Nhân Quả , Nghiệp & Luân Hồi – Chương II

V. KHÔNG NÊN LẦM TƯỞNG NGHIỆP LÀ HỒN

Có người nghĩ rằng nghiệp chi phối tất cả đời sống con người, nghiệp là chủ động, nghiệp tồn tại mãi mãi, thì nghiệp chẳng khác gì linh hồn bất tử. Độc lập một quan niệm sai lầm. Đạo Phật không bao giờ công nhận có linh hồn bất tử. Đạo Phật đã chủ trương mọi sự mọi vật, đều vô thường, thì không lý nào lại công nhận có một linh hồn vĩnh viễn trưòng tồn, bất biến.

Theo đạo Phật con người là một sự tổ hợp của năm nhóm (ngũ uẩn) vật chất và tinh thần: sắc (xác thân), và thọ, tưởng, hành, thức (tinh thần). Năm nhóm này biến đổi từng phút từng giây như một dòng nước. Khi mệnh chung, những nhóm ấy tan rã, nhưng kết quả của những hành động về thân, khẩu, ý của người ấy vẫn còn tác động. Cái còn lại đó là nghiệp. Cái nghiệp này chất chứa những ước vọng thầm kín, nhưng mãnh liệt nhất của con người, là sự tham sống và sự luyến ái. Nên biết một kẻ tự tử, cũng không phải là đã hết muốn sống. Họ không muốn sống cái đời họ đang sống nên họ muốn chấm dứt nó để sống một đời sống khác tốt đẹp hơn. Và như thế, động lực của sự tự tử vẫn là do lòng tham sống mãnh liệt hơn. Lòng tham sống và ái dục là những nguyên nhân chính của những hành động của con người lúc sống, thì khi chết, cái kết quả của những hành động ấy vẫn là lòng tham sống và ái dục. Do lòng tham sống và ái dục ấy, nên khi lâm chung, nghiệp lực rời bỏ thân các này và đi tìm một thân xác khác gá vào để thỏa mãn những ước vọng tham dục của mình. Đó là nguyên nhân của kiếp sau. Như thế, không cần có một linh hồn bất biến mới có đời sau. Sự nối tiếp từ đời này sang đời khác là do ở nghiệp cả. Nghiệp là động lực chính của dòng sinh mạng nối tiếp từ kiếp này sang kiếp khác, cũng như gió là nguyên nhân làm cho sóng dậy và tiếp nối từ làn này sang làn khác. Bao giờ còn gió nghiệp thì còn sóng đời. Gió nghiệp dừng nghỉ thì biển đời sẽ thanh tịnh. Và khi ấy sẽ không còn sống chết, đầy vơi gì cả.

VI. HÀNH TƯỚNG CỦA NGHIỆP LỰC TRONG KHI ĐI ĐẦU THAI

Sau khi một thân mạng đã trút hơi thở cuối cùng, nghiệp lực rời bỏ thân mạng ấy để đi tìm một thân mạng khác gá vào. Dắt dẫn bởi ái dục, nó đi tìm những cuộc giao phối giữa nam nữ. Nghiệp nhân quá khứ như thế nào thì nó đi tìm hoàn cảnh thích hợp với nghiệp nhân như thế ấy. Hoàn cảnh ấy đạo Phật gọi là y báo. Y báo có thể sáng sủa hay tối tăm, an vui hay buồn thảm, thanh tịnh hay ô uế … tùy sự lựa chọn thích hợp của nghiệp quá khứ. Như luồng điện phát ra ở đài phát thanh ngắn hay dài, bao nhiêu thước tấc thì nó sẽ tìm máy thu thanh vặn đúng thước tấc ấy để vào. Chỉ có khác là luồng điện có thể vào một lúc nhiều máu thu thanh, còn nghiệp lực thì chỉ đi dầu thai ở một nơi mà thôi. Một cái thai đậu được phải đủ ba yếu tố: tinh trùng của cha, trứng của mẹ, thần thức và nghiệp lực.

Thiếu một trong ba yếu tố ấy, thai không thành, Khi thai dã thành là một đời mới bắt đầu. Nói là mới, nhưng thật ra cái đời sau này vẫn còn mang những mầm giống của nghiệp nhân quá khứ. Những nghiệp nhân này cứ tuần tự theo cới thời gian và tùy hoàn cảnh mà phát triển dần. Những nghiệp nhân nào vì chưa đủ trợ duyên để phát hiện ra nghiệp quả trong đời này, thì có thể phát sinh trong một đời sau nếu hội đủ nhân duyên.

Trên đây, chúng tôi chỉ nói riêng về cái hành tướng của nghiệp lực trong khi đi đầu thai ở cảnh giới người.

Nhưng một nghiệp lực không phải chỉ quanh quẩn trong cảnh giới người, mà có thể đi tìm một cảnh giới khác trong sáu cảnh giới mà đạo Phật thường nói đến, là: Thiên, Nhân, A tu la, Ngạ Quỷ, Súc sinh và Địa ngục.

Đến đây, chúng ta thấy mở ra trước mắt chúng ta một vấn đề rộng rãi bao quát hơn. Đó là vấn đề luân hồi, mà chúng tôi xin trình bày  ở chương sau.

HT Thích Thiện Hoa

http://tuvien.com

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.