rằng ở bên trong nhà thờ, tín đồ không bỏ tôn giáo, vẫn còn tự nhận mình là thành phần theo đạo Cơ Đốc, theo đạo Tin Lành, theo đạo Do Thái …
Một trong những trạng thái của cá nhân chủ nghĩa và tôn giáo ở Âu châu là: tín đồ chọn lọc trong các tín điều và giáo lý, cái gì thích hợp thì lấy, cái gì không thích thì bỏ. Nhà thờ càng ngày càng ít tín đồ, mà trong các tín đồ còn lại, số tin sâu lại giảm, số tin cạn thì tăng. Lấy chỗ này một ít chỗ kia một ít, “nửa gạo nửa nếp” là thái độ tôn giáo đặc trưng ở Tây phương hiện nay, bên ngoài cũng như bên trong các nhà thờ. Cần phải nói rõ rằng ở bên trong nhà thờ, tín đồ không bỏ tôn giáo, vẫn còn tự nhận mình là thành phần theo đạo Cơ Đốc, theo đạo Tin Lành, theo đạo Do Thái … nhưng số người tin theo đạo đức, tin theo giáo lý mà họ đã được dạy thì không bao nhiêu. Tính tôn giáo tan vỡ ra giữa tín, hành, nhập: có người còn tin ít nhiều nhưng không đi nhà thờ nữa; có người còn tin ít nhiều nhưng không gia nhập, không trung thành với một tôn giáo nào. Nhà xã hội học Anh Grace Davie gọi thái độ đó là “believing without belonging” (tin nhưng không theo). Đảo ngược câu nói đó cũng là sự thực: “belonging without believing” (theo nhưng không tin). Lấy ví dụ đạo Cơ Đốc ở Pháp. Tờ báo La Croix đăng thống kê của một cuộc điều tra, theo đó 69% người Pháp nói rằng mình theo đạo Cơ Đốc. Hỏi họ về bốn tín điều và thực hành căn bản: tin ở Thượng đế, đi nhà thờ một lần trong năm, tin ở tội lỗi, và tin ở một đời sống vĩnh cửu sau khi chết, chỉ 21% trong số 69% đó còn tín và còn hành (con số đó sụt xuống 14% nơi thanh niên 18-29 tuổi). Số người này là hạt nhân trung tâm, là tín đồ gốc. Như vậy, nếu tính theo tổng số dân chúng ở Pháp, hạt nhân gốc đó là 11% (5% nơi giới trẻ). Nếu người điều tra đặt thêm những tiêu chuẩn khác nữa, vẫn được xem như yếu chỉ của nhà thờ Cơ Đốc, như tin ở Giê Su là con của Thượng đế, tin ở Maria như Đức Mẹ đồng trinh, tin ở Giáo hoàng như không bao giờ sai trái, tin ở những phép lễ rước thánh vào lòng, con số 11% (5% nơi thanh niên) đó sụt xuống chẳng còn bao nhiêu. 2/3 dân chúng Pháp vẫn còn nói rằng họ theo đạo Cơ Đốc, nhưng trong nước Pháp ngày nay, dưới 1% có thể đọc toàn bộ các tín điều mà không lộ vẻ khó chịu. Đó chỉ là mới nói tín điều, chưa nói đến đạo đức. Nói đến đạo đức thì ngay trong giới tu sĩ, ai cũng biết những vi phạm trầm trọng về nhục dục mà báo chí đã nói nhiều, không phải chỉ trong giới tu sĩ trẻ mà tận trên cao. Tác giả Frédéric Lenoir kết luận: “Chẳng còn bao nhiêu người có thể tự nhận là toàn vẹn Cơ Đốc”.
Tình trạng đó không phải riêng gì đối với đạo Cơ Đốc; Tin Lành, Do Thái, Hồi giáo, kể cả Phật giáo cũng vậy thôi ở phương Tây. “Hiện đại” làm vỡ tất cả những hệ thống lớn cung cấp ý nghĩa. Nên biết như thế, không phải để bôi đen một tôn giáo nào, mà chính là để đánh giá cho đúng tình trạng và mức độ bám rễ của Phật giáo ở Tây phương. Nên nhấn mạnh mãi hoài khuynh hướng sàng lọc của người tín đồ Tây phương, bất luận ở tôn giáo nào, lấy chỗ này một ít, chỗ kia một ít, thay đổi ý kiến tùy buồn vui mưa nắng . Cũng giống như vào quán ăn, có thể ăn theo thực đơn mà nhà hàng đề nghị sẵn hoặc chọn món ăn tùy khẩu vị mỗi người, người phương Tây ngày nay có khuynh hướng không chọn một tôn giáo nào nhất định như chọn một thực đơn có sẵn, mà chọn một ít trong tôn giáo này, một ít trong tôn giáo kia như chọn món ăn.
Tự mình chọn lựa món ăn tức là chỉ nghe theo cái lưỡi của mình, không để ý đến luận lý của người làm bếp. Mệnh lệnh phát xuất từ ý muốn của mình, không phải từ nguyên tắc ở trên ban xuống. Con người cá nhân chủ nghĩa thay thế đạo đức vâng lời bằng đạo đức trách nhiệm. Tôi chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của tôi, ngon, dở, tốt, xấu, tôi nhận lãnh, nhưng đừng đem nguyên tắc bảo tôi phải nghe.
Nói như vậy không có nghĩa rằng con người “hiện đại” không bị thu hút bởi các nhân vật lãnh đạo tôn giáo. Có điều là sự thu hút đó có tính cách cá nhân, không tạo ra được ảnh hưởng lâu bền trong cấu trúc của tập thể. Trường hợp Giáo hoàng John-Paul II là một ví dụ điển hình. Sức thu hút của ngài quả là xuất chúng; mỗi lần ngài du hành đều tạo dịp tập hợp cho hàng chục, hàng trăm ngàn tín đồ, phần đông là giới trẻ, phấn chấn, hồ hởi. Nhưng mệnh lệnh của ngài về những vấn đề đạo đức riêng tư dường như rơi vào khoảng không. Người Anh nói: “the singer not the song” – đi xem ca sĩ chứ không phải đi nghe bài hát. Điều mà giới trẻ tìm đến quanh ngài là một sự ấm áp hiếm có để cùng nhau cụ thể sống với niềm tin trong một ngày, trong một tuần. Rồi ai về nhà nấy, mang theo một kỷ niệm đẹp. Người lãnh đạo chớp sáng, nhưng ngọn lửa không bền.
Trong bối cảnh tôn giáo, văn hóa, xã hội như vậy, ngọn lửa Phật giáo ở phương Tây có bền không? Câu hỏi đó phải đặt ra khi ai cũng biết rằng Phật giáo đặc biệt thu hút người Âu Mỹ từ ba bốn chục năm nay nhờ một lớp nhà sư xuất chúng đến từ Tây Tạng, mang theo một kinh nghiệm tu, một kinh nghiệm sống, một kinh nghiệm đạo đức, một kinh nghiệm dạy, một văn minh không đâu có. Các vị ấy chỉ xuất hiện là mọi sự lạ đều có thể xảy ra. Ngành thiền cũng vậy, nhất là ngành thiền nhấn mạnh tương quan chặt chẽ giữa thầy với trò. Một ngày nào đó, các vị sư xuất chúng ấy không còn nữa, liệu “bản nhạc” vẫn còn sức hấp dẫn dù thiếu vắng hình bóng “ca sĩ “? Ấy là chưa nói đến ảnh hưởng mầu nhiệm của đức Đạt Lai Lạt Ma ở đây. Một ngày kia, khi vắng bóng cái chắp tay và nụ cười của ngài, ai đủ sức tiếp nối ngọn đuốc?
Tự mình trách nhiệm về sự chọn lựa thức ăn tinh thần trong mỗi tôn giáo, người tín đồ ở Tây phương có thể đưa vào niềm tin của mình những tư tưởng trái ngược với tôn giáo của họ. Cách đây vài chục năm, nghe nói đến sự tái sinh của các Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng, người Âu châu lắc đầu, cười mỉm. Bây giờ, tư tưởng tái sinh đã thành quen thuộc với người phương Tây, và nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo tin ở tái sinh mà không cần để ý đến mâu thuẫn căn bản giữa tái sinh và phục sinh, chẳng cần nhớ rằng cho đến thế kỷ 17, Nhà Thờ vẫn còn đốt sống những ai bị kết án là dị giáo. Lòng tin trở thành cá nhân; đó là một sự dấn thân có tính cách cá nhân, được suy nghĩ kỹ, dù cho có phạm trường quy cũng đành…
Cao Huy Thuần
http://www.daophatngaynay.com