Đặt vấn đề
Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng. Do đó nó có tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục, đạo đức, lối sống, tư tưởng tình cảm của cộng đồng quốc gia dân tộc. Đạo Phật không nằm ngoài quy luật đó. Xuất thế tới Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một đạo nhập thế và có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có chính trị. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đó tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử nhất định, phụ thuộc vào các chính sách của giai cấp cầm quyền.
Lịch sử dân tộc trong giai đoạn Lý – Trần là thời kì phát triển rực rỡ, thời kì”hoàng kim” của đạo Phật đặc biệt là vương triều Lý. Đây cũng là giai đoạn Đại Việt có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước đó về kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa xã hội. Đạo Phật có mối quan hệ gì đối với sự phát triển đó của vương triều Lý? Đây là một vấn đề khoa học đầy lí thú song cũng rất phức tạp đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc. Trong phạm vi báo cáo này chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu những ảnh hưởng của đạo Phật đối với đường lối nội trị, ngoại giao, tổ chức chính quyền và luật pháp của triều Lý. Kiến giải được những vấn đề nêu trên phần nào lý giải được mối quan hệ giữa tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng với chính trị. Đồng thời qua đó đánh giá một cách đúng đắn vai trò của đạo Phật đối với sự hưng thịnh của triều Lý và sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Nội dung
1. Quá trình truyền bá, phát triển đạo Phật ở Việt Nam
Đạo Phật ra đời vào khoảng thế kỉ VI trước công nguyên tại Ấn Độ. Ngay từ khi ra đời, đạo Phật đã trở thành nhưu cầu tinh thần của nhân dân để chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt trong xã hội Ấn Độ. Chính vì thế trong giáo lý của đạo Phật chứa đựng những quan điểm nhân sinh quan rất tiến bộ đặc biệt là tư tưởng hướng thiện,“từ bi hỉ xả” cứu vớt con người ra khỏi mọi khổ đau. “Trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lí giải về nỗi khổ đau… cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn. học thuyết của ta chỉ có một mục đích là cứu vớt” [12; 60]. Những quan điểm giáo lí của đạo Phật được đông đảo quần chúng ủng hộ và tin theo. Đến thế kỉ III trước công nguyên, đạo Phật trở thành quốc giáo của Ấn Độ. Sau đó phật giáo nhanh chóng được truyền bá sang các nước châu Á trong đó có Việt Nam thông qua các tăng đoàn và các thương thuyền người Ấn.
Đạo Phật được truyền bá vào nước ta từ rất sớm theo hai con đường; từ Trung Quốc xuống và từ Ấn Độ sang “Vốn dĩ từ rất sớm Phật giáo đã cắm dễ vào mảnh đất này. Vào mấy chục năm đầu của thế kỉ thứ nhất, đã có dấu vết của nó rồi. Nó đến đây bằng nhiều con đường; con đường bộ từ Bắc xuống, con đường thủy từ Tây sang” [ 6; 589]. Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và Tông pháp triều Lý có dẫn ra câu chuyện hoàng hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) với nhà sư Trí Không: Thái hậu hỏi “Phật ở phương nào? Tổ ở thành nào? Đạo tới xứ ta từ đời nào? truyền thụ Đạo ấy ai trước, ai sau?”. Nhà sư Trí Không trả lời “Phật và Tổ là một, Phật truyền Đạo cho Ca Diệp, về đời Hán có Ma Đằng đem đạo vào Trung Quốc. Đạt Ma truyền vào Lương, Ngụy. Đạo rất thịnh khi dòng Thiên Thai được thành lập dòng ấy gọi là Giao Tông. Sau lại có thêm dòng Tào Khê tức là dòng Thiền Tông hai dòng ấy vào nước ta đã lâu năm”. Những chứng cứ nêu trên cùng với việc giai đoạn này Âu Lạc đã bị Triệu Đà xâm luợc và thống trị tiếp đó là nhà Hán thì việc đạo Phật theo gót kẻ xâm lược vào nước ta hồi đầu công nguyên là có thể tin cậy.
Cùng với nhiều hiện vật là những đồng tiền bằng Bạc của người Tây Vực mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại Việt Nam và câu chuyện chùa Pháp Vân ở Luy Lâu ( Thuận Thành – Bắc Ninh) có nhắc tới hai vị sư người Ấn Độ là Kì Vực và Khâu Đà La là những chứng cứ cho chúng ta phỏng đoán đạo Phật còn được truyền bá vào nước ta từ Ấn Độ.
Với tinh thần dung hợp và khai phóng, cùng với những quan điểm, tư tưởng gần gũi với truyền thống của người Việt nên đạo Phật nhanh chóng phát triển và có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội ở nước ta, số lượng người theo đạo Phật ngày càng đông “Đất Giao Châu ngày nay dân chúng rất tôn sùng Phật giáo, lại có nhiều vị cao tăng giáo hóa, bốn phương thấy vậy đều quy y” [ 14; 133].
Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV, đạo Phật phát triển mạnh mẽ, và trở thành quốc giáo. Trong dân gian đến quá nửa là sư sãi, các vua Lý đều là những người sùng đạo Phật chính vì thế đạo Phật ngày càng ăn sâu, bén dễ vào mọi mặt của đời sống xã hội, phạm vi ảnh hưởng của nó ngày càng sâu rộng trong đó có chính trị.
Trong những thế kỉ XV – XVIII, ở nước ta có sự chuyển giao trên lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo: Nho giáo vươn lên thành hệ tưởng độc tôn của giai cấp thống trị, Phật giáo chỉ giữ một vị trí rất khiêm tốn trong đời sống xã hội.
Từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, là thời kì đạo Phật hưng thịnh trở lại, nhiều chùa, tháp được tu bổ và xây dựng mới.
Trong những năm 1954 – 1975, các tăng ni, Phật tử tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Từ năm 1975 tới nay, đất nước được thống nhất, đạo Phật ngày càng có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Các nhà sư, tăng ni, phật tử luôn sống “tốt đời đẹp đạo” góp phần to lớn vào giải quyết các vấn đề xã hội.
2. Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý
2.1. Khái quát về vương triều Lý
Cuối triều tiền Lê, Lê Long Đĩnh hoang dâm, hung tàn và bạo ngược làm cho lòng người vô cùng oán hận. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết. Thế lực nhà chùa đã đưa Lý Công Uẩn lên làm vua lập ra vương triều Lý.
Vương triều Lý tồn tại từ năm 1009 đến năm 1225. Trải qua hơn hai trăm năm tồn tại với chín vị vua trị vì, triều Lý đã tăng cường củng cố chế độ trung ương tập quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Đây là việc làm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố vị thế của một quốc gia độc lập. Hệ thống chính quyền được củng cố từ trung ương đến địa phương. Năm 1042, triều Lý ban hành bộ luật hình thư. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Năm 1075, triều Lý mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài. Quân đội nhà Lý được phiên chế quy củ, kỉ luật nghiêm minh đặc biệt nhà lý thực hiện chính sách”ngụ binh ư nông” kết hợp giữa kinh tế và quân sự theo tinh thần”tĩnh vi nông, động vi binh”.
Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển triển triều Lý đã có chính sách bảo vệ sức kéo, xây dựng nhiều công trình thủy lợi, mở mang buôn bán… làm cho nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp thời Lý tương đối phát triển.
Triều Lý hết sức quan tâm tới phát triển văn hóa, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ổn định xã hội. Dưới triều Lý cả đạo Phật, Nho giáo và Đạo giáo đều cùng tồn tại và phát triển không hề có sung đột tôn giáo”tam giáo đồng nguyên”. Tuy nhiên, đạo Phật được các vua Lý tôn sùng và có những chính sách ưu ái tạo điều kiện cho đạo Phật phát triển mạnh mẽ.Do đó Phật giáo trở thành tư tưởng chính thống quốc gia chi phối mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có chính trị.